Tháng 10/2018, Nhật báo China Daily đăng tải bộ sưu tập Xuân - Hè 2019 mang phong cách truyền thống Trung Quốc của hãng Ne Tiger. Điều đáng bàn ở đây là nhìn qua loạt ảnh được đăng, dân mạng Việt Nam dễ dàng nhận ra những trang phục của hãng thời trang Trung Quốc gần như “sao y bản chính” áo dài Việt Nam. Bài đăng này nhanh chóng nổi sóng trên Weibo, đa phần dân cư mạng Trung Quốc đồng tình với bài viết, cho rằng áo dài Việt Nam “mang phong cách Trung Quốc” và rồi họ tố ngược người Việt rằng “ăn cắp thiết kế của sườn xám”.
Trên mạng xã hội Douyin - một phiên bản “nội địa” của Tiktok, xuất hiện những video của một nhà thiết kế Trung Quốc cách tân trang phục truyền thống sườn xám của nước họ. Nhưng, những trang phục sườn xám cách tân này lại có rất nhiều chi tiết giống trang phục áo dài của Việt Nam. Những bộ trang phục này được chụp mũ là “sườn xám hiện đại”, được bày bán trên Tmall, Taobao và các trang thương mại điện tử của Trung Quốc và thu hút được một lượng đặt hàng rất lớn, trong đó không nhỏ đến từ Việt Nam. Những người yêu quốc phục Việt Nam vô cùng phẫn nộ, họ có đặt hàng những bộ “sườn xám cách tân” đó về, làm những clip phản biện và phân tích sự khác nhau giữa áo dài và sườn xám và cho rằng những chiếc “sườn xám cách tân” là một sự ăn cắp văn hóa trắng trợn, khiến trang phục truyền thống của cả hai quốc gia bị sai lệch đi. Tuy nhiên, có những người Việt lại vào bênh vực những bộ “sườn xám cách tân” đó, họ cho rằng văn hóa Việt Nam lệ thuộc vào văn hóa Trung Quốc, trang phục truyền thống của Việt Nam cũng giống trang phục truyền thống của Trung Quốc. Họ cho rằng Việt Nam đã bị Trung Quốc đô hộ cả ngàn năm vì thế, áo dài sao chép sườn xám cũng không có gì cần bàn tới.
Vào tháng 5 vừa rồi, chương trình truyền hình thực tế “Sáng tạo doanh 2020” của Trung Quốc chiếu trên Tencent Video cũng bị cư dân mạng Việt Nam “tố giác” việc ăn cắp bản nhạc Nhã nhạc cung đình Huế làm nhạc dạo cho một vỡ diễn cổ trang Trung Quốc. Trước đó, bộ phim Thịnh Đường Huyễn Dạ cũng bị tố giác tương tự và dẫn đến việc bị VTV8 “cắt sóng”.
Tuy nhiên, có nhiều người hâm mộ Việt Nam cho rằng chương trình các chương trình, bộ phim nổi tiếng bên Trung Quốc sử dụng các bản nhạc từ Nhã nhạc cung đình Huế là một niềm vinh dự. Họ cho rằng những chương trình và bộ phim trên có mức độ phủ sóng rất cao, nhiều người xem, từ đó các bản nhạc Nhã nhạc cung đình Huế của Việt Nam sẽ có nhiều người nghe và tìm hiểu, có thể thu hút thêm khách du lịch.
Từ Nhã nhạc cung đình Huế đến áo dài, từ âm nhạc đến trang phục… của chúng ta đang bị đánh cắp, đang bị sao chép, một phần đến sự thờ ơ, dễ dãi và mặc kệ của chính những người Việt.
Đầu tháng 10/2020, Thừa Tiên Huế quyết định các nam viên chức làm việc tại Sở Văn hóa - thể thao sẽ mặc áo dài vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng. Mục đích của việc làm này là khiến cho hình ảnh của các viên chức thân thiện hơn với người dân và khách du lịch, nhằm bảo tồn giá trị văn hóa của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc này được coi như là một “thí điểm” từng bước đưa áo dài vào trong môi trường công sở và học đường, khuyến khích anh em nam giới cùng bảo vệ và tôn vinh áo dài cùng với chị em.
Tuy nhiên, có nhiều người không nghĩ như vậy.
Họ cho rằng sử dụng áo dài sẽ gây ra nhiều bất tiện, khó di chuyển, vướng víu trong các hoạt động văn phòng. Tuy nhiên, trong khuyến nghị, các nam viên chức chỉ sử dụng áo dài vào ngày thứ 2 đầu tiên của tháng hoặc các dịp lễ đặc biệt chứ không bắt ép phải sử dụng liên tục thay các trang phục công sở khác. Trong tương lai, nếu việc mặc áo dài được nhân rộng ra, thì cơ quan chức năng cũng chỉ khuyến khích các đơn vị mặc vào thời điểm nhất định, vừa bảo vệ văn hóa dân tộc, vừa giúp văn hóa doanh nghiệp hay cơ quan được duy trì, bên cạnh đó không làm gián đoạn các hoạt động công sở thường nhật.
Một nguyên nhân khác khiến nhiều người phản đối là hình ảnh các nam viên chức trang phục áo dài giống như là phân biệt giai cấp, gợi nhớ hình ảnh quan lại cũ với thường dân. Mình cho rằng đây là một quan điểm bảo thủ và lạc hậu. Ngoài ra, họ cho rằng nam giới mặc áo dài thì không đẹp, nhưng về vấn đề này, hãy hỏi các chị em. Trên nhiều diễn đàn, rất nhiều chị em bày tỏ sự ủng hộ các anh em mặc áo dài, vì nó vừa tạo ra cảm giác mới lạ, vừa gần gũi với văn hóa dân tộc. Việc các anh em mặc áo dài cũng như là một động thái “chia lửa”, cùng góp sức với các chị em bảo vệ văn hóa dân tộc. Mặc áo dài nhằm lan tỏa văn hóa dân tộc, và đã đến lúc, các anh em cần góp sức vào sự lan tỏa ấy.
Đúng là mặc áo dài bất tiện thật, vướng víu, nhưng các chị em vẫn mặc khi đi làm, khi đi chơi, đi tham gia các ngày lễ lớn hoặc dịp đặc biệt. Vậy thì há cớ gì các anh em lại không mặc được?
Nhiều người cho rằng mặc áo dài là một sự cải lùi về văn hóa, họ cho rằng thế giới đang ngày một tiến lên hiện đại thì Việt Nam lại cổ vũ một giá trị văn hóa cũ kĩ, lạc hậu? Nhìn trông giấy phường tuồng chèo, phong kiến. Vậy, lại nhắc đến câu chuyện người Hàn nỗ lực quảng bá Hanbok ra thế giới, người Nhật tự hào về Kimono, hay câu chuyện Thủ tướng Ấn Độ luôn mặc áo truyền thống mỗi khi đón tiếp nguyên thủ nước ngoài. Giá trị của một quốc gia không phải chỉ được đong đếm bằng những giá trị của hiện tại và tương lai, nếu một quốc gia chỉ quan tâm đến hiện tại và tương lai. Đó là một quốc gia mất gốc.
Một điều buồn cười khác, là nhiều người nói về hình ảnh Ngô Đình Diệm - một lãnh đạo của chế độ VNCH cũng từng mặc áo dài. Thực tế, đúng là Ngô Đình Diệm khá hay mặc áo dài, tuy nhiên, áo dài là trang phục truyền thống của người Việt, chứ không phải là quân bài chính trị. Đừng “dán mác” chính trị vào áo dài, nghe nó nặng nề và sáo rỗng lắm.
Nhắc đến trang phục truyền thống của người Hàn, người ta sẽ nghĩ ngay đến Hanbok, còn về người Nhật, thì đó là Kimono. Nếu thường xuyên xem bóng đá, sẽ thấy mấy ông chủ người Tây Á như Qatar, Arab Saudi... rất thường xuyên mặc trang phục truyền thống đi theo dõi đội bóng con cưng. Mặc trang phục truyền thống chưa bao giờ là một điều gì đó xấu hổ hay lạc hậu. Tại APEC 2006 diễn ra tại Việt Nam, các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu còn đồng loạt mặc áo dài chụp ảnh mà?
Chứ đừng để đến một lúc nào đó, khi văn hóa mất hết, khi trang phục truyền thống bị ăn cắp, khi những giá trị cổ truyền bị mai một, lúc đó mới mải mê tìm lại, thì đã muộn rồi. Rồi mai này, chẳng lẽ thế hệ con cháu chúng ta sẽ chỉ còn được ngắm nhìn những thứ gì thuộc về truyền thống qua màn hình hay sao?
Mặc hay không mặc là quyền của mỗi người, nhưng, xin đừng chỉ trích văn hóa - thứ mà cha ông ta đã gìn giữ và phát huy, cũng xin đừng mắng mỏ những người đang lưu giữ và phát huy “hồn cốt dân tộc”.
#tifosi
0 nhận xét: