Đúng lúc
cuộc chiến chống tham nhũng đang cần một thủ lĩnh phất cờ, Tổng bí thư, Chủ tịch
nước Nguyễn Phú Trọng đã xuất hiện, hội tụ đủ trí tuệ anh minh, dũng khí can đảm.
Thời nào
cũng có nhân tài xuất chúng
Trong mỗi thời
kỳ lịch sử, dân tộc ta đều có những người con ưu tú xuất chúng, được nhân dân
tin tưởng, kính trọng, yêu quý. Đó là những bậc hoàng đế, minh quân, lãnh tụ
không chỉ có tài cao, tầm nhìn vượt thời đại, có những đóng góp quyết định vào
tiến trình thúc đẩy lịch sử phát triển của quốc gia dân tộc, mà còn quy tụ được
muôn dân, cố kết được lòng người, trở thành hoa tiêu dẫn đường cho sơn hà xã tắc
vượt qua mọi sóng gió, thác ghềnh để tồn tại, vững bước đi lên.
Tổng bí thư,
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng – người đánh trống lệnh cho cuộc chiến vào “sào
huyệt” tham nhũng. Ảnh: Phạm Hải
Trong lịch sử
hiện đại tính từ dấu mốc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), thật hồng
phúc cho dân tộc ta có người cầm lái vĩ đại nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người
đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam băng qua mọi cơn sóng dữ của thời cuộc,
góp phần quyết định làm thay đổi số phận, vận mệnh của hơn 20 triệu người Việt
Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ
cuộc sống của mình.
Kế tục sự
nghiệp cách mạng xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ tiền bối của
Đảng như Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Hoàng Quốc Việt, những tên tuổi
như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… đã trở
thành những nhân vật được sử sách nhắc đến nhiều nhất trong cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thế kỷ 20, vì đây chính là linh hồn của “bộ thống
soái” lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta làm nên thắng lợi trong sự
nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Vào giữa thập
niên 1980, nước ta như đang đứng trên bờ vực của sự khủng hoảng toàn diện về
kinh tế – xã hội, phong trào cộng sản và công nhân thế giới bước vào thời kỳ
thoái trào nghiêm trọng, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng bí thư
Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương tiếp tục
chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi “sóng to gió cả” để từng bước
đưa dân tộc ta đi về đích an toàn, thắng lợi.
Người phất
cao ngọn cờ hiệu triệu chống tham nhũng
Sau hơn 2 thập
niên đổi mới, đất nước ta đã thu được những thành tựu to lớn về kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, một
phần do chạy theo tăng trưởng “nóng”, phần khác do cơ chế quản lý kinh tế còn
nhiều sơ hở, lỗ hổng nên một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ
có chức quyền đã cấu kết với một bộ phận cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp
nhà nước để thâu tóm quyền lực, lũng đoạn kinh tế, tham nhũng vật chất, tài sản,
tiền bạc của nhà nước và nhân dân. Từ đó, tình trạng tham nhũng như một vấn nạn
làm nhức nhối lòng dân, là một nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh lãnh đạo
của Đảng và sự sống còn của chế độ.
Hiện trạng
tham nhũng khiến Đảng ta lo lắng, lòng dân bất an. Dù chúng ta đã nhiều lần lên
tiếng tuyên chiến với quốc nạn này, nhưng tình hình không có chuyển biến là mấy.
Bằng việc thông qua hai nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng (nghị
quyết Trung ương 4 khóa 11 và nghị quyết Trung ương 4 khóa 12), Đảng ta, đứng đầu
là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã xắn tay vào làm quyết liệt,
làm thực chất, nên tình trạng phòng, chống tham nhũng bước đầu đã bị ngăn chặn,
đẩy lùi.
Không ngẫu
nhiên mà người dân gọi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với cái
tên thân mật, dân dã là “Người đốt lò vĩ đại”. Bởi ông không chỉ là người khởi
xướng, đánh trống lệnh cho cuộc chiến vào “sào huyệt” tham nhũng ở mọi cấp, mọi
ngành, mà còn là người giương cao ngọn cờ hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân quyết chiến đấu với “quốc nạn” tham nhũng để Đảng thêm trong sạch, Nhà nước
thêm vững mạnh, lòng dân thêm yên ổn.
Không giống với
cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, tham nhũng là “giặc nội xâm”, đối tượng có khi
là đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, thậm chí là bạn hữu, đồng niên, đồng hương
của chính mình.
Vì thế, để
“đánh gục” đối tượng tham nhũng, nhất là những đối tượng tham nhũng có quyền
cao chức trọng, trình độ cao, thì người hạ mệnh lệnh chiến đấu chống tham nhũng
không chỉ có uy lực về địa vị chính trị, bản lĩnh thật sự vững vàng, ý chí kiên
định, sẵn sàng đương đầu với mọi thủ đoạn đối phó, áp lực từ nhiều phía, mà hơn
thế bản thân cần hội tụ đủ phẩm chất “Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung” của một
bậc tướng lĩnh như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Thật may mắn
cho Đảng ta, nhân dân ta, đúng lúc cuộc chiến chống tham nhũng đang cần một thủ
lĩnh phất cờ, thì Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã xuất hiện đúng
thời điểm lịch sử. Ở ông hội tụ đủ trí tuệ anh minh, dũng khí can đảm, được sự
tín nhiệm, ủng hộ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đặc biệt, từ phẩm chất
thanh tao, giản dị, liêm khiết của một người cộng sản chân chính và tấm lòng trọn
đời kiên trung với Đảng, với nước, với dân.
Có thể khẳng
định rằng, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng với trọng tâm là chấn chỉnh tác
phong, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên và trọng điểm là cuộc đấu
tranh phòng, chống tham nhũng để làm trong sạch bộ máy Đảng, bộ máy công quyền
trong những năm qua đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng.
Thành quả này
là nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó có công lao và dấu ấn đặc
biệt quan trọng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tất nhiên,
như nhiều lần lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta đã nói, kết quả
phòng chống tham nhũng mới chỉ là bước đầu, chúng ta phải quyết liệt hơn nữa,
chắc chắn hơn nữa để từng bước gỡ bỏ các mánh lới tinh vi, xảo quyệt của
các đối tượng tham nhũng; hơn thế, phải tạo ra cơ chế, chính sách đủ sức để làm
cho các đối tượng không dám, không thể, không cần tham nhũng.
Chúng ta hoàn
toàn tin tưởng, kỳ vọng với trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất ưu tú vượt trội và vị
thế, uy tín cao cả, kinh nghiệm dày dặn của mình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước
Nguyễn Phú Trọng – người tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp – tiếp tục cống
hiến toàn tâm, toàn lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, xứng
đáng là một trong những bậc lãnh đạo tài ba của Đảng mãi được lịch sử ghi nhận,
lưu danh.
Thiện Văn
0 nhận xét: