Ngày đó, việc lập hay không lập, lập thì mô hình ra sao là cả vấn đề lớn, nhất là có những ý kiến cho rằng không việc gì phải lập ban chỉ đạo vì đây là công việc của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, các cơ quan đó cứ tuân thủ luật mà làm, việc gì phải ban này, ban kia chỉ đạo. Nhưng, khi trình ra Quốc hội, ý kiến ủng hộ rất lớn bởi các đại biểu cho rằng, chống tham nhũng là công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp, nếu cứ “việc ai người nấy làm” sẽ rất khó, nhất là đối với các vụ án lớn, liên quan nhiều cán bộ có chức vụ, quyền hạn. Cần thiết phải có một ban chỉ đạo với vai trò như tổ chỉ đạo, điều hành, đảm bảo tính khách quan, trung thực, xem xét tính chất, mức độ, hệ quả từng vụ việc để đốc thúc các cơ quan chức năng điều tra, xử lý. Ban chỉ đạo không làm thay cơ quan thanh tra, điều tra, không làm thay cơ quan tiến hành tố tụng mà lập ra với vai trò chỉ đạo, định hướng, “thổi lửa” để xử lý đúng người, đúng tội các vụ việc, vụ án tham nhũng.
Nhất quán quan
điểm phải lập ban chỉ đạo rồi nhưng mô hình ra sao, ban chỉ đạo trực thuộc cơ
quan nào (Quốc hội, Chính phủ…), ai là trưởng ban chỉ đạo, đó thực sự là bài
toán khó. Mấy cuộc thảo luận, rồi cả trả lời phỏng vấn, bàn thảo bên lề nghị
trường, quan điểm của đại biểu vẫn khác nhau. Có ý kiến cho rằng, ban chỉ đạo cần
thuộc Chính phủ và Thủ tướng là Trưởng Ban, vì như vậy dễ nắm, điều hành các cơ
quan hành pháp, phối hợp tư pháp để chỉ đạo, xử lý.
Nhưng, luồng ý
kiến khác lại lập luận, ban chỉ đạo thuộc Chính phủ sẽ không khách quan bởi đây
là cơ quan hành pháp, cũng là những người nắm ở những mảng dễ phát sinh tham
nhũng, tiêu cực, nay lại chỉ đạo thì liệu có dẫn tới “đá bóng kiêm thổi còi”? Từ
đó, luồng ý kiến này cho rằng cần phải đưa ban chỉ đạo thuộc Quốc hội và Chủ tịch
Quốc hội là Trưởng Ban, sẽ đảm bảo tính khách quan, vô tư trong điều hành, chỉ
đạo. Một số ý kiến lại đề nghị đưa ban chỉ đạo về Chủ tịch nước và Chủ tịch nước
làm Trưởng Ban… Xem ra, đưa mô hình ban chỉ đạo về “ở đâu, nhà nào” là cả vấn đề
hóc búa và nhiều phiên thảo luận vẫn chưa dễ gì thống nhất.
Sau cùng, dù
còn những ý kiến khác nhau song Quốc hội đồng ý với chủ trương lập Ban Chỉ đạo
Trung ương về PCTN và được xác định là cơ quan trực thuộc Chính phủ, do Thủ tướng
Chính phủ đứng đầu, có chức năng chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác
PCTN trong phạm vi cả nước. Năm 2007, các ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh được thành lập
theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN (năm 2007) và
Nghị quyết số 294A/2007/UBTVQH12, ngày 27-9-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, quả
như những lo lắng của nhiều đại biểu, dù ban chỉ đạo được thành lập, đánh dấu mốc
trong công cuộc chống “giặc nội xâm” nhưng hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương
về PCTN trong giai đoạn này còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Hoạt
động của ban chỉ đạo cấp tỉnh còn lúng túng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ,
chưa phát huy tốt vai trò phối hợp hoạt động của các cơ quan thanh tra, điều
tra, viện kiểm sát, tòa án ở địa phương trong PCTN; chưa kịp thời chỉ đạo cơ chế
xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc,
vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng.
Đáng nói, ở nhiều
tỉnh, khi lập ban chỉ đạo cấp tỉnh thì vụ việc tham nhũng bị phát hiện, xử lý lại
ít hơn hẳn, nhiều vụ nổi cộm nhưng khi “bàn đi bàn lại” thì ban chỉ đạo lại
“khuyên dừng”! Và, trong bức tranh chung, công cuộc PCTN giai đoạn này cũng khá
trầm lắng, dù có lúc xuất hiện những vụ nổi cộm như Vinashin, Vinalines.
Do vậy, Hội nghị
Trung ương 5 Khóa XI (năm 2012), đã quyết định tổ chức lại ban chỉ đạo về PCTN.
Theo đó, chuyển đổi mô hình ban chỉ đạo trực thuộc Chính phủ do Thủ tướng Chính
phủ đứng đầu sang mô hình ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng
đầu. Hội nghị cũng quyết định không tổ chức ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố về
PCTN. Tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác PCTN và có trách nhiệm phối
hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy
ra ở địa phương. Mục đích của sự thay đổi này nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo
của Đảng, đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN, tăng cường tính độc lập tương đối của
ban chỉ đạo với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong đấu tranh
PCTN.
Từ khi chuyển
mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN thuộc Bộ Chính trị đến nay, công tác
PCTN đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn
diện, rõ rệt, là dấu ấn nổi bật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình,
đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào công tác xây
dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế – xã hội
của đất nước.
Đặc biệt, trong
nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII, công cuộc PCTN đã thực sự có bước chuyển biến mạnh
mẽ, ban chỉ đạo trở thành địa chỉ tin cậy, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng,
củng cố sức mạnh nội lực của Đảng trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn, làm trong
sạch, lành mạnh chính mình.
Đến nay, một
trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa
XIII là việc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực. Phát biểu bế mạc
Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn
và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN,
tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế
hiện nay.
“Nghiêm túc tổ
chức, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như nêu trong đề án chắc
chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt,
đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn
nữa, hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác PCTN, tiêu cực của toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang
thông suốt!” – Tổng Bí thư khẳng định.
Trước đó, thực
hiện chương trình công tác năm 2022 và Kết luận tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ
đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Nội
chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương, nghiêm
túc nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực.
Đề án có sự kế thừa kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ
Chính trị Khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X về tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; sơ kết 5 năm thực
hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tổng kết
công tác PCTN giai đoạn 2013-2020 và xuất phát từ những yêu cầu đặt ra đối với công
tác PCTN, tiêu cực trong tình hình mới.
Có ý kiến băn
khoăn: Trước đã có ban chỉ đạo cấp tỉnh, hoạt động không hiệu quả nên giải thể,
nay sao còn bàn lập lại, liệu có đi vào “vết xe đổ”? Tuy nhiên, cần thấy rằng
việc tái lập nhưng không phải theo mô hình cũ (trước đây thuộc cơ quan hành
pháp, do chủ tịch UBND tỉnh đứng đầu) mà chuyển đổi mô hình sang cấp ủy đảng địa
phương, trên thuộc Bộ Chính trị thì dưới thuộc tỉnh ủy, thành ủy (do bí thư tỉnh
ủy, thành ủy đứng đầu).
Việc chuyển đổi
theo mô hình mới sẽ đảm bảo sự chỉ đạo toàn diện, trực tiếp, thống nhất của Đảng
từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Do đó, việc kiện toàn bộ máy ban chỉ đạo cấp tỉnh là yêu cầu khách quan, cấp
thiết, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi công cuộc PCTN, tiêu cực hiện nay.
Tới nay, đã có
5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập ban chỉ đạo để tham mưu cho tỉnh
ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác này (gồm Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng,
An Giang, Khánh Hòa). Qua góp ý xây dựng Đề án, tất cả 63/63 tỉnh ủy, thành ủy
nhất trí với chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực.
0 nhận xét: