23/2/22

Thề thốt không sai phạm, lòng tự trọng của cán bộ đang “rất có vấn đề”


Câu chuyện “thề thốt” của một số cán bộ trong những vụ vi phạm pháp luật vừa qua khiến chúng ta không khỏi đau lòng trước sự trung thực của cán bộ, đảng viên.

Liên quan đến các sai phạm của Công ty Việt Á, đến thời điểm này, 5 Giám đốc CDC của các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Bắc Giang, Bình Dương và Hải Dương đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm liên quan đến mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế gây thiệt hại cho tài sản nhà nước. Và chắc chắn, đây chưa phải là con số cuối cùng.

Điều đáng nói là, trước khi bị bắt, ít nhất 3 vị đều quả quyết “bản thân không có bất cứ liên quan nào tới Việt Á”. Gần đây nhất, ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Thừa Thiên-Huế khẳng định trên báo Người Lao Động đại ý rằng, nếu có uống cà phê mời của Việt Á thì việc ông đi tù cũng là xứng đáng. Trước ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn cũng khẳng định không nhận quà hay hoa hồng từ Việt Á.

“Xưa nay mấy người thừa nhận mình phạm tội”

Không chỉ Giám đốc một vài CDC, mà trong vụ án Công ty Nhật Cường, ông Nguyễn Đức Chung khi ra tòa cũng từng phủ nhận việc đã can thiệp trái pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng thầu gói thầu “Số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội” năm 2016 gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26,5 tỉ đồng. Ông Chung một mực kêu oan và khẳng định không liên quan. Tuy nhiên, với những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như kết quả thẩm tra công khai tại tòa, Viện Kiểm sát khẳng định có đủ cơ sở kết luận ông Chung với vai trò là Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định pháp luật.

Bình luận về những vụ việc trên, ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII cho rằng, những câu chuyện trên không lạ bởi theo ông, nó đã như một quy luật. Xưa nay, khi phạm tội, không mấy người nhận tội ngay, mà thường chối tội, quanh co, chỉ khi cơ quan điều tra chứng minh được họ có tội, lúc đó mới cúi đầu nhận tội. Sở dĩ họ không bao giờ tự nhận mình vi phạm pháp luật mà tìm mọi cách để chống chế, để nhẹ tội đi, rồi từ nhẹ tội có thể thành không có tội. Tuy vậy, ông Lê Như Tiến vẫn tin tưởng rằng, cơ quan điều tra có đầy đủ nghiệp vụ để tìm được chứng cứ khẳng định hành vi phạm tội.

Theo ông Lê Như Tiến, trong câu chuyện của một số Giám đốc CDC vừa qua, chúng ta không khỏi đau lòng trước sự trung thực của cán bộ, đảng viên. Không tự giác, chủ động trước hành vi phạm tội của mình mà luôn viện đủ mọi lý do để thoái thác, thậm chí còn thề thốt dù bàn tay họ đều đã nhúng chàm.

Trong vụ việc của Việt Á, ông Lê Như Tiến tin chắc rằng, không chỉ có các Giám đốc CDC, không chỉ có Việt Á, mà còn có người nâng đỡ Việt Á, thể hiện ở văn bản “dọn đường” của Bộ Khoa học và Công nghệ khi xác nhận Tổ chức Y tế Thế giới công nhận kit test của Việt Á và được nhiều nước trên thế giới đặt mua; để sau đó Bộ Y tế tiếp tục “mở đường” bằng cách cấp phép, tạo điều kiện cho kit test của Việt Á được sản xuất và lưu hành rộng rãi, dẫn đến sự tự tung tự tác, lũng đoạn thị trường ở 62 tỉnh thành, cũng như các bệnh viện lớn trong cả nước thời gian qua.

Lòng tự trọng của cán bộ lãnh đạo “rất có vấn đề”

Câu chuyện “thề thốt” của một số cán bộ trong những vụ vi phạm pháp luật nói trên khiến dư luận không khỏi hoài nghi về đạo đức, danh dự của một bộ phận cán bộ. Khi nhậm chức, tất cả họ đều hứa sẽ cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, vì nước vì dân mà phục vụ nhưng rồi tiền bạc khiến họ đánh mất mình, đi ngược lại với lời hứa của chính mình.

“Tính trung thực và lòng tự trọng của cán bộ có chức quyền rõ ràng đang rất có vấn đề. Đúng là khi nhậm chức, ai cũng hứa, cũng tuyên thệ nhưng đến khi vi phạm thì lời hứa của họ trước Đảng, trước Nhân dân đã hoàn toàn phai nhạt. Mỗi hành vi của họ đều từ vụ lợi mà ra. Người có lòng tự trọng thì sẽ không làm, còn đã hứa mà không làm thì chỉ có thể là người đã mất tự trọng. Những con người đó không có cách giáo dục nào khác là xử lý bằng pháp luật. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ rồi phải “nhốt” quyền lực vào “lồng” cơ chế, pháp luật”- ông Tiến bày tỏ.

Tuy nhiên, ông Lê Như Tiến cho rằng, cơ chế thị trường, chủ nghĩa thực dụng, đồng tiền khiến con người ta dễ bị mờ mắt và không còn nhìn thấy các giá trị đạo đức. Những giá trị đó từ xưa đến nay vẫn được người đời trân trọng, nhưng một khi người ta thấy nó không còn thiêng liêng nữa, khi đó cái thiêng liêng với họ nhất chỉ có thể là lợi nhuận, lợi ích.

“Lợi nhuận và đồng tiền khiến con người ta dễ u mê, nên không còn biết đến tự trọng, liêm sỉ vì thế nên mới suy thoái. Thực tế cũng đã cho thấy, ngày càng nhiều các vụ việc cán bộ vì thiếu tự trọng mà đánh mất mình, vi phạm pháp luật, thậm chí vụ sau còn lớn hơn vụ trước. Vì thế Đảng chỉ đạo phải xây dựng cơ chế để cán bộ không thể, không dám và không cần tham nhũng là cực kỳ chính xác”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh./.

 


0 nhận xét: