Dự án Luật
Thi đua-Khen thưởng (sửa đổi) đề ra nguyên tắc theo hướng cán bộ, công chức,
viên chức nếu có những sáng tạo hoặc thành tích trong từng lĩnh vực cụ thể thì
thành tích đến đâu khen thưởng đến đó.
Chiều 30/3, tại
buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ quý 1 năm 2022 của Bộ Nội vụ, ông Phạm
Đức Toàn, Phó trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương đã cung cấp một số
thông tin đang được dư luận quan tâm như việc luật hóa một số quy định
liên quan việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; việc thu hồi các danh hiệu khen
thưởng khi có vi phạm pháp luật.
Theo ông Phạm
Đức Toàn, Luật Thi đua, khen thưởng có phạm vi rộng, đa dạng, bao trùm các giai
tầng trong xã hội. Tuy nhiên, sau gần 20 năm thực hiện đã bộc lộ những bất cập,
hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn.
Vì thế, việc xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
là cần thiết.
Tại Hội nghị
đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vừa qua, có nhiều ý kiến đặt ra liên
quan tiến trình, thủ tục hồ sơ, mở rộng đối tượng, nâng cao tiêu chuẩn, tiêu
chí, đẩy mạnh phân cấp hướng về cơ sở để làm sao không bỏ sót việc khen thưởng
các đối tượng, đồng thời đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc phát hiện,
đề nghị khen thưởng làm sao cho thực chất, kịp thời, chính xác, tránh việc khen
thưởng nhầm….
Liên quan việc
thu hồi các danh hiệu khen thưởng tập thể khi có vi phạm, ông Phạm Đức Toàn cho
biết vấn đề này đã được đặt ra và dự án Luật vẫn đang trong quá trình chỉnh
lý. Ủy ban Xã hội của Quốc hội chủ trì phối hợp với các Ủy ban của Quốc
hội và Ban Soạn thảo tiếp thu ý kiến và sẽ có các quy định cụ thể để xử lý vi
phạm không chỉ với cá nhân mà còn đối với cả tập thể.
Về việc luật
hóa quy định, theo ông Phạm Đức Toàn, Dự án Luật đi theo các nhóm vấn đề,
nhóm đối tượng, theo vùng miền, trong đó ưu tiên cả doanh nghiệp, doanh nhân,
trí thức, chiến sĩ, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, hải đảo; cán bộ
công chức có thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, trong đó có cán bộ công chức
dám nghĩ, dám làm, có thành tích trong công tác.
“Vừa rồi có ý
kiến của một số đại biểu Quốc hội về việc đảm bảo công bằng trong việc tước
danh hiệu thi đua đối với một số đối tượng như anh hùng, nghệ sĩ, nghệ nhân. Việc
này chúng tôi cũng đã nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu và chỉnh lý trong thời
gian tới” – ông Toàn cho biết.
Về việc chú
trọng khen thưởng cán bộ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, ông Phạm Đức
Toàn khẳng định, Dự án Luật sửa đổi cũng đề ra nguyên tắc theo hướng cán bộ,
công chức, viên chức nếu có những sáng tạo hoặc thành tích trong công tác hay
trong từng lĩnh vực cụ thể như chống tham nhũng, tiêu cực… thành tích đến đâu
khen thưởng đến đó; sau này sẽ có nghị định hướng dẫn cụ thể./.
0 nhận xét: