3/9/20

Tết độc lập từ xa Tổ quốc

    “Năm nay có về ăn Tết độc lập không em?”. Từ quê ngoại Nghệ An, chị Hương – chị họ tôi – gửi tin nhắn. Tôi nhìn ba chữ “Tết độc lập” mà cảm xúc trào dâng.


Việt Nam quê hương yêu dấu – Ảnh: DUYÊN PHAN

Ở rất nhiều quốc gia mà tôi từng qua, người ta chỉ nói “Lễ độc lập”, “Ngày độc lập”, “Quốc khánh”, chứ không có cụm từ tương đương với “Tết độc lập”.

Có lẽ chỉ người Việt mới hiểu rằng ba chữ “Tết độc lập” ẩn chứa biết bao sự thiêng liêng của một ngày trọng đại. Tết là sự khởi đầu những gì mới mẻ. Tết đi đôi với hi vọng, hạnh phúc, niềm vui. Tết cũng là ngày đoàn tụ.

“Em vẫn ở Indonesia, hiện chưa có chuyến bay về Việt Nam, nhưng em sẽ ăn Tết độc lập từ xa cùng chị, chị nhé!”. Tôi trả lời chị Hương rồi nhắm mắt, hít một hơi sâu.

Tôi tưởng tượng mình được trở về với không khí rộn ràng, tươi vui, náo nhiệt nhưng cũng rất trang nghiêm của ngày 2-9. Ngày này của những năm về trước, khi còn sống và làm việc ở Hà Nội và TP.HCM, tôi đã cùng gia đình hòa vào niềm vui của bao người Việt khác, trong các hoạt động tưng bừng mừng ngày độc lập.

Những ngày đó, đi giữa con phố lộng gió, rộn ràng tiếng nói cười, tôi luôn cảm thấy mình nhỏ lại trong những hoài tưởng về quá khứ.

Là một người sinh ra vào những năm cuối cùng của chiến tranh và lớn lên trong hòa bình, tôi luôn nhắc mình cần phải tìm hiểu về quá khứ, về những mất mát mà dân tộc Việt từng trải qua để có được độc lập và hòa bình của ngày hôm nay.

Trong những chuyến đi dài ngày từ Bắc vào Nam, tôi đã đứng lặng giữa những địa danh lịch sử, các nghĩa trang, trước những đài tưởng niệm, những nấm mộ chiến sĩ chưa biết tên… và cảm nhận sâu thẳm nỗi đau của một dân tộc từng bị mất nước, từng bị đô hộ, bị xâm chiếm bởi rất nhiều thế lực ngoại bang.

Rồi sau đó, khi ngước lên bầu trời xanh thẳm, tôi nghe văng vẳng tiếng hát của hi vọng, nơi ấy những tia nắng nhắc nhở tôi rằng độc lập ngày hôm nay quý giá biết bao và cần được gìn giữ biết nhường nào.

Nhiều năm qua, những bài hát về độc lập, về hi vọng và về hòa bình luôn theo bước chân tôi khi tôi rong ruổi trên những chặng đường xa xứ. Khi sống và làm việc ở Bangladesh, Philippines, Bỉ và hiện giờ là Indonesia, Tết độc lập luôn là thời điểm những bài hát ấy cứ thôi thúc trong tôi. Không hát sao được khi tôi có dịp gặp gỡ những người Việt xa xứ vào dịp này.

Tôi, các con và những người bạn nữ giới lại có dịp xúng xính trong những tà áo dài, để rồi chúng tôi ríu rít chuyện trò bằng tiếng mẹ đẻ. Tiếng Việt ấy đã xóa nhòa khoảng cách, khiến chúng tôi xích lại gần nhau, để tôi hiểu rằng có một sợi dây vô hình và thiêng liêng gắn kết những người Việt dù chúng tôi có quá khứ khác biệt thế nào.

Trong rất nhiều năm nay, đây là lần đầu tiên tôi phải ăn Tết độc lập từ xa. Thành phố Jakarta nơi tôi sống đang bị đại dịch Covid-19 làm cho tê liệt các sự kiện giao lưu văn hóa.

Nhưng tôi không cảm thấy cô đơn vì quê hương chỉ cách tôi một cuộc điện thoại. Nhấc điện thoại lên, tôi nghe tiếng cười nói của cha mẹ và cảm thấy ân huệ được sinh ra trong cõi đời này, ân huệ được làm con của cha mẹ tôi, ân huệ được đi, được học, được tìm hiểu về nguồn cội.

Ân huệ được là một người Việt. Và mở điện thoại ra, cả ba chữ trên tin nhắn “Tết độc lập” khiến tôi có cảm giác nôn nao hạnh phúc.

Cầu mong độc lập và hòa bình luôn tung cánh trên dải đất Việt Nam.

 

0 nhận xét: