21/5/18

XỬ LÝ NGHIÊM HIỆN TƯỢNG " LOẠN NGÔN " TRÊN MẠNG XÃ HỘI


          Mặc dù đã có những quy định chặt chẽ để xử lý hành vi lợi dụng mạng xã hội xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân, nhưng một số cá nhân do thiếu hiểu biết hoặc bị kích động vẫn cố tình “nhờn luật”.
“Nhờn luật” không chỉ vì thiếu hiểu biết
          Thời gian gần đây, theo phản ảnh của bạn đọc đến Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành (TP Hồ Chí Minh), Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh thường xuyên đăng tải trên facebook cá nhân một số nội dung xúc phạm lãnh đạo cấp cao và ảnh hưởng đến đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
          Những nội dung ông này viết hết sức thô thiển, khiến người đọc bất bình, không nghĩ đây là những bài viết của một quan chức Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh. Sau khi nhận được thông tin bạn đọc phản ảnh, phóng viên đã liên hệ và ông Nguyễn Văn Đực thừa nhận mình là chủ nhân trang facebook có đăng tải các nội dung trên và đã gỡ bỏ một số nội dung đăng tải. Tuy nhiên, ông Đực cho biết vẫn “bảo lưu” nhiều bài viết và chưa xử lý hết những thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Nguyễn Duy Sơn bị khởi tố, bắt tạm giam vì sử dụng mạng xã hội vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự. Ảnh do Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp.

          Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết: “Việc ông Đực thường xuyên đăng tải thông tin trên trang cá nhân có nội dung nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hiệp hội cũng đã nắm được. Trong hai năm (2016, 2017) hiệp hội đã có văn bản cảnh cáo, nhưng ông Đực vẫn cố tình tái phạm”.
          Chiều 8-5 vừa qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Duy Sơn, sinh năm 1981, ở TP Sầm Sơn, cựu cán bộ quản lý học sinh, sinh viên của Trường dự bị Đại học Sầm Sơn về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự. Theo kết quả điều tra, từ tháng 12-2017 đến tháng 3-2018, Nguyễn Duy Sơn trực tiếp tạo lập, sử dụng tài khoản facebook, vào các trang mạng xã hội khác lấy thông tin liên quan đến những vấn đề về tham nhũng và tiêu cực, sau đó xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước và các đồng chí lãnh đạo rồi đăng tải, chia sẻ công khai trên facebook của mình kèm theo lời bình luận, hình ảnh minh họa, dẫn chứng không có thật, không có căn cứ; mục đích là hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương. Kết cục với Sơn là bài học đắt giá cho những người cố tình vi phạm pháp luật khi sử dụng mạng xã hội.
          Đầu tháng 2-2018, TAND TP Hồ Chí Minh cũng đã xét xử và tuyên phạt Hồ Văn Hải (54 tuổi, bác sĩ Phòng khám đa khoa Á Châu) 4 năm tù về tội Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam. Cơ quan chức năng đã xác định, trong số 75 bài viết đăng tải trên mạng và tàng trữ trong máy tính của Hải, có 36 bài vi phạm Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
          Xử lý nghiêm để không nhờn luật
          Có khá nhiều trường hợp vi phạm do chủ quan, đơn giản, thiếu hiểu biết pháp luật. Tháng 11-2017, Công an TP Vũng Tàu lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Trọng Tuấn (26 tuổi, quê ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) về hành vi xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Trước đó, Tuấn bị một phụ nữ trú tại tỉnh Bình Thuận tố cáo tài khoản facebook mang tên “Nguyễn Tuấn” đã có những bình luận xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của mình. Khi bị cơ quan công an xử phạt, chính Tuấn cũng ngỡ ngàng vì nghĩ rằng chỉ comment thì sẽ không bị cơ quan pháp luật “sờ gáy”.
          Hiến pháp 2013, tại Khoản 1, Điều 20 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Tùy theo mức độ vi phạm, tính chất của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
        Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay việc lợi dụng mạng xã hội để tán phát thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức có xu hướng gia tăng. Khá nhiều trường hợp người vi phạm không chỉ do thiếu hiểu biết pháp luật mà còn do chủ quan, đơn giản nghĩ rằng sẽ không bị xử lý nên “nhờn luật”. Do vậy, việc xử lý nghiêm minh như trường hợp Nguyễn Trọng Tuấn nêu trên và một số vụ việc bị khởi tố hình sự gần đây là hết sức cần thiết.

0 nhận xét: