Tết đến, xuân
về năm 2022 đúng dịp kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ôn lại lịch
sử vẻ vang để khẳng định công lao của Đảng đối với dân tộc, đồng thời thẳng thắn
nhìn vào sự thật, đánh giá đúng thực tiễn để chỉ ra những thách thức đe dọa đến
vị thế và sự cầm quyền của Đảng. Trong đó, có những nguy cơ cũ đã trở thành hiện
hữu, đồng thời xuất hiện một số thách thức trong tình hình mới có nhiều thay đổi.
Một là,
nguy cơ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, suy thoái về phẩm chất chính
trị, đạo đức, lối sống.
Đây là thực
trạng đáng báo động, đang gây những hậu quả khôn lường. Tình trạng đó lan rộng
trong đội ngũ cán bộ, đảng viên từ các cấp, các ngành, mà Đảng đã chỉ rõ, từ “một
số”, “một bộ phận” đến “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những
đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cấp cao”. Một số
cán bộ sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, cơ hội; không chấp hành
nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không làm tròn
chức trách, nhiệm vụ được giao. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý lợi dụng,
lạm dụng chức vụ, quyền hạn để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người
quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình trục lợi. Có nơi bổ nhiệm cán bộ tràn
lan, sai nguyên tắc, gây bức xúc trong xã hội.
Hai là,
nguy cơ tham nhũng.
Tham nhũng được
nhận diện là một quốc nạn, một trong bốn nguy cơ làm suy giảm niềm tin của nhân
dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tham nhũng diễn ra trên các
lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị, với quy mô nhiều vụ án ngày càng lớn, hậu quả
nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi. Tham nhũng xảy ra vì những người nắm quyền lực,
lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, hối lộ, cố tình làm trái pháp luật nhằm trục
lợi cá nhân; bởi quyền lực nếu có sức mạnh to lớn trong việc cải tạo hiện thực,
xây dựng xã hội mới, thì cũng có mặt trái dễ làm tha hóa con người, thậm chí
làm tha hóa cả một đảng cầm quyền. Đúng như nhà sử học người Anh từng nhận định:
“Quyền lực dẫn đến hư hỏng. Quyền lực tuyệt đối đẫn đến hư hỏng tuyệt đối”.
Hiện nay, các
cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án lớn,
mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung
ương quản lý. Trong đó, tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án, vụ việc
tiêu cực xẩy ra trong lĩnh vực giáo dục, y tế, và mới đây nhất là Vụ Công ty Việt
Á mà báo chí và dư luận đang quan tâm.
Ba là,
nguy cơ buông lỏng, làm trái những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.
Từ ngày thành
lập, Đảng lấy tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản, là cơ sở hàng đầu
bảo đảm giữ vững bản chất cách mạng và vai trò lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên,
không ít tổ chức Đảng không thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, buông
lỏng việc tổ chức sinh hoạt, buông lỏng quản lý đảng viên; không tự phê bình và
phê bình nghiêm túc, bình xét phân loại đảng viên qua loa, đại khái. Do ý thức
chấp hành kỷ luật thấp nên có nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật dẫn đến
nguy cơ mất đoàn kết trong Đảng, vi phạm kỷ cương phép nước.
Điểm chung của
những vụ vi phạm trong thời gian vừa qua là Ban Thường vụ cấp ủy không giữ đúng
chế độ sinh hoạt; buông lỏng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá
nhân phụ trách, đấu tranh tự phê bình và phê bình hời hợt, dĩ hòa vi quý; kỷ luật
không nghiêm minh, thiếu tinh thần thương yêu lẫn nhau thật sự. So với những kết
quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, đối ngoại… thì sự đổi
mới về chính trị, nhất là đổi mới về cơ cấu tổ chức, nội dung, hình thức sinh
hoạt chính trị, sinh hoạt Đảng còn chậm, chưa tương xứng với yêu cầu và đòi hỏi
của xã hội, của nhân dân, ảnh hưởng đến tốc độ đổi mới, nhất là về kinh tế.
Bốn là,
nguy cơ xa rời nhân dân.
Biểu hiện của
“căn bệnh” này thể hiện ở cả suy nghĩ, thái độ, hành vi và việc làm cụ thể. Người
dân nhận thấy một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tự đánh mất tính
nêu gương, tính đại diện của Đảng. Câu khẩu hiệu đồng thời cũng là phương châm
hành động đoàn kết nhân dân với Đảng, thực hành dân chủ: Dân biết, dân bàn, dân
làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng tuy được quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng hiệu
quả chưa cao.
Điều này diễn
ra khá phổ biến ở cách làm việc của cán bộ khi giải quyết các vấn đề về đất
đai, đền bù giải tỏa,… dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài ở nhiều địa phương
trong thời gian qua. Thậm chí, một số nơi, chính quyền buông lỏng quản lý,
không thông cảm và thấu hiểu tâm lý của người dân, gây ra tình trạng nhân dân đấu
tranh chống chính quyền, xảy ra xung đột, mâu thuẫn trên địa bàn.
Năm là,
âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch nhằm chống phá nước
ta với những biểu hiện mới, quyết liệt và tinh vi hơn trước.
Sự chống phá
quyết liệt đó nổi bật là: 1- Lợi dụng và khoét sâu những sai lầm, khuyết điểm
trong lãnh đạo, điều hành đất nước của Đảng, Nhà nước; sự tha hóa, biến chất của
một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ chức vụ cao trong Đảng,
chính quyền; kích động những lo lắng, bức xúc, bất mãn của người dân trong cuộc
sống thường ngày để quy kết cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã suy thoái, không
còn đại diện cho quyền lợi của người dân, không còn vai trò lịch sử đối với sự
phát triển của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh mới. 2- Lợi dụng các phương tiện
truyền thông để tuyên truyền, xuyên tạc bóp méo lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh
đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Chúng cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam
chỉ muốn chiến tranh nên đã đẩy cả dân tộc vào các cuộc chiến tranh “huynh đệ
tương tàn”, gây bao tổn thất, đau thương, chết chóc.
Những nguy cơ
trên đây không chỉ làm suy yếu Đảng, làm mất niềm tin của nhân dân đối với sự
nghiệp cách mạng, mà còn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được kịp
thời chỉnh đốn, củng cố, gây dựng và phát triển Đảng vững mạnh. Việc xây dựng một
Đảng Cộng sản cầm quyền không phải chỉ có thuận lợi, mà còn có không ít thách
thức cần phải vượt qua, nguy cơ cần phải đẩy lùi.
Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã thẳng thắn chỉ rõ: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một
Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái
đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi
tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh
dạn, chắc chắn, chân chính” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2011, tr. 301)…
Nhận thức được
nguy cơ luôn tiềm ẩn, Đại hội XIII và các kỳ hội nghị Trung ương, Đảng luôn đề
cao xây dựng và chỉnh đốn Đảng, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao
trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác rèn luyện đạo đức của cán bộ. nhất là cán
bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp; thực hiện nghiêm quy định nêu
gương của Đảng, quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên
không được làm, cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu.
Từ khi ra đời
đến nay, trong bất kì thời điểm nào, Đảng đều phải đối mặt với khó khăn, thách
thức, thù trong, giặc ngoài hay những thử thách do tình hình thế giới, trong nước
thay đổi, kể cả do quan hệ ngoại giao mỗi giai đoạn chi phối. Trong quá trình
đó, Đảng lãnh đạo nhân dân ta làm nên nhiều thành công, nhưng có cả sai lầm, va
vấp. Tuy nhiên, thực tiễn khách quan khẳng định rằng, Đảng dũng cảm thừa nhận
sai lầm, có đủ bản lĩnh sửa sai, đủ tầm nhìn khắc phục khó khăn và sáng
suốt hoạch định đường lối đúng đắn, đưa đất nước vững bước tiến lên xây dựng chủ
nghĩa xã hội, nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Lịch sử 92
năm Đảng đồng hành cùng dân tộc cho phép đảng viên, với tinh thần khiêm tốn nhất,
khẳng định cống hiến của Đảng đối với dân tộc; là minh chứng bác bỏ nhiều luận
điệu xuyên tạc từ trước đến nay, đặc biệt trong dịp kỷ niệm thành lập Đảng, coi
Đảng độc đoán, chuyên quyền, bắt nhân dân tung hô, khen ngợi là tài tình, sáng
suốt. Không tô hồng lịch sử, nghĩa là nhìn nhận, đánh giá khách quan những hạn
chế của Đảng, những nguy cơ, thách thức Đảng phải đối mặt. Ngược lại, không bôi
lem lịch sử, không được phủ nhận thành tựu và vai trò duy nhất lãnh đạo cách mạng
Việt Nam của Đảng Cộng sản. Nói cách khác, Đảng không cần tung hô mỹ miều nhưng
không được phép bôi nhọ, bịa đặt vu khống Đảng!
Bất luận
trong chiến tranh hay hòa bình, vai trò lãnh đạo của Đảng đều được nhân dân thừa
nhận và năng lực vượt lên chính mình của Đảng là điều kiện tiên quyết nhằm xây
dựng, chỉnh đốn và nâng cao năng lực cầm quyền. Vì vậy, ở Việt Nam, hiện nay,
không cần thiết tồn tại một đảng lãnh đạo nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt
Nam. “Đảng ta” – mãi trường tồn cùng dân tộc.
0 nhận xét: