7/11/20

BẦU CỬ Ở MỸ, ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ CHUYỆN “KÉO NHAU ĐI HỌC TIẾNG TRUNG QUỐC”

Hơn ngàn năm Bắc thuộc, nước Việt vẫn sống, vẫn tồn tại, vẫn không chịu là phần của Thiên Triều, không chấp nhận nói tiếng Trung Quốc, vẫn khởi nghĩa, bị vùi dập, lại tiếp tục khởi nghĩa, vẫn vùng lên. Và từ chối sự đồng hóa.


Rồi thêm một ngàn năm sau nữa, trải qua bao nhiêu cuộc binh biến, các triều đại phong kiến Việt Nam vẫn chọn cách “vừa sống chung, vừa đối đầu” với các triều đại phong kiến Trung Quốc, vẫn hô “đánh” chứ không hô “hàng” tại mọi cuộc xâm lăng, vẫn tuyên bố rõ rằng: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở”. Các đời vua Việt Nam vẫn mặc áo long bào, con dấu riêng, quân đội riêng, người Việt nói tiếng Việt, chứ không nói tiếng Trung Quốc. 



Rồi cả trăm năm bị phương Tây đô hộ, người Việt vẫn “từ chối” tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Anh… Người ta thường nói vui rằng, thà nói “đ** m* mày” và cầm súng chiến đấu, còn hơn nói mấy thứ tiếng đó. 


Nhiều quốc gia Nam Mỹ, khi bị đô hộ, đã nói thứ tiếng của các nước đô hộ, đó là Brazil nói tiếng Bồ Đào Nha, Argentina nói tiếng Tây Ban Nha. Hay nói vui một chút, như Mỹ chẳng hạn, quốc gia này nói tiếng Anh, và Anh cũng chính là một quốc gia từng đô hộ Mỹ, còn tiếng nói bản địa của Mỹ là tiếng nói của những thổ dân da đỏ. Gần hơn một chút, người Philippines coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, quốc gia này cũng từng bỏ phiếu xin được trở thành một bang của Hoa Kỳ - nhưng đã bị từ chối. 


Nhà văn hóa Phạm Quỳnh có một câu nói bất hủ: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Phần vì Truyện Kiều là một tác phẩm viết bằng chữ Nôm, loại chữ mà người Việt sáng tạo ra dựa trên chữ Hán. Ngoài ra, hoàn cảnh mà nhà văn hóa Phạm Quỳnh nói câu đó đúng là vào lúc Việt Nam đang bị Pháp đô hộ, văn hóa Việt Nam gặp khủng hoảng, trào lưu “Tây hóa” lan rộng, một cuộc “xâm thực” văn hóa diễn ra.


Vậy mà, chỉ qua một cuộc cuộc bầu cử ở tận bờ bên kia Thái Bình Dương, nhiều người Việt đã nghĩ đến một viễn cảnh “học tiếng Trung Quốc” - ở đây có nghĩa là sợ Trung Quốc bành trướng, sợ Trung Quốc lớn mạnh, sợ Trung Quốc phát triển, hay xa hơn, là sợ Trung Quốc đánh Việt Nam. Có nhiều người Việt nghĩ rằng nếu ông Joe Biden nắm quyền, thì Trung Quốc sẽ rộng cửa phát triển, vì ông Trump đánh Trung Quốc, còn ông Joe Biden thì không. 


Họ thực sự đang mong muốn Mỹ có thể kìm hãm Trung Quốc. 


Lương Khải Siêu từng bút đàm với Phan Bội Châu, khuyên Phan Bội Châu không nên cầu viện Nhật đánh Pháp. Vì nếu việc ấy diễn ra, chỉ có Nhật thay Pháp, còn Việt Nam thì vẫn là một quốc gia thuộc địa. Dẫu biết so sánh là khập khiễng, nhưng về bản chất, chuyện Phan Bội Châu nhờ “Nhật đánh Pháp” và chuyện nhiều người Việt hiện nay nhờ “Mỹ đánh Trung Quốc” có khá nhiều điều tương đồng.


Lê Chiêu Thống từng cầu viện nhà Thanh đem quân sang đánh Quang Trung, nhằm mục đích đòi lại ngôi báu và đi kèm với điều đó là việc đưa nước Việt trở thành một nước phụ thuộc vào Trung Quốc. Nguyễn Ánh cũng đã ngồi quỳ trước vua Xiêm - giờ là Thái Lan, mong muốn Xiêm đem quân tiến đánh phía Nam nước ta, nay là khu vực Tây Nam Bộ. Điểm chung của hai vị vua này, đều là việc bị người đương thời và hậu thế khinh miệt, coi là “cõng rắn cắn gà nhà”. 


Vậy mà, giờ đây, nhiều thanh niên sẵn sàng mang tâm tưởng “cầu viện” Mỹ, mong Trump chiến thắng, chỉ vì một suy nghĩ, ông Trump sẽ kìm hãm Trung Quốc. 


Bất cứ ai là tổng thống Mỹ, Joe Biden hoặc Trump, đều chỉ quan tâm đến lợi ích của Mỹ là trước tiên. Mà bất cứ một đảng phái nào, dù Dân chủ hay Cộng hòa, cũng đều có những chính sách kìm hãm Trung Quốc. Nói một cách đơn giản, phía Cộng hòa nhắm vào kinh tế, quân sự, ngoại giao… còn phía Dân chủ thường hay sử dụng quân bài dân chủ, nhân quyền, sắc tộc, tôn giáo… 


Dưới thời ông Trump, Việt Nam “bị” đưa ra khỏi danh sách các quốc gia hưởng ưu đãi của các nước phát triển. Rồi phía Chính phủ Mỹ còn cho rằng Việt Nam đã thao túng tiền tệ trong một thương vụ xuất khẩu lốp xe, rồi cũng từng không dưới 2 lần cho rằng Việt Nam là một kẻ thao túng tiền tệ và liên tục đe dọa sẽ áp thuế lên hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Trên mạng xã hội, ông Trump từng viết rằng Việt Nam là “kẻ lợi dụng” trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ. 


Vào đầu tháng 7, phía chính quyền TT Trump còn trực tiếp cho rằng Việt Nam, cùng với Trung Quốc và Đài Loan đã có những áp đặt vô lý tại Biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Mỹ và đồng minh. Cũng từ những động thái gia tăng hoạt động quân sự tại Biển Đông của Mỹ, Trung Quốc từng đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Và tất nhiên, phía Mỹ và TT TRump chưa bao giờ thừa nhận chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông, nên đừng nhầm tưởng và bợ đít.


Đúng là trong nhiệm kỳ của ông Trump, Việt Nam phát triển hơn trông thấy, xuất khẩu và nhập khẩu tốt hơn, vị thế cao hơn, ít bị nhòm ngó về “nhân quyền”. Nhưng, không phải vì được cái này mà đánh đổi đi những cái khác, mà thậm chí, sự đánh đổi này còn không đáng.


Cái đáng ở đây, là việc dù bất cứ ai đắc cử, Việt Nam vẫn thể hiện mong muốn quan hệ hòa bình, chung sống hữu nghị, lợi ích đồng đều. Và mỗi người Việt Nam, cần giữ được "bản sắc" Việt Nam, làm bạn với tất cả , "bắt tay" chứ không phải "quỳ gối".


Hàng ngàn năm ở cạnh Trung Quốc, làm gì có ông tổng thống nào, mà Việt Nam vẫn bảo vệ được độc lập, chủ quyền, vẫn có tiếng nói riêng, vẫn kết bạn với bạn bè khắp thế giới. Dù là ông Biden lên, hay ông Trump tại vị, thì Việt Nam vẫn phải độc lập, tự chủ, tự cường, phải tự đứng trên đôi chân của mình. 


Mình thực sự bực mình, vì đi đâu cũng thấy những bình luận kiểu: “Nếu ông Biden trúng cử thì kéo nhau đi học tiếng Trung Quốc là vừa” hoặc “Nếu ông Biden trúng cử thì ai lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam”, cái quái gì vậy? 


Từ bao giờ, mà một đám người Việt lại muốn giao phó vận mệnh dân tộc, chủ quyền dân tộc vào tay một lãnh đạo đến từ nước ngoài như vậy? Rồi thậm chí sợ sệt, lo lắng nếu người lãnh đạo đó không trúng cử mà lại là một người khác. Người Mỹ bầu tổng thống của họ, vì quyền lợi của họ, chứ đâu bầu tổng thống cho người Việt Nam? Cứ đả kích chế độ Việt Nam Cộng Hòa là dựa hơi Mỹ, nhờ cậy Mỹ, nhưng với suy nghĩ như đã nói ở trên, thì tự nhìn nhận lại bản thân xem, có gì khác gì Việt Nam Cộng Hòa hồi trước đâu? Như vậy thì cha ông hy sinh làm gì, chiến đấu làm gì?


#tifosi

0 nhận xét: