27/3/22

Về cái gọi là “Việt Nam sợ Trung Quốc nên xa lãnh Mỹ”

 


 Bằng cách cắt xén các phát biểu của Bộ trưởng Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên với Đại sứ Mỹ tại Hà Nội là ông Marc Knapper, VOA xuyên tạc rằng, “Việt Nam sợ Trung Quốc nên không dám nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ”.

Vừa qua, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên khẳng định với Đại sứ mới của Mỹ tại Hà Nội, Marc Knapper, rằng Việt Nam sẽ hợp tác hiệu quả với Hoa Kỳ để đạt mục tiêu nâng quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước lên một tầm cao mới. Các lĩnh vực được kỳ vọng hợp tác nhất là duy trì ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, năng lượng, kinh tế số trên cơ sở hài hòa lợi ích, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và năng lực của mỗi quốc gia.

Khẳng định quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin rằng “quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ ngày càng thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định lâu dài, tạo cơ sở để tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa hai bên, hướng tới nâng tầm quan hệ song phương trong tương lai”. Phát biểu này cũng khá tương đồng với phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi tiếp Phó Tổng thống Mỹ hồi tháng 8/2021 rằng Việt Nam mong muốn “phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng thực chất, hiệu quả, ổn định lâu dài”. Từ “thực chất” được nhắc tới hai lần trong cuộc gặp của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên với Đại sứ Mỹ: “Việt Nam luôn coi và mong muốn Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng nhất, thực chất trong cả lời nói và hành động”.

“Thực chất” nghĩa là Mỹ phải thực sự làm đúng như những gì Phó Tổng thống Mỹ Kamala Haris đã nói, rằng: “Hoa Kỳ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”. Trên thực tế thì Mỹ luôn tìm cách can thiệp vào quan điểm của Viêt Nam từ các vấn đề quốc tế đến nội bộ. Đơn cử như Đại sứ quán Mỹ từng lên tiếng chỉ trích án phạt tù cho đối tượng chống phá nguy hiểm Phạm Thị Đoan Trang, và mới đây Bộ Ngoại giao Mỹ còn trao cho cô ta giải thưởng “Phụ nữ can đảm quốc tế” vì hành vi vi phạm, thách thức pháp luật Việt Nam. Như vậy thì đâu phải là thực chất? Và Thủ tướng Phạm Minh Chính nói muốn “phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng thực chất” cũng có nghĩa là ngay cả mới ở cấp “toàn diện” thì phía Mỹ đã chưa “thực chất”, làm sao có thể nói đến “chiến lược”?

VOA cho rằng “Mỹ đã luôn muốn nâng tầm quan hệ lên chiến lược với Việt Nam trong những năm gần đây nhưng Hà Nội luôn dè dặt đối với đề xuất này khi phải thận trọng trước những phản ứng từ Bắc Kinh giữa lúc phải giữ thăng bằng quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc”. Đây rõ ràng là cách đánh giá phiến diện và mang hàm ý công kích. Phải thẳng thắn là Việt Nam thực sự muốn một mối quan hệ cân bằng. Sự cân bằng ở đây không chỉ là với Trung Quốc mà còn với Nga, với các bạn bè đối tác khác và với chính các lợi ích quốc gia của Việt Nam. Đó đều là những lợi ích cần phải gìn giữ và không thể đánh đổi để lấy một thứ mập mờ và “không thực chất” nào đó. Thử hỏi nếu phía Mỹ “thực chất” tôn trọng Việt Nam, tôn trọng các lợi ích của Việt Nam thì liệu họ có yêu cầu Việt Nam phải chọn phe như vậy?

Việc Mỹ muốn nâng cấp quan hệ đối tác với Việt Nam cũng chứng tỏ một điều là các chính sách phát triển, đối ngoại của Việt Nam hết sức hiệu quả, giúp nâng cao vị thế của đất nước. Trong khi VOA muốn xúi giục Việt Nam phải “về phe Mỹ”, chính họ cũng nhiều trang mạng khác như RFA, BBC luôn “dọa nạt” Việt Nam chỉ vì “làm khác Mỹ” trong nhiều sự kiện, đơn cử như việc truy tố các đối tượng lợi dụng “tự do, dân chủ” để chống phá đất nước, hay việc bỏ phiếu trắng của Việt Nam trong nghị quyết của Liên Hợp Quốc về cuộc chiến Nga – Ukraine hiện tại. Những đánh giá sai lầm của VOA thực chất cũng là một điệu xuyên tạc khác nhằm đổ lỗi và bôi nhọ các chính sách đúng đắn của đất nước.

 

0 nhận xét: