17/9/20

TƯỞNG NHỚ 228 NĂM NGÀY MẤT VUA QUANG TRUNG - NGUYỄN HUỆ (16/9/1792 - 2020).

Nguyễn Huệ sinh năm Quý Dậu (1753), là em của Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Khi còn nhỏ, Nguyễn Huệ thường được gọi là chú Thơm, là em thứ hai trong nhà. Trong ba anh em, Nguyễn Huệ có nhiều đặc điểm nổi trội nhất: tóc quăn, tiếng nói sang sảng như chuông, cặp mắt sáng như chớp, có thể nhìn rõ mọi vật trong đêm tối. Dưới quyền của Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc, ông được phong làm Long Nhương tướng quân khi mới 26 tuổi. Là một tay thiện chiến, hành quân chớp nhoáng, đánh đâu được đấy, Nguyễn Huệ nhanh chóng trở thành vị tướng trụ cột của vương triều Tây Sơn.


Mùa Xuân năm 1771, đất Tây Sơn sôi động, lá cờ nghĩa bằng lụa đỏ dài 10 m được dựng lên với khẩu hiệu lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo và lời hịch kể tội Trương Phúc Loan được truyền đi khắp nơi. Các tầng lớp nhân dân người Kinh, người Thượng đều hăng hái tham gia. Từ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn này, Nguyễn Huệ trở thành lãnh tụ kiệt xuất của phong trào nông dân thế kỷ 18 và cũng trở thành người anh hùng dân tộc vĩ đại.

Nguyễn Huệ là nhà quân sự thiên tài. Trong hoạt động quân sự, ông chủ động tập trung lực lượng đánh vào những mục tiêu chiến lược trọng yếu nhất và hành động liên tục, bất ngờ, chớp nhoáng, quyết liệt làm cho đối phương không kịp đối phó.

Năm 1777,  Nguyễn Huệ đem quân vào Gia Định đánh tan sào huyệt của quân Nguyễn, bắt giết được Nguyễn Phúc Dương và Nguyễn Phúc Thuần. Sau chiến thắng, ông giao quyền cai quản Gia Định cho các tướng rồi trở lại Quy Nhơn.

Năm 1785, được tin báo quân Xiêm xâm lược, Nguyễn Huệ đem đại binh vào Gia Định. Trong mấy trận đầu, quân Tây Sơn rút lui để nhử giặc vào trận địa mai phục sẵn. Quân Xiêm kéo vào Rạch Gầm và Xoài Mút (phía tây Mỹ Tho) bị phục binh Tây Sơn ở các mặt cùng đổ ập ra tiến công bất ngờ, quyết liệt. 5 vạn quân thủy bộ cùng 300 chiến thuyền bị đánh tan tác, chỉ còn vài nghìn tên sống sót chạy trốn về nước theo đường núi.

Đến trận đại phá 29 vạn quân Thanh đầu năm 1789 thì thật là kỳ diệu. Cuối năm 1788, quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy đã chiếm Thăng Long. Tiền đội quân Thanh thọc sâu đến tận Hà Nam. Quanh Thăng Long dày đặc một hệ thống những đồn kiên cố ở Hạ Hồi, Ngọc Hồi, Khương Thượng... để bảo vệ.

Ngày 21/12/1788, nhận được tin báo khẩn cấp của Ngô Văn Sở, ngay ngày hôm sau, tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi lập tức thống lĩnh đại quân tiến ra bắc.

Ngày 15/01/1789, quân Tây Sơn đã tập kết ở Tam Điệp. Khi cho quân ăn Tết trước ở đây, Quang Trung tuyên bố: "Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên Đán trước, đợi đến sang xuân, ngày ta vào Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta xem có đúng thế không?".

Trong trận này, với chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, Quang Trung chọn thời gian và không gian hoàn toàn bất ngờ đối với quân Thanh đang kiêu căng, tự mãn với những thắng lợi bước đầu và mải mê chuẩn bị ăn Tết.

Đêm 30 Tết, quân chủ lực Tây Sơn vượt sông Đáy tiêu diệt đồn tiền tiêu của địch, mở đầu cuộc tiến công. Ngày mùng 3 Tết vây đồn Hạ Hồi, uy hiếp buộc địch đầu hàng. Ngày mùng 5 Tết, mở trận quyết chiến ở đồn Ngọc Hồi. Bằng trận Ngọc Hồi - Đầm Mực, quân Tây Sơn đã đập tan cứ điểm then chốt nhất của địch. Sau đó đồn Khương Thượng nhanh chóng bị tiêu diệt, tướng Sầm Nghi Đống tự tử, Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy. Trưa ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung cùng tướng sĩ chiến bào nhuộm đen khói súng tiến vào Thăng Long.

Nguyễn Huệ cọ̀n là nhà chính trị sáng suốt. Từ mục tiêu trước mắt của phong trào nông dân là đánh đổ chế độ áp bức Trịnh - Nguyễn, Nguyễn Huệ đã vươn lên nhận thức được nhiệm vụ dân tộc là thống nhất đất nước và đánh đuổi ngoại xâm. Ông phê phán tội ác chia cắt đất nước: "Mỗi họ tự gây dựng bờ cõi riêng mình, kỷ cương, trời đất một phen đổ nát không dựng lên được..." (Chiếu lên ngôi).

Năm 1786, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc với khẩu hiệu "Phù Lê diệt Trịnh", cô lập triệt để quân Trịnh nên lấy được Bắc Hà một cách dễ dàng. Nguyễn Huệ nói với Nguyễn Hữu Chỉnh: "Ta đem mấy vạn quân ra đây, chỉ đánh một trận mà dẹp yên được cả thiên hạ... Ví phỏng ta muốn xưng đế, xưng vương gì mà chẳng được. Sở dĩ ta nhường nhịn không ở những ngôi ấy, là hậu đãi nhà Lê đó thôi!" (Hoàng Lê nhất thống chí). Nhưng Nguyễn Huệ cũng biết trong nhân dân và nho sĩ Bắc Hà còn nhiều người luyến tiếc nhà Lê nên ông bằng lòng lấy công chúa Ngọc Hân nhà Lê rồi lui về Thuận Hóa.

 Năm 1787, sau khi sai Vũ Văn Nhậm đem quân ra Bắc giết Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ vẫn để cho Lê Duy Cẩn làm giám quốc bù nhìn. Nguyễn Huệ chỉ chính thức lên ngôi hoàng đế thay nhà Lê khi Lê Chiêu Thống lộ rõ bộ mặt phản quốc, rước quân Thanh vào giày xéo đất nước.

Ngày 16/9/1792 (tức ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý), Vua Quang Trung từ trần, ở ngôi 05 năm, khi mới 39 tuổi, miếu hiệu là Thái tổ Vũ hoàng đế. Tiểu sử về Quang Trung - Nguyễn Huệ là người anh hùng áo vải đã đánh đổ cả hai tập đoàn thống trị phản động ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, người đã lập nên những chiến công hiển hách chống quân xâm lược Xiêm và Mãn Thanh, thực hiện được khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc ta vào cuối thế kỷ thứ 18.

0 nhận xét: