Theo Công an thành phố Hà Nội, các trang facebook này
còn cố tình ghi trích dẫn nguồn thông tin từ Công an thành phố Hà Nội với mục
đích câu like, câu view.
Công an thành phố Hà Nội cho biết, đã phát hiện một số
trang Facebook giả mạo lực lượng Công an nhân dân đăng tải những nội dung không
chính xác, thậm chí chia sẻ những thông tin giả, sai sự thật gây hoang mang dư
luận. Nhiều người đã bình luận và chia sẻ mà không hề biết rằng họ đang tiếp
tay cho các đối tượng tung tin giả.
Gần đây, hai trang fanpage “Yêu Cảnh Sát Giao Thông”
và “Công An Nhân Dân” có đăng tải các bài viết “Cảnh báo: Thủ đoạn bắt cóc phụ
nữ mới vô cùng nguy hiểm” và bài viết “Thủ đoạn bắt cóc trẻ em ở quận Ba Đình”.
Công an Thành phố khẳng định những nội dung thông tin
như bài viết trên là không chính xác, sai sự thật, gây hoang mang dư luận và
không do Công an Hà Nội đăng tải. Qua rà soát địa bàn, Công an Hà Nội chưa phát
hiện trường hợp nào như bài viết đã đưa. Hiện các cơ quan chức năng đang xác
minh, làm rõ chủ nhân của các trang facebook trên để xử lý nghiêm.
Công an Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác, chọn lọc
thông tin, không nên chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở.
Người dân nên tiếp nhận thông tin thông qua các trang chính thống, có uy tín để
tránh hậu quả đáng tiếc do sự thiếu hiểu biết, bị các đối tượng xấu lợi dụng. Nếu
phát hiện trường hợp tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật, người dân cần thông
báo cho cơ quan Công an để có biện pháp xử lý kịp thời.
Lập trang web giả danh công an, chiếm đoạt hàng trăm
triệu đồng
Không chỉ lập Facebook giả mạo lực lượng công an, thời
gian gần đây, Công an thành phố Hà Nội còn nhận được trình báo của người dân do
thiếu cảnh giác đã bị các đối tượng giả danh CATP Hà Nội để chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, các đối tượng sử dụng tài khoản Zalo có tên
liên quan đến lực lượng Công an như “Vì Dân Phục vụ” nhắn tin và gửi kèm đường
dẫn link Congan.113hanoi.com (trang web giả danh Trang Thông tin điện tử của
CATP Hà Nội) tới tài khoản Zalo của nạn nhân; thông báo cho nạn nhân có liên
quan đến vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia và
yêu cầu nạn nhân truy cập vào trang web giả; khi đăng nhập số chứng minh thư
nhân dân hoặc căn cước công dân sẽ hiện thị hình ảnh Lệnh bắt tạm giam “giả’ có
tên nạn nhân. Sau đó, các đối tượng đe dọa rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào
các tài khoản chỉ định để phục vụ điều tra và chiếm đoạt số tiền. Với thủ đoạn
như trên, đã có nạn nhân bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, các đối tượng sử dụng thiết bị, phần mềm
chuyển số giả mạo các số máy công khai (số máy trực ban, số máy tiếp dân) của lực
lượng Công an tự xưng là cán bộ điều tra của CATP Hà Nội đang điều tra các vụ
án có liên quan đến nạn nhân. Khi người dân kiểm tra số điện thoại thấy đúng
nên tưởng thật. Quá trình gọi điện, các đối tượng còn giả tạo âm thanh, giọng
nói, tiếng còi hú, tiếng bộ đàm, tiếng hỏi cung… hoặc yêu cầu nạn nhân giữ máy
trong thời gian dài để để uy hiếp tinh thần nạn nhân. Các đối tượng còn yêu cầu
nạn nhân không được kể chuyện cho người khác, nếu làm lộ “bí mật điều tra” sẽ bị
bắt ngay. Sau đó các đối tượng yêu cầu chuyển tiền đến tài khoản chỉ định để phục
vụ điều tra và rút tiền ra chiếm đoạt.
Trang web giả Trang thông tin điện tử Công an thành phố
Hà Nội.
Qua điều tra, các đơn vị chức năng CATP đã xác định
trang web Congan.113hanoi.com có thông tin đăng ký tên miền và địa chỉ IP máy
chủ đặt tại nước ngoài; các số điện thoại sử dụng để gọi điện cho nạn nhân là số
điện thoại giả danh không phải là số điện thoại chính thức, công khai của CATP.
CATP Hà Nội khẳng định chỉ sử dụng duy nhất Cổng
Thông tin điện tử Công an thành phố Hà Nội với tên miền chính thức là
congan.hanoi.gov.vn, mọi tên miền khác nhân danh Công an thành phố Hà Nội đều
là giả mạo.
CATP đề nghị người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn
lừa đảo trên. Tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống, không
làm theo các yêu cầu từ số điện thoại lạ; không cung cấp thông tin nhân thân,
tài khoản ngân hàng, tài khoản thư điện tử, mạng xã hội của mình cho bất kỳ ai
qua điện thoại, mạng xã hội và các kênh trực tuyến khác nếu chưa xác minh chính
xác thông tin người nhận, kể cả cá nhân tự nhận là đại diện của cơ quan Công
an, Tòa án, Viện Kiểm sát.
Thời gian tới, Công an thành phố Hà Nội sẽ tăng cường
xác minh, điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi giả mạo hệ thống thông tin của
các cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo
ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, trợ giúp.
Via VTV
0 nhận xét: