Ngày 8/6, Thứ trưởng Bộ Ngoại
giao Nhật Bản, ông Norikazu Suzuki đã bày tỏ vui mừng khi Việt Nam được bầu làm
Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ
2020-2021, đồng thời hy vọng Việt Nam sẽ phát huy vai trò lãnh đạo đối với cộng
đồng quốc tế trong việc ổn định nền hòa bình thế giới.
Ông Norikazu Suzuki, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Đào Tùng/TTXVN |
Trả lời phỏng vấn phóng viên
TTXVN tại Nhật Bản, Thứ trưởng Suzuki nói: “Nhật Bản rất vui mừng khi Việt Nam
được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và xin chúc mừng toàn thể người
dân Việt Nam. Tôi mong muốn Việt Nam phát huy sự lãnh đạo đối với cộng đồng quốc
tế trong việc ổn định nền hòa bình thế giới”.
Thứ trưởng Suzuki cũng cho biết
hiện nay, Nhật Bản đang thúc đẩy Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và
rộng mở. Do đó, Nhật Bản “mong muốn cùng Việt Nam phát huy sự lãnh đạo tại khu
vực ASEAN và châu Á-Thái Bình Dương vì sự ổn định và phồn vinh” của khu vực.
Liên quan đến quan hệ Việt – Nhật,
Thứ trưởng Suzuki cho rằng quan hệ cấp cao giữa hai nước đang tiến triển, thể
hiện qua chuyến thăm Nhật Bản gần đây của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao
Phạm Bình Minh và chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để
dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20).
Bên cạnh đó, giao lưu nhân dân
giữa hai nước cũng đang phát triển mạnh, theo đó tổng số khách du lịch Việt Nam
thăm Nhật Bản và Nhật Bản thăm Việt Nam đã vượt mức 1 triệu người. Ông khẳng định:
“Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục thúc đẩy những mối giao lưu như vậy”.
Trước đó, phát biểu tại lễ khai
mạc Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản ở thủ đô Tokyo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt
Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam đã bày tỏ cảm ơn Chính phủ và người dân Nhật Bản
đã ủng hộ Việt Nam trong quá trình ứng cử để trở thành Ủy viên không thường trực
của HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Ngay sau khi Việt Nam trúng cử Ủy
viên không thường trực HĐBA LHQ với số phiếu 192/193, đại diện nhiều nước tại
LHQ đã gửi lời chúc mừng.
Trên trang Twtter, Đại sứ Burhan
Gafoor, Trưởng phái đoàn Singapore tại LHQ viết: “Chúc mừng Việt Nam đã được bầu
vào HĐBA LHQ với số phiếu cao nhất”. Trưởng phái đoàn Singapore tại Liên hợp quốc
bày tỏ: “Vinh dự khi đại diện Singapore bỏ phiếu bầu cho Việt Nam. Singapore có
quan hệ tuyệt vời với Việt Nam và chúng tôi tin trưởng Việt Nam sẽ đảm nhận xuất
sắc vai trò này”.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth
Ward cũng chúc mừng Việt Nam trên trang Facebook cá nhân ngay sau khi kết quả bỏ
phiếu được công bố. Đại sứ Gareth Ward viết: “Chúc mừng Việt nam sắp trở thành Ủy
viên không thường trực HĐBA LHQ. Anh sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt
Nam”.
Đại sứ Australia tại LHQ Gillian
Bird chúc mừng 5 nước vừa được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ
nhiệm kỳ 2020-2021 bao gồm Việt Nam, Estonia, Niger, St Vincent và Grenadines,
và Tunisia.
Đối với Việt Nam, bà Gillian
Bird bày tỏ hào hứng khi có thêm một thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông
Nam Á (ASEAN), sau Indonesia, có mặt trong HĐBA LHQ. Trên Twitter, bà viết: “Thật
tuyệt vời khi có hai quốc gia láng giềng ASEAN là Việt Nam và Indonesia cùng có
mặt trong HĐBA LHQ năm 2020”.
Gửi lời chúc mừng tới Việt Nam,
đại sứ các nước tại LHQ cũng bày tỏ kỳ vọng vào những đóng góp tích cực của Việt
Nam cho cộng đồng quốc tế trong nhiệm kỳ sắp tới.
Trong khi đó, tờ Washington
Times có bài viết nhận định: “Tầm quan trọng của Việt Nam đối với an ninh quốc
tế đã tăng lên đáng kể sau Hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á – Thái Bình
Dương (APEC) diễn ra tại Đà Nẵng.
Và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều
Tiên mà Việt Nam là nước chủ nhà đã củng cố uy tín của nước này với tư cách nước
hòa giải. Là ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ, Việt Nam sẵn sàng sử dụng
các kỹ năng ngoại giao mềm và cam kết hội nhập quốc tế”.
Là một trong 6 cơ quan chính của
LHQ, HĐBA có 15 nước ủy viên, trong đó 5 ủy viên thường trực và 10 ủy viên
không thường trực được bầu với nhiệm kỳ 2 năm. Đây là cơ quan duy nhất của LHQ
có quyền quyết định đánh giá thực tại các mối đe doạ đối với hoà bình hoặc phá
hoại hoà bình, đưa ra khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến
hành để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế.
0 nhận xét: