Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, những kẻ ở Đồng Tâm dùng dao phóng lợn tấn công khiến 3 chiến sĩ ngã xuống hố sâu, sau đó chúng nhẫn tâm đổ xăng xuống và châm lửa đốt.
Ngày 7/9, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 29 bị cáo trong vụ án sát hại 3 chiến sĩ công an xảy ra tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội). Đây là vụ án vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn an ninh trật tự, khiến dư luận xã hội phẫn nộ suốt thời gian qua.
Kế hoạch giết người bài bản, dã man
Theo kết luận điều tra của Công an TP Hà Nội, từ tháng 11/2019, Quân chủng Phòng không - không quân có kế hoạch xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn nên đã có văn bản đề nghị Công an TP Hà Nội triển khai lực lượng đảm bảo an ninh trật tự.
Trước tình hình phức tạp tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Công an TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, trong đó ngoài nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho lực lượng tham gia xây dựng tường rào, còn bảo vệ trụ sở các cơ quan nhà nước và tài sản, tính mạng người dân.
Biết việc này, nhóm chủ chốt chống đối gồm Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Quốc Tiến… đã mua lựu đạn và chuẩn bị vũ khí, công cụ để sẵn sàng tấn công lực lượng công an đến làm nhiệm vụ.
Công tuyên bố sẽ “giết 200 người” và yêu cầu cả phụ nữ cũng phải tham gia theo lệnh của Công. Toàn bộ vũ khí được Công yêu cầu tập trung tại nhà Lê Đình Kình để chống lại lực lượng chức năng.
Lê Đình Công giao nhiệm vụ cho Tiến và Duệ tìm mua 10 quả lựu đạn. Sau khi tìm hiểu, Tiến thông báo tiền mua lựu đạn khoảng 33 triệu đồng.
Cụ thể, theo lời khai của Lê Đình Công (con trai ông Lê Đình Kình trong bản tin VTV cho thấy, tháng 11/2019, Công đưa cho Nguyễn Quốc Tiến 33 triệu đồng để mua lựu đạn.
“Lúc đầu chúng tôi cũng ném đá, sau đó ném bom xăng. Các lực lượng chức năng kêu gọi chúng tôi đầu hàng, nhưng chúng tôi không đầu hàng mà vẫn tiếp tục ném đá và bom xăng vào các lực lượng chức năng. Chúng tôi thấy hành vi của mình là sai trái” - Công nói.
Lời khai của Lê Đình Quang (xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội) cũng cho thấy, ông Kình có chỉ đạo mỗi người một việc, người thì đi mua xăng, người thì đi mua lựu đạn, mua dao. Công là người đứng đầu và luôn sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng khi lực lượng chức năng về xã Đồng Tâm.
Ngày 5/1/2020, Nguyễn Quốc Tiến đưa cho một người 450.000 đồng để mua 20 lít xăng về làm "bom" xăng. Ngoài ra, một người khác là Bùi Văn Tiến cũng mua 20 lít xăng để tại nhà với mục đích tấn công lực lượng chức năng.
Sau khi mua được lựu đạn và chuẩn bị xong các loại vũ khí, Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Văn Tuyển tố chức quay video, ghi hình trực tiếp và đăng tải trên mạng xã hội tuyên bố đe dọa sẽ tấn công nếu công an đưa quân về Đồng Tâm.
Ngày 8/1/2020, thông tin về việc lực lượng công an tiến vào Đồng Tâm tiếp tục bị lộ. Nguyễn Văn Thắng (SN 1954, thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội) thông báo cho Lê Đình Công rằng tối 8/1, lực lượng công an sẽ vào thôn Hoành. Do đó, các đối tượng đã có thời gian chuẩn bị vũ khí và nhiều đối tượng ngủ lại nhà của Lê Đình Kình để sẵn sàng chống đối.
Tội ác man rợ
Theo kết luận điều tra, rạng sáng 9/1, khi lực lượng chức năng tiến vào thôn Hoành thì nhóm người đang ở nhà Lê Đình Kình đánh kẻng báo động, đồng thời bắn pháo hiệu, pháo hoa, ném bom xăng, gạch đá về phía lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Lực lượng công an đã sử dụng loa phát thanh kêu gọi chấm dứt ngay các hành vi vi phạm pháp luật và đầu thú nhưng không được.
Lúc này, Lê Đình Chức rút chốt một quả lựu đạn ném về phía công an. Cùng lúc này, những người khác đứng trên mái nhà Lê Đình Kình tiếp tục dùng bom xăng, gạch đá, pháo tấn công lực lượng công an.
Khi thuyết phục không thành công, tổ công tác gồm 3 chiến sĩ: Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy và Dương Đức Hoàng Quân được chỉ đạo tiếp cận từ tầng 1 nhà Lê Đình Hợi để tiến sang tầng 2 nhà Lê Đình Chức khống chế các đối tượng.
Khi 3 chiến sĩ di chuyển từ cửa sổ tầng 2 nhà Lê Đình Hợi định tiếp cận mái nhà Chức thì bị các đối tượng dùng tuýp sắt có gắn phóng lợn để tấn công, đồng thời ném nhiều gạch đá khiến 3 chiến sĩ ngã từ trên cao xuống một hố sâu 4m nằm giữa nhà Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức và bị thương.
Thấy vậy, Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh lấy một can xăng khoảng 5 lít đổ ra chậu. Rồi hai kẻ này đạp chậu xuống hố, châm lửa.
Mặc dù các chiến sĩ liên tục gọi đàm ra ngoài kêu cứu nhưng khi thấy lửa chuẩn bị tắt, bị can Chức tiếp tục nhiều lần đổ xăng xuống hố làm cho lửa bùng cháy lớn làm 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.
Các đối tượng tiếp tục chống đối dữ dội. Lực lượng chức năng sử dụng lựu đạn khói và chó nghiệp vụ để dần vây chặt vòng vây. Lượng vũ khí của lực lượng chống đối hết dần và nhiều đối tượng còn không biết sử dụng các loại vũ khí như lựu đạn.
Khi vòng vây khép chặt, các đối tượng chủ chốt còn lại tập trung ở nhà Lê Đình Kình. Lực lượng chức năng sử dụng lựu đạn khói ném vào nhà. Lê Đình Kình cầm một quả lựu đạn nói lớn: “Bây giờ xông vào nhà là tao ném lựu đạn cho chết hết”. Sau nhiều lần thuyết phục không thành công, để tránh hy sinh cho lực lượng chức năng, các chiến sĩ bắn tiêu diệt Lê Đình Kình. Khi tử vong, Lê Đình Kình vẫn cầm lựu đạn trên tay.
Công an Hà Nội kết luận, tại cơ quan điều tra, các bị can đã khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp lời khai của những người liên quan, người chứng kiến và các tài liệu điều tra thu thập được.
Các bị can nhiều lần đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt, là nguyên nhân trực tiếp làm chết 3 cán bộ, chiến sĩ công an. Đây là hành vi man rợ, có tính côn đồ, giết chết nhiều người, cần phải được xử lý nghiêm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Trả lời VTC News về vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh, với các hành vi chống đối như ở Đồng Tâm là hành vi vi phạm pháp luật.
"Căn cứ theo tính chất, mức độ đến đâu thì xử lý tới đó và phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, bất kể người đó là ai. Đất nước này phải có tôn ti, trật tự", Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Trả lời VTC News, Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim - (Đoàn Hải Dương) ủng hộ quan điểm của Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức.
Ông Kim cho rằng, việc quan trọng là phải tuyên truyền cho người dân hiểu về pháp luật, về chính sách. "Nhưng với các hành vi chống đối, vi phạm pháp luật thì cần phải áp dụng các biện pháp bắt giữ, ngăn chặn".
"Người dân phải thực hiện theo đúng pháp luật và phải duy trì, bất cứ đất nước nào cũng thế chứ không chỉ riêng ở Đồng Tâm. Bất cứ ở đâu việc không tuân thủ pháp luật bắt buộc phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật", ông Kim nói.
Lên án mạnh mẽ tội ác giết người của những kẻ nổi loạn ở Đồng Tâm, luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ: “Hành vi này là rất đáng lên án, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tuy nhiên, chính quyền đã tạo cơ hội vận động, giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành pháp luật, không áp dụng triệt để các chế tài của pháp luật nhưng nhiều đối tượng vẫn còn ngoan cố, chống đối và hung hãn hơn.
Việc bùng nổ sự việc thế này có lẽ các cơ quan chức năng cũng lường trước, tuy nhiên một số đối tượng quá manh động sử dụng cả lựu đạn, bom xăng, dao phóng... để chống lại lực lượng chức năng. Bởi vậy, cần phải xử lý nghiêm minh, triệt để trước pháp luật các đối tượng đã có hành vi vi phạm pháp luật hình sự”.
Trong 29 đối tượng bị truy tố trong vụ Chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 9/1/2020, 25 kẻ bị đưa ra xét xử về tội "Giết người" gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trình Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung.
Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng bị xét xử về tội "Chống người thi hành công vụ".
Đây là nhóm người đã trực tiếp dùng vũ lực chống đối lực lượng chức năng khiến 3 chiến sĩ hy sinh gồm: Đại tá Nguyễn Huy Thịnh (sinh năm 1972), Phó Trung đoàn trưởng, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Đại úy Phạm Công Huy (sinh năm 1993), cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ số 3 - Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội); Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân (sinh năm 1992), Tiểu đội trưởng, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Trước sự hy sinh dũng cảm của 3 chiến sĩ để bảo vệ kỷ cương phép nước, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Thủ tướng cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”; Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định thăng cấp bậc hàm vượt cấp cho 3 chiến sĩ Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy và Dương Đức Hoàng Quân.
Nguồn: vtc.vn
0 nhận xét: