26/4/22

Phần tử xấu không còn đất diễn khi người dân nhận thức đúng giá trị, ý nghĩa chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh


Chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022) và 50 năm Ngày chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh


(24/4/1972 – 24/4/2022); vừa qua, tại thành phố Kon Tum, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum đồng chủ trì hội thảo khoa học “Chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh: Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” với sự tham gia của một số nhân chứng lịch sử, các đại biểu tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của các cơ quan Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh đoàn, các học viện, trường sĩ quan và một số đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên.

 Cùng dự và phát biểu tại Hội thảo có đại biểu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum và một số đại biểu các ban, ngành, chính quyền địa phương. Hội thảo và các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị đều khẳng định các giá trị truyền thống, ôn lại những dấu ấn lịch sử hào hùng, những chiến công vang dội của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng quê hương. Qua đó, đúc kết, khái quát những bài học kinh nghiệm quý báu, truyền lại cho các thế hệ con cháu – những người kế tục sự nghiệp đấu tranh anh dũng, kiên cường của cha anh, tiếp bước xây dựng quê hương Đắc Tô – Tân Cảnh giàu đẹp, văn minh, đưa Kon Tum, Tây Nguyên vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đây là sự kiện lịch sử hào hùng, không chỉ vinh danh và tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí mà còn có giá trị và ý nghĩa sâu sắc trong giáo dục lịch sử truyền thống đánh giặc giữ nước cho nhân dân và thế hệ trẻ hôm nay. Thế nhưng, một số phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, phản động lại khó chịu khi nghe, nhìn và biết tin về sự phát triển, lớn mạnh, trưởng thành của Đắc Tô – Tân Cảnh; đặc biệt là khi biết tin về cuộc Hội thảo có ý nghĩa lý luận – thực tiễn quan trọng này. Trong chiều sâu tâm khảm, phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, phản động không muốn nhắc lại sự kiện đau thương, buồn lòng vì họ đã thất bại cay đắng tại vùng đất Đắc Tô – Tân Cảnh, Kon Tum. Chính nơi ấy đã tước bỏ sự ngạo mạn, khùng điên của những kẻ phản bội Tổ quốc, chống lại nhân dân, gây nhiều tội ác nên họ muốn che giấu sự thật ấy.

50 năm đã trôi qua, nhưng dư âm về nỗi đau vẫn còn đó, nó khắc khoải trong lòng những kẻ tham chiến bị bại trận. Vì lẽ đó, sự phản ứng tiêu cực, xuyên tạc lịch sử, nói xấu chế độ, hạ thấp giá trị chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh cũng là điều dễ hiểu. Xem lại hồ sơ chiến tranh, âm mưu, thủ đoạn chống phá của đế quốc Mỹ và tay sai, chúng ta không lạ gì các chiêu trò “giật dây”, “ném đá giấu tay”, “dương đông kích tây” của những kẻ xấu, khi chúng lợi dụng tâm lý chán chường, căm ghét, hận thù của đám tàn binh và người thân, bại trận của chúng để xuyên tạc sự thật, nói xấu chế độ, cho rằng “chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh là do Việt Cộng gặp hên”, “ăn may”, “Việt Cộng đánh lén, chơi xấu”, “trận đánh Đắc Tô – Tân Cảnh nhỏ bé có gì đáng phải ca tụng, kỷ niệm”, vân vân và vân vân. Hùa theo giọng điệu lạc lõng ấy, một số kẻ xấu đã tung lên mạng xã hội các tin, bài, video clip…chứa đầy sự bất mãn, lòng hận thù, đố kỵ, cho rằng báo, đài của Đảng “tô hồng”, khuyếch đại chiến thắng, biến “một trận đánh nhỏ như Đắc Tô – Tân Cảnh thành đại thắng”… Từ đó, chúng phủ nhận tầm vóc, giá trị và ý nghĩa chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh cũng như sự hy sinh xương máu của đồng chí, đồng bào. Sự sai trái, phi lý ấy là không thể chấp nhận, đáng phê phán, cần phải làm sáng tỏ, không cho chúng tái phạm và lây lan ra nơi khác.

Không thể xuyên tạc, phủ nhận tầm vóc, giá trị và ý nghĩa chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh. Thực tế lịch sử khẳng định rằng, chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quân và dân tỉnh Kon Tum nói riêng, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Nó không chỉ đánh sập hệ thống phòng thủ kiên cố, rất cơ bản và hiện đại của ngụy quân Sài Gòn ở Bắc Tây Nguyên, tạo thế và lực cho bước phát triển tiếp theo của cách mạng Việt Nam, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của quân và dân Tây Nguyên cũng như nghệ thuật chiến dịch tiến công trên chiến trường miền Nam của bộ đội chủ lực, mà còn góp phần tạo ra cục diện chiến trường mới trong năm 1972, đem lại nhiều lợi thế cho quân và dân ta giành thắng lợi trên chiến trường Trị – Thiên và miền Đông Nam Bộ, làm phá sản một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, gây chấn động Nhà Trắng và Lầu Năm Góc; buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa ri, rút quân khỏi Việt Nam. Sự thật này không thể phủ nhận, chân lý này không thể “bẻ cong”.

Không thể bóp méo sự thật về chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh, bởi nó đã góp phần tạo ra cục diện chiến trường mới trong năm 1972, đãtiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của ngụy quân Sài Gòn trên địa bàn hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai, mở rộng hành lang chiến lược nối liền vùng giải phóng Bắc Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, phối hợp chặt chẽ với chiến trường Trị – Thiên; trở thành trận then chốt đầu tiên tiêu diệt gọn cụm cứ điểm phòng ngự kiên cố bậc nhất của địch ở Ngã Ba Đông Dương. Đồng thời, khẳng định tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự chủ động, nhạy bén, quyết đoán của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Bắc Tây Nguyên; ý chí quyết chiến, quyết thắng; sự mưu trí, dũng cảm, kiên cường của quân và dân Tây Nguyên.

Việc hạ thấp giá trị, ý nghĩa của chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh là vô lý, bởi nó đã khẳng định rõ ràng vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của bộ đội chủ lực, mối quan hệ máu thịt giữa lực lượng vũ trang Tây Nguyên với nhân dân địa phương; nét đặc sắc của nghệ thuât quân sự và bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Cùng với đó, chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh có ý nghĩa lý luận – thực tiễn sâu sắc đối với công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam; khẳng định ý chí độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, niềm tự hào dân tộc, truyền cảm hứng cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ trẻ và nhân dân cả nước hôm nay; là cơ sở quan trọng để thống nhất nhận thức, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử, nói xấu, chia rẽ đồng bào Tây Nguyên và hạ thấp giá trị chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh. Nó để lại những bài học kinh nghiệm sâu sắc cần vận dụng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Không thể phủ nhận, tầm thường hóa vị thế chiến lược của Đắc Tô – Tân Cảnh và đường lối chính trị – quân sự sáng tạo của Đảng ta.

Đắc Tô – Tân Cảnh là một thị xã lớn của tỉnh Kon Tum – một tỉnh miền núi, có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ ngã ba biên giới ba nước Đông Dương: Việt Nam – Lào – Campuchia. Trong chiến dịch Xuân – Hè 1972, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và nhiệm vụ do Khu ỷ Khu 5 giao, quân và dân tỉnh Kon Tum đã khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, nhất là các nguồn lực; tham gia cùng bộ đội chủ lực, tiến hành chiến dịch Bắc Tây Nguyên với quyết tâm cao: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, “Trường Sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương”. Với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Kon Tum; với tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân tỉnh Kon Tum, đúng 11 giờ ngày 24 tháng 4 năm 1972, lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” đã tung bay trên bầu trời Đắc Tô – Tân Cảnh, góp phần giải phóng 25.000 đồng bào các dân tộc Tây Nguyên khỏi trại tập trung và ấp chiến lược của ngụy quân trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó và trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị – quân sự, cùng nghệ thuật chỉ đạo, điều hành chiến tranh đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và Quân ủy Trung ương; sự trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của Quân đội ta. Trong đó, phát huy nhân tố chính trị – tinh thần của cán bộ, chiến sĩ là nhân tố rất quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang Đắc Tô – Tân Cảnh trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972.

Chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh mãi mãi là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, của đồng bào Tây Nguyên; là tài sản tinh thần vô giá để chúng ta tiếp tục vận dụng vào phát huy và thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối đổi mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Không thể ngăn đường, cản bước sự hồi sinh, phát triển của Đắc Tô – Tân Cảnh và sự tiếp nối cha anh xây dựng quân đội hiện đại

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo, nhất là diễn biến của sự kiện xung đột giữa Nga và Ucraina. Các thế lực thù địch điên cuồng chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta bằng âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đòi “phi chính trị hóa” Quân đội với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Tình hình đó đặt ra cho quân và dân ta những yêu cầu mới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tăng cường đoàn kết, thống nhất, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Vì vậy, kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm về tiến công cách mạng trong chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có ý nghĩa rất quan trọng; cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; bảo đảm cho quân và dân ta thấm nhuần sâu sắc bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội. Sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Đảng, của Quân đội anh hùng; mãi mãi xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” – Bộ đội của nhân dân, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Hai là,tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, bảo đảm đúng, đủ nội dung, chương trình theo quy định. Trong đó, nâng cao chất lượng giáo dục bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống, phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; thực hiện tốt cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” có ý nghĩa rất quan trọng.

Ba là, thường xuyên nâng cao trình độ mọi mặt, khả năng sẵn sàng chiến đấu, công tác, lao động sản xuất của Quân đội, đáp ứng cao nhất yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, gắn bó máu thịt với nhân dân. Các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu. Nâng cao chất lượng diễn tập, hội thao, hội thi, kết hợp huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị và rèn luyện thể lực, sự cường tráng về thể chất cho bộ đội. Coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm; làm tốt công tác thi đua – khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu; thực hiện tốt các chức năng của Quân đội trên phạm vi cả nước, đặc biệt là Tây Nguyên.

Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác hính trị trong các nhiệm vụ. Tiếp tục bám sát các hoạt động của bộ đội, thực tiễn các hoạt động quân sự, quốc phòng, an ninh để triển khai toàn diện, đồng bộ các chủ trương, biện pháp công tác đảng, công tác chính trị. Đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, nhất là của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy đơn vị. Kết hợp chặt chẽ công tác chính trị với công tác tổ chức, chính sách, rút kinh nghiệm về cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để nhân rộng trong đơn vị, trên địa bàn đóng quân.

Năm là, chủ động, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực địch; xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để nhân dân cả nước và đồn bào Tây Nguyên an tâm phát triển kinh tế – xã hội, làm giầu.

Suy ngẫm về những bài học từ chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh của 50 năm trước, chúng ta rất đỗi tự hào về thế hệ cha anh, về truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của Quân đội anh hùng; truyền thống cách mạng của đồng bào các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên trung dũng, kiên cường, một lòng đi theo Đảng. Mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân cần nhận thức sâu sắc và tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần lạc quan cách mạng, ý chí tiến công của các thế hệ cha anh vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không có thế lực nào có thể ngăn đường, cản bước chúng ta đi tới, tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giành những thành tựu mới, trong đó xây dựng quê hương Đắc Tô – Tân Cảnh giàu đẹp, văn minh, vững tin đi lên chủ nghĩa xã hội./.

Dương Phương Duy


0 nhận xét: