22/5/19

Từ những câu hỏi trăn trở của Tổng Bí thư


“Chúng ta cần phát triển tối đa kinh tế tư nhân vì đây chính là con em bạn bè của chúng ta, là gia đình của chúng ta, của xã hội chúng ta chứ còn ai khác mà lấn cấn, do dự”.
Là phóng viên theo dõi thể chế kinh tế nhiều năm, tôi thật sự quan tâm đến phát biểu đầy trăn trở về phát triển các thành phần kinh tế của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII mới đây.
Tổng bí thư nói: “… Hay bây giờ nói kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; vừa qua kinh tế thị trường phát triển như thế được chưa? Có bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa không? Có lệch về phía nào không? Các thành phần kinh tế, các chế độ sở hữu như thế nào? Bây giờ chế độ sở hữu của ta như thế nào? Công hữu, tư hữu, hỗn hợp… Các thành phần kinh tế thì có nhà nước, tập thể, tư nhân, sở hữu hỗn hợp, có đầu tư nước ngoài. Chúng ta cứ thu hút đầu tư nước ngoài vào thật nhiều, ký kết thật nhiều thì rất hoan nghênh, nhưng đầu tư vào đây thì ta sẽ quản lý thế nào? Có phụ thuộc vào người ta không? Có giữ được độc lập tự chủ không?”
Ông nói tiếp: “Trong khi đó, yêu cầu là hội nhập kinh tế nhưng phải độc lập tự chủ. Bây giờ kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt. Hôm qua tôi có nói: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng. Tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa. Nhà nước cũng thế, không phải nhà nước tất cả cái gì đều tốt. Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát. Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không? Tôi nói ví dụ những vấn đề như vậy có cần bàn không? Lần này tôi nói mang tầm chiến lược là như thế…” (1)
Bài phát biểu của Tổng Bí thư được nhà báo Nhị Lê khẳng định là thể hiện “tầm nhìn chiến lược” và “nhìn tận chân trời để hoạch định bước đi cụ thể”. Nhà báo Nhị Lê cũng khẳng định, quan điểm của Tổng Bí thư về việc phát triển kinh tế tư nhân là “rất đổi mới”. (2)
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn tập trung vào sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân và khu vực doanh nghiệp nhà nước, là những doanh nghiệp dân tộc của Việt Nam, với mong muốn nêu bật lên tầm nhìn chiến lược của Tổng bí thư.
Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc đã xuất hiện các tỷ phú doanh nhân.
“Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân”
Trước hết, phải nhắc lại tinh thần của Chính phủ trong báo cáo trước Quốc hội ngày hôm qua: “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng; thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế”. Đây là mục tiêu nhất quán với Nghị quyết 10 năm 2017 của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân.
Trong hơn 2 thập kỷ nay, có nhiều ý kiến, kể cả của ngành thống kê, cho rằng, doanh nghiệp tư nhân trong nước không lớn nổi, chỉ chiếm vỏn vẹn 8-9% GDP. Nhận định như vậy, theo tôi phớt lờ một thực tế là các doanh nghiệp tư nhân đủ loại đang hiện diện ở mọi ngõ ngách của đời sống, cũng như các số liệu trong báo cáo chính thức.
Báo cáo với Quốc hội, Chính phủ khẳng định, vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng cao nhất và tăng nhanh nhất. Tốc độ tăng vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân các năm 2016, 2017 và 2018 lần lượt là 9,5%, 17,1% và 18,5%, cao hơn so với khu vực nhà nước (lần lược là 7,3%, 6,9% và 3,9%) và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (lần lượt là 10,4%, 12,8% và 9,6%).
Báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ cũng trích dẫn ghi nhận của IMF một cách đầy tự hào rằng, trong năm 2019 triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn khả quan nhờ nhiều yếu tố trong đó có cam kết của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, “lấy khu vực kinh tế tư nhân làm động lực chính”.
Bên cạnh đó, theo báo cáo điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê tháng 2/2018, hàng loạt các chỉ tiêu của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước đều vượt trội so với khu vực doanh nghiệp nhà nước về vốn, doanh thu, lợi nhuận, đóng góp vào ngân sách nhà nước, về lao động,…
Về nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, tại thời điểm cuối năm 2016 các doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút tới 16,75 triệu tỷ đồng, chiếm 55,5% vốn của toàn bộ doanh nghiệp. Trong khi đó, tổng vốn huy động vào sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước là 8,36 triệu tỷ đồng, chiếm 27,7% tổng vốn của toàn bộ doanh nghiệp.
Về doanh thu, các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra được 9,76 triệu tỷ đồng, chiếm 56% doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp năm 2016. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng doanh thu.
Về lợi nhuận, năm 2016 các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra hơn 188 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 26,4% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước tạo ra hơn 197 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,7% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp.
Về đóng góp cho ngân sách, năm 2016 các doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp vào ngân sách nhà nước cao nhất với 434,7 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 17%/năm giai đoạn 2010-2016. Khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng góp 277,3 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10,4%/năm giai đoạn 2010-2016.
Tính đến cuối 2016, các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo nhiều việc làm nhất với 8,57 triệu, cao hơn nhiều so với 1,31 triệu việc làm của doanh nghiệp nhà nước.
Tổng cục Thống kê cho biết, doanh nghiệp nhà nước chỉ có 2.663, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số 505.067 doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước tại thời điểm cuối năm 2016.
Những con số thống kê trên cho thấy, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã lớn mạnh như thế nào, dù bị o ép, bị phân biệt đối xử ngay trên sân nhà. Nếu các nhà điều hành căn cứ vào những số liệu này thì có lẽ vai trò của khu vực doanh nghiệp này đã khác.
Tất nhiên, trong sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân đang xuất hiện các biểu hiện của cái gọi là chủ nghĩa tư bản thân hữu. Theo đó, những doanh nghiệp thân hữu nhận được thiên vị, tiếp tay của các quan chức trong việc tiếp cận đất đai, tài chính, ngân sách, giấy phép, giảm thuế và vô vàn các ưu đãi khác.
Một môi trường dung dưỡng cho thành tựu kinh doanh của một số doanh nghiệp dựa trên sự thông đồng, quan hệ thân thiết của họ với các quan chức của chính quyền chắc chắn không phải là mảnh đất cho sự phát triển công bằng, lành mạnh cho số đông các doanh nghiệp khác.
Mối đe doạ lớn nhất đối với sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nước không phải là DNNN, hay FDI mà chính là các ‘doanh nghiệp sân sau’ đang móc ngoặc, thông đồng với các quan chức để trục lợi trên nền tảng của công. Những biểu hiện này tôi đã phân tích trong bài “Doanh nghiệp sân sau”.
“Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát”
Nhận định này phải nói là vừa đúng lại vừa trúng.
Cách đây vài năm, tôi đến một bản vùng cao cực kỳ heo hút ở một tỉnh biên giới phía Bắc. Thật kỳ lạ trong cái bản đầy vẻ nghèo đói đó lại có điện, điều rất khó tưởng tượng. Hóa ra EVN đã xây một đường điện rất đắt tiền và cắt cử nhân viên “trèo đèo, lội suối” theo đúng nghĩa đen để thu được hơn trăm ngàn tiền điện. Ở nhiều vùng khác sâu, vùng xa khác, nếu không có doanh nghiệp nhà nước thì chả ai xây trạm xăng, dầu ở đó vì sức mua rất kém.
Kể ra những ví dụ trên cho thấy, nếu không có doanh nghiệp nhà nước thực hiện mục tiêu “an sinh xã hội” thì có lẽ không có doanh nghiệp tư nhân nào lại bỏ tiền đầu tư, thuê người trông nom để làm những công việc phục vụ bà con là chính thay vì lợi nhuận.
Tất nhiên, để giải quyết mục tiêu an sinh xã hội, Nhà nước cần tách nhiệm vụ này ra khỏi trách nhiệm, nhiệm vụ tìm kiếm lợi nhuận, kinh doanh có hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước để hoạt động của họ tách bạch, sòng phẳng hơn.
Ở góc độ khác, sự phát triển thần kỳ của Viettel, doanh nghiệp tiên phong kết nối mạng 5G, cũng là một điển hình của sự thành công ở khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Song, không thể không thừa nhận, trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước vẫn đang áp đảo vì được ưu đãi, được o bế.
Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), xét về quy mô tổng nguồn vốn, doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ 79% lĩnh vực khai khoáng; 91% trong lĩnh vực sản xuất, phân phối điện; 65% trong lĩnh vực cung cấp nước, xử lý rác thải; 80% trong lĩnh vực thông tin, truyền thông… Đó là chưa kể đến các hệ thống cơ sở hạ tầng, kho bãi, mạng truyền tải điện, mạng viễn thông, hệ thống cung cấp xăng dầu, mạng lưới các cơ sở cung cấp tài chính, tín dụng mà các doanh nghiệp này nắm giữ.
Nếu xét riêng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, phần lớn nguồn lực tập trung vào 7 tập đoàn (đang nắm giữ 66% tài sản; gần 67% vốn chủ sở hữu) và hơn 60 tổng công ty nhà nước khác.
Tuy nhiên, thật đáng ái ngại, để tạo ra 1 đồng giá trị gia tăng, doanh nghiệp nhà nước đang phải sử dụng nhiều vốn hơn doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước. So sánh với doanh nghiệp khác năm 2017, doanh nghiệp nhà nước chiếm 29% nguồn vốn kinh doanh nhưng chỉ tạo ra 16% doanh thu thuần.
Tổng tài sản của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo sổ sách là 148 tỷ USD, nhưng thực tế còn nhiều  hơn vì chưa tính tới giá trị sử dụng đất, các nguồn tài nguyên và các lợi thế khác. Nếu cộng thêm tài sản của các doanh nghiệp có vốn chi phối của nhà nước thì con số này đã lên tới 275 tỷ USD, tính cả giá trị tài sản của các tổ chức sự nghiệp thì sẽ thêm khoảng 50 tỷ USD…
Tôi nhớ một nhận định của Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, nếu tăng hiệu quả sử dụng khối tài sản này thêm 1%, thì phần giá trị gia tăng lợi nhuận từ phần vốn nhà nước có thể tương đương từ 0,8-0,9% GDP hàng năm. Đây là điều có cơ sở thực tiễn chứ không phải hão huyền.
Trong bối cảnh hiện nay, khi cổ phần hóa đang chững lại rất nghiêm trọng, thì dù muốn hay không chúng ta vẫn phải đối diện với thực tế là các doanh nghiệp nhà nước lớn vẫn tiếp tục là “chủ đạo” trong tăng trưởng kinh tế lẫn thực hiện mục tiêu “an sinh xã hội”.
Tuy nhiên, Nhà nước cần tạo các chuẩn mực quản trị, chế độ báo cáo minh bạch, và nhất là thực hiện trách nhiệm giải trình ở khu vực này.
Thật khó vẽ lên bức tranh chung về doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, mà tôi thích gọi là doanh nghiệp dân tộc, như có lãnh đạo từng nêu. Liệu quan hệ của hai khu vực này có triệt tiêu nhau, hay có thể cùng cộng sinh mà vẫn mang lại thịnh vượng cho đất nước?
Vì sao không tạo mọi điều kiện thuận lợi để khu vực doanh nghiệp dân tộc phát triển thật sự mạnh mẽ, cạnh tranh với khu vực, với thế giới, mà lại chỉ ưu ái doanh nghiệp FDI? Nền tảng như vậy thì làm sao có một nền kinh tế hùng cường và tự chủ?
Tôi nhớ mãi một nhận xét của nhà kinh tế Nguyễn Quang Thái: “Chúng ta cần phát triển tối đa kinh tế tư nhân vì đây chính là con em bạn bè của chúng ta, là gia đình của chúng ta, của xã hội chúng ta chứ còn ai khác mà lấn cấn, do dự”.
Hi vọng rằng, các văn kiện cho Đại hội XIII sẽ có những chủ trương lớn, “mang tầm chiến lược” để giải quyết những vấn đề phát triển như trên, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.


0 nhận xét: