“Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy… cá nhân nào có muốn không làm cũng không thể được”. Câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đi vào lòng người, lòng dân như một tuyên ngôn mạnh mẽ cho cuộc chiến chống tham nhũng. Chuyện cái “lò” được nhắc đến từ câu chuyện của những người dân, trong các phương tiện thông tin đại chúng, đến nghị trường Quốc hội và những cuộc hội họp, tiếp xúc cử tri. Chống tham nhũng là chuyện Đảng ta, dân ta đã nói và làm từ lâu. Đây là cuộc chiến đầy cam go, một cuộc chiến với giặc nội xâm. Ranh giới phân định đâu địch đâu bạn thật mong manh, những người không giữ được ý chí, bản lĩnh bị đồng tiền mua chuộc, suy thoái đạo đức, lối sống, không còn ý chí phấn đấu vì lý tưởng chính là những “thanh củi”. Có thể nói, đây là mong mỏi của người dân bấy lâu. Nhưng tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, tình trạng nể nang, thiếu kiên quyết, bao che, làm “chìm xuồng”, để lọt tội phạm hay giảm nhẹ tội trong xử lý kỷ luật Đảng, xử lý theo pháp luật vẫn là thực tế đáng lo ngại. Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng từ đầu năm 2018 đến nay do Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 04-08-2018, chỉ ra rằng, nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt vẫn gây bức xúc.
“Lò” đã nóng không có nghĩa là tự nó cứ nóng đều, nóng mãi, mà phải không ngừng tiếp củi lửa, nguyên nhiên liệu. “Nguyên, nhiên liệu” cho “lò” chống tham nhũng nói gọn lại đó là ý chí, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của “ý Đảng, lòng dân”, tất cả phải cùng vào cuộc. Chống tham nhũng - chống “giặc nội xâm” - cũng là cuộc chiến không khoan nhượng. Có tiêu diệt được nạn tham nhũng mới bảo vệ được Đảng và chế độ, bảo vệ được cuộc sống yên lành của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Kinh nghiệm lịch sử và thực tế hiện nay cho thấy, không một thứ “giặc” nào lại dễ dàng bị đánh bại. Chống tham nhũng ngày nay là cuộc chiến không kém phần cam go, lâu dài, quyết liệt. Hành vi tham nhũng ngày càng gian manh, xảo quyệt; thủ đoạn tham nhũng cũng như thủ đoạn ẩn nấp, giấu mình, chống trả ngày càng tinh vi, phức tạp, khiến cho việc phát hiện, xử lý tham nhũng ngày càng khó khăn. Hơn nữa, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh một mất, một còn nhưng lại diễn ra ngay trong nội bộ đảng, tổ chức, bộ máy chính quyền, và trong từng cá nhân có chức, có quyền. Vượt qua chính mình, thắng được chính mình, đó là điều khó khăn nhất. Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và 58.120 đảng viên, trong đó có gần 2.720 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ngành thanh tra, kiểm toán tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực, tham nhũng; từ năm 2014 đến nay, qua thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị thu hồi hơn 260 nghìn tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự hơn 340 vụ với 436 đối tượng. Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp với những mức án nghiêm khắc và nhân văn, tích cực thu hồi tài sản tham nhũng; không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai. Từ năm 2014 đến nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố 971 vụ án với 2.010 bị can; truy tố 1.060 vụ án với 2.444 bị can; xét xử sơ thẩm 968 vụ với 2.297 bị cáo về tội tham nhũng. Các phiên tòa xét xử ngày càng đổi mới theo hướng công khai dân chủ, minh bạch, coi trọng tranh tụng, nghiêm minh và nhân văn. Riêng các vụ án, vụ việc tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ với 440 bị cáo với các mức án nghiêm khắc; trong đó có 11 án tử hình cho 10 bị cáo, 20 án chung thân cho 19 bị cáo, bảy bị cáo với mức án tù 30 năm,… Năm 2016, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 26%, năm 2017 đạt 29,45%, sáu tháng đầu năm 2018 đạt 19%. Công cuộc phòng chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, gian nan. Chỉ có sự quyết tâm của Đảng, sự vào cuộc của toàn thể nhân dân mới có thể đẩy lùi. Đó chính là cách để bảo vệ chế độ, bảo vệ chính quyền và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân./.
0 nhận xét: