Mạng xã hội là
một trong những thành quả của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ. Trong thời đại
được gọi là “Thế giới phẳng” ngày nay, thông tin ngày càng trở thành tài sản
quan trọng của các quốc gia và sự phát triển của mỗi quốc gia ấy lại phụ thuộc
rất nhiều vào việc họ tiếp nhận và xử lý thông tin như thế nào. “Mạng xã hội
là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu
trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm
dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện trực tuyến, chia
sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”. Chúng ta không
thể phủ nhận những tiện ích mà mạng xã hội mang lại. Nhờ có mạng xã hội, mọi
người dễ dàng kết nối giao lưu, chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả,
vượt ra ngoài những giới hạn về không gian, thời gian, chủng tộc. Qua đó, mang
lại nhiều thông tin trên mọi lĩnh vực, góp phần tích cực vào sự phát triển nhận
thức, nâng cao trình độ hiểu biết và cải thiện kỹ năng sống cho con người.
Tuy nhiên, một
trong những đặc trưng của mạng xã hội là người tham gia, sử dụng (cá nhân, tổ
chức) tự xây dựng, tự thiết kế nội dung nhằm đạt được mục đích của mình khi
tham gia mạng xã hội. Chính vì vậy, ở Việt Nam, các thế lực thù địch và bọn tội
phạm đã lợi dụng triệt để mạng xã hội, biến nó thành một công cụ đắc lực cho
các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta. Từ thực tế đó, việc nâng cao năng
lực tiếp cận và xý lý thông tin trên mạng xã hội cho cán bộ, đảng viên là một
trong những giải pháp trọng tâm, hiệu quả để đấu tranh chống các luận điệu sai
trái, thù địch nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh
hiện nay.
Muốn nâng cao
năng lực tiếp cận và xử lý thông tin trên mạng xã hội, trước hết cần xác định
tiêu chí đánh giá năng lực tiếp cận và xý lý thông tin trên mạng xã hội của cán
bộ, đảng viên. Tiêu chí này gồm ba bộ phận cấu thành:
Thứ nhất, kiến
thức (nhận thức) để nhận định thông tin đúng sai, tích cực hay tiêu cực, thông
tin chính thống hay tin giả mạo, xuyên tạc, sai trái vì mạng xã hội cung cấp
thông tin đa dạng, nhiều chiều gây nhiễu loạn thông tin; nguy cơ xuất hiện nhiều
tin đồn, tin giả, tin xấu độc.
Thứ hai,
khả năng thực hiện các hành vi biến kiến thức thành hành động thông qua các khả
năng (kỹ năng), hành vi cụ thể, đó là:
(1) Thu thập,
tìm kiếm thông tin: Đây là kỹ năng dữ liệu ban đầu, nếu làm tốt kỹ năng này sẽ
tạo cơ sở để xử lý đúng và sử dụng đúng thông tin. Do đó, để xử lý thông tin
đúng, điều kiện đầu tiên là thu thập thông tin đúng. Muốn thu thập thông tin
đúng cần đáp ứng những yêu cầu sau: Chính xác – thông tin từ các nguồn tin
chính thống; từ các nguồn tin đáng tin cậy, đã được kiểm chứng hoặc có cơ sở để
kiểm chứng; Phù hợp – phù hợp với mục đích, nhu cầu khai thác thông tin đã được
đặt ra; Kịp thời – không phải các thông tin cũ, lạc hậu, có thể gây sự hiểu lầm
nếu sử dụng thông tin cũ không phù hợp với thời điểm đăng tải, chia sẻ.
(2) Nhận diện
thông tin: Nhận diện thông tin nhằm giúp người sử dụng có thể phân biệt thông
tin tốt – xấu, đúng – sai, thông tin xấu độc cũng như mục đích, tác động đến đời
sống xã hội. Các thông tin xấu, độc là những thông tin có nội dung vi phạm các
quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật Công nghệ thông tin; Khoản 1 Điều 8 Luật An
ninh mạng; Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
(3) Kiểm chứng
thông tin: Kiểm chứng thông tin bao gồm kiểm tra nguồn tin; kiểm tra tên miền
truy cập; kiểm tra thông tin cơ quan chủ quản; thẩm định (kiểm tra) nội dung
thông tin. Trong kỹ năng thẩm định (kiểm tra) nội dung thông tin cần lưu ý động
cơ, mục đích cũng như thái độ của người đăng tải và thông tin được đăng tải có
lợi cho ai? Sau khi thông tin được kiểm chứng thì khâu tiếp theo sẽ là ra quyết
định sử dụng hoặc không sử dụng thông tin.
Thứ ba,
thái độ, hành vi. Nội dung để đánh giá thái độ, hành vi của cán bộ, đảng viên
là cách ứng xử của họ đối với những thông tin trên mạng xã hội bao gồm: (1) Bảo
mật thông tin của nhà nước: Kiên quyết đấu tranh với những luận điểm xuyên tạc,
sai trái và bảo vệ quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của
Nhà nước; (2) Định hướng dư luận xã hội trước các thông tin trái chiều trên mạng
xã hội. (3) Không like, không share những thông tin chưa được kiểm chứng, thẩm
định. (4) Theo dõi thông tin từ các nguồn tin chính thống; chỉ đăng, phát những
thông tin rõ nguồn gốc, thông tin đã được kiểm chứng, thông tin không vi phạm
pháp luật. (5) Lan tỏa những thông tin tốt đẹp, hình ảnh đẹp có ích cho cộng đồng
và xã hội. (6) Kiên quyết đấu tranh, phê phán bác bỏ những hành vilệch lạc mang
tính chất thù địch, phản động bằng những luận cứ, luận chứng khoa học, những sự
thật không ai phủ nhận được, đồng thời phê phán, góp ý những hành vi ứng xử thiếu
văn hóa. Sử dụng ngôn ngữ bảo đảm giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.
Để năng cao
năng lực tiếp cận và xử lý thông tin trên mạng xã hội của cán bộ, đảng viên phải
thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
Một là,
đối với các cơ quan sử dụng, quản lý cán bộ, đảng viên:
Thường xuyên tổ
chức những buổi tập huấn nhằm nâng cao năng lực tiếp cận và xử lý thông tin
trên mạng xã hội; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm Bộ quy tắc ứng xử trên
mạng xã hội (6/2021), Luật An ninh mạng (1/2019), Quy định liên quan đến việc
đăng tải thông tin trên mạng xã hội như Quy định số 102-QĐ/TW (11/2019) về xử
lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Quy định số 37-QĐ/TW (10/2021) về những điều đảng
viên không được làm.
Thành lập và cử
người phụ trách, theo dõi, xử lý việc sử dụng mạng xã hội của cán bộ, đảng
viên, qua đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tham gia, sử dụng,
chia sẽ thông tin trên mạng xã hội.
Lấy hiệu quả đấu
tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch cũng như góp phần
chia sẻ thông tin tích cực, định hướng, điều chỉnh dư luận xã hội trên không
gian mạng làm tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đánh giá xếp loại, cán bộ,
đảng viên cuối năm.
Hai là,
đối với bản thân cán bộ, đảng viên:
Cán bộ, đảng
viên bên cạnh việc chủ động, tích cực tham gia các lớp tập huấn về năng lực tiếp
cận và xử lý thông tin trên mạng xã hội thì tự trang bị tri thức trên nhiều
lĩnh vực, trình độ lý luận chính trị, nắm bắt nội dung các văn bản của Đảng,
Nhà nước để có cái nhìn thấu đáo khi tiếp cận, xử lý thông tin. Đặc biệt, cán bộ,
đảng viên trẻ phải tăng cường học tập, rèn luyện kỹ năng, phương pháp, bản
lĩnh, lý lẽ sắc bén và viết những bài mang tính bút chiến để bảo vệ nguồn thông
tin chính thống và phản bác các thông tin sai trái, thù địch, xấu độc.
Mỗi cán bộ, đảng
viên cần phải tự xây dựng một “hệ miễn dịch” và phải có đủ bản lĩnh, kinh nghiệm,
trình độ để thực hiện hoạt động phản bác thông tin xấu độc, xuyên tạc, bịa đặt.
Ba là,
cơ quan thông tin – truyền thông và các đơn vị an ninh mạng theo định kỳ tổ chức
các buổi báo cáo chuyên đề về các thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Thông qua
các buổi báo cáo, nhận diện và chỉ rõ những trang thông tin xấu độc, đồng thời
công khai trang thông tin chính thống của các đơn vị, ban, ngành, địa phương.
Bốn là,
coi trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ làm công tác chuyên
môn, là lực lượng nòng cốt trong việc tham gia, nhận diện, chia sẻ, xử lý thông
tin trên mạng xã hội.
0 nhận xét: