Không chỉ
dừng lại bằng những câu từ “chợ búa”, văng tục…, một số nghệ sĩ còn có những
phát ngôn gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động xã hội.
Khi bị “sờ gáy”, họ lại vin vào cái cớ “sống thật với cảm xúc”, “sống thẳng” để
bao biện cho những sai trái của mình.
Ngày 3-7, MC
Trác Thúy Miêu gây tranh cãi khi đăng tải bài viết, phát ngôn về việc đoàn cán
bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương tới TP Hồ Chí
Minh, hỗ trợ chống dịch COVID-19. Trong bài viết, nữ MC khẳng định TP Hồ Chí
Minh dư sức chống dịch: “Mấy em tình nguyện viên Đại học Kỹ thuật y tế Hải
Dương ơi, đoàn mấy trăm người chắc chắn có người này kẻ khác nhưng giờ nói gộp
luôn cho lẹ. Sinh viên Y dược Sài Gòn, kể cả tình nguyện viên từ thanh niên,
nghệ sĩ, y bác sĩ, khỏi có ở đâu rần rần máu chiến như Sài Gòn. Tụi em nhắm học
hỏi, cảm thụ được thì làm, còn cà chớn như cách tụi em đã làm ở Gò Vấp thì ở
chơi thêm mấy bữa cho biết rồi về, Sài Gòn đang bận dữ lắm…”.
Bài viết của Trác Thúy Miêu vấp phải phản ứng gay gắt từ phía cộng đồng mạng. Không lâu sau đó, MC Trác Thúy Miêu xóa bài viết khỏi trang cá nhân và không có bất cứ lời xin lỗi hay phản hồi nào về những lời lẽ của mình.
MC Trác Thúy
Miêu và bài viết gây kích động.
Ngày 7-7, Phó
Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử – ông Lê Quang Tự
Do đã ký văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu xem
xét, xử lý MC Trác Thúy Miêu vì có bài viết có dấu hiệu gây mâu thuẫn. Trong
văn bản có viết: “Qua công tác kiểm tra, rà soát, Cục Phát thanh, Truyền hình
và Thông tin điện tử phát hiện MC Vũ Hoài Phương (nghệ danh: Trác Thúy Miêu)
đăng tải trên mạng xã hội Facebook bài viết có dấu hiệu gây mâu thuẫn, kích động
về việc cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương triển
khai nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch COVID-19. Hiện tại, bài viết nêu trên không còn
truy cập được.
Cục Phát
thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chuyển vụ việc nêu trên cùng với tài liệu
có liên quan tới Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Hồ Chí Minh xem xét, xử lý
theo thẩm quyền. Kết quả xử lý đề nghị Quý Sở thông báo tới Cục Phát thanh,
Truyền hình và Thông tin điện tử trong thời gian sớm nhất”.
Sự việc Trác
Thúy Miêu bị đề nghị xử lý vì phát ngôn kích động khiến nhiều người tỏ thái độ
đồng tình và cho rằng xứng đáng. Đây cũng có bài học nhãn tiền cho những nghệ
sĩ có ý định loạn ngôn, lộng ngôn trên mạng xã hội.
Cá tính
hay sự bao biện?
Có thể thấy,
chưa bao giờ văn hóa ứng xử của những “nghệ sĩ – người của công chúng” lại xảy
ra liên tiếp và đáng báo động như hiện nay. Không ít người được gọi là “sao”,
có vẻ như “nức tiếng” xa gần vì thường xuyên chửi bậy, văng tục, thậm chí thể
hiện thói kệch cỡm, tự cho mình là “cái rốn vũ trụ”, coi thường pháp luật…
Đàm Vĩnh Hưng
không ít lần có phát ngôn sốc.
Ở Việt Nam,
không ít nghệ sĩ vì thói lộng ngôn, sử dụng những quan điểm cá nhân để chà đạp,
làm tổn thương đến một bộ phận khán giả. Năm 2019, Đàm Vĩnh Hưng gây sốc dư luận
khi tự tin tuyên bố mình là “vùng đất cấm”; “là người bất khả xâm phạm”. Thậm chí,
nam ca sĩ còn có những ngôn từ tục tĩu, được cho là nhắm tới bộ phận trên cơ thể
phụ nữ.
Chưa kể, mỗi
khi bị đụng chạm, Mr Đàm lại dựa vào sức ảnh hưởng trên mạng xã hội để dọa nạt,
đòi xử lý kẻ cả gan động đến mình, với mục đích chính là để phô trương vị thế tự
cho là của một “ông hoàng nhạc Việt”(!)
Không thể phủ
nhận, thói lộng ngôn, coi trời bằng vung của Đàm Vĩnh Hưng và một số nghệ sĩ một
phần được tạo nên từ sự dung túng, bênh vực thần tượng bất chấp của người hâm mộ.
Việc khán giả quá tâng bốc nghệ sĩ đã vô tình khiến những người này tự cho mình
quyền nói năng bạt mạng nhưng lại tưởng đang “nhả ngọc, phun châu”. Để rồi khi
bị “sờ gáy”, họ lại “xù lông”, rằng: “Nghệ sĩ cũng là người bình thường, cũng hỉ
nộ ái ố”; “Facebook là nhà riêng của tôi, tôi thích nói gì kệ tôi”; “Ai không
thích tôi thì vào Facebook tôi làm gì”…
Còn nhớ, hồi
tháng 4-2020 diễn viên Trà My bị dân mạng ném đá, lên án, tẩy chay vì phát ngôn
“cảm ơn cô Vy (COVID-19)”, rủa người dân “chết bớt cho rộng chỗ” và lối hành xử
vô văn hóa trên mạng xã hội. Bị lên án nhưng Trà My lại khá dửng dưng, thậm chí
còn tay đôi với khán giả: “Chừng nào mình còn bị tấn công cá nhân online trên mạng
xã hội thì mình vẫn tin là xã hội này người ngu còn quá nhiều, không thể cứu
vãn được. Sao mà họ chửi khỏe thế nhở? Kiểu như họ chửi để thỏa mãn một nỗi khổ
gì đó của bản thân chứ chắc cũng không hẳn là họ tức giận với mình”.
Đành rằng, tự
do ngôn luận là quyền của con người, song tự do ngôn luận không đồng nghĩa với
việc muốn nói gì thì nói.
Người xưa có
câu: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”,
phàm đã là người của công chúng, người của dư luận thì càng nên khôn ngoan và
biết tiết chế hơn trong những lời nói, phát ngôn của mình.
Bởi việc nghệ
sĩ phát ngôn một vấn đề nào đó không chỉ thể hiện sự khôn khéo mà còn thể hiện
“phông văn hóa” của mình. Đừng nghĩ rằng là nghệ sĩ, người của công chúng, được
tung hô, được đặt trên nhiều người… là có quyền hành xử, phát ngôn thế nào cũng
được.
“Cá nhân tôi
không bao giờ chấp nhận chuyện nghệ sĩ văng tục, chửi thề trên mạng xã hội. Nghệ
sĩ là người làm văn hóa, nếu cư xử như vậy sẽ rất phản cảm và kéo theo những hệ
lụy tiêu cực. Là người của công chúng càng phải khôn ngoan. Trường hợp bị người
khác chửi, đả kích, hãy chọn cách đáp lại một cách “cao tay”, văn minh, khiến họ
phải nể phục. Còn hành xử kiểu “chợ búa” thì chúng ta chẳng khác gì họ”, ca sĩ
Vũ Hà từng bày tỏ.
Song, điều
nguy hại hơn cả là những tuyên bố xấc xược, những phát ngôn thiếu suy nghĩ… sẽ
kéo theo những hệ lụy tiêu cực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của bộ phận
khán giả, nhất là giới trẻ. Đơn cử như vụ việc của MC Trác Thúy Miêu. Trong bối
cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp, Tp. Hồ Chí
Minh liên tục vượt kỷ lục buồn với số lượng bệnh nhân dương tính cao nhất cả nước…
thì Trác Thúy Miêu lại dùng sức ảnh hưởng, tiếng nói của mình để công kích, gây
chia rẽ về mối đoàn kết dân tộc, bất lợi cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Nguy hiểm hơn
cả là một bộ phận thế lực thù địch đã dựa vào bài viết của Trác Thúy Miêu, biến
nó thành “mảnh đất màu mỡ” để chống phá nước ta, gây nhiễu loạn và làm giảm
tinh thần “tương thân tương ái” của con người Việt.
“Biết
rồi, khổ lắm, nói mãi”
Trao đổi với
báo chí ngày 13-7, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP
Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã nhận được công văn từ Cục Phát thanh, Truyền
hình và Thông tin điện tử, liên quan tới phát ngôn gây kích động của MC Trác
Thúy Miêu đăng tải trên Facebook cá nhân. “Thanh tra Sở đang rà soát, củng cố hồ
sơ để tham mưu phương án xử lý. Sau đó, Sở sẽ làm việc với MC này để làm rõ những
sai phạm”, Giám đốc Sở Thông tin, Truyền thông TP Hồ Chí Minh nói.
Vẫn biết rằng,
MC Trác Thúy Miêu và nhiều sao Việt khác sẽ phải trả giá cho thói coi trời bằng
vung của mình, song câu chuyện lộng ngôn, loạn ngôn vẫn cứ tiếp diễn. Không ít
thần tượng cứ lặp đi lặp lại vòng luẩn quẩn: nhận sai – xin lỗi – nộp phạt – hứa
khắc phục cho qua chuyện – rồi lại “ngựa quen đường cũ”.
Trao đổi về vấn
đề này, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia đình, Đoàn luật sư
Tp. Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: “Nguyên nhân của thực trạng này là do sự phát
triển quá nhanh của công nghệ trong khi pháp luật chưa có các quy định chặt chẽ
để điều chỉnh các mối quan hệ này. Một phần cũng do tâm lý của người sử dụng mạng
xã hội thích thể hiện “cái tôi”, thích thể hiện và ít lường trước hậu quả của
việc phát ngôn. Hơn nữa, ý thức về cuộc sống, về tham gia mạng xã hội cũng còn
kém, chưa được cao. Nhiều nghệ sĩ ngộ nhận mình là người hiểu nhiều, biết nhiều
và đúng… nên phát ngôn vô tội vạ”.
Luật sư Trần
Minh Hùng
Theo luật sư
Trần Minh Hùng, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về trách nhiệm sử dụng
dịch vụ mạng xã hội, cụ thể đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia
sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy
tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… có thể bị phạt tiền từ
10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
PGS. TS –
Chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung: Giao tiếp trên mạng nên trở thành môn
học?
PSG,TS Phạm
Ngọc Trung. Ảnh: Đình Sơn.
Hiện tượng lộng
ngôn trên mạng xã hội xuất hiện từ nhiều năm về trước nhưng gần đây xảy ra nhiều
hơn. Không chỉ dừng lại ở giới giang hồ mạng mà những thanh niên, một bộ phận
tri thức, văn nghệ sĩ lợi dụng mạng xã hội phát ngôn không chuẩn. Họ muốn bộc lộ
bản thân, muốn thể hiện quan điểm bằng cách mới nhưng không đúng với chuẩn mực
của giao tiếp.
Đặc biệt, gần
đây còn có livestream trên YouTube, Facebook… Nguyên nhân của hiện tượng lộng
ngôn, loạn ngôn này rất nhiều, song có thể phác thảo một số nguyên nhân sau:
Nhiều người hiểu sai về cái gọi là quyền tự do ngôn luận, tự do thể hiện tư tưởng
của mình trên mạng xã hội mà không hề ý thức được những vấn đề về luân thường,
đạo lý hay thuần phong, mỹ tục cũng như kiến thức pháp luật kém.
Thứ hai, xã hội
phát triển dẫn đến nhu cầu được thể hiện cá nhân mình, thể hiện tư tưởng của
mình để bình luận vấn đề xã hội… Bên cạnh đó, cuộc cách mạng khoa học công nghệ
4.0 đã tạo nên nền tảng kĩ thuật, vật chất, thực ảo… giúp con người tiếp cận với
nhau một cách nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, mọi thứ không phân biệt rạch ròi như
trước. Giờ đây, mọi người có thể tự do chia sẻ tương tác. Chính cái đó đã bộc lộ
ra những khiếm khuyết. Bởi họ không được đào tạo, không được rèn luyện, hướng dẫn,
không hiểu rõ luật pháp… Đâu phải cứ livestream thì thích làm gì cũng được? Một
số người nghĩ rằng nếu ăn nói bình thường không ai để ý nên phải dùng nhiều
chiêu trò để gây chú ý như lộng ngôn, chửi bậy, sai cả về đạo đức lẫn pháp luật.
Hơn nữa, mạng xã hội có thể mang đến tài chính, kinh tế nên nhiều người không học
hành, chỉ cần học đòi một số câu nói gây ấn tượng, thậm chí vô văn hóa, vô đạo
đức… để câu like, câu view và biến trang cá nhân của mình thành nơi kiếm tiền…
Chúng ta cần
đẩy mạnh tuyên truyền hơn về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội để mọi người điều
chỉnh. Nếu đạt được tỷ lệ 80-90% thông qua lời nói, hình ảnh, truyền thông…, họ
sẽ tiếp thu và thay đổi. Còn 10% ngang bướng, bảo thủ cần phải nhắc nhở,
xử phạt, thậm chí xử lý hình sự thay vì xử phạt hành chính thì mọi chuyện sẽ
đâu vào đấy. Về lâu dài, chúng ta cần đưa bộ môn giao tiếp trên mạng vào chương
trình giáo dục. Chỉ có giáo dục mới tạo ra được một thế hệ văn minh hiện đại, tạo
ra con người chuẩn mực.
0 nhận xét: