Bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã trở
thành nguyên tắc tự thân của Đảng, trong thực tiễn được thực hiện linh hoạt, mềm
dẻo, tùy vào tình hình thực tế mà có cách thức phù hợp, hiệu quả, thiết thực,
có trọng tâm, trọng điểm. 1. Nhìn lại lịch
sử hơn 90 năm công tác tư tưởng của Đảng, có thể rút ra một số bài học kinh
nghiệm phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan
điểm sai trái, thù địch giai đoạn hiện nay.
Một là,
bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
là một phương thức để Đảng tự bảo vệ mình. Công tác này trở thành nguyên tắc tự
thân – nhu cầu tất yếu khách quan mà Đảng phải tiến hành trong mọi hoàn cảnh, đặc
biệt là ở những thời điểm cam go có tính chất bước ngoặt của cách mạng.
Hai là,
luôn đa dạng hóa các lực lượng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhưng phải xây
dựng được lực lượng nòng cốt đủ mạnh đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng, đặc
biệt là đội ngũ cán bộ tuyên giáo của Đảng. Bên cạnh việc Đảng ban hành các nghị
quyết, chỉ thị, chỉ đạo tổ chức tiến hành công tác tư tưởng dưới nhiều hình thức
đa dạng, phong phú, huy động cán bộ, đảng viên, cả hệ thống chính trị tích cực
vào cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh quyết liệt với các luận
điệu sai trái, thù địch, thì ở những thời điểm nhất định, rất cần tiếng nói trực
tiếp, tác phẩm tầm cỡ, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của các đồng chí
lãnh đạo cấp cao, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí
thư Trung ương Đảng, các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, Trưởng Ban tuyên giáo các cấp…
Ba là,
bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
trở thành nguyên tắc tự thân của Đảng, nhưng phải linh hoạt, mềm dẻo, tùy vào
tình hình thực tế để có cách thức phù hợp, hiệu quả, thiết thực, có trọng tâm,
trọng điểm. Trong mọi hoàn cảnh, luôn kiên định lập trường vô sản, vận dụng
sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào quá trình xây dựng và
thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; bám sát thực tiễn để làm sáng rõ, cụ
thể hơn giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ
Chí Minh.
Bốn là,
trong mọi tình huống đều phải coi trọng, chủ động, tích cực, kiên quyết, kịp thời
dùng luận cứ khoa học, đủ sức thuyết phục để đấu tranh phản bác quan điểm sai
trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; coi trọng công tác
xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh (tự làm trong sạch bản thân) là nhân tố
hàng đầu để bảo vệ Đảng. Kiên quyết tẩy trừ tiêu cực trong Đảng và ngoài xã hội
là phương cách thiết thực, hiệu quả nhất để bảo vệ Đảng, củng cố, giữ vững niềm
tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.
Năm là,
chú trọng công tác dự báo, cảnh báo sớm về thời điểm, khả năng, âm mưu, thủ đoạn
mà các thế lực phản động, thù địch chống phá để có cách thức đấu tranh phù hợp,
hiệu quả.
Trong chiều
dài lịch sử cho thấy, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội thường tấn công mạnh
vào các thời điểm cam go, ví dụ như: năm 1931 – khi phong trào cách mạng
1930-1931 thất bại, nhiều đảng viên bị bắt bớ tù đày, giết chóc, nhiều cơ sở đảng
bị tan rã; những năm 1937-1938 – trước thềm chiến tranh thế giới II, chủ nghĩa
Trotxky lộng hành, phá hoại cách mạng; ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945 – khi
tình thế nước nhà “ngàn cân treo sợi tóc”; từ cuối 1954 – khi ta bị những sai lầm
trong cải cách ruộng đất; năm 1991 – khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ; và trong
giai đoạn hiện nay – khi có sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ.
Trong một
năm, chúng thường tập trung chống phá vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn (ngày kỷ
niệm thành lập Đảng 3/2; ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, kỷ
niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5; Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh
2/9…); thời điểm diễn ra Đại hội Đảng, kỳ họp Quốc hội, bầu cử, các chuyến thăm
của nguyên thủ quốc gia, lúc bùng phát điểm nóng về chính trị, khi địa phương
có vụ việc tranh chấp, chống đối chính quyền, khi có quyết định phiên xét xử tội
phạm…
2. Nhận thức
rõ và phát huy những bài học kinh nghiệm nêu trên trong bối cảnh hiện nay, cần
nhấn mạnh một số vấn đề như:
Thứ nhất,
có nghiên cứu đầy đủ, khách quan, toàn diện về mặt lý luận và thực tiễn công
tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái,
thù địch qua các thời kỳ cách mạng; chỉ ra ưu điểm, hạn chế, tổng kết bài học
kinh nghiệm, phát huy cách làm hay và hiệu quả, vận dụng vào thực tiễn giai đoạn
hiện nay.
Thứ hai,
đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện về vai trò, đóng góp của Đảng ta đối với
sự nghiệp cách mạng; chỉ ra hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục, rút kinh
nghiệm; tuyên truyền khách quan, đầy đủ, sâu rộng những tấm gương cán bộ, đảng
viên chiến đấu, hy sinh, cống hiến qua các thời kỳ cách mạng, đặc biệt là những
đảng viên vì lợi ích của Đảng, nhân dân và dân tộc mà sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở
những thời điểm cam go có thể biết trước sẽ khó thoát khỏi án tử hình của kẻ
thù. Điều này sẽ đánh thức nhận thức ở một bộ phận người chỉ nhìn vào mặt hạn
chế ở hiện tại mà quên đi, hoặc phủ định tất cả mặt tốt của Đảng trong quá khứ;
chỉ rõ những hạn chế, tiêu cực xảy ra hiện nay là hành động của một bộ phận cán
bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, chứ hoàn toàn không phải là bản chất của Đảng.
Thứ ba,
nghiên cứu thật bài bản, kỹ lưỡng về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, chỉ rõ những vấn đề cốt lõi có tính nguyên tắc, rường cột, bền vững; những
vấn đề từng đúng, nay vẫn đúng và sẽ còn đúng; những vấn đề đã đúng, nay đang
đúng nhưng tương lai có thể không còn phù hợp; những vấn đề đã đúng, nay không
còn phù hợp cần phải điều chỉnh, bổ sung; những vấn đề đang hiểu chưa đúng hoặc
bị hiểu lầm, dịch thuật chưa sát ý… Lấy đó làm căn cứ xác đáng nhất giúp cán bộ,
đảng viên, các tầng lớp nhân dân làm đấu tranh, phản bác, ngăn chặn sự xuyên tạc
của các thế lực phản động, thù địch.
Thứ tư,
đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan
trọng việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các
quan điểm sai trái, thù địch đối với sự nghiệp cách mạng và tiền đồ của Đảng và
chế độ ta, đồng thời có tác động trực tiếp tới cuộc sống mỗi người dân Việt
Nam. Nâng cao “sự miễn dịch” cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trước những thông
tin xấu độc, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động; làm cho
mọi người nhận thấy việc bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ là nghĩa vụ, trách nhiệm
không của riêng ai.
Thứ năm,
nhân rộng điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, đặc biệt là cán bộ đảng viên
tốt, hành động đẹp trong xã hội, cơ quan, đơn vị, gia đình; đưa tin có chừng mực
về các vụ việc tiêu cực, tăng lượng thông tin tốt, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
Chắc chắn, những
quan điểm lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu phản
bác quan điểm sai trái, thù địch sẽ tiếp tục được khẳng định, bổ sung, hoàn thiện,
cụ thể hóa trong các văn kiện Đảng tiếp theo.
0 nhận xét: