Tại hội
nghị Trung ương 2 (khóa XIII), Bộ Chính trị trình Trung ương quyết định việc giới
thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.
Phát biểu
khai mạc hội nghị Trung ương 2 (khóa XIII), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn
Phú Trọng cho biết hội nghị lần này sẽ xem xét, bàn về chương trình làm việc
toàn khóa; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước và
một số vấn đề quan trọng khác.
Theo ông,
ngay sau Đại hội XIII, Bộ Chính trị đã phân công một bước các Uỷ viên Bộ Chính
trị, Ban Bí thư, chuẩn bị và giới thiệu các Uỷ viên Trung ương ứng cử đại biểu
Quốc hội khoá XV; đồng thời chỉ đạo các cấp uỷ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ
máy, cán bộ ở cấp mình.
Sau khi xem
xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, Bộ Chính trị thống nhất cao cần
sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước một cách đồng
bộ, đáp ứng yêu cầu kịp thời triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội
XIII. Do vậy, Bộ Chính trị đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn các chức
danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV (dự kiến
khai mạc cuối tháng 3).
Theo Quy chế làm việc, tại hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là những chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước; đồng thời báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu, hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền.
Tổng bí
thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư,
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, vấn đề nhân sự mà hội nghị Trung ương
quyết định và tham gia ý kiến lần này “cần quán triệt và thực hiện nhất quán
phương hướng công tác nhân sự do Đại hội XIII đã thông qua, bảo đảm sự lãnh đạo
thống nhất, toàn diện, hài hoà của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức
mạnh tổng hợp chung”.
Ông nêu rõ “cần
cố gắng xem xét một cách tổng thể, sắp xếp hợp lý nhất trong điều kiện có thể;
căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ; chú trọng năng lực, sở trường, chuyên
môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; kết hợp yêu cầu
trước mắt với bước chuẩn bị cho các khoá tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa và
phát triển”.
Tổng bí thư,
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh công tác nhân sự cần được tiến
hành theo đúng các quy định, quy chế, nguyên tắc của Đảng và Nhà nước.
Trước đó tại
phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 23/2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Thị Kim Ngân cho biết, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 14 vào cuối tháng 3,
sẽ dành thời gian để kiện toàn một số chức danh bộ máy Nhà nước.
Theo Phó chủ
tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, công tác nhân sự thực hiện theo chủ trương Bộ Chính
trị là lần này sẽ kiện toàn một số chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước của nhiệm
kỳ 2016-2021, chứ không phải thay đổi bộ máy nhà nước.
“Liên quan đến
lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những ai không vào Trung ương
khóa này thì phải kiện toàn”, ông Lưu nói.
Tại cuộc họp
báo hôm 2/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết
Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự Đảng Chính phủ xây dựng phương án giới thiệu
nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đảm nhận chức danh lãnh đạo Chính phủ, lãnh
đạo các bộ, ngành, cơ quan “mà ở đó các Ủy viên Trung ương (là lãnh đạo bộ,
ngành) không tái cử hoặc có tái cử nhưng thay đổi vị trí công tác”.
Tại Đại hội
XIII của Đảng, trong 26 thành viên Chính phủ có 2 phó thủ tướng và 7 bộ trưởng
không tái cử Trung ương khóa mới.
0 nhận xét: