Chiều 24-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam và Lê Văn Thành.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, đợt dịch lần thứ 4 có diễn biến phức tạp hơn và khả năng sẽ kéo dài hơn các đợt dịch trước, xảy ra tại nhiều địa phương với nhiều nguồn lây, nhiều ổ dịch trong cùng thời điểm, cùng sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới với khả năng lây nhanh hơn, rộng hơn, mạnh hơn. Mặc dù vậy, đợt dịch thứ 4 này vẫn đang được kiểm soát do hầu hết các trường hợp mắc mới đã xác định được nguồn lây và là các trường hợp đã được cách ly từ trước hoặc được phát hiện trong khu vực phong tỏa. Dịch cơ bản đã được kiểm soát tại hầu hết các địa phương như Yên Bái, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Hải Phòng, Quảng Trị, Đắc Lắc, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Ninh Bình, Tuyên Quang, Sơn La… Có sáu địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới.
Tại hai tỉnh
Bắc Ninh và Bắc Giang, dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch bùng phát với số ca mắc
cao, xảy ra tại khu công nghiệp và lây lan ra cộng đồng. Hai địa phương đã quyết
liệt, mạnh mẽ triển khai phong tỏa, cách ly triệt để các khu vực có trường hợp
mắc bệnh, thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa bàn và tạm dừng hoạt động của
một số khu công nghiệp (tại Bắc Giang), một số công ty (tại Bắc Ninh) để nhanh
chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch. Các trường hợp mắc mới sẽ tiếp tục được
ghi nhận do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng, nhưng cơ bản
tình hình dịch bệnh tại hai địa phương đang từng bước được kiểm soát. Các trường
hợp hầu hết đã được cách ly từ trước hoặc được phát hiện trong khu vực phong tỏa.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng có thể xuất hiện một số ca bệnh trong cộng đồng
thời gian tới.
Phát biểu ý
kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đợt bùng phát dịch thứ
4 do biến chủng của virus lây lan nhanh, khó kiểm soát, diễn ra trên diện rộng,
nhất là ở khu công nghiệp. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,
Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế, chúng ta quyết tâm đẩy lùi đợt dịch này, kiên
trì thực hiện mục tiêu kép, phát triển kinh tế – xã hội để có cơ sở vật chất,
tiềm lực cho việc bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm
an sinh xã hội và mọi mặt hoạt động khác của đất nước.
Trong tuần
qua, chúng ta tập trung bảo vệ và tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và
HĐND các cấp trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp, trong đó có một số tỉnh
như Bắc Ninh, Bắc Giang. Thủ tướng yêu cầu cần tổng kết, đánh giá, rút kinh
nghiệm về công tác này.
Thủ tướng biểu
dương một số bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác phòng chống dịch, góp phần
phát triển kinh tế – xã hội và bầu cử thành công. Bộ Y tế rất tích cực, đội ngũ
cán bộ, bác sĩ, người lao động trong ngành đã không ngại khó khăn, gian khổ, hy
sinh để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các lực lượng quân đội, công an sẵn sàng thực
hiện nhiệm vụ được giao và chi viện, hợp tác với các cơ quan, địa phương. Bộ
Tài chính đã có ngay văn bản hướng dẫn mới về cơ chế tài chính mua sắm trang
thiết bị, vật tư phục vụ phòng chống dịch. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao
thực hiện tốt, tích cực, hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Các tỉnh có dịch đã tập
trung lãnh đạo, chỉ đạo và thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, “ngày đêm sớm
tối lo toan”, cho thấy việc phân cấp đang có hiệu quả và đúng hướng.
Thủ tướng biểu
dương sáu địa phương đã qua 14 ngày không phát hiện ca nhiễm mới, kiềm chế và đẩy
lùi dịch bệnh, cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và đông đảo người dân đã đồng hành
cùng Chính phủ trong triển khai các giải pháp thực hiện mục tiêu kép.
Thủ tướng chỉ
ra một số hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu, khắc phục như còn lúng túng, bị động
trong phòng chống dịch tại các khu công nghiệp. Phương châm 4 tại chỗ được chỉ
đạo quyết liệt nhưng trong tổ chức thực hiện vẫn bộc lộ bất cập. Quản lý cách
ly và sau cách ly vẫn còn có sơ hở, thiếu chặt chẽ. Một số văn bản hướng dẫn,
nhất là hướng dẫn tổ chức thực hiện, chưa theo kịp, chưa phù hợp với thực tiễn;
trong tình hình đặc biệt đòi hỏi phải có biện pháp, cách làm đặc biệt, giảm thủ
tục hành chính. Bên cạnh những địa phương rất sáng tạo, chủ động, linh hoạt, có
biện pháp phù hợp với tình hình thì một số địa phương còn lúng túng, bị động.
Tình hình dịch
bệnh sắp tới được dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường, có thể ảnh hưởng tới nhiều
hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, nhất là hoạt động của các khu công nghiệp
và một số trung tâm kinh tế lớn. Phải nhận định khách quan để quyết tâm cao
hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, thích ứng với tình hình mới, diễn
biến mới bằng các giải pháp phù hợp, hiệu quả, đây cũng là chủ động tấn công
trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế – xã hội.
Tại cuộc họp,
Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong tình hình mới.
Thứ nhất, các
Bộ: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Công
thương, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao gấp rút sơ kết công việc vừa qua, tập
trung hoàn thiện, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách, hướng dẫn kịp thời, phù
hợp, vừa thực hiện mục tiêu chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ
sức khỏe nhân dân và cộng đồng, theo tinh thần vừa phải phân cấp, vừa phải cụ
thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là cá thể hóa trách nhiệm cá
nhân.
Thứ hai, triển
khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả chiến lược vaccine. Chính phủ tập trung chỉ
đạo, các bộ, cơ quan, ban, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện bằng được
chiến lược vaccine. “Quyết liệt hơn nữa, thần tốc hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa,
quyết tâm cao hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong công tác này”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng lưu
ý, trong nghiên cứu, sản xuất vaccine, các nhà khoa học, Bộ Khoa học và Công
nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phải vào cuộc; Bộ Tài chính
thiết kế cơ chế, chính sách để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất vaccine. Có kế
hoạch tiêm vaccine phù hợp, ưu tiên cho các đối tượng tuyến đầu chống dịch và
công nhân các khu công nghiệp.
Thủ tướng yêu
cầu các bộ, cơ quan liên quan ngay lập tức đề xuất cơ chế đóng góp và sử dụng
Quỹ vaccine bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, huy động mọi nguồn lực và
đóng góp của toàn dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để bảo đảm ngân sách tối đa cho việc
mua vaccine, vừa bảo đảm các hoạt động bình thường, vừa phuc vụ các nhiệm vụ đặc
biệt, đột xuất. “Các bộ, ngành trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng,
Ban Chỉ đạo quốc gia phải thực hiện thần tốc và hiệu quả chiến lược vacicne,
đây là điểm rất quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ ba, phải
kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh ở các khu công nghiệp. Thủ tướng biểu dương
tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và đặc biệt
là của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo. Thủ tướng đánh giá, phải
tiếp tục rà soát lại các quy định, quy trình, quy chế về khai báo y tế, phòng
chống dịch, cách ly và tổ chức sản xuất trong khu công nghiệp. Bộ Công thương,
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ liên quan, các địa
phương nhanh chóng xây dựng, vừa làm vừa hoàn thiện dần các quy định để có chiến
lược hoàn chỉnh về phòng chống dịch trong khu công nghiệp, không làm đứt gãy
chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, Bộ
Công thương chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, các cơ quan liên
quan hoàn thiện các quy định về vận chuyển hàng hóa, vật tư, dịch vụ… tại các địa
phương có dịch. “Vải thiều Bắc Giang đã vào mùa, có giá trị rất lớn, tôi đã chỉ
đạo Bộ trưởng Công thương trực tiếp lên Bắc Giang bàn bạc với địa phương để có
giải pháp cụ thể. Chúng ta phải thích ứng với tình hình, không có cách nào
khác”, Thủ tướng nêu rõ.
Thứ năm, Thủ
tướng nhắc lại yêu cầu vận dụng các quy định đặc biệt để khen thưởng và kỷ luật
kịp thời, đúng người, đúng việc. Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì xử lý vấn đề
này, trước mắt giao Ban Chỉ đạo quốc gia xem xét, đề xuất các nội dung khen thưởng,
kỷ luật, nếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng sẽ quyết định ngay, nếu
thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn thì tham mưu theo đúng quy định của Đảng, Nhà
nước.
Thứ sáu, quản
lý chặt chẽ việc nhập cảnh, đặc biệt là kiểm soát nhập cảnh trái phép và cư trú
bất hợp pháp, đây là nhiệm vụ thường xuyên của lực lượng công an, quân đội, phải
thực hiện tích cực hơn.
Thứ bảy, truyền
thông phải kịp thời, chính xác, hiệu quả, tăng cường phân tích, so sánh, đánh
giá, khích lệ, truyền cảm hứng để nhân dân biết, hiểu rõ về tình hình, diễn biến
dịch bệnh, chia sẻ, cộng tác, vào cuộc, đóng góp với các cơ quan, chính quyền
các cấp theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Các cơ quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phải tham gia
công tác truyền thông, đây cũng là một phương thức lãnh đạo của Đảng.
Thứ tám, Thủ
tướng Chính phủ sẽ có thư động viên các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch,
trong đó có ngành y tế.
Thứ chín,
trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, căn cứ tình hình thực tiễn,
các bộ, ngành, địa phương quyết định các biện pháp phù hợp thuộc thẩm quyền
theo tinh thần hiệu quả, năng động, sáng tạo, quyết tâm, nỗ lực, quyết liệt hơn
nữa trong thực hiện mục tiêu kép. Ban Chỉ đạo quốc gia theo dõi, đôn đốc, phê
bình, khen thưởng kịp thời.
0 nhận xét: