Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng đã có những phát ngôn mạnh mẽ thể hiện quyết tâm cao trong phòng chống
tham nhũng, tiêu cực.
Năm
2017, 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần gửi đi thông điệp mạnh mẽ
về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng ta. Mới đây, tại cuộc họp Ban Bí
thư Trung ương Đảng tổ chức sáng 10/4/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ
rõ, qua kiểm tra, các sai phạm đã được thẳng thắn chỉ ra, được khắc phục, sửa
chữa nhiều hơn và tác động vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội. Thực tế
cho thấy, không phải như một số dư luận lo ngại, chỉ có lo xây dựng Đảng, lo chống
tham nhũng sẽ làm nhụt chí, mà ngược lại, chính làm tốt công tác xây dựng Đảng,
phát huy ưu điểm, chống thoái hóa biến chất đã thúc đẩy các nhiệm vụ kinh tế-xã
hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại.
“Kết
quả năm 2017 chứng tỏ điều đó, không làm cho phong trào đi xuống mà còn đi lên.
Kinh tế-xã hội quý 1 lần đầu sau 10 năm đạt 7,38%. Có ý kiến cho rằng “phải làm
cẩn thận không nhụt chí không ai muốn làm”, rõ ràng tư tưởng đó sai. Tôi đã
nói, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm.
Đây là kinh nghiệm lớn, thực tế vừa qua như vậy, mặt được là như vậy, bây giờ tạo
phong trào toàn dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia phòng chống tham nhũng,
lãng phí, chống tiêu cực”-Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Trước
đó, tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng,
sáng 31/7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: đấu tranh phòng, chống
tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội. “Khi tiếp xúc cử tri,
tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi
khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc,
có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm
cũng không thể được, thế mới là thành công”
Phát
biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, sáng
11/10/2017, Tổng Bí thư đề nghị mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường
xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa
những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và
nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa).
“Từ
nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý
nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để
lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân” – Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tại
buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, sáng 12/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng cho biết, công cuộc chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, gian nan,
nhưng đấu tranh là để làm tình hình tốt lên chứ không phải xấu đi; làm sao để
cán bộ giác ngộ, mọi người không đi theo vết xe đổ. “Việc xử lý kỷ luật cán bộ
có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều
hơn”, Tổng Bí thư nhấn mạnh và cho rằng các tỉnh “phải đẩy mạnh hơn nữa việc
này, nếu không sẽ mất uy tín”.
Phát
biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, sáng
11/12/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Đoàn phải coi trọng giáo dục bằng
hành động, qua thực tiễn phong trào, lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với
lứa tuổi thanh niên. Đặc biệt, Đoàn cần định hướng, giáo dục thanh niên có ý thức
nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin và
luận điệu sai trái, tăng sức đề kháng cho thanh niên trước sự chống phá, xuyên
tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội; tránh tình trạng “nhạt
Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị”.
Lần
đầu tiên dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các
chính quyền địa phương, ngày 28/12/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh:
“Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu
hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn”.
Tổng Bí thư cũng lưu ý, chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn; không
say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó
khăn, thách thức, trong đó có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo dưới
không nghe”, kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi.
“Tăng
cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực,
vi phạm pháp luật; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc
nghiêm trọng, xã hội quan tâm; thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất
thoát” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Ngày
29/11/2017, tại cuộc tiếp xúc cử tri các quận Tây Hồ, Ba Đình và Hoàn Kiếm, báo
cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng,
công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có nhiều cố gắng, được triển
khai hiệu quả, bài bản hơn, tuy nhiên so với yêu cầu thì vẫn còn nhiều việc phải
làm.
“Không
chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông. Phải bằng luật pháp. Như tôi đã nói
là phải “nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp. Giao cho anh quyền
thì cũng phải có cái roi, cái đòn để anh không thể, không dám và không muốn
làm. Cử tri cả nước đồng thuận, Quốc hội đồng thuận, thì Trung ương có điều kiện
để làm tốt hơn. Chúng ta phải đi từng bước vững chắc, theo kinh nghiệm của
chúng ta”, Tổng Bí thư phân tích rõ thêm.
Tại
phiên họp thứ 13 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sáng
22/1/2018, người đứng đầu Đảng ta đề nghị các cơ quan chức năng chỉ đạo quyết
liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống
tham nhũng ở địa phương, cơ sở; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có
hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp
trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”), kiên quyết loại khỏi bộ máy của
Đảng và Nhà nước (nhất là trong cơ quan phòng, chống tham nhũng) những cán bộ
hư hỏng, tham nhũng.
0 nhận xét: