31/10/21

Văn hóa và con người

 


Văn hóa có sứ mệnh vẻ vang là đào luyện những con người Việt Nam với 7 đặc tính cơ bản như đã nêu trong Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành TW khóa XI. Ngược lại, chính con người đang biến những điều căn cốt ấy thành hiện thực cuộc sống, tạo nền tảng tinh thần vững chắc để đồng hành cùng kinh tế, chính trị, xã hội thúc đẩy đất nước phát triển bền vững.


1. Nhà văn vĩ đại Nga – M. Goóc-ky qua trải nghiệm đắng cay của đời riêng và cuộc đời sáng tạo văn chương, đã viết một câu khái quát: “CON NGƯỜI”- hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao!” Xét trên bình diện triết học, lời của Goóc-ky giúp ta thấu hiểu sự vĩ đại của con người chính là sản phẩm tiến hóa của lịch sử. Con người được hình thành từ con vượn sau hàng triệu năm chuyên sống bằng săn bắt và hái lượm. Và chính trong quá trình lao động dài lâu, con người ngày càng phát triển, hoàn thiện về bộ não và cơ thể. Như vậy, lao động đã tạo ra lịch sử con người; và đến lượt nó, con người lại tạo ra lịch sử xã hội. Xét về bản chất, con người khác con vật ở chỗ, đó là biết nhận thức về sự biến đổi của cuộc sống xung quanh; trên cơ sở đó, xác định được mục tiêu hành động cần hướng tới. Đó chính là quá trình tạo ra nền văn hóa của lịch sử phát triển nhân loại. Từ đầu thế kỷ XX, bằng trải nghiệm cuộc sống ở nước Nga và các nước châu Âu, nơi ông từng qua, từng sống, từng ra đời nhiều tác phẩm tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch nói… phản ánh hiện thực xã hội đương thời của chủ nghĩa tư bản, ông đã nêu ra một khái niệm sâu sắc về mối quan hệ giữa văn hóa và con người: “Văn hóa – sự nhận thức đạo đức, tinh thần về giá trị và tiềm năng bản chất của con người – sẽ có tầm quan trọng lớn hơn với thành công của cách mạng so với nghiên cứu sự sắp xếp chính trị hay kinh tế”(1). Trong bài thơ triết lý viết năm 1904 về “CON NGƯỜI”, ông nhấn mạnh: “tất cả ở trong con người, tất cả để cho con người”; rằng: “Con người là kẻ mang trong mình năng lực tổ chức thế giới, kẻ sáng tạo ra thiên niên kỷ thứ hai, sáng tạo ra văn minh”. Ông phân tích con người ở 4 bình diện của thuộc tính: con người sinh học, con người xã hội, con người tâm lý và con người tâm linh (2). Xét trên bình diện thực tiễn, thì tổng kết nói trên của Goóc-ky đề cập vai trò to lớn của thực tiễn cuộc sống trong việc hình thành đạo đức, nhân cách, bản lĩnh của con người trước biến đổi của tự nhiên và xã hội. Chính những ngày tháng trường kỳ, trên vai chỉ có một tay nải chứa áo quần đơn sơ và sách vở, Goóc-ky đã đi nhiều nơi ở nước Nga và châu Âu dưới trời mưa tuyết và gió lạnh để tìm hiểu tâm tư và cuộc đời cực nhọc của công nhân và người lao động nhằm tích lũy tư liệu cho sự nghiệp văn chương, từ đó ra đời hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng là “Người mẹ” và “Những trường đại học của tôi”. Như vậy, từ cuộc đời thực của Goóc-ky, ta có thể rút ra một định đề quan trọng: văn hóa (gồm vật thể và phi vật thể) đã tôi luyện con người; và chính con người đã góp sức bổ sung, hoàn thiện văn hóa. Ta càng trân trọng vì sao nhà văn tự đặt tên mình là “Cay đắng”, nhưng khi viết những tác phẩm văn học thì đầy lòng thương yêu và sự kiêu hãnh về CON NGƯỜI!

Từ mấy ví dụ điển hình của cuộc đời và sự nghiệp của một nhà văn, tôi thấm thía vì sao trong Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành TW Đảng (khóa XI), trong tên gọi của Nghị quyết, lại thêm từ “con người” ở vế đầu là: xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam…

2. Trên thực chất, nói văn hóa là đã bao hàm con người, nhưng qua thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành TW (khóa VIII), đi liền với thành tựu, chúng ta có những thiếu sót lớn – đó là việc nhận thức không đầy đủ về mối quan hệ giữa văn hóa và con người nên đã nảy sinh một số lệch lạc sau đây:

(1) Chưa nhận thức sâu sắc quan điểm văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền ở không ít nơi chỉ “khoán trắng” cho cán bộ làm văn hóa.

(2) Chưa nhận thức tác động sâu sắc của văn hóa tới đạo đức, nhân cách, lối sống của từng con người, đặc biệt ở thời cơ chế thị thường khi các chuẩn mực đạo đức, lối sống bị đảo lộn giá trị; những hành vi ác độc lấn át cái thiện, dẫn tới nhiều thảm kịch đau lòng trong xã hội (cha giết con, vợ giết chồng, anh giết em chỉ vì lợi nhuận trong hợp tác đầu tư không được thỏa mãn; các tệ nạn ma túy, mại dâm có đà phát triển; đặc biệt sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có biểu hiện đáng báo động, tạo cơ sở phát triển tệ tham nhũng, quan liêu nghiêm trọng…) Như vậy, một trong những mục đích cao đẹp của văn hóa là góp phần bồi đắp CHÂN – THIỆN – MỸ đã không được đáp ứng.

(3) Mặc dù Nghị quyết đề cập nhiều giải pháp căn cơ, nhưng trong quá trình thực hiện, không ít cơ quan, địa phương chưa coi trọng đúng mức nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đặc biệt là trong các trường học, cơ quan, doanh nghiệp… Chúng ta đau lòng khi mươi năm trở lại đây, nạn ma túy xâm nhập một số trường học; nhất là hiện tượng chửi tục, đánh đập nhau, xé quần áo… trong các phe nhóm nữ sinh ở độ tuổi 14-15 diễn ra ngay tại sân trường, lớp học, đường phố…, nhưng hình như không ai can thiệp, thậm chí có nhóm người đứng xem cổ suý vô tư!

Ở bình diện lý luận, một số nhà nghiên cứu chưa làm rõ nội hàm CON NGƯỜI. Đây là một thực thể bao gồm 2 thành tố CON và NGƯỜI. Chừng nào thành tố “con vật” lấn át thành tố “con người” thì sẽ gây hiểm họa khôn lường (mà những hành động nêu trên chỉ là ví dụ tiêu biểu).

Ở bình diện thực tiễn, sự quan tâm chỉ đạo đi liền với giải pháp thì các cơ quan hữu quan chưa thật sự chú ý chọn trọng tâm, trọng điểm trong từng giải pháp mà Nghị quyết đã ghi. Chúng ta chỉ có thể xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh khi cả xã hội chung tay góp sức, nhưng vai trò của gia đình còn bị xem nhẹ; hoặc đã thấy, nhưng không làm quyết liệt. Chúng ta cảm thông trong cuộc sống mưu sinh hiện nay, nhiều cặp vợ chồng đi làm sớm, về nhà lại rất muộn nên việc học gần như phó thác cho con cái. Trong bối cảnh internet, điện thoại thông minh phát triển mạnh mẽ, nhiều cháu về đến nhà chỉ vùi đầu vào máy để chơi game, quên cả làm bài tập; trong khi sự tác động xấu của những trò chơi mang tính bạo lực cùng các hình ảnh kích dục, lại có sức hút mạnh mẽ với các em chưa đến tuổi thành niên. “Thế giới nhà trường” và “thế giới gia đình” hình như còn tách biệt; vai trò của Ban phụ huynh học sinh trong các trường dường như chỉ là hình thức, chưa phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu trong việc đánh giá sâu sắc và toàn diện công tác giáo dục, quản lý với từng học sinh…

Về mặt xã hội, chúng ta vui mừng “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát động từ trước năm 1998 và tiếp tục được duy trì, mở rộng đến hôm nay. Tình làng, nghĩa xóm được khơi dậy; truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái được đề cao; ý thức chia sẻ, động viên nhau trong khó khăn, hoạn nạn càng ngời sáng – mà qua 4 đợt bùng phát đại dịch COVID-19 trong hai năm qua, cả nước đã chứng kiến nhiều tấm lòng, nhiều việc làm tình nghĩa, rất đáng trân trọng, có tác động giáo dục tích cực, nhất là đối với lớp trẻ. Nhưng nếu nghiêm túc xem xét, có một câu hỏi đặt ra: vậy lúc bình thường thì thế nào? Tôi nhớ mãi lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời đã nói rất thật với một số nhà hoạt động văn hóa: “Các đồng chí nên sâu sát hướng về cơ sở hơn nữa. Tôi đã có dịp ghé thăm hàng chục phường, xã, khóm, ấp từng được công nhận là “đơn vị văn hóa”, nhưng khi hỏi chuyện cả cán bộ và nhân dân những việc họ đã làm, thì tất cả tỏ ra lúng túng…” Như vậy, có nghĩa là, trên thực chất, trong nhận thức của ngay cả cán bộ làm văn hóa cũng chưa hiểu rõ vai trò quan trọng của văn hóa nên dẫn đến các việc làm mang tính hình thức; đáng chú ý là ở một số nơi đạt “danh hiệu văn hóa”, nhưng tệ cờ bạc, mê tín dị đoan, kể cả ma túy có chiều hướng gia tăng…

3. Như vậy, văn hóa và con người có mối quan hệ biện chứng. Văn hóa góp phần quan trọng trong giáo dục, xây đắp lý tưởng sống, đạo đức và nhân cách con người; nói rộng ra, văn hóa là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần xã hội. Qua thực tiễn chỉ đạo cách mạng Việt Nam hơn 9 thập niên, Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc sức mạnh của văn hóa. Nghị quyết 33 ghi rõ: Văn hóa đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội.

Văn hóa tạo ra con người, nhưng chính con người bằng nhận thức và hoạt động cụ thể đã làm giầu thêm nội dung và bản sắc nền văn hóa Việt Nam, mà đặc trưng nổi bật là tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nói về một nền văn hóa, là nói đến một dân tộc cụ thể với những đặc tính cơ bản cụ thể – như Nghị quyết đã nêu: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Không có những đặc tính cơ bản đó, chúng ta không thể xây dựng một nền văn hóa vừa giữ bản sắc dân tộc, vừa tiếp thu có chọn lọc những yếu tố tiên tiến của các quốc gia, dân tộc khác.

Nói con người là nói sản phẩm, đối tượng của văn hóa. Vì vậy, theo tôi, cần nhấn mạnh hai nhóm đối tượng rất quan trọng: nhóm người được giáo dục, tiếp nhận những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; và nhóm người đóng vai trò tiên phong – đó là những cán bộ đảm nhiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo đường hướng, hoạch định các chính sách phát triển văn hóa. Thực tiễn cho thấy, những cán bộ trực tiếp quản lý các hoạt động văn hóa đang đứng trước sự đòi hỏi phải không ngừng bồi đắp cả cái TÂM và cái TẦM. Tôi nhấn mạnh điều này vì rất nhiều người nêu câu hỏi: vì sao trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thường có hiện tượng nay “cấm”, mai “buông”; vì sao để sót những bộ phim hoặc cuốn sách có chất lượng thấp về nội dung tư tưởng và trình độ nghệ thuật vẫn ra mắt công chúng; vì sao không xử lý dứt điểm những hiện tượng “đạo văn mười mươi”; vì sao đây đó vẫn có tình trạng lợi dụng các lễ hội để thực hiện mê tín dị đoan; vì sao có những di tích lịch sử và cách mạng trọng điểm cần được ưu tiên nguồn kinh phí để trùng tu, thì lại dàn trải? vv và vv… Còn khá nhiều ví dụ tương tự đã và đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực cụ thể của văn hóa. Nếu nhìn nhận nghiêm túc theo tinh thần Nghị quyết 33 thì đời sống văn hóa tinh thần ở miền xuôi và miền núi vẫn còn khoảng cách; nhưng ngay các địa phương có kinh tế phát triển thì các cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa vẫn chưa đáp ứng yêu cầu hưởng thụ tối thiểu của số đông các tầng lớp nhân dân. Một thực tiễn ai cũng thấy là, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được coi là hai trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nhưng mấy thập niên qua đã xây mới được bao nhiêu nhà hát và các trung tâm biểu diễn nghệ thuật đúng tầm? Khi tìm nguyên nhân, ai cũng đổ lỗi do cơ chế, chính sách, song thử hỏi điều đó có phải từ ‘trên trời rơi xuống”, hay do chính con người thực thi theo nhiệm vụ được giao? Vì vậy, xuất hiện tình trạng “ông chão bà chuộc”, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “lực lượng đông mà không mạnh”… Đã đến lúc, cần dóng tiếng chuông cảnh báo về sự hẫng hụt cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ làm công tác chỉ đạo và hoạch định chính sách cụ thể; từ đó tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn, sắp xếp đội ngũ thực thi sao cho “tròn vai, đúng vai”…

4. Từ đường lối, chủ trương đúng, đến tổ chức triển khai có hiệu quả trong cuộc sống, là một quá trình. Đã từ lâu ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương… đều xuất hiện “điểm nghẽn’ trong bước thứ hai này. Nguyên nhân chủ quan, khách quan đều có, nhưng suy cho cùng vẫn chủ yếu thuộc về con người đang đảm nhiệm các công việc của văn hóa. Có một thực tiễn là, nghị quyết khẳng định vị trí của văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, nhưng khi bố trí, lựa chọn, sắp xếp cán bộ để làm văn hóa thì không theo tinh thần đó. Trong dư luận vẫn còn phảng phất câu có tính tổng kết “tiến vị bộ, thoái vị ban”; còn trong lĩnh vực văn hóa, không ít người khi được phân công về đây thì mặc cảm cho rằng, “chuột chạy cùng sào”, tự nhắc mình ráng sức chấp nhận một thời gian để chờ “cơ hội thoát ra”! Vậy là có vấn đề tư tưởng và tổ chức chưa từng trùng khớp – mà hiện tượng đó đều do con người gây ra; và vì vậy, khi triển khai thực hiện thì gặp trục trặc này, trục trặc khác, do chính người có trách nhiệm thực thi chưa có tâm trạng thoải mái. Và một khi những cơ chế, chính sách cũ chưa được cấp có thẩm quyền “cởi trói” thì dễ đổ lỗi cho “khách quan”! Vậy làm sao có thể làm tốt phương châm: “Tư tưởng – văn hóa phải đi trước, mở đường”; còn Bác Hồ ngay sau một năm lập nước đã mở Hội nghị văn hóa toàn quốc, nêu ra nhiệm vụ: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi!

Tóm lại, văn hóa có sứ mệnh vẻ vang là đào luyện những con người Việt Nam với 7 đặc tính cơ bản như đã nêu trong Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành TW khóa XI. Ngược lại, chính con người đang biến những điều căn cốt ấy thành hiện thực cuộc sống, tạo nền tảng tinh thần vững chắc để đồng hành cùng kinh tế, chính trị, xã hội thúc đẩy đất nước phát triển bền vững. Từ thực tiễn trong hai năm qua, nhất là khi đại dịch COVID-19 hoành hành, chúng ta càng nhận rõ hơn “sức mạnh mềm” của văn hóa trong việc góp sức tạo sự đồng thuận xã hội, bồi đắp lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung lòng, hợp sức ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch và thiên tai hung dữ. Hơn bao giờ hết, chúng ta càng thấm thía nhiệm vụ vẻ vang của văn hóa là tham gia phát hiện, cổ vũ, xây đắp KHÁT VỌNG và BẢN LĨNH của con người Việt Nam, đã và đang vượt lên những thử thách nghiệt ngã của tình hình mới trong và sau địa dịch, bồi đắp ý chí kiên định và sự vững tin vào công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, tiếp tục đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN thân yêu./.

 

0 nhận xét: