Alexander Yakovlev, “kiến trúc sư cải tổ” Liên Xô đã bị
vạch mặt là “điệp viên có ảnh hưởng” của Mỹ.
“Không phải chỉ có một cái đầu”
Yakovlev sinh ngày 2/12/1923 trong một gia đình nông
dân ở một ngôi làng nhỏ bên bờ sông Volga gần thành phố Yaroslavl của tỉnh
Yaroslavl (Liên Xô). Nhờ thành tích chiến đấu trong Chiến tranh Vệ quốc,
Yakovlev được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô vào năm 1944.
Vào năm 1958, Yakovlev là một trong bốn người đầu tiên
được cử sang học tại Mỹ sau chiến tranh. Yakovlev đã theo học tại Đại học
Columbia (Mỹ) trong một năm. Và bắt đầu có tin Yakovlev là người của Cục Tình
báo Trung ương Mỹ (CIA).
Valentin Falin, Trưởng ban Đối ngoại Ban Chấp hành
Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô
(1989–1991) từng kể: “Việc Yakovlev sống dựa vào túi tiền người Mỹ thì tôi biết
từ 1961. Một người quen làm việc trong KGB đã cho tôi biết điều này”.
Sau khi học xong Đại học Columbia (Mỹ), Yakovlev lần
lượt được bổ nhiệm làm Trưởng ban Đài phát thanh và vô tuyến truyền hình của
Ban Tư tưởng Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô dưới thời Nikita Sergeyevich
Khrushchev rồi Phó trưởng ban tuyên giáo của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản
Liên Xô (1964 – 1972) dưới thời Leonid Ilyich Brezhnev.
Vào năm 1972, vì viết bài báo “Chống chủ nghĩa phản lịch
sử” trên báo Văn học nên Yakovlev bị thuyên chuyển đi Canada làm đại sứ trong
10 năm (1973 – 1983).
Ở Canada, Yakovlev bắt đầu có những động thái khó lường.
Chính Yakovlev cũng đã tỏ ra rất né tránh kể về thời gian ở Canada của mình vì
sợ bị lộ tẩy. Trong phiên toà “Vụ án Đảng Cộng sản Liên Xô” tại Toà án Hiến
pháp năm 1992, Yakovlev đã đề nghị F.M.Rudinski (luật sư bảo vệ Đảng Cộng sản
Liên Xô) rằng: “Tôi đề nghị ông đừng hỏi tôi về những năm 1973 – 1983. Tôi đã vắng
mặt ở đây trong mười năm đó. Còn vào những thời điểm khác, mới ông cứ tự
nhiên”. Cho đến khi Rudinski đưa ra câu hỏi: “Ngài có phải là điệp viên CIA
không?” thì Yakovlev đã tỏ ra vô cùng lúng túng, cằm xệ xuống.
Yuri Andropov (Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia KGB và
sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô khi Brezhnev qua đời) qua nhiều
nguồn tin của KGB cho thấy Yakovlev có thái độ sùng bái phương Tây quá mức và
có khả năng là người của CIA.
Một lần, khi trả lời những lý lẽ của Mikhail Gorbachev
về việc cần phải nhanh chóng để cho Yakovlev về nước, Andropov đã nói: “Đúng vậy,
anh ta có đầu óc thông minh nhưng không phải chỉ có một cái đầu. Chính vì vậy
phải cân nhắc và không vội vàng” .
Khi Yakovlev đã được về nước và giữ chức Giám đốc Viện
Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô thì
Andropov đã chỉ thị “theo dõi, và không được để lọt vào Ban Chấp hành Trung
ương Đảng Cộng sản Liên Xô”, vì cho rằng “Yakovlev đã từng sống quá lâu ở nước
ngoài, một nước tư bản, và đã biến chất” . Năm 1984, Andropov qua đời và sự
theo dõi Yakovlev không còn thường xuyên, chặt chẽ như trước nữa.
Khi Gorbachev trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên
Xô vào năm 1985, Yakovlev đã nhanh chóng được đề bạt làm Trưởng ban Tuyên truyền
Trung ương, và là người giúp Gorbachev hình thành chính sách đối ngoại của Liên
Xô bằng cách vận động Liên Xô không can thiệp vào Đông Âu và đi cùng Gorbachev
trong 5 cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.
Yakovlev (bên trái) và Gorbachev tại Canada vào năm
1983
Trong nước, Yakovlev là kiến trúc sư “cải tổ” với các
chương trình glasnost (công khai hóa) và perestroika (tái cấu trúc). Yakovlev
còn được Gorbachev đưa vào Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô vào năm 1987. Từ
1986 đến 1988, với sự tác động của Yakovlev, một loạt cán bộ chủ chốt của các tờ
báo ảnh hưởng lớn tại Liên Xô được thay bởi những người ủng hộ chủ trương “cải
tổ” của Gorbachev, từ đó các tờ báo này đã “quạt gió châm lửa” khuynh đảo dư luận.
Một số tờ báo và tạp chí đặc biệt cấp tiến như Họa
báo, Tia lửa và Tin tức Moscow, dần dần đi theo xu hướng bôi nhọ chế độ xã hội
chủ nghĩa. Tư tưởng của nhân dân bị đảo lộn…
Năm 1994, nhà văn Boldarev khi nhìn lại tình cảnh của
thời kỳ này đã nói: “Trong sáu năm, báo chí đã thực hiện được mục tiêu mà quân
đội châu Âu có trang bị tinh nhuệ nhất cũng không thể thực hiện được khi xâm lược
nước ta bằng lửa và kiếm vào những năm 1940. Quân đội đó có thiết bị kỹ thuật
hàng đầu nhưng thiếu một thứ. Đó là hàng triệu ấn phẩm mang vi trùng”.
Vào năm 1989, KGB đã biết rất rõ rằng Yakovlev có các
quan điểm có lợi cho phương Tây và phương Tây có thể hoàn toàn hy vọng vào ông
ta trong mọi tình huống. Chủ tịch KGB Vladimir Kryuchkov đã báo cáo thông tin
này cho Gorbachev, nhưng Gorbachev chỉ yêu cầu Kryuchkov nói chuyện tình cảm với
Yakovlev.
Yakovlev (người vòng tay và đứng sau micro) là Uỷ viên
Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô dưới thời
Gorbachev.
Trong cuộc nói chuyện sau đó của Kryuchkov, Yakovlev
chỉ im lặng và thở dài. Kryuchkov đã báo cáo lại với Gorbachev. Kryuchkov ngạc
nhiên khi Gorbachev bảo “ngày trẻ ai chẳng có những sai lầm” và Yakovlev là
“người có ích cho cải tổ nên ông ấy cần cho đất nước và cần phải cho ông ấy
tham gia vào nền chính trị lớn”. Valentin Falin nhận định, “họ đã cho ông ta
vào. Như thả dê vào vườn rau”.
Đến năm 1990, Yakovlev trở thành tâm điểm của các cuộc
tấn công của những người cộng sản kiên trung trong Đảng Cộng sản Liên Xô. Tại Đại
hội lần thứ XXVIII của Đảng Cộng sản Liên Xô vào tháng 7/1990, Alexander Lebed
đã hỏi Yakovlev: “Alexander Nikolaevich… Ông có bao nhiêu khuôn mặt?”.
Tại phiên họp mở rộng của Xô viết tối cao Liên Xô ngày
17/6/1991, Chủ tịch KGB Kryuchkov đã công bố một tài liệu mật của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đề ngày 24/1/1977: “Thời gian gần đây, tình
báo Mỹ đang triển khai những kế hoạch đẩy mạnh hoạt động thù địch như phân hóa
xã hội Xô viết và làm rối loạn nền kinh tế xã hội chủ nghĩa”.
Với mục tiêu đó, tình báo Mỹ đặt ra kế hoạch tuyển mộ
những điệp viên có thế lực trong số công dân Xô viết”. Sự thật là sau nhiều
cách nhưng không kéo đổ được Liên Xô, Mỹ đã đẩy mạnh thu dụng những “điệp viên
có ảnh hưởng”.
Chỉ riêng ngân sách trong năm tài chính 1983 của Mỹ cấp
cho Vụ Các vấn đề nội bộ Liên Xô của Trung tâm RAND Corporation (Mỹ) lên đến
13,5 tỷ USD. Mỹ cũng đã xây dựng cả một ngành khoa học gọi là Kremli học,
chuyên nghiên cứu những đặc điểm cá nhân và những khả năng tiềm ẩn của những
nhân vật chủ chốt trong giới lãnh đạo ở Liên Xô.
Trong những năm 1980, Mỹ bắt đầu tăng cường mọi nỗ lực
điều khiển ban lãnh đạo cao nhất của Liên Xô để bắt những nhân vật đó hành động
theo ý mình.
Góp tay đẩy Liên Xô đến bờ vực tan rã
Valentin Falin nhận định về vai trò của Yakovlev: “Bây
giờ thì đã có thông tin rõ ràng về việc trước khi Liên bang Xô viết tan rã, ông
ấy đã rất năng nổ đi khắp các nước cộng hòa và thổi bùng lên ở đó tâm lý cực
đoan quá khích. Trước khi bức tường Berlin sụp đổ, ông ấy đã sang cả CHDC Đức lẫn
CHLB Đức”.
Yakovlev “đứng giữa” Tổng thống Mỹ Bush (cha) và
Gorbachev
Trong cuốn “Vụ án Đảng Cộng sản Liên Xô tại Toà án Hiến
pháp: Ghi chép của người tham gia phiên toà” của F. M. Rudinski được xuất bản tại
Moscow năm 2001 có đoạn: “Nguồn gốc xã hội của các hiện tượng như Gorbachev,
Yakovlev là ở sự xuất hiện các tầng lớp tụt hậu khá đông trong xã hội. Đó là những
người đã rời nông thôn, nhưng không hoà hợp được với nền văn hoá thành thị hoặc
chỉ cảm thụ được các yếu tố bề ngoài của nó. Trong đó, nhiều người đã được giáo
dục theo tinh thần tư hữu, ích kỷ cá nhân và háo danh, những người đó đã dễ
dàng nhảy vào giới lãnh đạo đảng mang tính tư sản của Liên Xô” .
Vào năm 1995, Cương lĩnh Đại hội XXX của Liên đoàn các
Đảng Cộng sản – Đảng Cộng sản Liên Xô (SKP – KPSS) đã tuyên bố sự sụp đổ chế độ
xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô là do “Cuộc công kích công khai của các thế lực phản
động bắt đầu từ cuối những năm 80 dưới sự tác động trực tiếp của nhóm phản bội
chính trị Gorbachev – Yakovlev – Shevandnadze đã kết thúc bằng cuộc đảo chính
phản cách mạng năm 1991 – 1993” .
Trong những năm sau khi Liên Xô tan rã, Yakovlev đã viết
và giảng dạy rất nhiều về lịch sử, chính trị và kinh tế. Ông ta còn là lãnh đạo
của Đảng Dân chủ Xã hội Nga và tổ chức Dân chủ Quốc tế. Yakovlev do đó được ví
như là “nhà tư tưởng chủ đạo của nền dân chủ Nga” dưới thời Boris Yeltsin
(1991-1999). Ông ta chết vào ngày 18/10/2005 tại Moscow.
0 nhận xét: