Năm 1990, cơn bão số 10 đổ bộ vào khu vực Nam biển Đông với sức gió giật trên cấp 12, tạo ra sóng lớn như nuốt lấy nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, cuốn phăng 9 cán bộ, chiến sỹ xuống biển. Sau nhiều giờ chống chọi với sóng nước biển khơi, 3 người vĩnh viễn không trở về.Trong đó, câu chuyện về hành động cao đẹp của thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, người Bí thư Chi bộ mẫu mực vẫn làm lay động bao người. Trong lúc cận kề với cái chết, anh vẫn luôn động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Trước những đợt sóng dữ dội vùi dập, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho chiến sỹ yếu nhất, để rồi thanh thản đi vào lòng biển sâu.
Và 8 năm sau ngày 12-12-1998. Cơn bão Faith đang quét qua vùng biển DK1-6 Phúc Nguyên
Lệnh báo động từ sở chỉ huy: Tất cả các nhà giàn chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng đối phó với sóng gió và tình trạng rung lắc mạnh của các nhà giàn, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra khi nhà giàn bị đổ. Cùng lúc đó, tất cả tàu hải quân có mặt ở khu vực được lệnh nhanh chóng về Côn Đảo tránh bão. Hệ thống thông tin của sở chỉ huy quân chủng, lữ đoàn M71, tất cả các tàu, nhà giàn đều cùng một kênh liên lạc theo quy định. Mặt biển bãi đá cạn Phúc Nguyên trở nên mịt mù, gió rít từng cơn, sóng bạc đầu tung bọt trắng xóa. Cơn bão số 8 tràn qua, Nhà giàn 2A/DK1-6 Phúc Nguyên trở nên bé nhỏ, cô đơn trước thiên nhiên hung dữ. Mấy đêm liền, anh em trên nhà giàn chập chờn không ngủ được. Đêm 12-12, những đợt sóng tựa như những quả núi đánh vào chân nhà giàn, khiến nhà giàn rung lên bần bật.
Các cửa nhà được đóng kín, lúc đó đi ra ngoài các anh phải bám chặt vào thành lan can, gió mạnh như muốn hất tung người xuống biển. Trên nhà giàn lúc ấy có 9 anh em tất cả: trạm trưởng Vũ Quang Chương, trạm phó Dương Văn Hoan. Ngoài ra còn có y sĩ Nguyễn Hữu Tôn, nhân viên cơ yếu Hà Công Dụng, nhân viên thông tin Hoàng Văn Thủy, nhân viên báo vụ Phí Ngọc Thuật, pháo thủ Nguyễn Văn Thơ, nhân viên ra đa Lê Đức Hồng, nhân viên cơ điện Nguyễn Hữu An.
Khoảng 22h50p, một cơn sóng to tràn qua nhà giàn, nhà bị nghiêng đi. Đồ đạc trong nhà bị đổ tung tóe, chiếc tivi trên bàn rơi xuống, ấm chén bay loảng xoảng, toàn bộ giá gạo trong kho đổ sập, giường tủ bàn ghế chạy đi, chạy lại. Trưởng trạm Chương ra lệnh Hoàng Văn Thủy báo cáo tình nhà bị nghiêng về đất liền. Chỉ huy từ đất liền động viên anh em bám trụ, sẽ cử tàu ra đón người. Vũ Quang Chương triệu tập cuộc họp toàn trạm, anh động viên tinh thần anh em: “Đây là giờ phút nguy nan, thử thách lòng can đảm của những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Chúng ta quyết tâm bám giữ trạm đến cùng. Trường hợp nguy cấp, có lệnh của tôi mới được rời vị trí”.
Đề phòng tình huống xấu, anh phân công mọi người chuẩn bị áo phao, phao cứu sinh, phao bè… Hơn 12 giờ đêm, dây nguồn điện của máy sóng ngắn M700 TY nối ắc quy bị đứt, Hoàng Văn Thủy bình tĩnh khắc phục sự cố, nối lại dây nguồn. Vừa lên máy đã nghe tiếng gọi các nhà giàn và đất liền “Sông Lam 42 (tên liên lạc của nhà giàn 2A/DK1-6 Phúc Nguyên) lên máy đi Đà lạt 01 gọi?”. ( mật ngữ được thay đổi liên tục)
Hoàng Văn Thủy giọng lạc đi báo về đất liền: “Báo cáo thủ trưởng cùng các đồng đội nhà rung mạnh không thể chịu đựng nổi qua đêm nay”. Tiếng chị Vân, nhân viên trực thông tin tại Hải Phòng gọi vào động viên: “Em Thủy ơi, chị luôn ở bên em, anh em ngoài đó cố gắng bám trụ nhé, các chú sẽ điều tàu ra cứu em và đồng đội của em”. Khoảng 1 giờ 45 phút sáng, gió to làm đứt dây an ten mất liên lạc.
Thủy báo cáo với Chương, Chương ra lệnh cho Thủy tìm mọi cách khắc phục nối thông tin để nhận lệnh từ Sở chỉ huy. Hoàng Văn Thủy hiểu rõ trách nhiệm người chiến sĩ thông tin, bằng mọi giá phải nối thông liên lạc để ở nhà đỡ lo lắng. Anh trèo lên nóc nhà giàn, gió to thổi u u như muốn hất anh xuống biển, những hạt mưa quất vào mặt dan dát. Không chùn bước, anh lần tìm chỗ đứt an ten nối lại.
2 giờ sáng, thông tin lại thông suốt, tiếng gọi từ các đài tha thiết: “Sông Lam 42, Sông Lam 42, trả lời đi, Sông Lam ơi… nhà giàn có còn không? Các đồng chí ơi đâu rồi?”.Nhưng tất cả chìm trong im lặng, những đồng đội đang trên biển và đất liền từ Sở chỉ huy đều nghĩ rằng nhà giàn 2A đã bị bão đánh đổ. Trung úy Nguyễn Văn Hoan vào kho lấy bao gạo ra chèn phao cứu sinh liền bị giá gạo đổ sập xuống vào chân. Hoàng Văn Thủy thì bị chiếc tủ sắt đổ vào người. Sóng mỗi lúc một to, Chương ra lệnh cho anh em mặc áo phao sẵn sàng thoát khỏi nhà giàn.Va lấy dây mồi buộc vào tay nhau để khi nhà đổ xuống biển vẫn tìm thấy nhau.
2g30 phút cùng ngày, tiếng c/s báo vụ Hoàng Xuân Thủy đột ngột vang lên: “2A gọi sở chỉ huy… 2A gọi sở chỉ huy…”. Tất cả anh em trên tàu HQ 606 không ai bảo ai, đồng loạt hô lên: “2A chưa đổ! 2A chưa đổ! Thật tuyệt vời!”. Nhưng niềm vui không kéo dài. Tiếng Hoàng Xuân Thủy lại vang lên trong máy: “Báo cáo sở chỉ huy, nhà 2A mất liên lạc là do nhà nghiêng quá, hệ thống ăngten bị đổ. Hiện nay nhà đã nghiêng dữ dội, chắc chỉ trụ được năm bảy phút nữa. Vũ khí, tài liệu đã được anh em gói cẩn thận. Anh em chuẩn bị rời nhà khẩn cấp”. Tiếng chị Vân từ sở chỉ huy bên kia máy đáp gọn gàng: “Sở chỉ huy nhận đủ”!
Bỗng nhiên mọi người nghe Hoàng Xuân Thủy nói đầy xúc động: “Sở chỉ huy cho anh em nhà 2A gửi lời chúc tết đến thủ trưởng quân chủng, lữ đoàn, gửi lời chúc tết tới gia đình chị cùng tất cả đồng chí đồng đội”.
Rồi giọng Thủy chùng xuống đầy tha thiết: “Chị Vân ơi! Em là Hoàng Xuân Thủy. Quê em ở Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Bố em là Hoàng Văn Sơn, mẹ em là Lê Thị Thịnh. Nếu em chết, nhờ chị viết thư về báo tin cho nhà em biết. Tạm biệt chị! Tạm…”.
Trời ơi, lời nói cuối cùng của Thủy đã bị sóng gió chặt đứt hẳn. “Sở chỉ huy gọi 2A… Sở chỉ huy gọi 2A… 2A đâu… 2A đâu… 2A đâu… đâu…”. Giọng chị Vân từ sở chỉ huy lạc đi. Chị khóc thành tiếng. Tiếng khóc của một đồng đội, tiếng khóc của một người phụ nữ, một người chị hòa trong gió bão xé nát ruột gan mọi người.
Lúc 3 giờ 30 phút, một cơn sóng lớn tràn qua máy phát điện bị đổ, đèn phụt tắt. Sau khi nhận được lệnh cuối cùng từ sở chỉ huy, Đại úy Vũ Quang Chương hô lớn: “Tất cả chuẩn bị rời trạm, khi xuống biển nhanh chóng bám chặt vào phao!”. Dù được lệnh như vậy nhưng những người lính nhà giàn DK1 vẫn kiên cường không rời nhà giàn, quyết bám trụ đến phút cuối cùng. Rồi một cơn sóng kinh hoàng, dựng đứng như vách núi, đập mạnh vào nhà giàn, trùm lên đầu họ.
Nhà giàn không trụ được nữa. Lúc đó khoảng 4 giờ kém 10 ngày 13-12-1998. Đại úy Chương lệnh cho tốp đầu bám phao cứu sinh nhảy xuống biển trước. Chương và Thủy bật khỏi nhà giàn sau cùng. Thủy mang theo tài liệu mật của ngành thông tin và súng pháo hiệu với 10 viên đạn.
Trước khi lao xuống biển Thủy còn kịp gọi về đất liền gửi lời chào: “Chúng em chào các thủ trưởng, chúng em đi đây”. Anh còn nghe tiếng gọi của Chương: “Nhảy ra đi Thủy ơi! Nhà đổ rồi…”, lòng của cán bộ, chiến sỹ kíp trực trong đất liền lúc này nghẹn thắt.
Đại úy Vũ Quang Chương trong giờ phút sinh tử ấy vẫn bình tĩnh chỉ huy anh em rời nhà giàn, đồng thời anh thu xếp tài liệu, cuốn lá cờ đỏ sao vàng vào lòng rồi rời nhà giàn sau cùng.
Nhưng ác nghiệt thay, phong ba bão táp, sóng thần dữ dội đã cướp đi sinh mạng của anh và 2 đồng đội là nhân viên cơ điện Nguyễn Hữu An và nhân viên ra đa Lê Đức Hồng. 6 anh em còn lại, vật lộn với sóng biển suốt 14 tiếng trên biển.
Tin dữ lan nhanh trên các nhà giàn khác ở DK1: 2A ĐÃ ĐỔ! Chín đồng đội làm sao chịu nổi những cột sóng bão cao 15-20m? Ai sống ai chết? Tin dữ ấy cũng làm bàng hoàng những đồng đội của họ ở Hải Phòng, Cam Ranh, Vũng Tàu sau khi Hoàng Xuân Thủy nói lời vĩnh biệt đất liền. Mai Thắng, chính trị viên đại đội thông tin lữ đoàn 171, trực ở đài canh thông tin lúc ấy, kể: “Chúng tôi không thể nào quên được chuyện đã xảy ra vào đêm gió bão ấy và đau đớn đến mức không khóc được. Chính tôi là người đã công tác bảy tháng ở nhà giàn Phúc Nguyên 2A nên hiểu chuyện gì xảy ra với đồng đội mình. Nhưng không chỉ tôi. Hai phần ba đại đội thông tin trực đêm ấy đã lặng người đi. Hết ca trực đêm ấy về nhà anh em vẫn không thể nào ngủ được”.
Cũng buổi sáng hôm ấy, tin sập nhà giàn 2A đã lan nhanh trong gia đình cán bộ chiến sĩ lữ đoàn 171. Những người vợ lính tụm lại, buồn bã chia nhau từng chút thông tin về số phận chín đồng đội của chồng họ. Có một người phụ nữ trẻ dường như chết đứng ngay tại ngôi chợ nhỏ gần căn cứ lữ đoàn 171. Đó là vợ của sĩ quan quân y Nguyễn Hữu Tôn, một trong chín người bị bão biển cuốn đi. Chị lao về nhà, chỉ để nhìn hai đứa con bé bỏng, rồi khóc và chờ đợi.
Vào lúc 5g30 ngày 13-12-1998, tàu HQ 606 được lệnh khẩn cấp từ sở chỉ huy: quay tàu vào hướng bão, tìm và cứu đồng đội 2A! “Đó không chỉ là mệnh lệnh của cấp trên mà là mệnh lệnh của lương tâm chúng tôi!” – thiếu tá Nguyễn Văn Tôn bồi hồi nhớ lại. Lúc này sóng gió vẫn đang cấp 8, cấp 9 nên tàu không thể chạy nhanh được, chỉ khoảng 3-4 hải lý một giờ. Rất chậm so với tình huống khẩn cấp như thế này. Đại úy thuyền trưởng Lê Văn Muộn ra lệnh cho anh em trên tàu tập trung quan sát bằng ống nhòm, không để sót vật trôi xung quanh tàu, vì những vật trôi có thể là dấu hiệu để tính toán dòng chảy từ thời điểm nhà 2A bị nạn. Mãi đến 16g tàu HQ 606 mới đến được tọa độ cần tìm kiếm. “Chúng tôi căng mắt quan sát – thiếu tá Tôn kể – Vì đây là khu vực tâm bão đi qua nên rất nhiều mảnh vỡ của gỗ, can nhựa, thùng xốp… trôi trên biển. Chúng tôi luôn hi vọng những vật đang trôi xa xa kia là những phao bè, phao cứu sinh mà đồng đội 2A đang bám vào. Nhưng khi tàu chạy đến gần, chúng tôi lại òa lên thất vọng”.
Ngoài HQ 606, Bộ tư lệnh Hải quân đã điều thêm ba tàu HQ 624, HQ 608, HQ 957 nhanh chóng về tọa độ X để tham gia chiến dịch tìm kiếm cứu nạn. Bốn tàu chạy theo kiểu bừa răng lược và chia nhau tìm kiếm, không bỏ sót vùng biển nào đã được đánh dấu trên hải đồ. Nhưng vẫn vô vọng và trời đang ngả về chiều. Thiếu tá Tôn nhớ lại giờ phút tuyệt vọng đó: “Chúng tôi hết sức sốt ruột vì trời tối thì việc tìm kiếm sẽ rất khó khăn. Và liệu anh em nhà 2A có đủ sức chịu đựng để qua nổi sóng gió lạnh buốt thấu xương đêm nay không! Mặt trời khuất dần và những tia hi vọng cũng tắt dần theo thời gian”. Họ phải đối mặt với những con sóng kinh hoàng như muốn nhấn chìm họ xuống biển sâu, những giọt mưa táp vào mặt…
17 giờ 30. Trời đã chạng vạng. Thật kinh khủng nếu chiếc phao bè này trôi vào đêm tối. Họ sẽ không còn đủ sức đến ngày mai. Đúng vào lúc đó, đài chỉ huy tàu HQ 606 nghe tiếng thét nghẹn ngào của thượng úy Nguyễn Văn Minh Tông từ vị trí quan sát: “Báo cáo đài chỉ huy… Báo cáo… Có người trên phao! Có người trên phao…”. Thuyền trưởng Lê Văn Muộn vừa khóc vừa báo về đất liền một cái tin ai cũng chờ đợi. Sáu chiến sĩ hải quân nhà giàn 2A được cứu sống và được đưa lên tàu HQ 606 lúc 18g54 ngày 13-12-1998.
Còn ba người nữa! Đồng đội trên các tàu hải quân lữ đoàn 171 tiếp tục tìm kiếm ngày thứ hai, ngày thứ ba và nhiều ngày sau đó. Vẫn không tìm thấy, họ đã hòa mình vào thềm lục địa của Tổ quốc. 3 cán bộ, chiến sỹ hy sinh là đại úy Vũ Quang Chương, chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng và thiếu úy Nguyễn Hữu An
Qua bộ đàm câu cuối cùng các anh kịp gửi về Sở chỉ huy là lời chào chúng tôi xin "vĩnh biệt đất liền!". Trước khi hòa mình vào lòng biển, đại úy Vũ Quang Chương đã ôm lá cờ Tổ quốc vào lòng, chiến sĩ Nguyễn Hữu An vẫn hy vọng được gặp đứa con trai chưa một lần biết mặt với tâm sự trước lúc ra đi: "Em chết thì có gì đâu, chỉ thương vợ em mới đẻ, em chưa biết mặt con”, còn Chiến sĩ Lê Đức Hồng mang theo hình bóng lá thư viết chưa gửi và lời hẹn ước của người vợ sắp cưới xuống đáy biển sâu.
Những tấm gương dũng cảm của Thuyền phó, Thượng úy Phạm Tảo, Thượng úy Trần Văn Là, Chuẩn úy Lê Tiến Cường, Chiến sĩ Tạ Ngọc Tú, Chiến sĩ Hồ Văn Hiền... những người đã vì đồng đội thân yêu, bất chấp hiểm nguy, hy sinh thân mình, tự nguyện đi vào vùng bão tố để cứu vớt các chiến sĩ nhà giàn bị nạn, không một chút đắn đo. Các anh đã nằm lại giữa biển khơi để cho đồng đội được sống.
Hình ảnh liệt sĩ Vũ Quang Chương ôm cờ Tổ quốc thanh thản đi vào lòng biển đã trở thành cột mốc chủ quyền bất tử, hiên ngang giữa biển khơi.
Chiếc bè phao đã cứu sống 6 người giờ là vật kỷ niệm
Nguồn: Trung úy Dương Văn Hoan - Chỉ huy phó nhà giàn DK1/6