Theo thông lệ, cứ vào dịp Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều địa phương tổ chức bắn pháo hoa, nhất là các trung tâm đô thị lớn, những trung tâm du lịch… Nhưng năm nay, trước diễn biến phức tạp của dịch, nhiều địa phương đã chủ động dừng các hoạt động công cộng…
Vừa qua, hàng loạt địa phương gồm Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Quảng Trị, Nghệ An…đã chủ động quyết định dừng bắn pháo hoa dịp 30/4-1/5 với cùng lý do: bảo đảm an toàn chống dịch, hạn chế việc tập trung đông người.
Cụ thể, tỉnh Nghệ An quyết định dừng bắn pháo hoa chào mừng Lễ hội Du lịch biển Cửa Lò đêm 30/4 và các lễ hội khác. Tỉnh Quảng Trị cũng quyết định hủy kế hoạch bắn pháo hoa tầm thấp vào tối 30/4 ở khu Dịch vụ - Du lịch biển Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) để khai trương mùa du lịch biển 2021.
Tỉnh Quảng Ninh dự kiến bắn pháo hoa tại TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và thị xã Đông Triều trong dịp lễ 30/4 và 1/5, gắn với các chương trình nghệ thuật đặc sắc nhằm kích cầu du lịch thì nay cũng hủy bỏ. Phần kinh phí từ việc dự kiến bắn pháo hoa sẽ được sử dụng vào việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch.
Bây giờ virus biến thể COVID-19 phát triển rất nhanh. Đọc các thông tin hiện nay trên báo, tình hình Ấn Độ rất kinh khủng. Tôi cũng muốn không khí rộn ràng nhưng những hoạt động này phức tạp, tập trung rất đông người, lỡ xảy ra chuyện gì ân hận không kịp”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã nói tại cuộc họp họp khẩn về phòng chống dịch COVID-19 ngày 26/4.
Trước đó, TPHCM dự kiến tổ chức 4 điểm bắn pháo hoa, trong đó hai điểm bắn pháo hoa tầm cao là khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (TP Thủ Đức), tòa nhà Landmark 81 (quận Bình Thạnh).
Có thể nói, quyết định nêu trên của các địa phương thể hiện tinh thần tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đó là: tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nêu cao ý thức và trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng và cá nhân.
Bắn pháo hoa thì vui và nhu cầu này có thật nhưng niềm vui đến đâu khi mà còn đó nỗi lo an toàn về sức khỏe của người dân. Lơ là, chủ quan là bài học nhỡn tiền với cái giá rất đắt mà chúng ta đang thấy ở Ấn Độ, quốc gia “vỡ trận” trước #COVID-19 với con số hơn 300.000 ca nhiễm mỗi ngày trong thời gian gần đây.
Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù Việt Nam đang được xem là yên bình trước dịch bệnh, thế nhưng điều đó không cho phép chúng ta “ngơi nghỉ”, mất cảnh giác, nhất là khi các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan… đang trở thành điểm nóng.
Phát triển kinh tế-xã hội là điều quan trọng nhưng để dịch bùng phát thì trước hết là ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của mỗi cá nhân và cũng “cuốn trôi” những thành quả kinh tế đã đạt được. Phát triển kinh tế phải song song với phòng chống dịch, với “5K+vaccine”, trước hết là đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi đông người, đây là "chiếc áo giáp" hữu hiệu nhất bảo vệ người dân mà Bộ Y tế khuyến cáo. Chúng ta kiên quyết không để dịch bùng phát trở lại, mỗi người vì sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, vì chính mình.
Pháo hoa rất đẹp nhưng chúng ta an toàn là quan trọng nhất.
Đức Tuân
0 nhận xét: