Sáng nay, nhiều người không khỏi giật mình khi đọc dòng tít của báo Vietnamplus, một tờ báo điện tử của Thông tấn xã Việt Nam với nội dung "Thủ tướng: Lãnh đạo phải tránh xa dân, có giải pháp hiệu quả dập dịch". Giật mình cũng phải thôi, vì từ trước đến nay, Bác Hồ luôn dạy cán bộ phải gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của dân, tại sao lại có một phát biểu như vậy. Và càng giật mình hơn, khi đọc vào nội dung bài viết, có nhắc tới lời phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính: "phải hết sức tránh quan liêu, "xa dân", phải có tiếp cận mới và triển khai các giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn,…
Hóa ra, tác giả
bài báo trích dẫn sai lời của Thủ tướng, làm đảo lộn hoàn toàn nội dung câu nói
của Thủ tướng, khiến cho người đọc có cái nhìn rất phản cảm. Một sai lầm rất
đáng trách.
Sự việc trên
báo Vietnamplus lại làm tôi nhớ lại vụ việc xảy ra tại báo Tuổi trẻ Online 3
năm về trước, khi Tuổi Trẻ Online đã thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất
nghiêm trọng trong bài viết “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành luật biểu tình”,
đăng ngày 19.6.2018, trong đó nêu thông tin cụ thể: “Tiếp xúc cử tri với vai
trò đại biểu Quốc hội TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với
kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung
này”. Tuy nhiên, trên thực tế, khi tiếp xúc với cử tri tại TP.HCM vào thời điểm
trên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang không phát biểu như nội dung thông tin mà Tuổi
Trẻ Online đã đăng tải. Kết cục, báo Tuổi trẻ Online bị đình bản 3 tháng và phạt
220 triệu đồng.
Rõ ràng, báo
chí là không chỉ là phương tiện để truyền đưa thông tin, mà còn có vai trò rất
lớn trong việc định hướng dư luận, phục vụ sự nghiệp của đất nước. Chính vì vậy,
trước khi viết, đăng tải một bài báo, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm rất lớn của
phóng viên, biên tập viên của tòa soạn. Một bài báo sai sự thật, cẩu thả sẽ gây
những hậu quả rất nghiêm trọng. Mong các nhà báo hãy rất cẩn trọng trong việc
viết bài, xứng đáng là một người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.
0 nhận xét: