Người bạn tôi
công tác ở Kho bạc Nhà nước một tỉnh miền núi phàn nàn, giám đốc cơ quan anh bị
cấp trên thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do để xảy ra sai phạm trong
quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, hầu
hết cán bộ, nhân viên trong cơ quan đều không biết, bạn tôi là cán bộ cấp phòng
cũng vậy. Một thời gian sau, mọi người trong cơ quan đọc báo mới vỡ lẽ. Ngay cả
việc xử lý kỷ luật trong thẩm quyền mà mọi cán bộ, đảng viên không hề hay biết.
Điều này cho thấy chất lượng thông tin qua hội họp, sinh hoạt, học tập ở đây
đang có vấn đề. Cấp ủy cùng cấp đã thực hiện không đầy đủ Quy định số 22-QĐ/TW
ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ
luật của Đảng. Trong đó điểm 6, Điều 16, nêu rõ:“Quyết định của cấp trên về kỷ
luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm phải được thông báo đến cấp dưới, nơi có
tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; trường hợp cần thông báo rộng hơn thì do cấp
uỷ có thẩm quyền quyết định”.
Quyền được
thông tin tạo cơ sở cho cán bộ, đảng viên giám sát mọi hoạt động của cơ quan,
đơn vị. Ở phạm vi rộng hơn, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kỷ luật tập thể,
đảng viên trong thẩm quyền, sau khi có kết luận chính thức đều kịp thời công bố
trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều đó cho thấy, kỷ luật Đảng là
không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Mọi thông tin đều được công khai đầy đủ để
cán bộ, đảng viên và nhân dân được tỏ tường. Thông tin rõ ràng, càng làm cho
nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành quản lý của Nhà nước. Việc
làm này cũng thể hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị;
kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”
đang được triển khai quyết liệt và đồng bộ.
Lâu nay, các hoạt
động của cơ quan nhà nước đều được quy định chặt chẽ bởi các văn bản pháp luật.
Tùy mỗi cơ quan mà ban hành quy chế, nội quy làm việc, quy định hội họp khác
nhau. Tổ chức đảng thì quy định sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng. Ngoài sinh
hoạt lãnh đạo, cán bộ, đảng viên còn được thông tin, học tập về tình hình thế
giới, trong nước, liên quan đến lĩnh vực ngành và nội bộ của cơ quan, đơn vị.
Việc thông tin không kịp thời, thông tin thiếu hoặc không minh bạch sẽ đưa tới
nhiều hệ lụy đối với những đối tượng tiếp nhận, vô hình trung làm cho quyền lợi
của họ bị ảnh hưởng. Nhất là ở những thời điểm nhạy cảm, như: Chuẩn bị đề bạt,
bổ nhiệm, tổng kết cuối năm… dễ gây ra suy luận không đúng, nghi ngờ lẫn nhau, ảnh
hưởng đến việc phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét, khen thưởng của
cán bộ, đảng viên. Tất nhiên, với nhu cầu tâm lý của con người, ai cũng mong muốn
được thông tin những điều tốt đẹp, không ai muốn việc chưa tốt của mình bị nêu
trước hội nghị. Tuy nhiên, đã là cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ trì phải
gương mẫu, coi việc nêu gương, tự phê bình, dám đối diện với những vấp ngã, thiếu
sót, mà khắc phục, vươn lên.
Để thông tin được
minh bạch, đến đầy đủ với cán bộ, đảng viên, trước hết, mọi hoạt động, công tác
của cơ quan, đơn vị phải được công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của
mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng. Mặt khác cần phải duy trì nghiêm túc nền nếp
học tập, sinh hoạt định kỳ, những nội dung theo thẩm quyền phải được thông tin
kịp thời, đầy đủ, khắc phục hiện tượng “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông”.
Đối với người chủ trì phải có công tác chuẩn bị chu đáo, thông tin đầy đủ, bao
quát và nội dung cụ thể, tỉ mỉ ở từng lĩnh vực liên quan đến công việc của cơ
quan, đơn vị đảm nhiệm, tránh những thông tin mang tính chất vụn vặt. Bên cạnh
đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần có thái độ đúng đắn với những thông tin được tiếp
nhận, tìm hiểu các nguồn tin chính thống từ giao ban, hội nghị, học tập theo
chương trình, kế hoạch, không phổ biến, phát tán những nội dung chưa được kiểm
chứng, tạo kẽ hở cho các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
0 nhận xét: