29/4/22

Mô hình chống tham nhũng, tiêu cực ở Trung ương sẽ “hiện diện” ở địa phương

 


Ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh sự cần thiết thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo mô hình ở Trung ương để có sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt. 

Tại cuộc họp ngày 11/3 vừa qua, Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh (Ban chỉ đạo cấp tỉnh).


Đến nay, Đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã cơ bản hoàn thiện. Bộ Chính trị đã cho ý kiến và sẽ trình Hội nghị Trung ương 5 sắp tới (hội nghị khai mạc ngày 4/5) xem xét, quyết định.

Đây không phải là lần đầu tiên có chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, trước đó, trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban chỉ đạo ở Trung ương) do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu.

Sau đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng (năm 2007) đã bổ sung quy định Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Chủ tịch UBND đứng đầu. Ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, sau Đại hội XI, Trung ương quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Không thành lập Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố; tỉnh uỷ, thành uỷ trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Lập lại Ban Nội chính Trung ương, thực hiện chức năng một ban đảng và là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương; lập Ban nội chính ở các tỉnh uỷ, thành uỷ, giao Bộ Chính trị quyết định cụ thể.

Sớm chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

Tại cuộc họp báo thông tin kết quả cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức chiều 27/4, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, việc tái lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hiện nay, không chỉ phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bởi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống.

“Đây là một nhiệm vụ mới, nhu cầu mới, với yêu cầu sâu hơn, cao hơn trước rất nhiều. Do vậy, nếu chỉ có Ban chỉ đạo ở Trung ương thì việc giải quyết vấn đề này ở địa phương sẽ bị hạn chế” – ông Nguyễn Văn Yên nói như vậy, đồng thời cho rằng, từ quá trình hoạt động của Ban Chỉ đạo ở Trung ương trong 10 năm qua có thể rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm hay, có những kinh nghiệm có thể khái quát lại thành lý luận phòng chống tham nhũng và có thể tạo ra một phong trào đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở cơ sở.

Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, không có giải pháp nào nhanh hơn, tốt hơn để chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh” chính là giải quyết vấn đề tại chỗ. Nếu việc gì cũng chờ Trung ương về địa phương thì sẽ không giải quyết hết được.

Ông cũng khẳng định việc tái lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh chỉ tốt hơn chứ không xấu đi vì không tăng biên chế, đồng thời khi có tổ chức, bộ máy, phát huy trí tuệ tập thể để bàn thảo thì chân lý sẽ sớm được sáng tỏ, việc xử lý các vấn đề, vụ việc ở địa phương được sâu sát, nắm bắt tình hình tốt hơn.

Ông Nguyễn Thái Học – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng cho rằng, hiện nay đặt ra yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải đồng bộ, quyết liệt, kết hợp giữa Trung ương và địa phương. Như vậy, việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo một cách trực tiếp, toàn diện công tác đấu tranh chống “giặc nội xâm” ở địa phương.

Theo ông, thời gian qua, các địa phương đã có sự chuyển biến rất tích cực trong cuộc chiến chống tham nhũng, đã chủ động phát hiện, xử lý một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Nhiều nơi đã bắt nhịp được yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, ban hành chỉ thị về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hoặc ban hành kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó dần khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nhiều địa phương khi tiến hành sơ kết, tổng kết đã đề nghị Trung ương cho thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh.

Do đó, ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh sự cần thiết thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh theo mô hình ở Trung ương để có sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt, có hệ thống từ Trung ương tới địa phương; Trung ương sẽ kiểm tra, đôn đốc Ban chỉ đạo ở địa phương.

“Tổng Bí thư nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã có chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Sắp tới, Ban Chỉ đạo ở cấp Trung ương không làm thay việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cấp tỉnh, mà do Ban Chỉ đạo cấp tỉnh triển khai, thực hiện. Trung ương chỉ đóng vai trò hướng dẫn, theo dõi, đầu tàu” – ông Nguyễn Thái Học nói.

Trước lo ngại thời gian qua đã có Bí thư Tỉnh ủy vi phạm nghiêm trọng và bị kỷ luật nghiêm khắc thì mô hình Ban chỉ đạo cấp tỉnh dự kiến do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban liệu có phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Thái Học cho rằng, khi Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban thì phải chịu trách nhiệm trước đảng bộ, chính quyền, trước nhân dân về công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nếu người đứng đầu không xứng đáng, không làm được thì sẽ có cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư cũng đã đề nghị lãnh đạo các cấp, nhất là các cán bộ trong Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cần thực sự liêm chính, vô tư trong sáng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả vì “tay đã nhúng chàm rồi thì không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng ”.

“Người đứng đầu Đảng ta đã nhấn mạnh: Người dân tin vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là qua kết quả của công tác này. Bên cạnh đó, người dân cũng nhìn vào tấm gương của các cán bộ trong Ban chỉ đạo” – ông Nguyễn Thái Học thông tin.

“Chia lửa” với Trung ương

Ủng hộ chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, qua thực tế phòng chống tham nhũng trong toàn hệ thống chính trị vừa qua cho thấy đã đến lúc phải thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh để tạo sự liền mạch, đồng bộ, thống nhất theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan được trao quyền, nhiều vụ án tham nhũng lớn ở địa phương thời gian đã được phanh phui, làm sáng tỏ, nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở đã bị xử lý với các hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Điều đó cho thấy, tình hình tham nhũng ở một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi. Do vậy, cần thiết có Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh để “chia lửa” với Trung ương trong việc chủ động tấn công, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

“Vụ việc nào cũng phải chờ Trung ương xử lý thì e rằng không thể giải quyết được hết. Khi thành lập cơ quan chống tham nhũng ở địa phương do Bí thư là trưởng ban, Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan thường trực thì sẽ sâu sát, bao quát tốt hơn, sớm phát hiện những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực”.

Ông Nguyễn Trọng Phúc nói như vậy, đồng thời nhấn mạnh những kết quả quan trọng đã đạt được của Ban Chỉ đạo Trung ương thời gian qua sẽ là đòn bẩy để công tác chống “giặc nội xâm” ở địa phương thời gian tới hiệu quả, đạt được các yêu cầu, kỳ vọng đã đặt ra./.

 

0 nhận xét: