Những năm gần
đây, không ít bác sĩ, nhân viên ở các trạm y tế cấp phường, xã hay bệnh viện
công lập tuyến quận, huyện xin nghỉ việc chuyển ra làm tại các đơn vị y tế tư
nhân, hay bệnh viện tuyến Trung ương với mức thu nhập cao hơn có xu hướng gia
tăng.
Đặc biệt,
trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, năm 2021 có tới 1.000 cán bộ, nhân viên y tế xin
nghỉ việc. Điều này đã tạo ra thách thức rất lớn cho tuyến y tế cơ sở, nhất là
trong giai đoạn phòng, chống và thích ứng với đại dịch Covid-19.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc hay xin chuyển công tác nhưng chủ yếu là do cơ sở hạ tầng thấp kém, trang thiết bị máy móc thiếu thốn, lạc hậu, công việc quá tải, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, hay thiếu cơ hội để nâng cao tay nghề…
Trong làn
sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành
phố miền Đông Nam Bộ, lực lượng y tế tại đây đã làm việc hơn 100% sức lực suốt
nhiều tháng liền. Đội ngũ y tế cơ sở cũng phải chịu rất nhiều áp lực khi gia
đình, người thân gặp khó khăn trong cuộc sống hay bị nhiễm bệnh.
Y tế tuyến cơ
sở có vai trò rất quan trọng trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho
nhân dân ở các thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã. Tuyến y tế
cơ sở vững mạnh sẽ góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân, giảm tải cho các
trung tâm y tế, bệnh viện của Trung ương. Đó cũng là lực lượng tuyến đầu, trực
tiếp phòng, chống các loại dịch bệnh khi xảy ra tại các địa phương.
Những năm
qua, nhất là trong đại dịch Covid-19, các địa phương trên cả nước đã có đề án với
nhiều chính sách giữ chân, thu hút nhân lực tuyến y tế cơ sở như: Hỗ trợ thu nhập,
đề xuất điều chỉnh biên chế ở trạm dựa trên quy mô dân số chứ không theo địa giới
hành chính. Riêng TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị bác sĩ mới tốt nghiệp thay vì tới
thực hành 18 tháng ở bệnh viện sẽ làm việc tại trạm y tế 12 tháng và được hỗ trợ
1,5 lần mức lương tối thiểu. Ngoài ra, các trạm y tế cũng được đầu tư về cơ sở
vật chất, trang thiết bị, máy móc, được cấp đủ các loại thuốc trị bệnh thông
thường, cần thiết phục vụ người dân đến khám để tạo môi trường làm việc tốt hơn
cho đội ngũ y tế cơ sở. Khi có đủ nguồn nhân lực chất lượng, trạm y tế cơ sở sẽ
được bệnh nhân đến khám đông, thu nhập cũng tăng thêm, y sĩ, bác sĩ, nhân viên
y tế càng có động lực trau dồi chuyên môn và phát triển nghề nghiệp.
Mạng lưới y tế
cơ sở là tuyến đầu có nhiệm vụ “gác cổng” và là nơi đầu tiên người dân tiếp cận
khi ốm đau, khi dịch bệnh. Vì vậy, cần phải có phương án xây dựng bài bản, khoa
học, với chính sách tuyển dụng, đãi ngộ nhân lực hợp lý, tránh tình trạng khi
có dịch bệnh thì tăng tuyển dụng, đãi ngộ, còn hết dịch bệnh lại cho nghỉ việc,
cắt giảm biên chế. Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y
tế rút kinh nghiệm, chủ động chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan
làm tốt hơn công tác truyền thông trong phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời
có giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục tình trạng không ít cán bộ y tế đang
nghỉ việc, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, xây dựng
đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế vững mạnh chính là góp phần bảo vệ sức khỏe của
toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
0 nhận xét: