Những người từng biết đến thiếu tướng Nguyễn Thị Định, hay còn được gọi với cái tên trìu mến là “bà ba Định” đều cho rằng, bà thật xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Phó Tư lệnh giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho dân tộc ta”.
Ngày 15.3.1920 là ngày định mệnh đối với gia đình một nông dân trên bờ sông Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Trong căn buồng tối dành cho sản phụ ở nông thôn Nam bộ, nếu như hôm đó người chồng nghe theo lời bà mụ móc đầu đứa bé lôi ra để cứu sống vợ thì sau này Cách mạng miền Nam không có nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ông đã động viên, thuyết phục bà mụ kiên trì chờ đứa bé ra đời. May sao, mẹ tròn con vuông. Vì lẽ đó, trong gia đình 10 đứa con, cô út Định được cưng nhất nhà.
Được anh ruột giác ngộ cách mạng, năm 1936, vừa tròn 16 tuổi, đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và tham gia vận động quần chúng đấu tranh. Hai năm sau bà được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng trong thời gian này, bà xây dựng gia đình với ông Nguyễn Văn Bích – tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre. Không lâu sau, ông bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh tại đó. Nhận được tin chồng hy sinh, lòng căm thù của bà lại nhân gấp bội. Bất chấp con còn nhỏ, gửi lại mẹ chăm sóc, bà thoát ly tham gia hoạt động cách mạng tại tỉnh nhà.
Năm 1940, bà lại bị Pháp bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Ba năm tù cũng là ba năm họat động kiên cường, bất khuất của bà trong nhà tù. Năm 1943, ra tù trở về Bến Tre, bà liên lạc với tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng của tỉnh và tham gia giành chính quyền vào tháng 8.1945. Tuy còn ít tuổi nhưng nhờ có ý chí kiên cường, lòng yêu nước mãnh liệt, lại nhiều mưu trí nên bà được Tỉnh ủy chọn làm thuyền trưởng chuyến đầu tiên vượt biển ra Bắc báo cáo với Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam bộ và xin vũ khí chi viện. Từ đó tên tuổi của bà gắn với con đường huyền thoại – “đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Cuối năm 1959, Mỹ-Diệm cho xây khu trù mật ở Bến Tre và cho thực hiện luật 10/59 lê máy chém khắp miền Nam để khủng bố phong trào cách mạng. Nguyễn Thị Định là người khởi xướng và lãnh đạo chủ chốt phong trào Đồng Khởi ở Mỏ Cày, Bến Tre, mở đầu phong trào Đồng Khởi trong toàn tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ. Từ phong trào Đồng Khởi xuất hiện cái tên “đội quân tóc dài”, họ tổ chức thành đội ngũ, tiến hành cuộc đấu tranh trực diện với địch, đòi chấm dứt càn quét, bắn giết, bom pháo, đòi bồi thường nhân mạng…Cuộc đấu tranh chính trị thắng lợi rực rỡ, Mỹ-Diệm phải gờm trước sức mạnh lợi hại của đội quân mà chúng gọi là “đội quân đầu tóc”.
Sinh thời, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng nói: “Một người phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre thì người đó rất xứng đáng được làm tướng và ở trong Bộ Tư lệnh đánh Mỹ”. Năm 1965, bà được phong quân hàm Thiếu tướng quân đội nhân dân Việt Nam, và được giao giữ chức Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam đến năm 1975.
Được anh ruột giác ngộ cách mạng, năm 1936, vừa tròn 16 tuổi, bà Nguyễn Thị Định đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và tham gia vận động quần chúng đấu tranh.
Nhà văn Nguyên Ngọc nhận định rằng: “Có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới, từ những người dân thường cho đến các nguyên thủ quốc gia nổi tiếng và thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau”. Bà – “một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng” đại diện cho “một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt”, “sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin”. Bà đem bạn bè về cho dân tộc. Và đấy là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định thắng lợi kỳ lạ của Việt Nam trong thế kỷ qua”.
Giáo sư sử học Christine Whate trường đại học Tổng hợp Hawaii Mỹ đã viết thư gửi bà Nguyễn Thị Định, trong đó có đoạn viết: “Tôi cảm thấy rất vinh hạnh khi viết thư này gửi thăm bà – một người phụ nữ nổi tiếng và có một vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới, một tấm gương của người phụ nữ chân chính. Tôi rất sung sướng khi sử dụng cuốn hồi ký của bà để dạy cho sinh viên nước mình về truyền thống cách mạng Việt Nam”.
Từ sau ngày đất nước thống nhất, bà giữ nhiều chức vụ trọng trách mới cùng Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo thành công việc thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Ngày 26.8.1992, bà vĩnh viễn ra đi. Trước lúc mất 2 ngày, bà còn đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Bà đã sống một cuộc đời trọn vẹn với non sông đất nước.
Để tri ân công lao đóng góp của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ngày 30.8.1995, bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đền thờ bà đã được xây dựng và khánh thành vào ngày 20.12.2003 để nhân dân đến viếng và thắp hương tưởng niệm; nhân dân Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội nơi thờ Hai Bà Trưng đã rước bát hương thờ Bà Nguyễn Thị Định về thờ trong khu đền Hai Bà Trưng như một vị nhân thần mới.
Nhà sử học lão thành Trần Văn Giàu trong lời đề tựa tập sách Nhớ chị ba Định đã viết: “Chị Ba Đinh ạ! Ngày xưa, người dân làng quê bảo nhau rằng những người như chị là sống làm tướng, chết thành thần”. Có lẽ, không một sự ngợi ca nào đẹp và chân tình hơn thế./.
| 10.9.19
0 nhận xét: