Cụm tình báo H63 đã đưa tên tuổi nhà tình báo Phạm
Xuân Ẩn trở thành một trong những điệp viên xuất sắc nhất mọi thời đại.
Với sự giúp đỡ, bảo vệ, che chắn của cụm trưởng Tư
Cang và các anh em giao thông liên lạc đã sẵn sàng hi sinh chứ không chịu tiết
lộ bí mật của điệp viên, Phạm Xuân Ẩn đã trở thành một “điệp viên hoàn hảo” đến
giây phút cuối cùng của cuộc chiến, trở thành Thiếu tướng – Anh hùng LLVTND –
nhà tình báo xuất sắc nhất của ngành tình báo Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (biệt danh Tư Cang) – cụm trưởng
cụm H63 Anh hùng cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Họ là hai người
đồng chí đã sát cánh bên nhau trong những lúc gian nan, ngặt nghèo nhất.
Hồ sơ về nhà tình báo Tư Cang trong bộ tổng tham mưu
ngụy và sự cảnh giác không thừa của người cụm trưởng cụm H63
Đại tá tình báo Tư Cang nhận nhiệm vụ làm cụm trưởng cụm
tình báo H63 từ năm 1962, là mạng lưới tình báo hậu thuẫn cho hoạt động của điệp
viên Phạm Xuân Ẩn.
Trước đó, H63 tên là A18: “Cụm A18 là một cụm đặc biệt
quan trọng, với điệp viên quan trọng nhất là Phạm Xuân Ẩn. Nên chúng tôi làm việc
với tinh thần bảo vệ Phạm Xuân Ẩn tuyệt đối. Việc đổi tên cụm cũng là một cách
để “cắt đuôi” những kẻ theo dõi, nghi ngờ hoạt động của cụm, vì chắc chắn trong
những năm đó, tình báo địch chắc hẳn đã hơn 1 lần tỏa đi tìm thông tin về A18”
– ông Tư Cang nhớ lại.
Đại tá tình báo Tư Cang.
Kể từ khi làm cụm trưởng cụm tình báo H63 – A18, ý thức
được tầm quan trọng của cụm và việc giữ an toàn cho Phạm Xuân Ẩn, nên cụm trưởng
Tư Cang đã hy sinh rất nhiều, những hy sinh thầm lặng mà suốt nhiều năm trời, đồng
đội của ông trong cụm H63 – A18 hầu như không ai biết.
Năm 1954, khi Tư Cang ra miền Bắc tập kết, ông chưa từng
một lần gặp con gái. Vợ ông gửi một tấm hình con gái, ông mới biết con gái mình
mặt mũi ra sao. Tấm hình đó ông nâng niu, giữ gìn đến nỗi, có lần bị địch càn,
phải bơi qua sông, ông ôm theo bọc vải chứa hình con gái, một tay bơi, một tay
giơ bọc vải lên cao, vì sợ hỏng mất hình con.
Đến năm 1962, khi trở về miền Nam, ông gọi vợ con ra
chiến khu, gặp nhau trong chốc lát rồi tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Kể từ
đó đến năm 1975, ông không có dịp về nhà gặp con gái mình.
Ngày đó, vợ ông làm việc cho một ngân hàng và sống
ngay trong thành phố. Con gái ông cùng mẹ ở đó. Biết vợ con ở ngay trong thành,
biết cả con ngõ nhỏ vào nhà, nhưng mỗi lần đi qua cư xá nơi vợ con đang sống,
bao giờ ông cũng phải cố nhấn ga đi cho thật nhanh.
Có những lần cái đầu, cái tay ông điều khiển xe đi thẳng,
nhưng trái tim ông thì cứ thôi thúc rẽ vào con ngõ ấy, để được về với vợ, với
con trong chốc lát. Nhưng cuối cùng, cái đầu tỉnh táo của một nhà tình báo đã
chiến thắng. Ông lái xe đi qua ngôi nhà đó bao nhiêu lần trong suốt 13 năm,
chính ông cũng không nhớ. Nhưng ông chưa một lần rẽ vào.
Mà lý do cho việc tự khắt khe với chính mình thì chỉ
có một nhà tình báo như ông mới hiểu: “Những tài liệu mà Phạm Xuân Ẩn mang về đều
là những tài liệu có tầm chiến lược, có những thông tin ảnh hưởng lớn đến cuộc
chiến của ta với Mỹ – ngụy tại miền Nam.
Là người cụm trưởng, tôi hiểu tầm quan trọng của Phạm
Xuân Ẩn như thế nào, nên việc bảo vệ sự an toàn cho Phạm Xuân Ẩn, với tôi cũng
quan trọng như thế. Tôi luôn nghĩ như thế này: Vợ tôi sống với con gái, trước
giờ chẳng ai biết bà ấy có chồng. Nếu tôi về thăm nhà, người ta để ý, bọn mật
thám địch nó để ý, rủi nó bám theo thì tôi lộ. Tôi chết đã đành, nhưng Phạm
Xuân Ẩn cũng hỏng.
Lưới tình báo H63 mà ông Mười Hương đã kỳ công gây dựng
bằng việc bắt đầu cử Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ học, coi như cũng đổ xuống sông xuống
biển. Khi đó, tổ chức hỏi đến tôi, tôi làm sao gánh nổi trách nhiệm đó với tổ
chức, với nhân dân, đất nước”.
Đại tá tình báo Tư Cang trong lễ trao tặng danh hiệu
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2006.
Và đó chính là lý do khiến 13 năm liền, từ 1962 đến
ngày giải phóng năm 1975, Đại tá Tư Cang chưa bao giờ bước chân về nhà, kể cả
ngày con gái ông lấy chồng hay ngày con gái ông sinh cho ông một đứa cháu ngoại.
Có đôi lúc, chính Tư Cang cũng nghĩ rằng ông đã khắt khe với chính mình. Nhưng
sự cẩn trọng của một nhà tình báo không cho phép ông vượt qua giới hạn đó. Và
thực tế sau này đã chứng minh, sự cẩn trọng của ông là hoàn toàn chính xác.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Đại tá tình báo Tư Cang, khi
đó là chính ủy lữ đoàn đặc công, có nhiệm vụ tấn công vào cơ quan bộ tổng tham
mưu địch. Khi chiếm được cơ quan này, Tư Cang phát hiện một danh sách các cán bộ
Cộng sản quan trọng mà Mỹ – ngụy cất công điều tra, theo dõi. Chúng dán lý lịch
của mỗi người trên một cái bảng nhỏ, treo trên tường, trong một căn phòng tối mật.
Trên một tấm bảng có ghi: “Tư Cang, Phó Chính ủy tình
báo Miền, người trắng trắng, cao cao, có đặc điểm bắn súng bằng hai tay rất giỏi,
yêu thích văn nghệ. Quê quán: Chưa xác định. Gia đình: chưa xác định”.
Trên bảng lưu hồ sơ về Tư Cang, bức ảnh của ông là một
khoảng trống. Tất cả những thông tin mà địch biết về ông, chỉ có thế. Đến lúc
đó, Tư Cang thực sự biết rằng việc ông ko về thăm nhà là một quyết định chưa
bao giờ sai lầm.
Hẳn là qua thông tin khai thác được từ những kẻ chiêu
hồi trong những năm đó, Mỹ – ngụy đã nắm được thông tin về nhà tình báo Tư Cang
và vai trò quan trọng của ông, đặc biệt là sau này, khi ông trở thành Phó Chính
ủy Phòng Tình báo Miền. Nếu bắt được Tư Cang, đó sẽ là một “món hời”, một chiến
công lớn mà tình báo Mỹ – ngụy lập được.
Chúng đã điên cuồng cho người đi tìm thông tin về Tư
Cang. Nhưng tất cả những gì chúng biết về Tư Cang chỉ là mấy dòng vỏn vẹn đó.
Không một tấm hình nào của ông, không một thông tin gì về vợ con, quê quán của
ông bị lọt vào tay chúng.
Nguyên tắc bí mật đó, ông giữ gìn cả với những người đồng
chí của mình. Ngày đó vào thành hoạt động, Tư Cang sống trong nhà cô Tám Thảo.
Cô Tám Thảo cũng là một thành viên quan trọng trong cụm tình báo H63. Gia đình
Tám Thảo là tư sản giàu có, chị em cô đều xinh đẹp và được ăn học đầy đủ. Nhưng
gia đình họ yêu cách mạng. Cô Tám Thảo cũng không biết về vợ Tư Cang.
Để giữ liên lạc thông tin với Tư Cang ở trong thành, tổ
chức yêu cầu ông chọn một người thật sự tin tưởng. Tư Cang đã chọn vợ mình, vì
biết không ai có thể giữ gìn sự an toàn của ông hơn bà.
Mỗi khi ngoài khu có thư vào, hay có thông tin liên lạc
gấp với ông, họ sẽ qua vợ ông. Vợ ông lại đi bắt liên lạc với ông. Bà trở thành
một mắt xích trong cụm tình báo H63 – A18. Nhưng cô Tám Thảo cũng chỉ biết bà
là liên lạc của Tư Cang. Những đồng đội khác của ông cũng thế.
Có lần vợ ông mang thư đến nhà cô Tám Thảo đưa cho
ông. Tư Cang đang mặc bộ quần áo pijama, ngồi trong căn phòng sáng đèn ne-on, dạy
tiếng Anh cho chị em Tám Thảo. Cô Tám Thảo ra cổng lấy thư của vợ ông đưa, mang
vào bảo ông: Có bà đầu búi tóc đưa cái này cho anh – ngày đó vợ ông hay búi tóc
sau đầu, nên Tám Thảo gọi như thế.
Tư Cang ở trong nhà, nhìn thấy vợ mình, mặt không biểu
lộ bất cứ cảm xúc nào. Vợ ông ở ngoài cổng nhìn vào, thấy chồng, ánh mắt vẫn
không thay đổi. Cả hai ông bà cùng nén lại những nỗi niềm thương nhớ để bảo vệ
sự an toàn của Tư Cang nói riêng và cụm tình báo H63 nói chung.
Các cựu chiến binh cụm tình báo H63.
Tiết lộ về lần “run chân” duy nhất trong đời nhà tình
báo Phạm Xuân Ẩn
Ở tuổi 84, Anh hùng LLVTND – Đại tá tình báo Tư Cang
là thương binh hạng 2/4 với thương tật là 62%. Có lần đi khám, bác sĩ thông báo
ông bị hỏng bán cầu não bên phải, chỉ còn bán cầu não trái hoạt động. Ông nghe
vậy, giỡn lại: “Hư bên phải, tôi xài bên trái là đủ rồi”.
Ông rất lạc quan vào cuộc sống của mình, bởi với ông,
việc còn sống đến giờ phút này đã là một điều may mắn. Trong những năm kháng
chiến chống Mỹ, cụm tình báo H63 có tất cả 45 người, trong đó có 27 người hi
sinh. Những người còn lại, ai cũng bị thương. Tư Cang luôn tin rằng thần chết
đã chối từ ông, rất nhiều lần trong những năm chiến tranh đó.
Phụ trách cụm tình báo H63, Tư Cang vừa phải giữ liên
lạc và chỉ đạo sát sao các điệp viên trong thành, vừa phải quán xuyến vấn đề
giao thông liên lạc. Có thể hình dung như thế này: cụm tình báo H63 được chia
làm 3 bộ phận, một bộ phận là điệp viên ở luôn trong thành, một bộ phận giao
thông liên lạc đi đi về về giữa thành phố và căn cứ, và một khu vực đặt điện
đài vô tuyến, ngay trong một căn hầm ở địa đạo Củ Chi.
Cụm trưởng Tư Cang là người phải đi lại nhiều nhất giữa
ba nơi đó. Cứ mỗi khi có lệnh của cấp trên, ông lại về chiến khu nghe phổ biến
nhiệm vụ, sau đó lần lượt về từng nơi, phổ biến lại nghị quyết cho anh em. Khi
trạm điện đài vô tuyến ngoài địa đạo có việc cần, ông lại mặc bộ quần áo thầy
chú (lối ăn vận như công chức ngày nay) lái Honda ra ngoài thành, thay quần áo,
rồi đi tìm hầm địa đạo.
Có lần khi ông vừa ra đến nơi thì căn cứ bị lộ, địch
càn. Xe tăng và trực thăng địch vây xung quanh. Anh em trong cụm mỗi người chạy
một ngả. Bữa đó trực thăng và xe tăng địch bám riết Tư Cang. Một hàng xe tăng
chạy theo Tư Cang, bắn tới tấp. Hôm đó chúng không bắn đạn thật mà bắn đạn
đinh, với mục đích bắt sống Tư Cang. Nhưng do được huấn luyện về cách chạy, ông
cứ chạy qua chạy lại giữa mấy làn đạn mà may mắn không bị trúng phát nào.
Bữa đó anh em trong cụm đinh ninh rằng ông bị bắt sống.
Nhưng đến khi nhìn thấy ông, tất cả đều sững sờ. Ông kể trong lúc chạy, ông may
mắn được một đồng chí hỗ trợ, nhanh chóng đưa ông xuống căn hầm khác ở địa đạo
và thoát chết.
Một lần khác, Tư Cang và một cậu giao thông dẫn đường
vừa từ trong ấp chiến lược về, đến lúc bắt đầu ra vùng căn cứ thì thấy xe tăng
địch xếp thành hàng chĩa nòng bắn bom vào mình. Ông và cậu giao thông dẫn đường
quay đầu co giò chạy. Tiếng súng bắn bom vang lên. Thường thì trong trường hợp
đó, với kinh nghiệm của Tư Cang, ông biết mình và cậu liên lạc sẽ khó sống sót.
Nhưng lạ thay chẳng có miểng bom nào bắn về phía ông.
Đến lúc chạy vào nhà cơ sở, họ mới kể, bữa đó tụi địch
lắp súng bắn bom, nhưng vì sơ suất hay vì có ai đó trong hàng ngũ địch là tay
trong của ta cố tình cài bẫy, mà tất cả các máy bắn bom của địch đều bị lắp chốt
ngược, nên bom bắn ra, bắn dội lại cả về phía chúng. Địch chết hàng trăm tên
hôm đó, không phải do ai tấn công mà tự chúng gây ra cho chính mình. Đó cũng là
một lần thoát chết hi hữu của Đại tá tình báo Tư Cang.
Cuộc đời Tư Cang đã trải qua những lần chết hụt như thế
nhưng lần nguy hiểm nhất, mà cũng là lần khiến ông nhớ đời nhất, chính là lần
khi ông và nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn được giao một nhiệm vụ khẩn: “Một hôm
chúng tôi nhận được lệnh của tổ chức, yêu cầu chuyển bức thư đến một nhân vật
chóp bu trong giới chức ở Sài Gòn.
Nhân vật này là một người nước ngoài, là tình báo của
một nước bạn có quan hệ rất tốt với cách mạng ta được cài cắm vào Sài Gòn mà đến
giờ chúng ta chưa được phép công bố. Sau nhiều năm cho điệp viên này lọt vào
chính quyền Mỹ – ngụy ở Sài Gòn, nước bạn nhận được tin điệp viên này đã leo
cao, đã có thể khai thác nguồn tin, nhưng mất liên lạc. Họ đề nghị ta giúp móc
nối liên lạc với người này. Nhà nước ta đồng ý.
Lá thư họ nhờ nhà nước ta chuyển chỉ có vài dòng chữ
nhỏ, kèm tấm ảnh bé xíu của người điệp viên kia, như một cách đánh tín hiệu, đã
được chuyển sang cho ta và được ta chuyển từ miền Bắc qua đường Trường Sơn vào
Nam. Nhiệm vụ chuyển bức thư đó được giao cho H63, mà cụ thể là tôi và Phạm
Xuân Ẩn. Cấp trên chỉ thị cho chúng tôi phải chuyển trực tiếp, tận tay bức thư
đó.
Nhận nhiệm vụ, chúng tôi rất lo. Nhiệm vụ quá nguy hiểm!
Người nào làm tình báo cũng hiểu vì sao nhiệm vụ đó lại nguy hiểm đến thế. Sau
nhiều năm mất liên lạc, không thể nào xác định được điệp viên đó còn trung
thành nữa hay không. Mà Phạm Xuân Ẩn, lúc đó đang có một vỏ bọc hoàn hảo, lại
phải ra mặt trực tiếp trong vụ này. Nếu điệp viên đó làm phản, anh ta có thể
báo người bắn chết chúng tôi ngay tại đó.
Hoặc có thể anh ta sẽ báo người bắt chúng tôi. Hệ thống
tình báo H63 sẽ bị lộ và sụp đổ vì một nhiệm vụ quá nguy hiểm. Chúng tôi đem những
lo lắng này nói với cấp trên thì nhận được câu trả lời: đây là một việc không
thể thoái thác. Cấp trên đã tin tưởng giao cho các anh. Các anh phải thực hiện
bằng mọi giá. Dù có phải hi sinh cũng chấp nhận. Sau 2 tháng trời bàn bạc, tôi
và Phạm Xuân Ẩn gật đầu nhận nhiệm vụ.
Bữa đó nhận được tin điệp viên này đang dự tiệc ở một
khách sạn lớn, tôi và Phạm Xuân Ẩn lái xe tới. Tôi đóng giả là lái xe cho Phạm
Xuân Ẩn. Đến nơi, tôi nói với Phạm Xuân Ẩn: “Ông lên làm vụ đó. Nếu trên đó
chúng bắt ông, ắt sẽ xuống bắt tôi. Tôi có cây súng, tôi khử vài thằng rồi tôi
với ông chết tại đó. Trên hạ quyết tâm như vậy thì ta cũng phải hạ quyết tâm”.
Một lúc sau Phạm Xuân Ẩn xuống, kể với tôi nhiệm vụ đã
xong: “Ở trên đó có tiệc đứng, tôi chờ một lúc, thấy ông ta cầm li rượu đi qua,
tôi khẽ đưa bức thư nhỏ xíu cho ông ta nhìn thấy ảnh và nói: Thưa ông, có cái
thơ bên nhà. Ông kia cầm lấy, bỏ túi, hỏi lại tôi: Tôi gặp ông ở đâu? Tôi trả lời:
Tôi công tác ở tờ báo Times. Ông ta nhận rồi tôi rút. Anh Tư ơi, đời tôi làm
tình báo 15-16 năm, chưa khi nào tôi như thế này, trên tay đưa cái thư đó mà tự
nhiên ở dưới cái chân trái cứ run run, tôi không kiểm soát được”.