9/2/22

Tổng Bí thư Trường Chinh với bài học giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng

 


Đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báu từ lịch sử cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh là phải luôn giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, bởi đó là điều kiện tiên quyết đảm bảo thành công của sự nghiệp cách mạng. Để giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng chí nêu ra và chỉ đạo thực hiện nhất quán những vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, xây dựng đường lối, chủ trương và chính sách đúng đắn phù hợp với thực tiễn cách mạng.

Đảm nhận nhiều chức vụ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đồng chí Trường Chinh luôn quan tâm lãnh đạo xây dựng Đảng vững mạnh, phát triển năng lực và trình độ lãnh đạo của Đảng, trong đó vấn đề cơ bản, trước hết là xây dựng đường lối chính trị đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, thực tế của đất nước và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là khi chuyển giai đoạn cách mạng. Đồng chí lưu ý: “Đường lối, chính sách của Đảng ta không phải sao chép trong các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, hoặc trong nghị quyết chỉ thị của đảng anh em, mà phải do Đảng ta vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta mà định ra… Đường lối, chính sách của Đảng ta cũng không thể một lần định ra là đã hoàn chỉnh xong xuôi rồi, mà tất nhiên còn thiếu sót về khía cạnh này hoặc khía cạnh khác”(1).

Năm 1941, trước sự chuyển biến nhanh chóng của tình hình, khi nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt ra cấp bách, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tổng Bí thư trường Chinh là người khởi thảo văn kiện, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nghị quyết lịch sử, hoàn chỉnh chủ trương cách mạng giải phóng dân tộc, phát triển lý luận về cách mạng vô sản ở một nước thuộc địa, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc – giai cấp, dân tộc – quốc tế, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết. Hội nghị đã đề ra chủ trương đoàn kết tất cả các giai cấp, các tầng lớp yêu nước trong Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Khi Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã nhận định, phân tích chính xác tình hình, dự báo đúng diễn biến thời cuộc và ban hành Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Chỉ thị “Phá kho thóc của Nhật để chia cho dân đói” kịp thời chuyển hướng khẩu hiệu và phương pháp đấu tranh, nhanh chóng dấy lên cao trào chống phát xít Nhật cứu nước. Từ đó, Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nhiều nơi, thành lập các khu giải phóng, nắm bắt thời cơ, tiến tới Tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám lịch sử.

Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng non trẻ của ta ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đồng chí Trường Chinh đã cùng tập thể Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, xây dựng tiềm lực dân tộc về mọi mặt, tích cực chuẩn bị kháng chiến. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đề ra các luận chứng và phát triển đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ nhất định thắng lợi của Đảng ta.

Năm 1951, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những biến chuyển mới có lợi cho cách mạng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh đã cùng Trung ương Đảng tập trung công sức, trí tuệ chuẩn bị Đại hội lần thứ II của Đảng, nhất là chuẩn bị các văn kiện quan trọng trong Đại hội đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc và toàn diện về đường lối cách mạng và kháng chiến trong giai đoạn mới. Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam do đồng chí Trường Chinh khởi thảo đã phân tích đặc điểm xã hội Việt Nam, nêu lên 12 chính sách của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; chỉ ra đường lối cách mạng Việt Nam từ cách mạng dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tại Đại hội này, đồng chí Trường Chinh tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rồi sau đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị có những đóng góp to lớn vào việc chuẩn bị, đưa ra những quyết sách chiến lược và tổ chức thực hiện xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta tới thắng lợi hoàn toàn.

Thời kỳ trước Đổi mới, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội diễn ra ngày càng trầm trọng, sản xuất trì trệ, lạm phát phi mã, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, đồng chí Trường Chinh là một trong những nhà lãnh đạo tích cực khảo nghiệm thực tiễn, tìm tòi xây dựng đường lối đổi mới, với biện pháp, cách thức phù hợp, đáp ứng nhu cầu bức thiết của thực tiễn, đặt nền móng cho việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Đại hội lần thứ VI của Đảng có ý nghĩa trọng đại, đánh dấu bước ngoặt mang tính đột phá chiến lược, toàn diện trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc mà đồng chí Trường Chinh là một trong những kiến trúc sư tiên phong. Phát biểu tại Đại hội VI đồng chí nhấn mạnh: là đảng cầm quyền, “Đảng phải trưởng thành về lãnh đạo chính trị, phát triển và cụ thể hóa đường lối, đề ra những giải pháp đúng đắn đối với những vấn đề mới của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”(2).

Thứ hai, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân

Trong quá trình lãnh đạo, đồng chí Trường Chinh đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, bởi “Làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng, chỉ có như vậy thì Đảng ta mới đủ sức lãnh đạo cách mạng nước ta”(3). Đồng chí nêu rõ: Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc quan trọng nhất chỉ đạo mọi hoạt động tổ chức, sinh hoạt nội bộ và phong cách làm việc của Đảng; là tiêu chí để phân biệt Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, đảng cách mạng chân chính, với các đảng cơ hội, cải lương. Trong điều kiện tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện, Đảng khuyến khích sự năng động, sáng tạo, song Nghị quyết Đại hội VI cũng nhấn mạnh “lập lại kỷ cương, củng cố kỷ luật trong đảng và bộ máy nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, nói và làm theo nghị quyết của cấp trên và của tập thể. Mọi cán bộ Đảng viên phải phục tùng kỷ luật. Mọi sự năng động, sáng tạo phải dựa trên cơ sở đường lối, chính sách. Cơ quan lãnh đạo phải nắm vững quyền chỉ đạo tập trung, điều hành thống nhất, không dung túng những việc làm sai trái”(4). Trong điều kiện Đảng cầm quyền, mọi cán bộ Đảng viên, bất cứ ở cương vị nào đều phải sống và làm việc đúng theo pháp luật, không có ngoại lệ và “Bất cứ người lãnh đạo nào cũng không được tự đặt mình ra ngoài tổ chức, tự cho mình quyền nói và làm khác quyết định của tập thể. Cấp dưới, dù cho người đứng đầu là ủy viên Trung ương, cũng không thể tự cho mình quyền không thi hành hoặc làm trái chỉ thị của cấp trên(5)”.

Trong điều kiện kháng chiến cũng như trong hòa bình, xây dựng đất nước, đồng chí Trường Chinh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải nêu cao ý thức xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Phát biểu tại Hội nghị cán bộ nghiên cứu dự thảo báo cáo chính trị sẽ trình đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí khẳng định: “Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, cần tăng cường đoàn kết trong Đảng trên cơ sở của chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối, chính sách của Đảng”(6). Hơn nữa, sự chăm lo giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng trước hết phải từ “các cơ quan lãnh đạo của Đảng”.

Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì vấn đề về cán bộ luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh coi là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định. Trong công cuộc đổi mới, là người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta, đồng chí Trường Chinh khẳng định: “Đổi mới cán bộ lãnh đạo các cấp là mắt xích quan trọng nhất mà Đảng ta phải nắm chắc để thúc đẩy những cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng”(7). Đổi mới công tác cán bộ cần tiến hành đồng bộ từ đánh giá, lựa chọn, bố trí lại, đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng để có một đội ngũ cán bộ có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản lý, ngang tầm nhiệm vụ; phải tiến hành khẩn trương, kiên quyết nhưng phải tránh thay đổi nóng vội, hình thức, chỉ căn cứ vào độ tuổi, bằng cấp.

Là người luôn quan tâm đến đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận, đồng chí Trường Chinh thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy đảng, cơ quan tổ chức cán bộ phải mạnh dạn trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tại Đại hội VI của Đảng, đồng chí yêu cầu: “Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, tăng thêm cán bộ trẻ trong các cơ quan lãnh đạo và quản lý” bằng cách kết hợp đúng cán bộ nhiều tuổi với cán bộ trẻ, mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ, khắc phục “quan niệm đẳng cấp, tôn ti theo kiểu phong kiến còn khá nặng nề, chúng ta mới có thể phát hiện và cất nhắc được những cán bộ trẻ ưu tú”(8).

Khẳng định Đảng ta là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, song Tổng Bí thư Trường Chinh cũng luôn nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên phải giữ được mối “liên hệ mật thiết với quần chúng” bởi đó là nguồn gốc sức mạnh của Đảng. Muốn làm tốt được nhiệm vụ quan trọng này, Đảng phải giáo dục, tổ chức quần chúng thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời đi sát quần chúng để lắng nghe, chọn lọc ý kiến quần chúng bổ sung cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Ngay cả trong trường hợp chính sách đúng rồi mà nhân dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì cũng chưa làm được, mà phải “ra sức giáo dục, giải thích cho dân, biết chờ đợi dân, bởi ai thực hiện chính sách? Đó là nhân dân, không ai khác”. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng cũng phải phòng ngừa và triệt để phê phán, loại trừ mọi hành động xa rời quần chúng, quan liêu, hống hách, độc đoán, chuyên quyền… làm cho Đảng xa dân, thoái hóa, biến chất.

Là một trong những người lãnh đạo chủ chốt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và hai cuộc kháng chiến trường kỳ, đồng chí Trường Chinh đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, với quan điểm “lấy dân làm gốc” để xây dựng đường lối chiến tranh toàn dân, phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh trực diện với những nước đế quốc giàu mạnh. Thời kỳ trước Đổi mới, trăn trở trước nhu cầu bức thiết của nhân dân, đồng chí đã quyết định phải tổ chức đi thực tế ở các địa phương, tìm ra những bài học thành công và thất bại ở cơ sở, tìm hiểu những cách làm sáng tạo trong nhân dân cả nước, để trên cơ sở đó đổi mới cách nghĩ, cách làm. Tổng Bí thư Trường Chinh đã trực tiếp đi khảo sát, thực tế gần 20 tỉnh, thành phố từ miền Nam, ra miền Trung và về miền Bắc. Từ sự sâu sát, lắng nghe thấu đáo ý kiến nhân dân, đồng chí Trường Chinh đã thực sự làm một cuộc cách mạng từ trong tư duy của chính mình, khắc phục lối suy nghĩ bảo thủ, xa rời thực tế.

Tại các Hội nghị Trung ương, Hội nghị của Bộ Chính trị Khóa V (chuẩn bị các văn kiện trình đại hội VI), đồng chí nêu bài học kinh nghiệm “sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân. Để thật sự phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, phải tin tưởng ở nhân dân, mọi chủ trương, chính sách đều phải lấy dân làm gốc”(9). Hơn nữa “với tư cách là người làm chủ đất nước, nhân dân ta cần phải và hoàn toàn có khả năng tham gia ý kiến ngay trong quá trình xác định những chủ trương và nhiệm vụ đó”(10). Tiêu chuẩn để xem xét sự đúng đắn trong chính sách của Đảng không chỉ là sự phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, mà còn phải “phù hợp với trình độ của quần chúng”, với ý nghĩa là phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng trực tiếp thực thi các chính sách của Đảng, biến đường lối, chính sách của Đảng thành hiện thực.

Để đưa chính sách vào cuộc sống, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước “phải tạo ra phong trào cách mạng rộng lớn, sôi nổi của nhân dân lao động tự nguyện, hăng hái phấn đấu xây dựng chủ nghĩa xã hội”(11). Đánh giá chính sách của chúng ta đúng hay sai, tốt hay xấu là “phải nhìn ở chỗ đa số quần chúng có phấn khởi, đồng tình, hăng hái thực hiện hay không? Sản xuất có được đẩy mạnh, kinh tế có phát triển, đời sống có ổn định và từng bước cải thiện, quốc phòng, an ninh có vững mạnh hay không”(12). Với nhận thức sâu sắc đó, đồng chí Trường Chinh đã quyết định tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của toàn Đảng, toàn dân để xây dựng và hoàn chỉnh bản dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ trình Đại hội VI. Việc làm đó đã mở đầu cho sự hình thành nền nếp của Đảng và Nhà nước ta lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào các văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã trình bày Báo cáo Chính trị có ý nghĩa lịch sử, trong đó nêu rõ: “Bài học lớn rút ra từ những năm qua là trong điều kiện Đảng cầm quyền, phải đặc biệt chăm lo củng cố sự liên hệ giữa Đảng và nhân dân; tiến hành thường xuyên cuộc đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục chủ nghĩa quan liêu. Mỗi đảng viên cộng sản phải thật sự vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng… Đó là bài học lịch sử vô giá của cách mạng nước ta”(13).

Thứ ba, xây dựng bản lĩnh Đảng cách mạng chân chính.

Để giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn, hiểm nghèo, trong bước ngoặt quan trọng của cách mạng, đồng chí Trường Chinh chỉ rõ Đảng phải xây dựng và luôn giữ vững bản lĩnh, bản chất của Đảng cách mạng chân chính.

Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng non trẻ của ta ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng phải rút vào hoạt động bí mật (11/11/1945), nhưng dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng vẫn thực hiện vai trò lãnh đạo đầy đủ và có hiệu quả để chèo lái con thuyền cách mạng qua tình thế hiểm nghèo. Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc chủ trương làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh, tránh phải đối đầu với nhiều kẻ thù cùng một lúc của Trung ương Đảng và Chính phủ đã tỏ rõ sự nhạy cảm và bản lĩnh chính trị để phân tích, đánh giá tình hình, nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của những kẻ thù trực tiếp của cách mạng Việt Nam để đề ra những quyết sách thích hợp. Đồng chí Trường Chinh nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng là trong hoàn cảnh bấy giờ là phải giữ vững nguyên tắc nhưng hết sức mềm dẻo về sách lược. Vấn đề có tính nguyên tắc là quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc, bảo vệ chính quyền nhân dân và mọi thành quả của cách mạng; giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn bộ sự nghiệp cách mạng; củng cố vững chắc khối đại đoàn kết của toàn dân tộc. Với tinh thần đó, Trường Chinh viết tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, góp phần định hướng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kiên cường kháng chiến, vượt lên mọi gian khổ, hy sinh và vững tin vào thắng lợi cuối cùng.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đồng chí Trường Chinh nhận thức sâu sắc: công tác cách mạng của chúng ta có thành tích và cũng có sai lầm, nhưng điều cốt yếu là “một khi phạm sai lầm dù lớn, dù nhỏ đều thành khẩn nhận hết sai lầm và kiên quyết sửa chữa… Vì đường lối cách mạng của Đảng ta đúng, bản chất chế độ ta tốt, quần chúng nhân dân ta nói chung vẫn tin tưởng ở Đảng và Chính phủ ta, cho nên ta có điều kiện tốt để ”sửa sai và tiến lên”(14). Nói đi đôi với làm, trước những sai lầm của Đảng trong cải cách ruộng đất, đồng chí Trường Chinh nhận trách nhiệm, xin từ chức Tổng Bí thư để nhận nhiệm vụ Trưởng ban sửa sai và hoàn thành nhiệm vụ này một cách nghiêm túc, giữ vững uy tín của Đảng. Sau khi được bầu lại là Tổng Bí thư của Đảng được 3 tháng, tháng 10 năm 1986, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Thành phố Hà Nội lần thứ X, đồng chí Trường Chinh đã nêu rõ: Với tinh thần tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, chúng ta cần phải phân tích một cách sâu sắc những khuyết điểm, sai lầm, trên cơ sở đó mà đề ra chủ trương, biện pháp kiên quyết và thực tế để đưa cách mạng nước ta nhanh chóng vượt qua khó khăn và tiếp tục vững bước tiến lên.

Theo đồng chí Trường Chính, bản lĩnh của một Đảng cách mạng còn thể hiện rõ nét ở tinh thần dám đổi mới, dám đột phá vì lợi ích của nhân dân. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, kinh tế khủng hoảng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; hậu quả của chiến tranh; những dấu hiệu của biến động chính trị phức tạp trên thế giới, đã có những người hoang mang, dao động cho rằng nước ta sẽ trượt theo sự sụp đổ chế độ theo dây truyền của các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô, Đông Âu. Trong bối cảnh đó, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (từ năm 1981), là Tổng Bí thư (từ 7/1986) đồng chí Trường Chinh đã tiên phong, dũng cảm tiến hành cuộc đấu tranh không khoan nhượng với những quan điểm bảo thủ, giáo điều, cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều cán bộ, đảng viên thời kỳ đó. Trước Đại hội VI, khi lý luận về nền kinh tế kế hoạch tập trung, quốc doanh tập thể… đang là quan điểm chỉ đạo của Đảng, thì đồng chí Trường Chinh tổ chức hội nghị “ba quan điểm”, nêu lên ba luận điểm quan trọng đi ngược lại đường lối cũ là: phát triển kinh tế nhiều thành phần (thay vì chỉ có quốc doanh và tập thể); chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư (tập trung làm hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng thay vì hàng công nghiệp; bỏ, hoãn các dự án lớn nhưng không hiệu quả…) và đổi mới quản lý (thay vì tập trung quan liêu bao cấp bằng tự chủ và cơ cấu mở). Những quan điểm tại hội nghị này trở thành “linh hồn” của Văn kiện Đại hội VI.

Với tinh thần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, đồng chí chỉ đạo toàn Đảng “phải đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, dám thừa nhận và thay đổi những quyết định sai lầm trước đây của chính mình, dám dũng cảm xử lý những việc phức tạp”(15). Trong quá trình trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị các văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí nhấn mạnh: “Cần thấy rõ tính chất phức tạp, khó khăn của quá trình đổi mới. Đây là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu. Cái khó nhất là ở chỗ: Đây là cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng và cơ quan nhà nước, đấu tranh giữa những người đồng chí, đấu tranh với chính bản thân mình”(16).

Một quyết định đầy bản lĩnh và chưa từng có của đồng chí Trường Chinh là viết lại toàn bộ Báo cáo Chính trị ngay sát ngày Đại hội theo quan điểm: Quyết tâm đưa đất nước phát triển theo đường lối mới. Chấp nhận hi sinh, mất mát để khắc phục những hậu quả sai lầm; bởi khi xem xét bản dự thảo báo cáo chính trị này, đồng chí nhận thấy nó chưa thể hiện và nắm bắt được nội dung các quan điểm đổi mới, nhất là đổi mới tư duy kinh tế. Báo cáo Chính trị và Nghị quyết của Đại hội VI là sự thể rõ nét nhất của tinh thần dũng cảm phê bình và tự phê bình; tinh thần dám đổi mới, sáng tạo; từ đó mở ra một trình độ mới trong nhận thức và vận dụng đúng đắn quy luật khách quan, khơi dậy được tính chủ động sáng tạo vô tận của nhân dân, phát huy được tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội và tiếp tục củng cố sự lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội khủng hoảng nghiêm trọng trên thế giới.

Có thể nói, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc bài học về giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng mà đồng chí Trường Chinh đã kiên trì thực hiện trong quá trình lãnh đạo cách mạng đã khẳng định một lần nữa những cống hiến to lớn, không mệt mỏi của đồng chí Trường Chinh: Người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất của Đảng ta./.

 

0 nhận xét: