19/11/21

“Cán bộ sợ trách nhiệm có nguyên nhân từ cơ chế”

 


Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Và nguyên nhân khách quan nằm ở vấn đề cơ chế. Chính sách pháp luật của ta còn nhiều bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản luật

Tình trạng cán bộ, công chức ngày càng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám đề xuất, sáng tạo không phải là câu chuyện mới. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc giai đoạn giữ chức vụ Thủ tướng, đã từng cảnh báo về tình trạng này và gọi đó là “virus sợ trách nhiệm”.

Trên diễn đàn kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV mới đây, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, ông Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện tiếp tục đề cập tình trạng này và dẫn chứng bằng câu chuyện ở nhiều địa phương trong công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, đó là tình trạng ngại mua sắm thiết bị máy móc, thiết bị vật tư y tế; trong điều hành phòng chống dịch.

Chia sẻ về điều này, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, sở dĩ họ sợ trách nhiệm vì khi thực hiện những nhiệm vụ được giao theo quy định, chức trách nhiệm vụ được phân công, họ thấy rằng với quy định như hiện nay sẽ dẫn đến chuyện rất có thể ngày mai họ có thể bị đưa ra xem xét về trách nhiệm, xử lý.

Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật để cán bộ có “điểm tựa” pháp lý

PVỞ một góc độ nào đó, cán bộ biết sợ, không dám làm sai, làm liều đáng ra như vậy là tốt?

Ông Hoàng Anh Công: Ai cũng biết sợ pháp luật là đúng, phải biết sợ thì mới làm đúng nhưng nỗi sợ ở đây đã trở thành “căn bệnh” làm cản trở động lực phát triển, cản trở sự sáng tạo, cản trở dũng khí của cán bộ dẫn đến người ta không dám làm gì thì cần phải xem lại. Không thể để tình trạng cán bộ vì sợ mà không dám làm. Đất nước này không thể để những cán bộ được giao cho vị trí đó mà không làm gì, ngồi im, vo tròn để dẫn tới công việc của cơ quan bị đình trệ, đương nhiên những công việc chung cũng sẽ đình trệ theo.

PVNguyên nhân của tình trạng này là gì, thưa ông?

Ông Hoàng Anh Công: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Và nguyên nhân khách quan nằm ở vấn đề cơ chế. Chính sách pháp luật của ta còn nhiều bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản luật, nhất là những luật liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, đầu tư, đất đai… đây cũng là những lĩnh vực mà cán bộ thường hay mắc sai phạm trong thực tế hiện nay.

Thực tế này đã được chỉ ra tại tờ trình số 423/TTr-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2026. Qua rà soát kiến nghị tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ cho thấy, các quy định pháp luật hiện hành chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế, gây vướng mắc, khó khăn cho đầu tư sản xuất, kinh doanh có liên quan đến 79 luật, 3 NQ của QH, 188 Nghị định của CP, 20 QĐ của Thủ tướng, 135 Thông tư của Bộ ngành. Với số lượng văn bản còn nhiều chồng chéo bất cập thì rõ ràng khó có thể yêu cầu cán bộ hết lòng, hết sức vào công việc được.

Vì thế, vấn đề đặt ra ở đây là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật càng sớm càng tốt để cán bộ, công chức, người có trách nhiệm có điểm tựa pháp lý yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Những bất cập khiến cán bộ không dám làm sẽ được sửa đổi

PVTrung ương đã có Quy định 22, Bộ Chính trị có Kết luận 14 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, thưa ông?

Ông Hoàng Anh Công: Đảng đã nhận thức rất rõ và chỉ ra điều này, đó là lý do Kết luận 14 của Bộ Chính trị ra đời. Trước Đại hội XIII, khi xây dựng văn kiện liên quan công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, một trong 3 “đột phá khẩu” của nhiệm kỳ này là phải bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; việc đưa vào nghị quyết chủ trương này và từ đó thể chế hóa thành pháp luật mới có thể bảo vệ, tạo động lực, niềm tin cho cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám đột phá đổi mới vì lợi ích chung.

Việc cần làm hiện nay là phải sớm thể chế hóa chủ trương này vào pháp luật, chỉ khi luật hóa quy định này thì mới có “điểm tựa” pháp lý để triển khai được trên thực tế. Quan điểm chung là phải thể chế hóa Kết luận 14 bằng pháp luật, phải chuyển hóa chủ trương đó vào trong các luật liên quan, cụ thể hóa bằng những trường hợp khi người ta vì lợi ích chung, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá không vụ lợi mà có sơ xẩy thì được xem xét giảm, miễn trừ trách nhiệm, nếu không sớm thể chế hóa vào pháp luật thì chủ trương đúng đắn này của Đảng sẽ chậm đi vào cuộc sống.

Ông Hoàng Anh Công: Hiện nay Quốc hội đã chủ động giao Chính phủ rà soát toàn bộ cơ chế pháp luật, nhất là pháp luật liên quan đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, đất đai… Chính phủ cũng rất chủ động trong việc này, khi Thủ tướng mới nhậm chức đã có yêu cầu các địa phương rà soát toàn bộ quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, phát triển kinh tế… để chỉ ra những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đã có thống kê và đó là những nội dung cần phải được xem xét, sửa đổi ngay. Từ giờ đến cuối năm, Quốc hội có thể có một phiên họp nữa (có thể vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 năm 2022). Một trong những nội dung được xem xét là việc sửa đổi, bổ sung pháp luật. Đây chính là những quy định còn chồng chéo, bất cập như tôi đã nói ở trên, khiến cho cán bộ không dám làm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thì phải sửa.

Quốc hội sẽ cho áp dụng hình thức một luật sửa nhiều luật; đồng thời, có những luật cần được xem xét sửa cơ bản như Luật đất đai cũng đang được nghiên cứu thực hiện, nhằm hoàn thiện cơ chế pháp lý ổn định, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng được bộ máy tốt

PVQuay trở lại câu chuyện về nỗi sợ trách nhiệm của cán bộ, ông có nghĩ là có những cán bộ sợ thật, nhưng cũng có những cán bộ sợ giả?

Ông Hoàng Anh Công: Khi chúng ta đã tạo được cơ chế, điểm tựa pháp lý nếu cán bộ vẫn không thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, có biểu hiện chây ì, né tránh thì Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã có Quy định 41 về từ chức, miễn nhiệm là để dành cho những đối tượng này.

PVTrong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, cán bộ vì sợ trách nhiệm mà không dám làm liều, vậy theo ông, việc phòng chống tham nhũng ấy đã đạt hiệu quả?

Ông Hoàng Anh Công: Phòng chống tham nhũng, tiêu cực là để người ta dám làm những việc tốt, có ích, đó là yêu cầu tối thượng. Hình dung việc phòng chống giống như một cơ thể khi có virus xâm nhập, thì phải có cơ chế để phản kháng lại virus ấy, muốn thế, cơ thể phải khỏe, mới sinh ra những kháng thể khỏe để chống lại virus. Còn phòng chống mà cơ thể yếu đến mức không sinh ra kháng thể, như thế là phòng chống đang từ thái cực này bị chuyển sang thái cực khác.

Một xã hội mà chỉ có “chống” theo tôi không phải là mấu chốt, quan trọng là phải xây, lấy xây cái tốt để chống lại cái xấu, làm những điều tốt để át những điều xấu. Cơ thể khỏe mạnh rồi thì những bệnh tật sẽ khó có thể tồn tại được trước những kháng thể mạnh mẽ của cơ thể, cái xấu khó có thể len lỏi vào được.

Quan điểm của tôi là phải lấy xây làm trọng, chống chỉ là giải pháp, không phải là chủ yếu. Chúng ta phòng chống tham nhũng là phòng, chống những mặt sai trái, tiêu cực, đồng thời cần tạo cơ chế để người ta không thể sai, không dám sai và trong trường hợp sai thì phải có cơ chế để xử lý nghiêm. Quan trọng hơn nữa là qua phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta xây dựng được bộ máy tốt, trong sạch, làm việc có hiệu lực, hiệu quả.

PVVậy cơ chế thưởng của ta thế nào, đã đủ để khuyến khích, động viên cán bộ dám nghĩ, dám làm chưa?

Ông Hoàng Anh Công: Chúng ta đã có quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng và Quốc hội cũng đang xem xét cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện. Đại đa số cơ quan, tổ chức, cá nhân được khen thưởng là xứng đáng; việc khen thưởng cơ bản đáp ứng được yêu cầu khuyến khích, động viên cơ quan, tổ chức, cá nhân dám nghĩ, dám làm, vì cái chung, cố gắng trong công tác, đem lại lợi ích cho cơ quan, đơn vị, cho Nhà nước.

PVXin cảm ơn ông./.

 

0 nhận xét: