Một trong những thủ đoạn thâm độc mà các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị thường sử dụng để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ là tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, tiến tới mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ hiện hành trên đất nước ta. Do đó, nhận diện, bóc trần thủ đoạn này là một nội dung căn cốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.
Thực chất mối
quan hệ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác – Lê-nin
Có thể khẳng định,
giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác – Lê-nin có mối quan hệ biện chứng,
được thể hiện trên 3 phương diện chính sau đây:
Thứ nhất, chủ
nghĩa Mác – Lê-nin là cội nguồn lý luận cơ bản hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong quá trình
tìm đường cứu nước, bằng sự nhạy cảm chính trị và khảo sát kỹ lưỡng thực tiễn,
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin – chân lý lớn của
thời đại. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin cung cấp cho Người nhân sinh quan cách mạng,
thế giới quan, phương pháp luận khoa học và các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa
duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử. Trên cơ sở đó, Người tổng kết kiến
thức, tổng kết lịch sử và kinh nghiệm thực tiễn để hình thành nên “một phương
lược cứu quốc đầy đủ nhất”(1).
Tuyên bố đi
theo “chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”(2), Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí
Minh đã trở thành một nhà tư tưởng mác-xít sáng tạo. Nếu chủ nghĩa Mác – Lê-nin
lấy giai cấp công nhân làm vũ khí “vật chất”, giai cấp công nhân lấy chủ nghĩa
Mác – Lê-nin làm “vũ khí tinh thần”, thì Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh lấy chủ
nghĩa Mác – Lê-nin làm “vũ khí không gì thay thế được”(3) cho
nhận thức và hành động của mình. Nếu không có chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Người sẽ
không thể vượt khỏi những hạn chế của những sĩ phu Việt Nam yêu nước thời trước;
tư tưởng của Người không thể mang đầy đủ đặc tính khoa học, cách mạng, nhân
văn; con đường cứu nước mà Người vạch ra không thể trở thành con đường “bách
chiến, bách thắng” như trên thực tế đã diễn ra. Có thể nói, dù tư tưởng Hồ Chí
Minh được hình thành dưới sự tác động của nhiều nhân tố, bao gồm cả nhân tố
khách quan và nhân tố chủ quan, cả tiền đề lịch sử và tiền đề tư tưởng, hội tụ
truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, nhưng quan trọng nhất,
quyết định nhất vẫn là chủ nghĩa Mác – Lê-nin.
Thứ hai, tư
tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác
– Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
Tin và đi theo
chủ nghĩa Mác – Lê-nin nhưng thấu hiểu đặc tính “mở” của hệ thống lý luận ấy,
Chủ tịch Hồ Chí Minh không tiếp thu theo lối giáo điều, sách vở, không bị trói
buộc trong cái “vỏ” ngôn từ mà nắm lấy “cái thần”, cái “linh hồn sống” của chủ
nghĩa Mác – Lê-nin là phép duy vật biện chứng. Nắm vững nguyên tắc
thực tiễn của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Người nhận thức rõ sự khác biệt giữa xã hội
Việt Nam và xã hội phương Tây nên đã khẳng định: “Mác đã xây dựng học thuyết của
mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu
Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”(4). Sau
này, Người nói rõ hơn: “Học chủ nghĩa Mác – Lênin không phải nhắc như con vẹt
“Vô sản thế giới liên hiệp lại” mà phải thống nhất chủ nghĩa Mác – Lênin với thực
tiễn cách mạng Việt Nam. Nói đến chủ nghĩa Mác – Lênin ở Việt Nam là nói đến chủ
trương, chính sách của Đảng… Chủ nghĩa Mác – Lênin không phải ở đâu người ta
cũng làm cộng sản, cũng làm Xôviết”(5).
Chủ tịch Hồ Chí
Minh ít khi nói đến các khái niệm, phạm trù hay quy luật của triết học Mác –
Lê-nin, nhưng Người vận dụng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin
vào thực tiễn cách mạng Việt Nam một cách rất linh hoạt và từ chính thực tiễn
đó, Người rút ra nhiều kết luận mang tầm chân lý nhưng lại rất dễ hiểu để bổ
sung, làm giàu cho chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Với tư duy sáng tạo, Người đã phát
triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin trên một loạt vấn đề căn cốt của cách mạng Việt
Nam, từ cách mạng giải phóng dân tộc cho đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bằng
cách đó, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành dòng chảy tiếp nối chủ nghĩa Mác –
Lê-nin trong một thời đại mới và không gian mới. Sự vận dụng, phát triển sáng tạo
của Người đã làm cho học thuyết Mác – Lê-nin được “Việt Nam hóa”, phù hợp với
điều kiện thực tiễn Việt Nam. Người cũng giúp dân tộc ta thoát khỏi tâm lý thụ
động để phát huy truyền thống tự lực, tự cường và nhờ đó, cách mạng Việt Nam
giành được những thắng lợi vĩ đại. Người đã để lại bài học lớn: Chủ nghĩa Mác –
Lê-nin là “kim chỉ nam” cho hành động cách mạng nhưng không phải là khuôn mẫu,
là “linh đan kê sẵn”; nếu biến lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin thành “kinh
thánh” và công thức sáo mòn thì tức là đã gạt bỏ nó ra khỏi thực tiễn không ngừng
biến đổi. Vì thế, người trung thành nhất phải là người sáng tạo nhất.
Thứ ba, chủ
nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là hai bộ phận cấu thành nền tảng tư
tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trước khi thành
lập Đảng, khi viết tác phẩm “Đường Cách mệnh”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở đầu
tác phẩm bằng câu nói của V.I. Lê-nin: “Không có lý luận cách mạng thì cũng
không thể có phong trào cách mạng”(6); “chỉ đảng nào được một lý
luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền
phong”(7). Trong Cương lĩnh thành lập Đảng (tháng 2-1930), dù
không trực tiếp tuyên bố Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm nền tảng tư tưởng,
nhưng Người đã đề ra chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách
mạng để đi tới xã hội cộng sản”(8) và khẳng định, điều kiện
tiên quyết để gia nhập Đảng là phải “tin theo chủ nghĩa cộng sản”(9).
Theo đó, Đảng đi theo lý tưởng cộng sản, đi theo con đường mà chủ nghĩa Mác –
Lê-nin đã vạch ra. Đến Hội nghị Trung ương lần 1 (tháng 10-1930), Luận cương
chính trị của Đảng tuyên bố: “Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ
nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc”(10).
Tại Đại hội VII
của Đảng (năm 1991), trong bối cảnh chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở các nước
Đông Âu và Liên Xô, Đảng ta vẫn khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Đảng lấy tập
trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”(11). Sự bổ sung “tư tưởng
Hồ Chí Minh” vào nền tảng tư tưởng của Đảng tại Đại hội VII hoàn toàn phù hợp với
thực tế đã diễn ra từ năm 1930 và với tình cảm của cán bộ, đảng viên, nhân dân
dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nền tảng tư tưởng của Đảng được tạo thành bởi chủ
nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là “thể thống nhất liền khối”, luôn
hiện hữu và quyện chặt trong nhau, không thể tách rời.
Nhận diện âm
mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị
khi đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin
Đấu tranh bảo vệ
nền tảng tư tưởng của mình là vấn đề mang tính quy luật của một đảng chính trị.
Như mọi cuộc chiến khác, muốn giành thắng lợi, người tranh đấu phải hiểu rõ âm
mưu và thủ đoạn của đối phương. Thực tế cho thấy, để đối lập tư tưởng Hồ Chí
Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ
hội chính trị đã sử dụng các thủ đoạn chủ yếu sau đây:
Trước hết,
chúng mưu toan phủ nhận sự tồn tại của “tư tưởng Hồ Chí Minh”,
xuyên tạc rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ là nhà hoạt động thực tiễn chứ không phải
là nhà tư tưởng. Mặc dù giá trị, tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh đã được kiểm
định bằng thắng lợi của cách mạng Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc
trên toàn thế giới, được thừa nhận bởi các học giả ở trong nước và nước ngoài,
nhưng các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị vẫn rêu rao
xuyên tạc rằng, “tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự tô vẽ của Đảng Cộng sản Việt
Nam”. Để chứng minh cho điều đó, họ đưa ra các luận chứng mang tính chủ quan,
khiên cưỡng, như: Xét về nội dung, Hồ Chí Minh là người đọc nhiều, nhớ nhiều,
giỏi tổng thuật chủ kiến của người khác và không dẫn nguồn nên người ta cứ tưởng
Hồ Chí Minh là người đưa ra các quan điểm đó, nhưng thực chất thì không phải
(?!). Xét về hình thức, Hồ Chí Minh chỉ có những bức thư ngắn, những bài viết,
bài nói ngắn chứ không có các tác phẩm đồ sộ như các nhà tư tưởng khác (?!). Họ
còn rêu rao rằng, trong bối cảnh ngọn cờ Mác – Lê-nin mất “thiêng” khi chế độ
xã hội chủ nghĩa sụp đổ liên tiếp ở các nước Đông Âu, tại Đại hội VII (năm
1991), Đảng Cộng sản Việt Nam vội vã “nhào nặn” ra cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí
Minh” để “gia cố” cho nền tảng tư tưởng đang “lung lay” của mình. Do đó, tư tưởng
Hồ Chí Minh hoàn toàn là sản phẩm chủ quan, duy ý chí của Đảng Cộng sản Việt
Nam với mong muốn giữ lại quyền lãnh đạo của mình (?!).
Những luận điệu
xuyên tạc này của các thế lực thù địch hoàn toàn đối lập với sự thật lịch sử.
Trên thực tế, nhờ có tư tưởng Hồ Chí Minh – sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác
– Lê-nin ở Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi vĩ đại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ làm biến đổi số phận của dân tộc Việt Nam mà còn
góp phần làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới, thúc đẩy
“bánh xe lịch sử theo hướng tiến bộ”(12). Cùng với Đảng Cộng sản Việt
Nam, nhiều nhà khoa học và chính khách lớn của thời đại cũng khẳng định giá trị
và tầm vóc thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mỹ – Gớt
Hôn viết: “Đồng chí Hồ Chí Minh là một lãnh tụ và một nhà tư tưởng mácxít-lêninnít
vĩ đại của thế giới. Đồng chí Hồ Chí Minh là con người cần thiết xuất hiện đúng
lúc, đúng yêu cầu lịch sử với những tư tưởng và ý kiến đúng. Chính
vì vậy, đồng chí đã làm ra lịch sử”(13). Giáo sư Nhật Bản Sing-gô
Si-ba-ta đã viết một công trình có tên là “Hồ Chí Minh – nhà tư tưởng”. Việc những
kẻ chống phá “quay lưng” lại với những bằng chứng hiển nhiên về sự tồn tại và
giá trị to lớn, bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh cho thấy, họ không xuất phát
từ lập luận khoa học, mà từ động cơ chính trị đen tối. Đây là sự cố tình phủ nhận,
“đổi trắng thay đen” nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với đặc tính
“tiền hậu bất nhất” của những kẻ chuyên “nói càn”, các thế lực thù địch, phản động
và phần tử cơ hội chính trị còn có một giọng điệu hoàn toàn khác là về
hình thức bề ngoài “giả bộ” làm ra vẻ ca tụng, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh để
phủ nhận giá trị của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Để “hạ bệ” chủ nghĩa Mác –
Lê-nin, họ đưa ra nhiều lý do khác nhau. Đầu tiên, họ vin vào“yếu tố thời đại”,
biện bạch rằng chủ nghĩa Mác – Lê-nin chỉ phù hợp với bối cảnh của thế kỷ XIX,
cùng lắm là đầu thế kỷ XX, chỉ thích hợp với văn minh công nghiệp, trong khi
bây giờ nhân loại đã ở thế kỷ XXI; trong thời đại kinh tế tri thức và toàn cầu
hóa, sứ mệnh của giai cấp công nhân đã khác đi, vai trò của trí thức “lên ngôi”
nên chủ nghĩa Mác – Lê-nin trở nên lỗi thời và bị lịch sử vượt qua. Đây là cách
lập luận rất “hàm hồ”, bởi cho dù thời đại mà chúng ta đang sống rất khác với
thời đại mà C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin sống, nhưng những biến đổi của nó
vẫn không vượt ra ngoài những quy luật chung nhất mà chủ nghĩa Mác – Lê-nin
khám phá ra. Với đặc tính “mở”, chủ nghĩa Mác – Lê-nin vẫn là lý luận và phương
pháp luận khoa học cho sự nhận thức xã hội, nhận thức thời đại mà chưa có một
chủ nghĩa nào có thể thay thế.
“Yếu tố địa
lý” cũng là một lý do mà các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội
chính trị thù địch vin vào để phủ nhận một cách vô căn cứ chủ nghĩa Mác –
Lê-nin. Theo họ, chủ nghĩa Mác – Lê-nin không phải là sản phẩm của các nước phương
Đông cũng như Việt Nam, mà là học thuyết “ngoại lai”, “nhập ngoại” từ phương
Tây nên không phù hợp với điều kiện xã hội của Việt Nam – một xã hội phương
Đông với nền kinh tế tiền tư bản chủ nghĩa. Họ còn “lu loa”: Khi chủ nghĩa Mác
– Lê-nin đã “chết” trên chính quê hương của C. Mác, của V.I. Lê-nin, rộng hơn
là ở cả châu lục mà nó sinh ra, nhưng những người cộng sản Việt Nam vẫn cứ theo
đuổi nó, “hà hơi tiếp sức” cho nó thì đó là tư duy bảo thủ(?!). Có thể thấy, những
kẻ đưa ra luận điệu này đã cố tình không hiểu sức mạnh của sự trừu tượng hóa,
khái quát hóa và tầm nhìn thời đại trong lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Mặc
dù chủ nghĩa Mác – Lê-nin có nguồn gốc lý luận trực tiếp từ phương Tây, nhưng
khi được bổ sung bằng “dân tộc học phương Đông”, thì “chủ nghĩa Mác sẽ còn đúng
ở đó”(14) (tức là ở phương Đông), như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từng
khẳng định và nỗ lực thực hiện.
Thủ đoạn được
các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị sử dụng nhiều nhất
để phản bác chủ nghĩa Mác – Lê-nin là sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ
nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Theo họ, sự sụp đổ này chứng tỏ
chủ nghĩa Mác – Lê-nin sai lầm từ bản chất, chứ không phải là do nó được nhận
thức sai, vận dụng sai và vì thế, khẩu hiệu “chủ nghĩa Mác – Lê-nin bách chiến,
bách thắng” đã hoàn toàn mất giá trị. Họ cố tình không hiểu rằng, tính bền vững
của chủ nghĩa Mác – Lê-nin so với các học thuyết khác là ở chỗ, nó dựa trên một
thế giới quan khoa học là phép biện chứng duy vật, và sự sụp đổ của chế độ xã hội
chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa
xã hội hiện thực có nhiều khuyết tật và chậm được sửa chữa, chứ không phải là sự
sụp đổ của một học thuyết khoa học.
Một thủ đoạn
khác được các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị đưa ra để
mưu toan phủ định chủ nghĩa Mác – Lê-nin chính là sự khác
biệt giữa chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ cho rằng,
chủ nghĩa Mác chủ trương đấu tranh giai cấp còn Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chủ
trương đại đoàn kết toàn dân tộc và là “người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không
phải theo chủ nghĩa cộng sản…”(!) Sau khi đưa ra nhiều “cơn cớ” đầy tính ngụy
biện, họ đi đến kết luận hàm hồ rằng: Lúc này, chỉ cần nói đến tư tưởng Hồ Chí
Minh là đủ, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là “đáng giá” và vì thế, cần loại bỏ chủ
nghĩa Mác – Lê-nin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng.
Việc các thế lực
thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị giả vờ “đề cao” tư tưởng Hồ Chí
Minh, đem tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác – Lê-nin là hoàn toàn
trái với quan điểm, tư tưởng và tình cảm của bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngay từ năm 1927, Người đã khẳng định: Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều
nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa
Lê-nin. Người từng nói: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ
nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác”(15). Câu nói
đó đã nói lên sự lựa chọn tiên quyết và sự kiên trì của Người đối với chủ nghĩa
Mác và sau này là toàn bộ chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Người còn nhấn mạnh: “Chủ
nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không
những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt
trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa
xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(16). Khi viết Di chúc, Người
gọi việc từ giã cõi đời của mình là “đi gặp các cụ Các Mác, cụ Lê-nin”, bởi giữa
các bậc vĩ nhân ấy là sự đồng điệu về khát vọng giải phóng con người và “tình hữu
ái vô sản” thiêng liêng. Thậm chí, trong lần trả lời phỏng vấn cuối cùng vào
ngày 15-7-1969, Người khẳng định: “Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều
nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng… trước hết là nhờ cái vũ khí không gì
thay thế được là chủ nghĩa Mác – Lênin”(17). Như vậy, từ lúc rơi những
giọt nước mắt hạnh phúc khi đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn
đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lê-nin cho đến tháng ngày cuối cùng của
cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gắn bó với chủ nghĩa Mác – Lê-nin bằng tình
yêu và lòng biết ơn vô hạn.
Phải khẳng định
rằng, việc “đề cao” tư tưởng Hồ Chí Minh và hạ thấp chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đối
lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin thực chất là một âm
mưu đen tối, thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch, phản động và
phần tử cơ hội chính trị. Sự nguy hiểm của nó là ở chỗ, dễ làm cho người ta ngộ
nhận, tin theo, bởi nó “đánh vào” tình yêu lãnh tụ và tinh thần tự tôn dân tộc.
Thực chất, đây không phải là sự ca ngợi hay đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, mà chỉ
là thủ pháp “nâng lên để hạ xuống”, tìm cách cô lập, tách rời tư tưởng Hồ Chí
Minh khỏi ngọn nguồn lý luận chủ yếu của nó để qua đó, làm suy yếu và tiến tới
phủ định luôn cả tư tưởng Hồ Chí Minh. Thâm độc hơn, thông qua phủ nhận chủ
nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những kẻ chống phá còn muốn phủ nhận
toàn bộ cương lĩnh, đường lối của Đảng được hoạch định trên nền tảng tư tưởng
đó để đi đến mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam, xóa bỏ chế độ hiện hành và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Tiếp tục đấu
tranh chống âm mưu, thủ đoạn đem tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ
nghĩa Mác – Lê-nin của các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính
trị
Lâu nay, để tiến
hành chiến lược “diễn biến hòa bình” – “cuộc chiến tranh không khói súng”,
“khâu đột phá” mà các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị
thường sử dụng là tấn công trên mặt trận tư tưởng. Việc đối lập tư tưởng Hồ Chí
Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin là một thủ đoạn nhằm phủ định đường lối và vai
trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kích động bạo loạn lật đổ để thay đổi
thể chế chính trị hiện hành ở nước ta. Chừng nào chưa đạt được mục đích của
mình, các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị sẽ còn chống
phá bằng các hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Để bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta phải mài sắc vũ khí lý luận để đấu tranh chống
lại các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị nói chung và âm mưu, thủ
đoạn đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin nói riêng. Theo
đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là,nâng
cao nhận thức cho toàn Đảng, toàn dân về mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ
Chí Minh và chủ nghĩa Mác – Lê-nin, về động cơ đen tối của các thế lực thù địch,
phản động và phần tử cơ hội chính trị khi phủ nhận mối quan hệ này. Cần làm cho
cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ rằng, mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác –
Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là mối quan hệ giữa cội nguồn và phát triển, giữa
cái chung và cái đặc thù nên “tuy hai mà là một, tuy một mà là hai”. Vì thế,
không thể tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin,
cũng không thể lấy tư tưởng Hồ Chí Minh để thay thế cho chủ nghĩa Mác – Lê-nin
và ngược lại. Cho dù tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều điểm sáng tạo, nhưng lại thống
nhất với chủ nghĩa Mác – Lê-nin ở chiều sâu bản chất, ở lý tưởng giải phóng con
người… Việc các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị mưu
toan tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, cố tình lờ đi mối
quan hệ biện chứng giữa hai hệ thống tư tưởng, lý luận này không phải là do
chưa có đủ thông tin hay chưa có phương pháp nghiên cứu phù hợp, mà là sự chủ ý
xuyên tạc, bịa đặt và lừa bịp nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình” và thúc đẩy
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Hai là,
đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị để cán bộ, đảng viên hiểu
rõ nội dung, bản chất khoa học, cách mạng, nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lê-nin
và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong những năm tháng đất nước bị chia cắt, kẻ thù đế
quốc từng dùng “trăm phương ngàn kế” để ly gián nhân dân miền Nam với Bác Hồ, với
Đảng, với miền Bắc xã hội chủ nghĩa nhưng đều bị thất bại trước ý chí sắt đá của
nhân dân ta: “Dù ai nói ngả, nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân/
Dù ai rào giậu, ngăn sân/ Lòng ta vẫn vững là dân Bác Hồ”. Lúc này cũng vậy, nếu
cán bộ và nhân dân đều thấu hiểu, thấu cảm giá trị đích thực, sức sống thời đại
của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì mọi sự xuyên tạc sẽ trở
nên vô nghĩa. Do đó, cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW,
ngày 9-2-2018, của Ban Bí thư, “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu
quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh trong tình hình mới”. Làm tốt công tác giáo dục lý luận chính trị,
đẩy lùi căn bệnh lười học lý luận chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên,
tích cực bồi đắp tri thức khoa học cho cán bộ, đảng viên và nhân dân chính là tạo
“vắc-xin” phòng, chống sự xâm nhập của các luồng thông tin xấu, độc, các quan
điểm sai trái, thù địch.
Ba là,
xây dựng đội quân tinh nhuệ tác chiến mặt trận tư tưởng lý luậnlà các chuyên
gia giỏi, am hiểu về lý luận chính trị để đấu tranh trực diện với những âm mưu,
thủ đoạn, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Các chuyên gia
khi tham gia vào trận chiến trên mặt trận đấu tranh tư tưởng phải có thái độ vừa
mạnh mẽ, điềm tĩnh, vừa kiên quyết, kiên trì; mọi lập luận đưa ra phải đạt tới
mức tinh thông, sắc bén về lý luận, phong phú, sinh động về thực tiễn. Theo đó,
cần thường xuyên và kịp thời cung cấp thông tin cho lực lượng này và tổ chức
các buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan chức năng, lực lượng
nòng cốt về đấu tranh trên không gian mạng để họ trở thành những chiến sĩ thực
thụ trên mặt trận đấu tranh tư tưởng.
Bốn là,
kiên định và tăng cường hơn nữa việc vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa
Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn đất nước để thúc đẩy tiến
trình đổi mới đất nước, làm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và không
ngừng nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Đây thực chất là giải
pháp dùng thực tiễn để bảo vệ lý luận, bảo vệ chân lý, bởi thực tiễn là nơi kiểm
nghiệm mọi lý luận, mọi chân lý một cách xác thực nhất. Chúng ta phải “kiên định
và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh;
kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi
mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng… Đây là vấn đề mang
tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền
tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(18).
Việc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta chính là minh chứng
hùng hồn nhất cho sức sống, giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác –
Lê-nin trong thời đại ngày nay. Ngược lại, mỗi hành vi sai trái của từng cá
nhân cán bộ, đảng viên hay tổ chức đảng vô hình trung đều là sự “tiếp tay” cho
kẻ thù trong việc tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì thế, việc tăng cường
bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải gắn chặt với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn
Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh./.
0 nhận xét: