23/12/19

Thiếu tướng về hưu lặn lội xây dựng hơn 1.000 căn nhà cho đồng đội


“Qua 16 năm, tôi và anh em trong Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô vận động, xây dựng 1.030 căn nhà nghĩa tình cho đồng đội. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động xây nhà, vì nhiều anh em còn khó khăn về nhà ở”, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn – Trưởng Ban Liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô chia sẻ.
Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (Ba Ngay) – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ), nguyên là Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn Tây Đô vang danh một thời kháng chiến chống Mỹ và hiện ông là Trưởng Ban Liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô.
Từ căn nhà đầu tiên 5 triệu đồng…
Những ngày cả nước đang hừng hực khí thế chào mừng 75 năm Ngày Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2019), PV Dân trí có dịp đến thăm Thiếu tướng Lê Thanh Sơn tại nhà riêng ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Nếu không có người cháu ngoại giới thiệu, khó ai nhận ra ông già mặc cái áo nâu bạc màu, cặm cụi làm cỏ ngoài vườn là Thiếu tướng Lê Thanh Sơn.
Vừa gặp chúng tôi, vị tướng già Thanh Sơn – Ba Ngay nói: “Bây giờ là ông già nam bộ, không còn tướng tá gì nữa. Về nhà, cuốc đất trồng rau, nuôi cá, sống chan hòa vui vẻ với bà con chòm xóm là tôi vui mừng lắm. Còn sức khỏe là còn làm, làm vườn, làm chuyện nghĩa với bà con với đồng đội cho hết cuộc đời”.

Tháng 8/2019, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (bên trái) đến bàn giao nhà cho ông Nguyễn Văn Hưng – xã Tân Hưng B, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang là đồng đội với tướng Sơn năm xưa

Vào năm 2017, Ban Liên lạc tổ chức bàn giao nhà cho ông Nguyễn Văn Chờ – xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền
Ông Ba Ngay kể, ông được sinh ra trong gia đình Cách mạng, sau đó vào du kích và hơn một năm sau ông được kết nạp Đảng. Từ những trận chiến đầu tiên hồi còn làm du kích đến những trận đánh lớn hơn ở Tiểu đoàn Tây Đô ông được nhân dân đùm bọc, đồng đội chở che và có người đã nằm xuống… Ơn nghĩa nhân dân, đồng đội không bao giờ ông cho phép mình quên.
Chính vì ý nghĩ đó, khi Thiếu tướng Lê Thanh Sơn – Chỉ Huy trưởng Chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ về hưu vào năm 2001, ông liền vận động các đồng đội cũ thành lập Ban Liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô. Ngày 20/3/2002, UBND tỉnh Cần Thơ cho phép thành lập Ban Liên lạc. Đến 24/6/2002, Ban Liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô chính thức ra mắt và đi vào hoạt động với phương châm: Nhắc nhau giữ vững bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân và truyền thống Tiểu đoàn Tây Đô “Ra đi là chiến thắng”.

Thiếu tướng Lê Thanh Sơn là một nông dân thực thụ
Ông Lê Chí Dũng – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô cho biết, khó khăn nhất là giai đoạn đầu tìm kiếm đồng đội để thành lập các tiểu ban. Vất vả nhất là lần đầu tiên, anh em cùng với Thiếu tướng Lê Thanh Sơn dẫn lên Tây Ninh tìm kiếm đồng đội. Sau lần đó, đoàn tìm kiếm liên lạc được 27 đồng đội và tiểu ban cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô đầu tiên ở Tây Ninh được ra đời. Sau đó đến tiểu ban Giồng Riềng (Kiên Giang) và hiện nay có 21 tiểu ban cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô (thuộc phân ban TP Cần Thơ và phân ban Sóc Trăng) với hơn 3.000 cựu chiến binh tham gia sinh hoạt.
Khi liên lạc được với đồng đội, Thiếu tướng Ba Ngay thấy còn nhiều anh em khó khăn về nhà ở, trăn trở về điều này, Thiếu tướng Ba Ngay họp bàn với anh em trong Ban Liên lạc, vận động xây nhà cho các đồng đội. Một là để giúp đỡ anh em có căn nhà đàng hoàng để an cư; Hai là trả nghĩa anh em, giúp anh em, đồng đội tự tin, hòa nhập với địa phương, không giao động tư tưởng trước những lời mỉa mai “vắt chanh bỏ vỏ” của bọn thù địch, kích động.
Dù đã 82 tuổi nhưng suốt ngày ông chăm chỉ lao động như một thanh niên. Ông còn nuôi được cả vịt trời và còn biết cách ấp trứng cho ra vịt con
Chuyện xây nhà chứa đựng nhiều tình cảm, như chuyện xây dựng 5 căn nhà đồng đội ở tỉnh Cần Thơ vào năm 2003. Khi đó, có DN hỗ trợ xây 5 căn nhà tiền chế nhưng thiếu tiền làm 2 vách nhà. Trong lúc Ban Liên lạc bối rối thì ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Giám đốc Đài Phát Thanh và Truyền hình Cần Thơ tặng mỗi căn 2 triệu đồng để xây 2 vách nhà. Sau khi có tiền, anh em cựu chiến binh Tây Đô cùng chính quyền địa phương và người dân xúm lại góp công, góp của… xây nhà. Vì thế, dù số tiền xây nhà không lớn nhưng nhờ mọi người chung sức nên nhà đồng đội luôn đảm bảo chất lượng, được nhân dân tín nhiệm cao.


0 nhận xét: