Đây là chiêu
bài “mưa dầm thấm lâu” của các thế lực thù địch. Họ đưa rất nhiều thông tin xấu
độc lên môi trường mạng để “nhuộm đen” tinh thần, tư tưởng của các tầng lớp cán
bộ, đảng viên và nhân dân.
Trong dòng chảy
của lịch sử nhân loại, có những sự kiện mà giá trị to lớn của nó không gì có thể
phủ nhận. Những giá trị ấy không chỉ được hun đúc bằng cơ sở lý luận mà còn được
chiêm nghiệm bằng chính thực tiễn.
Vậy nhưng,
không ít kẻ cơ hội chính trị vẫn luôn tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận giá trị,
ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga, của cách mạng Tháng Tám 1945 hay sự kiện
Giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước của Việt Nam.
Xuyên tạc, phủ
nhận lịch sử, thực chất đó là trò hề lặp lại của những kẻ cơ hội chính trị, với
hy vọng hão huyền rằng: nói nhiều sẽ quen tai, rồi chuyển sai thành đúng.
Nhưng, lịch sử chỉ có một, sự thật cũng chỉ có một, các sự kiện lịch sử trọng đại
không thể vì những lời lẽ xuyên tạc, phủ nhận của một số cá nhân mà mất đi giá
trị đích thực của nó.
“Cách mạng
tháng Mười chỉ là vụ cướp chính quyền”
Coi Cách mạng
tháng Mười chỉ là vụ cướp chính quyền, cuộc cách mạng mạo danh, là sự chệch hướng
lịch sử…. Một số học giả tư sản cáo buộc sự ra đời của các nước XHCN ở Liên Xô
và Đông âu sau Cách mạng tháng Mười là “quái thai của lịch sử”. Nguy hại hơn,
không chỉ có những kẻ đứng trên lập trường tư sản mà ngay trong hàng ngũ những
người cộng sản Liên Xô trước đây cũng lên tiếng phủ nhận, xuyên tạc giá trị của
Cách mạng Tháng Mười. Điển hình là A.Yakovlev-Trưởng ban Tuyên huấn Đảng Cộng sản
Liên Xô, người có vai trò là một trong những “kiến trúc sư” trong công cuộc cải
tổ ở Liên Xô. Theo ông ta, vì Cách mạng Tháng Mười Nga là “sai lầm lịch sử” nên
cần phải xóa bỏ mọi sản phẩm ra đời từ “sai lầm” đó, bao gồm tư tưởng của Chủ
nghĩa Mác-Lênin, Nhà nước Liên Xô, Đảng Cộng sản Liên Xô, hệ thống XHCN và toàn
bộ lịch sử Liên Xô kể từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga, trong đó có cuộc Chiến
tranh Vệ quốc vĩ đại
TS Lê Thị
Chiên – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Mục tiêu của các thế
lực thù địch khi phủ nhận thành quả của Cách mạng tháng Mười Nga trước hết là để
phủ nhận lý luận của Chủ nghĩa Mác về CNXH và con đường đi lên XHCN, đồng thời
muốn phủ nhận sự hiện hữu của các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, từ đó hướng
lái con đường phát triển của thế giới đi theo TBCN như mong muốn của các học giả
tư sản và các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.
Những luận
điệu này được tung ra mặc dù có gây ra sự xáo trộn về mặt tư tưởng chính trị, về
ý thức hệ nhưng về cơ bản, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới vẫn luôn
vững tin vào những thành quả vĩ đại mà cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã đạt
được.
Nhân dân Liên
Xô, bây giờ là người dân Liên bang Nga, mà đại diện là người đứng đầu- Tổng thống
Nga V.Putin chưa bao giờ phủ nhận giá trị lịch sử của cuộc Cách mạng tháng 10
Nga, cũng như cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô. Hàng năm,
chúng ta vẫn chứng kiến nước Nga tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng phát xít
(9/5/1945) với các cuộc diễu binh, diễu hành quy mô tầm cỡ thế giới, tri ân “những
người bảo vệ Tổ quốc, những người đã hy sinh mạng sống của họ trong cuộc đấu
tranh cho tự do và độc lập của Tổ quốc”.
Để ngăn
chặn những âm mưu xuyên tạc lịch sử trắng trợn, mới đây một dự luật có tên gọi
là “Cấm công khai đồng nhất các mục tiêu và hành động của Liên xô và Đức quốc
xã trong chiến tranh Thế giới thứ II” đã được đệ trình ra Duma quốc gia Nga
(tức Hạ viện). Văn kiện cũng đề xuất cấm phủ nhận vai trò quyết định của nhân
dân Liên Xô trong việc đánh bại phát xít Đức và sứ mệnh nhân đạo của Liên Xô
trong quá trình giải phóng các nước châu Âu. Dự luật nhấn mạnh việc không thể
chấp nhận trộn lẫn và đánh đồng hành động của “những người bảo vệ Tổ quốc,
những người đã hy sinh mạng sống của họ trong cuộc đấu tranh cho tự do và độc
lập của Tổ quốc, với hành động của những người lính chiếm đóng nhằm mục
đích tiêu diệt dân tộc, những người bị kết án phạm tội theo phán quyết của Tòa
án Nuremberg”. Dự luật cũng nhằm tạo ra một rào cản lập pháp đối với những âm
mưu “trộn lẫn” và “đánh đồng”, đòi xét lại và phủ nhận lịch sử, trong khi vẫn
duy trì không gian cho nghiên cứu lịch sử và thảo luận khoa học.
“Cách
mạng Tháng Tám năm 1945 là sự ăn may của Cộng sản Việt Minh”
Mùa thu năm 1945, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một nhất
tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, mở ra bước ngoặt vĩ đại
trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên
mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Vậy mà, những kẻ cơ hội chính trị lại cho rằng: “Cách mạng Tháng
Tám năm 1945 ở Việt Nam là sự ăn may của Cộng sản Việt Minh”. Họ lập luận, Việt
Minh đã nhanh tay cướp lấy thành quả của đồng minh chống phát xít, khi quân
đồng minh chưa kịp vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, GS-TS Phạm Hồng Tung – Viện
trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển cho rằng: Dù yếu tố quốc tế,
yếu tố khách quan có quan trọng đến đâu thì người ta cũng không được phép cường
điệu nó. Bằng chứng có thể thấy là thời cơ lịch sử thuận lợi ấy được mở ra như
nhau cho các dân tộc ở Đông Nam Á, thế mà ở Đông Dương chỉ có nhân dân Việt Nam
đem sức ta giải phóng cho ta, giành được chính quyền, tuyên bố được độc lập.
Thế thì phải khẳng định yếu tố chủ quan là quan trọng nhất. Thứ hai, mổ xẻ cho
sâu hơn, lúc đó không chỉ có lực lượng yêu nước cách mạng tập hợp dưới ngọn cờ
đại nghĩa của Mặt trận Việt minh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, còn có
giáo phái Cao Đài, có Việt Nam phục quốc đồng minh hội, Việt Nam quốc dân Đảng
và nhiều lực lượng khác thế nhưng họ đã không thể tập hợp được lực lượng và họ
đã không giành được chính quyền. Như vậy, yếu tố chủ quan quan trọng nhất ở đây
chính là sự quy tụ đại nghĩa dân tộc dưới ngọn cờ duy nhất đó là ngọn cờ của
Mặt trận Việt Minh. Cái gì đã dẫn đến cái đó, chính là đường lối đúng đắn của
Đảng Cộng sản Đông Dương.
GS, TS Phạm Hồng Tung nhấn mạnh, việc họ xuyên tạc lịch sử Cách
mạng Tháng Tám là muốn phủ nhận ý nghĩa, tính chất chính đáng của việc Việt Nam
tuyên bố độc lập và giành chính quyền để họ hướng tới âm mưu là lật đổ chế độ.
Đây chính là cuộc tấn công trực diện vào chủ quyền, thành tựu cách mạng của
nhân dân ta. GS Phạm Hồng Tung cho rằng, những luận điệu đó không có giá
trị về mặt khoa học vì ngay cả những người Mỹ, người Pháp nghiên cứu Cách mạng
Tháng Tám cũng không nói như vậy. Những nhà sử học nghiêm túc đều thừa nhận giá
trị của Cách mạng Tháng Tám. Thực chất đây chỉ là mưu đồ chính trị của những
người bất mãn với chế độ chính trị của chúng ta. Dù ai chăng nữa cũng không thể
đi ngược lại lợi ích của toàn thể dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, ai đứng ra phủ
nhận thì họ đứng ra ngoài dân tộc Việt Nam, họ không xứng đáng để có chỗ đứng
trong cộng đồng khoa học cũng như trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Chiêu bài
“mưa dầm thấm lâu” của các thế lực thù địch
Những luận điệu
mang tính lấp liếm, phủ nhận lịch sử như chúng ta đã nghe không chỉ xuất hiện
ngày một ngày hai mà đã lặp đi lặp lại trong một thời gian rất dài. Có phải là
rất nhàm chán không khi họ cứ nói đi nói lại một luận điệu cũ rích? Theo Tiến sỹ
Lê Thị Chiên – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đây hoàn toàn là chiêu
bài “mưa dầm thấm lâu” của các thế lực thù địch. Họ đưa rất nhiều thông tin
xấu độc lên môi trường mạng để “nhuộm đen” tinh thần, “nhuộm đen” tư tưởng của
các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mặc dù các luận điệu này thực chất
chỉ là bình cũ, rượu mới nhưng chúng ta cũng không thể coi thường mà luôn phải
nâng cao tinh thần cảnh giác
Mục tiêu của họ
là hình thành một thế hệ có suy nghĩ đòi xét lại lịch sử, trong đó có nhiều
thành phần “lật sử”, “trở cờ” ngay trong các Chính thể đó, nếu nhiều người
trong chúng ta cả tin, chỉ biết tiếp nhận thông tin mà không có suy xét, đối chứng
các cứ liệu lịch sử. Nhưng, họ sẽ không đạt được ý đồ nếu chúng ta nhìn thấu mục
đích đưa thông tin của họ và biết phân tích sự kiện trong bối cảnh lịch sử của
nó.
Lịch sử là sự
thật, luôn khách quan và công bằng. Lịch sử cũng không có chữ “Nếu”- như các giả
thuyết mà những kẻ cơ hội chính trị đã đưa ra. Khoa học lịch sử luôn rộng cửa
cho những nghiên cứu mới. Cộng đồng nghiên cứu khoa học cũng luôn muốn tiếp nhận
những chi tiết mới được phát hiện nhằm bồi đắp, sáng rõ thêm giá trị cho các sự
kiện lịch sử vĩ đại ./.
0 nhận xét: