15/6/20

Những đối tượng giết người ở Đồng Tâm phạm tội có tổ chức, man rợ, mất tính người

Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án Giết người, Chống người thi hành công vụ, xảy ra ngày 9/1/2020 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức; chuyển hồ sơ đến Viện KSND TP Hà Nội đề nghị truy tố 29 bị can, đều trú ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

25/29 bị can bị đề nghị truy tố tội “giết người”
Trong số 29 bị can, có 25 bị can bị đề nghị truy tố về tội danh Giết người. Trong đó, rất nhiều bị can có tiền án, tiền sự, là đối tượng hình sự cộm cán. Cụ thể: Lê Đình Công, SN 1964 – có 1 tiền án về tội Cố ý gây thương tích; Bùi Viết Hiểu, SN 1943; Nguyễn Văn Tuyển, SN 1974; Lê Đình Chức, SN 1980 – có 1 tiền án về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Lê Đình Doanh, SN 1988, có nhiều tiền án về các tội Cướp tài sản, Trộm cắp tài sản, Tàng trữ trái phép chất ma túy…; Nguyễn Quốc Tiến, SN 1980; Nguyễn Văn Quân, SN 1980, có  tiền án về các tội Cố ý gây thương tích và Đánh bạc; Lê Đình Uy, SN 1993, có 1 tiền án về tội Đánh bạc; Lê Đình Quang, SN 1984; Bùi Thị Nối, SN 1958; Bùi Thị Đục, SN 1957; Nguyễn Thị Bét, SN 1961; Nguyễn Thị Lụa, SN 1956; Trần Thị La, SN 1978;  Bùi Văn Tiến, SN 1979; Nguyễn Văn Duệ, SN 1962, có nhiều tiền án về các tội Cố ý gây thương tích, Sử dụng vũ khí trái phép, Giết người, cướp tài sản công dân, tàng trữ vũ khí trái phép; Lê Đình Quân, SN 1976; Bùi Văn Niên, SN 1980; Bùi Văn Tuấn, SN 1991; Trịnh Văn Hải, SN 1988; Nguyễn Xuân Điều, SN 1952; Mai Thị Phần, SN 1963; Đào Thị Kim, SN 1983; Lê Thị Loan, SN 1966; Nguyễn Văn Trung, SN 1988, có 1 tiền án về tội Trộm cắp tài sản.
4 bị can bị đề nghị truy tố về tội danh Chống người thi hành công vụ, gồm: Lê Đình Hiển, SN 1989; Bùi Viết Tiến, SN 2000; Nguyễn Thị Dung, SN 1963 và Trần Thị Phượng, SN 1984.
“Tổ đồng thuận” và những âm mưu chống đối chính quyền
Được biết, ngày 14/4/1990, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định về việc cấp 208ha đất cho Quân chủng Phòng không – Không quân để thực hiện dự án sân bay Miếu Môn, trong đó phần diện tích của xã Đồng Tâm là 47,36ha.
Ngày 10/11/1981, UBND tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) đã có quyết định giao đất đợt 1 cho Bộ Tư lệnh Công binh để thi công các công trình của sân bay Miếu Môn. Bộ Tư lệnh Công binh và UBND xã Đồng Tâm đã bàn giao đất nhiều đợt, đến ngày 25/9/1982 đã bàn giao được 34,06ha, phần còn lại 13,3ha do chưa thi công nên xã Đồng Tâm tạm thời sử dụng.
Năm 2012, Bộ Quốc phòng tiến hành đo lại toàn bộ khu đất được giao trên cơ sở 16 mốc giới sân bay Miếu Môn đã được xác lập. Ngày 21/10/2014, UBND TP Hà Nội đã có quyết định giao 236,7ha đất tại 4 xã (trong đó có Đồng Tâm) cho Bộ Quốc phòng để tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân.
Ngày 27/3/2015, Bộ Tổng Tham mưu – Bộ Quốc phòng đã có quyết định giao 50,03ha đất do quân chủng Phòng không – Không quân quản lý cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội xây dựng dự án Quốc phòng (trong đó, diện tích đất thuộc xã Đồng Tâm là 32,57ha).
Tuy nhiên, từ năm 2013, một số đối tượng tại địa bàn xã Đồng Tâm do Lê Đình Kình, Lê Đình Công và Bùi Viết Hiểu cầm đầu đã thành lập “Tổ đồng thuận” để lôi kéo, kích động khiếu kiện về viêc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tân.
Bản thân Lê Đình Kình nguyên là Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Tâm giai đoạn 1981-1982 đã từng tham gia chứng kiến việc giao, nhận đất giữa đại diện xã Đồng Tâm với Bộ Tư lệnh Công binh, Kình biết rõ nguồn gốc đất là đất Quốc phòng nhưng lại tuyên truyền là đất của xã Đồng Tâm để kêu gọi người dân đấu tranh giữ đất.
Trong quá trình Tập đoàn Viễn thông Quân đội triển khai dự án quốc phòng, các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” do Lê Đình Kình đứng đầu đã thường xuyên tập trung tại khu đất 32,57ha tự ý đo đạc, phân lô, thuê máy cày, máy xúc để san lấp đất, tự ý canh tác, gieo trồng, cản trở hoạt động xây dựng của tập đoàn Viễn thông Quân đội. Lê Đình Kình hứa hẹn khi đòi được đất sẽ chia đều cho các đối tượng tham gia “Tổ đồng thuận”.
Từ đó, “Tổ đồng thuận” thường xuyên gây mất ANTT, chống đối, đập phá phương tiện của lực lượng chức năng, chiếm đoạt tài sản trái phép, bắt giữ người trái pháp luật, dùng vũ khí tấn công lực lượng chức năng…
Phạm tội có tổ chức, man rợ, mất tính người
Theo kết luận điều tra thì trong thời gian Quân chủng Phòng không – không quân (Bộ Quốc phòng) xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn; mặc dù các cấp có thẩm quyền nhiều lần tổ chức đối thoại, giải thích tính công khai, minh bạch và trọng yếu của dự án; nhưng một số đối tượng cầm đầu, chống đối vẫn cố tình lôi kéo, kích động người dân cản trở bằng những hành vi manh động.
Trước thời điểm ngày 9/1/2020, các bị can trong vụ án đã có sự chuẩn bị từ trước, bằng việc tập hợp lực lượng, đóng góp tiền mua vũ khí, họp bàn phân công nhiệm vụ cụ thể từng đối tượng.
Khi thấy lực lượng Công an, các đối tượng chủ động dùng vũ khí tấn công quyết liệt nhằm sát thương, tiêu diệt lực lượng thi hành nhiệm vụ. Trong đó hành vi nhiều lần đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc 3 đồng chí Công an hy sinh. “Đây là hành vi man rợ, có tính chất côn đồ, giết chết nhiều người, cần phải được xử lý nghiêm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”, kết luận điều tra nêu rõ.
Vai trò và hành vi phạm tội của từng đối tượng trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này đã được CQĐT làm sáng tỏ. Đặc biệt là Lê Đình Kình có vai trò chủ mưu, cầm đầu, thường xuyên tổ chức xuyên tạc nguồn gốc đất Đồng Sênh, kích động lôi kéo các đối tượng khác tham gia khiếu kiện, gây rối, đe dọa chính quyền để đòi đất đồng Sênh. Mặc dù đã được Thanh tra Hà Nội thông báo kết luận thanh tra về nguồn gốc đất này là đất quốc phòng, nhưng Lê Đình Kình vẫn hứa hẹn nếu đòi được đất sẽ chia cho các đối tượng tham gia.
Khoảng đầu tháng 12/2019, Lê Đình Kình đưa cho Lê Đình Doanh 500.000 đồng để mua 10 con dao phóng lợn. Doanh mua dao và đã thuê gắn tuýp sắt vào số dao này.
Tại các cuộc họp ngày 6/1, 7/1 và 81, Lê Đình Kình chỉ đạo: “Chỉ cần giết được 3 thằng là chúng nó chạy hết”; “Nếu đất chưa làm rõ, kẻ nào mà nhảy vào cướp đất thì sẽ cho trắng lưng ngửa bụng”.
Rạng sáng 9/1, khi lực lượng thực thi nhiệm vụ tiến hành ngăn chặn, trấn áp, bắt giữ các đối tượng tấn công tại nhà Lê Đình Kình, Kình đã sử dụng tuýp sắt gắn dao phóng lợn, 1 quả lựu đạn tấn công lực lượng Công an. “Hành vi của Lê Đình Kình đã cấu thành tội Giết người, tuy nhiên, Lê Đình Kình đã chết nên CQĐT không đề cập xử lý”, bản kết luận điều tra nêu.


0 nhận xét: