7/5/21

ĐÁM CƯỚI CÓ MỘT KHÔNG HAI TRONG HẦM DE CASTRIES 

 Lễ cưới tổ chức ngay trong hầm De Castries còn chưa hết mùi thuốc súng và cô dâu chú rể chụp ảnh cưới ngay trên xe tăng Pháp bị bắn cháy. 



 ✍️Một đám cưới trên trận địa Điện Biên 

 Ngày 22/5/1954, ngay trên trận địa Điện Biên, giữa hầm chỉ huy của De Castries đã diễn ra đám cưới của đồng chí Cao Văn Khánh – đại đoàn phó đại đoàn quân Tiên phong với nữ chiến sĩ quân y Nguyễn Thị Ngọc Toản. Một điều thú vị là mối tình của hai người bắt đầu từ sau chiến dịch Biên giới và đơm hoa kết trái ở Điện Biên. Hai mốc thời gian đều là những mốc quan trọng trong sự phát triển của kháng chiến. Cuốn sách Tướng Cao Văn Khánh – nhà tham mưu chiến lược cho biết chi tiết về đám cưới đó: Chiến dịch kết thúc, hầm Đờ Cát được những người lính dọn dẹp sạch sẽ trang trí làm phòng cưới của Cao Văn Khánh và Nguyễn Thị Ngọc Toản. 

 Căn hầm dưới lòng đất của tướng Đờ Cát được ban tổ chức lễ thành hôn trang hoàng bằng các loại dù chiến lợi phẩm đủ màu sắc. Bàn ghế tận dụng tại chỗ đủ cho bốn mươi, năm mươi khách mời, bàn cũng được phủ loại dù hoa. Trang trí thật đơn giản. Phía trước căng một tấm dù đỏ, đính dòng chữ cắt bằng giấy bản đồ rách địch bỏ lại: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ - 22.5.1954”.

 Phần tiệc trà mời khách thì quá rôm rả. Nào là kẹo Nuga, bánh bích quy từ Sài Gòn, Socola thỏi bọc bằng giấy bạc, rượu sâm banh và có cả mấy chai rượu Napoleon từ Paris, thuốc lá thơm Philip… Tất cả đều là chiến lợi phẩm Pháp thả dù xuống cho bộ tham mưu của Đờ Cát dùng. 

 Do pháo ta bắn dữ quá, máy bay địch không dám xuống thấp nên thả lạc vào trận địa quân ta, bộ đội đại đoàn 308 thu được. Nay đám cưới thủ trưởng Cao Văn Khánh, họ mang tới tặng. Chỉ tiếc rằng không có hoa vì lòng chảo Điện Biên Phủ còn nham nhở những đám cháy do bom đạn, hoa rừng chưa nở kịp”. 

 Lễ cưới xong, đôi uyên ương từ hầm Đờ Cát đi ra, phóng viên báo Quân đội nhân dân đã chuẩn bị sẵn kịch bản bèn mời cô dâu chú rể lên đứng trên chiếc xe tăng của Pháp bên cầu Mường Thanh để chụp ảnh. Cô dâu chú rể cười tươi trên xe tăng trong tư thế các chiến sĩ xe tăng đứng trên xe duyệt binh qua Lễ đài mừng ngày chiến thắng. 

 Đại tá Phạm Chí Nhân cựu cán bộ đại đoàn 308 sau này có kể về đám cưới này: “Công việc trao trả thương binh địch và thu dọn chiến trường vừa tạm ổn thì gia đình Quân Tiên phong lại có tin vui. Một đám cưới mà mọi người mong đợi từ lâu được tổ chức ngay tại sở chỉ huy cũ của địch đã trang trí lại… Tôi lại có dịp chúc mừng Đại đoàn phó Cao Văn Khánh, người chỉ huy cũng là thầy dạy toán của tôi ở trường trung học, đẹp duyên cùng chị Nguyễn Thị Ngọc Toản, y sĩ Cục Quân y đang phục vụ trên hỏa tuyến. Khí thế chiến thắng xen kẽ tình cảm lứa đôi. Vui duyên mới khi nhiệm vụ đã hoàn thành. Giản dị mà vô cùng thân mật. Một đám cưới hiếm thấy, một tình duyên bền chặt đến suốt đời”.

 Còn cô dâu, sau này là bác sĩ, giáo sư Nguyễn Ngọc Toản, trong một cuốn sách viết cho thiếu nhi bằng tiếng Pháp đã kể về đám cưới của mình như thế này: “Sau khi chiến dịch kết thúc, tôi kết hôn với anh Cao Văn Khánh. Nói thật là tôi còn do dự, vì tôi chưa xin phép được mẹ tôi. Nhưng các anh cán bộ xung quanh đều khuyên bảo và “nói vào”. Họ muốn mọi việc nhanh và nói rằng: chiến tranh đang còn. Không biết cái gì sẽ xảy ra. Nào. Không còn thì giờ để nghỉ phép nữa đâu, phải quyết định ngay thôi! 

 Vậy là chúng tôi kết hôn trên trận địa Điện Biên Phủ trong hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát. Anh Trần Lương lúc đó là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam được phân công ở lại cùng anh Khánh giải quyết tù binh và thu dọn chiến trường, là người đứng ra làm chủ hôn, tổ chức cho chúng tôi một lễ cưới đơn giản. 

Ông tuyên bố mấy câu giản dị: Hôm nay chúng ta có mặt ở đây để chứng kiến ngày thành hôn của hai anh chị Nguyễn Thị Ngọc Toản và Cao Văn Khánh. Chúng tôi chúc mừng. Tiếp đó tôi hát bài Em bé Mường La, chồng tôi hát bài Bộ đội về làng. Chúng tôi uống rượu vang và ăn kẹo do quân đội Pháp thả dù xuống”.

0 nhận xét: