28/2/22

Trí tuệ sáng suốt qua thực tiễn lịch sử hoạt động của Đảng và của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh

Trí tuệ sáng suốt của Đảng thể hiện tập trung ở năng lực lãnh đạo của tập thể cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng, đặc biệt ở cấp cao nhất và ở phẩm chất trí tuệ của lãnh tụ, của người đứng đầu. Trí tuệ sáng suốt bảo đảm cho việc đưa ra quyết định đúng và kịp thời trên cơ sở phân tích, đánh giá chính xác tình hình và lực lượng các bên tương quan; đáp ứng những đòi hỏi mà thực tiễn đặt ra trước phong trào cách mạng, trước Đảng để thúc đẩy sự nghiệp cách mạng tiến lên; huy động và đoàn kết được các lực lượng xung quanh Đảng để tiến hành những hoạt động sáng tạo theo mục tiêu đã xác định.

Trí tuệ sáng suốt của Đảng, trước hết là tìm ra phương hướng, hoạch định chính xác đường lối chiến lược và những nhiệm vụ phải giải quyết trong mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn phát triển của cách mạng; bên cạnh đó, còn là khả năng xác định rõ ràng những điều kiện cần và đủ để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ cách mạng. Trí tuệ sáng suốt liên quan trực tiếp đến tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, được dẫn dắt bởi tư duy khoa học lý luận; nhận thức và hành động đúng quy luật, vận dụng sáng tạo quy luật khách quan bằng sự nỗ lực cao độ của nhân tố chủ quan, nhưng không phạm vào sai lầm chủ quan duy ý chí; không bị chủ nghĩa kinh nghiệm chi phối, vượt lên trình độ kinh nghiệm thông thường để vươn tới trình độ lý luận, làm chủ lý luận tiên phong; là năng lực sử dụng lý luận như một phương pháp, để chẳng những áp dụng sáng tạo lý luận trong thực tiễn, mà còn có năng lực tổng kết thực tiễn một cách có lý luận, từ thực tiễn mà phát hiện và phát triển lý luận mới.

Đảng ta, mà tập trung tiêu biểu ở Chủ tịch Hồ Chí Minh và những cộng sự gần gũi của Người trong Bộ Chính trị, trong Ban Chấp hành Trung ương, đã thực hiện xuất sắc những chỉ dẫn có tính nguyên tắc phương pháp luận của V.I. Lê-nin:  “thống nhất lý luận với thực tiễn”, nhất quán quan điểm thực tiễn (tiêu chuẩn của chân lý) với quan điểm phát triển và đổi mới (tư duy biện chứng, động và mở chứ không tĩnh và đóng kín); “phân tích cụ thể một tình hình cụ thể, đó là bản chất, linh hồn sống của chủ nghĩa Mác”. Kế thừa tinh thần ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thực hành sinh ra hiểu biết/Hiểu biết tiến lên lý luận/Lý luận lãnh đạo thực hành”(5).

Kinh nghiệm cách mạng Việt Nam cho thấy, chừng nào Đảng có tư duy độc lập tự chủ và sáng tạo thì hoạch định đường lối, đề ra phương châm, biện pháp đúng, do đó thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển tốt đẹp; ngược lại, chừng nào Đảng phạm phải sai lầm giáo điều, máy móc, chủ quan, duy ý chí, xa rời thực tiễn, không tôn trọng quy luật khách quan, làm trái quy luật thì không tránh khỏi sai lầm về đường lối, chủ trương, chính sách, kết cục là đưa phong trào cách mạng tới chỗ gặp khó khăn, khó tránh khỏi thất bại.

Khi quyết định và khởi xướng công cuộc đổi mới, tại Đại hội VI, tháng 12-1986, Đảng ta nhấn mạnh bài học lớn:

– Phải xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

– Phải tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan.

– Phải thấm nhuần tư tưởng “Dân là gốc của nước”, “nước lấy dân làm gốc” để mọi chủ trương, chính sách, mọi việc làm đều hướng vào dân, phục vụ lợi ích của dân, đáp ứng đúng nguyện vọng chính đáng của dân.

Có đường lối đổi mới tại Đại hội VI là bởi Đảng ta đã nêu cao trí tuệ sáng suốt trên cơ sở tổng hợp, tích hợp từ trí tuệ sáng suốt của nhân dân, lắng nghe tiếng nói của nhân dân từ cơ sở, cũng là sự thấu hiểu lòng dân, nhận ra “mệnh lệnh của cuộc sống”. Rõ ràng, nếu không có trí tuệ sáng suốt thì không thể sinh thành tư tưởng đổi mới, đường lối đổi mới, các quyết sách kịp thời của đổi mới; không thể trả lời rõ ràng, chính xác câu hỏi đầy hệ trọng đang đặt ra: “Tồn tại hay không tồn tại?”, “Đổi mới hay là chết?”.

Nhờ có trí tuệ sáng suốt mà Đảng ta nhận biết và khẳng định: Đổi mới là cơ may ngàn vàng để phát triển; phải đón đúng thời cơ, không bỏ lỡ thời cơ, đồng thời chủ động vượt qua thách thức, nguy cơ, dù là nghiệt ngã. Nhờ trí tuệ sáng suốt mà Đảng ta nhận ra biện chứng của sự chuyển hóa: Đón đúng và tận dụng có hiệu quả thời cơ thì sẽ hạn chế và vượt qua được các thách thức; khi đó, thách thức lại trở thành thời cơ phát triển mới. Ngược lại, bỏ lỡ thời cơ (mà nhiều khi, thời cơ chỉ xuất hiện một lần, đến rất nhanh và trôi đi rất mau, sẽ không bao giờ xuất hiện lại) thì thách thức, nguy cơ tăng lên, phức tạp và gay gắt hơn, thậm chí làm thất bại cả một phong trào, một sự nghiệp. Bài học đổi mới của Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo là sự tiếp tục hợp lô-gíc từ những kinh nghiệm thành bại của ông cha trong lịch sử, trước xu hướng canh tân của dân tộc và thế giới.

Đảng ta kế thừa và phát huy được trí tuệ sáng suốt đầy mẫn cảm, thông tuệ và mưu lược của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh:

+ “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”(6).

+ Cách mạng trước hết phải có Đảng, Đảng trước hết phải có chủ nghĩa làm cốt. Đảng không có chủ nghĩa giống như người không có trí khôn… Chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê-nin, Mác – Lê-nin. Trong Đảng ai ai cũng phải theo chủ nghĩa đó.

+ Cách mạng phải đến nơi (tức là triệt để), theo gương cách mạng Nga do Lê-nin lãnh đạo.

+ Cách mạng là đổi mới, phát triển, có kế thừa, phải thường xuyên giải quyết mối quan hệ giữa cũ và mới như một cuộc đấu tranh.

Không phải cái gì cũng phải làm mới tất cả. Cái gì cũ mà vẫn đúng và tốt thì nên dùng, cái gì cũ tuy đúng và tốt nhưng phiền hà, kích rích trong áp dụng vì điều kiện mới nảy sinh, thì phải sửa chữa nó đi. Còn cái gì cũ mà tỏ ra lỗi thời, lạc hậu thì phải bỏ… Cái gì mới mà thực sự là đúng, là tốt, là cần thì phải kiên quyết áp dụng(7).

Thực tiễn cho thấy, có những cái cũ thực sự là lỗi thời nhưng vì người ta đã quá quen nên vẫn coi là thường (đó là lực cản tâm lý dẫn tới trì trệ, bảo thủ, ngại thay đổi). Có những cái mới tuy là tiến bộ, là cách mạng nhưng vì nó còn lạ, nên con người và các tổ chức đều chưa sẵn sàng tâm lý tiếp nhận, người ta vẫn coi là xấu, vẫn chống lại. Do đó, khắc phục một thói quen cũ, tiếp nhận một tư tưởng mới, giải quyết mối quan hệ giữa cũ và mới là cả một cuộc đấu tranh, phức tạp, lâu dài, phải quyết tâm, phải có phương pháp khoa học mới giải quyết được(8).

+ Cho đến Di chúc để lại cho toàn dân, toàn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cho chúng ta tư tưởng của Người về đổi mới: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(9).

Rõ ràng là, những tư tưởng, luận điểm nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ những ngày chuẩn bị lập Đảng, dựng nước cho đến tận những ngày tháng cuối cùng của một cuộc đời, một sự nghiệp đau đáu việc dân, việc nước, lo cho hiện tại và trù tính cho tương lai, chính là biểu tượng kiệt xuất cho trí tuệ Việt Nam, cho trí tuệ sáng suốt của Đảng. Người là lãnh tụ kiệt xuất của Đảng cách mạng chân chính, Đảng của trí tuệ, Đảng của đổi mới, Đảng của phát triển. Người là kết tinh cho sức mạnh sáng tạo của Đảng và dân tộc, sức mạnh truyền cảm hứng vĩ đại cho toàn Đảng, toàn dân hướng tới tương lai và triển vọng tốt đẹp để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam – một xã hội văn hóa cao. Với tiềm lực tư tưởng, trí tuệ của dân tộc, dân tộc Việt Nam nhất định sẽ trở thành một dân tộc thông thái. Trí tuệ sáng suốt của Đảng là phẩm chất cơ bản của Đảng cầm quyền có trọng trách lãnh đạo thành công sự nghiệp vẻ vang đó, theo khát vọng Hồ Chí Minh.

Trí tuệ sáng suốt, xét ra không chỉ là năng lực trí tuệ, mà còn có bệ đỡ của đạo đức, phẩm hạnh. Với đảng cộng sản cầm quyền, cùng với trí tuệ khoa học, đảng phải có đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng để không bao giờ mất phương hướng trong lãnh đạo và cầm quyền, nhất là ở những thời điểm thử thách bước ngoặt. Cộng hưởng tất cả những tác nhân đó làm nên sức mạnh, bản lĩnh của Đảng trên nền tảng sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. V.I. Lê-nin đã từng cảnh báo, nguy cơ lớn nhất với đảng cầm quyền là xa rời quần chúng, thoát ly thực tiễn, phải luôn luôn đề phòng “căn bệnh kiêu ngạo cộng sản” và tệ hành chính quan liêu cũng như nạn hối lộ (tham nhũng). Những “căn bệnh” tệ hại đó đều sẽ được sinh ra, nếu đảng cộng sản cầm quyền không rèn luyện đạo đức, không giữ gìn bản chất của Đảng.

Và, nếu một đảng lãnh đạo, cầm quyền lại mất phương hướng chính trị thì đồng nghĩa với hành động tự sát, đưa cả phong trào và sự nghiệp cách mạng tới thất bại. Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã, mất vai trò cầm quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ sau bảy thập niên tồn tại (dù đã có không ít công trạng hiển hách, huy hoàng) như điều đã xảy ra cách đây ba thập niên là một minh chứng đau đớn, một bi kịch thời đại, mãi mãi có ý nghĩa cảnh báo, còn nguyên tính thời sự với Đảng ta và các đảng cộng sản khác. Qua đó, chúng ta càng thấy rõ tầm nhìn chiến lược, “tầm mắt đại dương” của trí tuệ sáng suốt và đạo đức cao cả, trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – một thiên tài tư tưởng và tổ chức của Đảng, của dân tộc ta.

Sự sáng suốt trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta là ở chỗ nhận ra xu thế, triển vọng của lịch sử, tin với một niềm tin khoa học chính xác nhất, tin với một niềm tin cách mạng mãnh liệt nhất, đó là tin vào sức mạnh của nhân dân, của chủ nghĩa yêu nước, giá trị cao quý nhất của lịch sử Việt Nam, của văn hóa Việt Nam, là chung đúc của chân lý và đạo lý, đạo nghĩa dân tộc và thời đại để khẳng định rằng, đế quốc Mỹ xâm lược nhất định thua, nhân dân Việt Nam nhất định thắng. Đó là một điều chắc chắn(10). Đây là một thông điệp mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền tới dân tộc và truyền đi cả thế giới nhân loại. Cho đến khi viết Di chúc, mà Người khiêm nhường chỉ gọi là một bức thư, là mấy lời để lại, niềm tin mãnh liệt của Người không hề thay đổi. Với một nỗi niềm tiếc nuối – vĩ đại và cao thượng của một nhân cách lớn của thời đại(11), Người chỉ tiếc rằng, “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(12). Đó là đạo đức cao cả của con người đã tự nguyện dâng hiến cả đời mình cho dân cho nước. Người nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”(13), cũng là trí tuệ sáng suốt Hồ Chí Minh, đúng như một triết lý nhân sinh: “Ai có đạo đức sẽ tiếp thu chân lý dễ hơn”. Với trí tuệ sáng suốt, Đảng lãnh đạo và cầm quyền sẽ lãnh đạo, cầm quyền bằng khoa học, bằng chính trị, đạo đức và văn hóa.

Những bài học rút ra từ trí tuệ sáng suốt của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh cần tiếp tục được vận dụng và phát triển hiện nay

– Bài học thứ nhất, trí tuệ sáng suốt của Đảng có được là nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận khoa học với thực tiễn hoạt động trong những điều kiện lịch sử cụ thể, nhờ có năng lực tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, không máy móc, giáo điều, cứng nhắc, trí tuệ khoa học phải gắn liền với đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng trước mọi biến cố và thử thách. Trí tuệ sáng suốt đòi hỏi sự vận dụng đúng thiên thời, địa lợi với nhân hòa mà nhân hòa là gốc, là quan trọng nhất. Đó cũng là sự sáng suốt trong nhận thức và xử lý các mối quan hệ Thời – Thế và Lực: tranh thời, tạo thế, xây dựng và củng cố vững chắc lực lượng. Đó là khoa học và nghệ thuật trong đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa giànhchính quyền và giữ vững chính quyền.

Các sự kiện trong lịch sử của Đảng ta từ khi Bác Hồ về nước, hơn 80 năm trước, như Hội nghị Trung ương 8 quyết định chuyển hướng chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thành lập Mặt trận Việt Minh, nêu cao tinh thần đại đoàn kết (ngày 19-5-1941), Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (ngày 22-12-1944), Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 13 – 15-8-1945), Quốc dân Đại hội tại Tân Trào (ngày 16 – 17-8-1945). Lệnh tổng khởi nghĩa toàn quốc và các thư từ, lời kêu gọi đồng bào của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập, giải quyết sáu nhiệm vụ cấp bách ngay sau ngày tuyên bố độc lập… cho đến cải tổ Chính phủ lâm thời và Chính phủ liên hiệp, soạn thảo Hiến pháp và Tổng tuyển cử bầu Quốc hội… đã trở thành những ví dụ kinh điển về trí tuệ, bản lĩnh, mưu lược của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước những bước ngoặt lịch sử.

Bài học quan trọng này cần được vận dụng và phát triển trong thời điểm hiện nay là tiếp tục đổi mới sáng tạo, đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên hàng đầu, khơi dậy, phát huy khát vọng Việt Nam, khát vọng Hồ Chí Minh; vận dụng tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” trước thời cơ mới, thách thức mới với nỗ lực hành động mới; nêu cao quyết tâm, tín tâm và đồng tâm của toàn Đảng, toàn dân ta để thực hiện khát vọng dân tộc cường thịnh và trường tồn.

– Bài học thứ hai, dựa vào nhân dân, phát huy cao độ lòng yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Cách làm tốt nhất là đem tài dân, sức dân để làm lợi cho dân, để mưu cầu hạnh phúc cho dân. Thấm nhuần sâu sắc ý thức dân tộc và tính chất nhân dân của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc để phát triển dân tộc, nên Đảng phải ra sức giải phóng sức dân, phát triển sức dân, thường xuyên bồi dưỡng sức dân lại phải biết “tiết kiệm sức dân” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ có sự giúp đỡ của nhân dân, trí tuệ sáng suốt của nhân dân mà Đảng nuôi dưỡng và không ngừng phát triển trí tuệ sáng suốt của mình. Khi đã cầm quyền, Đảng càng phải gần dân, học dân, hỏi dân, phát huy mọi sáng kiến, sáng tạo của dân, dựa vào dân để phát huy mọi nguồn lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, phát hiện và trọng dụng nhân tài, bởi con người là vốn quý nhất, nhân tài, hiền tài ở ngay trong quần chúng. Trong đội ngũ của Đảng, càng có nhiều nhân tài, hiền tài càng tốt; đó là cơ sở và nguồn lực, tiềm lực làm cho Đảng luôn có trí tuệ sáng suốt.

Bài học này đang tiếp tục được phát huy trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong thực hành đoàn kết, dân chủ và trong công tác dân vận, trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng; Đảng phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, không được xa rời nhân dân.

0 nhận xét: