“Rất nhiều vấn
đề đặt ra từ thực tiễn cho thấy, đổi mới chính trị phải từng bước và phải đồng
bộ với đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị dựa trên một sự ảo tưởng.
Nguyên tắc của Việt Nam là phải rất thận trọng trong đổi mới chính trị”.
Ngay từ Đại hội
VI khi bắt đầu công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế tập trung, bao cấp,
sang kinh tế nhiều thành phần, Đảng đã khẳng định đổi mới tổ chức và phương thức
hoạt động của hệ thống chính trị không phải là hạ thấp hoặc thay đổi bản chất của
nó mà là nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước,
phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nghĩa là tăng cường sức mạnh và hiệu lực của
chuyên chính vô sản, là làm cho các tổ chức trong hệ thống chính trị hoạt động
năng động hơn, hiệu quả hơn.
Quan điểm kết
hợp ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm
trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị, được Đảng khẳng định xuyên suốt
qua các kỳ đại hội. Thế nhưng vẫn có những ý kiến cố tình không hiểu những sự
thật đó, thậm chí còn xuyên tạc với luận điệu đổi mới kinh tế đã đến lúc phải
thay đổi chế độ chính trị. Đây là luận điệu sai trái cần được nhận diện rõ để
kiên quyết đấu tranh.
Bình luận về
vấn đề này, GS.TSKH Phan Xuân Sơn, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ
Chí Minh cho rằng, những tiếng nói như vậy chỉ để nói ra cho sướng chứ
không hề có lập luận. Có ý kiến cho rằng, nền kinh tế thị trường định hướng
XHCN là bởi tính chính trị gò ép vào nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, không
có nền kinh tế thị trường nào không có bóng dáng của mối quan hệ chính trị, vai
trò của chính trị, chỉ có nhiều hay ít và mục tiêu như thế nào mà thôi, kể cả nền
kinh tế thị trường tự do.
GS.TSKH
Phan Xuân Sơn: Ở Việt Nam, vấn đề chính trị là một hệ thống cho phép ai nhận
được cái gì, nhận được bao nhiêu, nhận khi nào, tức là phân phối các giá trị,
trong đó quan trọng nhất là giá trị lợi ích kinh tế. Vậy đổi mới chính trị là đổi
mới theo kinh tế, sở hữu, quản lý, phân phối, làm thế nào để đừng có bất bình đẳng,
đừng để lại ai phía sau, đừng cách biệt giàu nghèo, đừng mất cân đối, đừng tạo
ra các khủng hoảng, đừng hủy hoại văn hóa truyền thống, có thể kết nối thế giới.
Trực quan có
thể thấy, chúng ta đã làm được rất nhiều. Trước đây đóng cửa, quan hệ bang giao
bên ngoài rất ít, ngày nay ta mở cửa, mở rất rộng, chào đón bất kỳ ai. Câu chuyện
đi lại còn là quyền con người, tự do đi lại, tự do cư trú, thậm chí đã bàn tới
vấn đề bỏ hộ khẩu… Như vậy để thấy ai nói không có đổi mới chính trị ở Việt Nam
là không đúng, ngược lại đổi mới rất nhiều. Trước đây có thể còn định kiến về
doanh nghiệp, nhà buôn nhưng ngày nay, chúng ta tôn vinh doanh nghiệp, nông dân
giỏi hay công nhân lao động giỏi cũng được tôn vinh. Theo tôi đó là chính trị,
đổi mới chính trị không hề xa xôi.
PV: Thưa
GS, việc đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế đã và đang được thực
hiện như thế nào qua thực tế 35 năm đổi mới?
GS.TSKH
Phan Xuân Sơn: Chúng ta xây dựng nền dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN
thực tế mới khoảng trên 20 năm, nhưng thành tựu rất lớn. Tuy nhiên cũng còn nhiều
thiếu xót, khó khăn, bởi trình độ của chúng ta bước vào sự phát triển văn minh
như kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền là chúng ta đi sau, còn chậm. Chúng
ta phải tháo gỡ, không thể trách chủ trương không đổi mới chính trị mà chúng ta
có đổi mới nhưng thành quả chưa được như mong muốn. Vì thế, khi phát hiện ra
chúng ta phải đổi mới. Rất nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn, đổi mới chính trị
phải từng bước và phải đồng bộ với đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị dựa
trên một sự ảo tưởng. Nguyên tắc của ta là phải rất thận trọng trong đổi mới
chính trị.
PV: Có
ý kiến cho rằng, Việt Nam đang phát triển kinh tế thị trường nhưng lại đang bị
kìm hãm bởi định hướng XHCN. Ông suy nghĩ gì về ý kiến này?
GS.TSKH
Phan Xuân Sơn: Quan điểm này có thể nói là rất xa với mối quan hệ giữa
chính trị và kinh tế. Một nền kinh tế thị trường là một sản phẩm của văn minh
kinh tế nhân loại không có đặc quyền của một chế độ nào cho nên nền kinh tế thị
trường là một tất yếu khách quan, chúng ta đưa vào đường lối để áp dụng. Trong
mô hình kinh tế thị trường lại có rất nhiều mô hình khác nhau: mô hình kinh tế
thị trường tự do, mô hình kinh tế thị trường tự do mới, mô hình kinh tế thị trường
định hướng xã hội, mô hình thị trường xã hội, Việt Nam có mô hình định hướng
XHCN… Mỗi mô hình có điểm riêng với từng quốc gia, có thất bại riêng
Chúng ta
không từ bỏ con đường XHCN vì thế không thể từ bỏ nền kinh tế thị trường định
hướng XHCN. Vậy để giải quyết mối quan hệ giữa con đường XHCN và kinh tế thị
trường đòi hỏi phải rất sáng tạo. Thành quả của Việt Nam đến nay có thể nói đã
sáng tạo và thu hoạch được những kết quả rất khả quan. Thực tiễn đã chứng minh;
còn lý luận cũng đơn giản chứ không phức tạp. Mỗi quốc gia với đặc trưng văn
hóa, tập quán sản xuất, trình độ phát triển lực lượng sản xuất, chúng ta đã xây
dựng một nền kinh tế phù hợp, đặc biệt phù hợp với chế độ chính trị đang xây dựng.
Vì thế phải
làm thế nào để giữ cho mối quan hệ đó thật tốt, vì nền kinh tế thị trường là
phương tiện cho cuộc sống của nhân dân, nâng cao phúc lợi của nhân dân.
PV: Trong
bài viết “Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên
CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ những đặc trưng của nền
kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Ông nghĩ gì về những điều này, đặc
biệt là sự kết hợp giữa kinh tế và xã hội?
GS.TSKH
Phan Xuân Sơn: Tổng Bí thư đã nói rõ, mục tiêu con người, mục tiêu xã hội,
mục tiêu nhân đạo, mục tiêu công bằng, bình đẳng không để lại ai ở phía sau là
mục tiêu của nền kinh tế chúng ta, khác với mục tiêu săn lùng lợi nhuận. Đây là
vấn đề mang tính bản chất nhất liên quan đến nền kinh tế thị trường định hướng
XHCN của chúng ta. Tôi nhất trí với điều đó, và trong thực tiễn, chúng ta đã cố
gắng thực hiện, càng ngày càng tốt hơn, tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề, nhiều
khuyết điểm phải giải quyết nhưng càng ngày càng tốt hơn.
0 nhận xét: