Không để ngòi bút cám dỗ bởi vật chất cũng là chiến đấu, cũng là hy sinh. Ngày xưa, sự hy sinh của phóng viên có thể trực quan hơn. Nhưng sự hy sinh của người làm báo bây giờ lại sâu sắc hơn.
Nhà báo Đậu
Ngọc Đản có niềm đam mê với viết lách từ rất sớm. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp
lớp 10, ông được tuyển vào Đại học Thủy sản nhưng rẽ lối trở thành sinh viên
khóa I của Trường Tuyên huấn Trung ương, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Đây là khóa đầu tiên được đào tạo chính quy ngành báo chí xuất bản ở nước
ta.
Mùa xuân năm
1972, do yêu cầu của chiến trường, Tổng cục chính trị chọn trong bảy lớp báo
chí được 53 sinh viên khóa I học cấp tốc ba tháng lớp phóng viên tiền phương.
Đang học năm thứ ba, ông và nhiều sinh viên khác được phiên chế thành đại đội 28
(28/2/1072), đưa vào tham gia mặt trận Quảng Trị – chiến trường đầy ác liệt lúc
bấy giờ. Cuộc đời phóng viên chiến tranh của nhà báo Đậu Ngọc Đản cũng bắt đầu
từ đó.
Nhiều người
biết đến Đậu Ngọc Đản với danh xưng của một phóng viên chiến trường, phóng viên
mặt trận. Ông là phóng viên đầu tiên có mặt ở Dinh Độc lập vào trưa ngày
30/4/1975 khi mới 25 tuổi. Ông đã có một cuộc đời làm báo đi qua đủ mọi thăng
trầm của đất nước: Thời chiến, thời bình và Đổi mới. Gần 50 năm làm nghề
giúp ông đầy ắp vốn sống, có cả ly kỳ và thú vị.
Nhân ngày Báo
chí cách mạng Việt Nam 21/6, ông đã chia sẻ với phóng viên VOV những chiêm nghiệm
về nghề báo.
Khi trải
qua rèn rũa của chiến tranh, con người sẽ trưởng thành hơn
PV: Mất
mát khi trở thành một phóng viên chiến trường có lẽ đã rất rõ. Nhưng theo ông,
vị trí này giúp ông được gì?
Nhà báo Đậu
Ngọc Đản: Chiến tranh đã viết nên một lịch sử hào hùng nhưng cũng đau
thương cho đất nước. Được tác nghiệp trong một môi trường đặc biệt như thế có lẽ
là may mắn lớn nhất mà tôi có được.
Thời điểm đó,
tôi được biệt phái sang TTXVN. Có lẽ đó cũng là một cái may mắn nữa. Vì mình sẽ
có thêm lợi thế: Tiếp cận thông tin tốt và được trang bị máy móc đầy đủ.
Thời đó mà tôi đã có cả máy quay và máy ảnh.
Nhờ nghề nghiệp
mà mình được chứng kiến nhiều, mình trưởng thành hơn ít nhiều khi tuổi đời còn
rất trẻ. Đó là cái được cho mình.
Khi trải qua
rèn rũa của chiến tranh, con người sẽ trưởng thành hơn, tầm nhìn cũng khác đi.
Những câu chuyện cụ thể là rất cần thiết. Đằng sau những câu chuyện ấy là những
vấn đề gì, bức tranh toàn cảnh của cuộc chiến là như thế nào?
Từ đó, người
cầm bút, cầm máy tạo cho mình phong cách của một phóng viên chiến trường thực sự.
Một trong số
đó là người phóng viên phải có kiến thức. Trước mỗi trận đánh, một phóng viên
chiến trường thực thụ phải tìm hiểu quy mô của trận đánh, chiến thuật, chiến lược
có khả năng sẽ được áp dụng. Hiểu mình không đủ, phải hiểu cả đối phương. Anh
ta phải nắm được, anh ta mới hiểu được và viết được.
Cũng nhờ
phương pháp này mà vào năm 1972, tôi là người đầu tiên đưa tin và ảnh về trận
chiến ở Huế ra Hà Nội.
Năm đó, một
Phó Tổng Tham mưu đã vỗ vai tôi mà reo lên rằng: “Trời ơi tôi đọc biết bao
nhiêu bài của anh. Tưởng ông già mà hóa ra lại là cậu trẻ!”.
“Tôi là
phóng viên miền Bắc đây!”
PV: Có mặt
tại Dinh Độc lập vào thời khắc 30/4/1975 là một may mắn trong cuộc đời làm nghề
của ông. Ông đã vào Nam bằng cách nào?
Nhà báo Đậu
Ngọc Đản: Phải dựa vào dân! Hồi đó để di chuyển từ miền Bắc vào Nam
tôi đều phải dựa vào dân cả. “Tôi là phóng viên miền Bắc đây”, cứ nhờ thế
rồi đi thôi. Trước đó, không có phóng viên nào làm như thế.
Thực ra cũng
chẳng ai cử tôi phải đi. Nhưng tôi nghe Đài cả trong và ngoài nước để đoán định
các hướng tấn công rồi đi thôi.
Rất may mắn,
khi vào Sài Gòn (nay là TP.HCM) tôi có cơ hội được gặp cố TBT Lê Khả Phiêu, được
ông chỉ cho các mũi tiến công dự kiến và các đơn vị điểm.
Khoảng 11.30
ngày 30/4/1975 tôi là phóng viên Việt Nam đầu tiên có mặt tại Dinh Độc lập, chứng
kiến thời khắc đất nước giành được độc lập, chủ quyền.
Chụp được ảnh
rồi, lấy được tin rồi, giờ làm sao gửi được về Hà Nội? Cái ấy mới khó! Vì thời
điểm ấy đất nước mới vừa bước ra khỏi chiến tranh được vài giờ thôi, toàn bộ hệ
thống viễn thông vẫn bị cắt đứt.
Gửi xe về Hà
Nội! Lúc ấy, tôi tìm được một anh lái xe Jeep của TTXVN. Anh ấy cao, ngăm đen
và có vẻ từng trải. Mình cũng đành nhắm mắt tin tưởng, đưa cả tệp tài liệu cho
lái xe, còn mình thì ở lại.
Trước khi đi,
anh lái xe nói muốn được về nhà để báo cho vợ con biết tin: Anh/bố còn sống.
Anh chỉ xin 5 – 7 phút thôi!
Tôi móc ra ít
lương khô để làm quà cho trẻ con.
Xe đi mất mấy
ngày đường, giải phóng ngày 30/4 nhưng phải đến mùng 3/5 mới đăng được bài. Đó
là những bức ảnh đầu tiên về thời khắc đất nước giải phóng.
PV: Cái
khó nhất của phóng viên chiến trường là gì, thưa ông?
Nhà báo Đậu
Ngọc Đản: Do đặc thù công việc, phóng viên chiến trường phải tác chiến,
hoạt động độc lập. Quá trình này cũng thể hiện được tầm nhìn, sức vóc của người
làm báo.
Muốn làm được
điều ấy, người cầm bút phải tạo ra được niềm đam mê không ngừng nghỉ, tạo ra hồn
cốt của một phóng viên chiến trường.
Bên cạnh đó,
Thủ trưởng giao nhiệm vụ, mình hoàn thành nhưng phải có sáng tạo riêng.
PV: Trong
điều kiện đặc biệt của chiến tranh: Ăn không đủ, ngủ không đủ, lúc nào cũng cận
kề cái chết, liệu đam mê không thôi có đủ không thưa ông?
Nhà báo Đậu
Ngọc Đản: Phải có sức khỏe và nghị lực. Nhưng bối cảnh thời ấy có một
điểm khác như thế này: Bây giờ người ta có thể so ăn, so mặc với nhau chứ thời ấy
ai cũng giống nhau cả!
Cuộc chiến đấu
của dân tộc cũng tạo ra một dòng hào khí, lôi cuốn mạnh mẽ, thúc đẩy người làm
báo vào cuộc. Lúc ấy, chúng tôi không quản ngại nguy hiểm và cũng không nghĩ đến
nguy hiểm nữa.
Chứ còn cứ
nghĩ đến chết chóc mà lại thường xuyên nhìn thấy cảnh tang thương thì ý chí chiến
đấu sẽ mất ngay. Mình cũng là con người cả.
Hơn nữa, đã
là phóng viên mặt trận thì chúng tôi không có gì ngoài lý tưởng, ngoài đất nước.
Không một ai có những tính toán cá nhân như bây giờ.
PV: Chứng
kiến đau thương kéo dài như vậy, có khi nào ông ủy mị không?
Nhà báo Đậu
Ngọc Đản: Suy nghĩ thì có. Nhưng những phóng viên chiến trường thường
là những người đã có một quá trình tôi luyện nhất định.
Nếu ủy mị thì
không bao giờ mình hoàn thành được nhiệm vụ. Khi B52 của Mỹ dội bom xuống Việt
Nam, tôi vẫn nhớ hình ảnh về một người quay phim đã khóc và lấy tay che ống
kính lại. Anh làm báo thì bao giờ anh cũng phải tỉnh táo. Anh ủy mị thì hình ảnh
của anh cũng ủy mị.
Là một phóng
viên chiến trường, sức mạnh tinh thần của anh phải cao hơn người bình thường rất
nhiều.
Người làm
báo phải đọc nhiều, đi nhiều, biết nhiều
PV: Hòa
bình lặp lại, ông quay về công việc làm báo thế nào?
Nhà báo Đậu
Ngọc Đản: Khi hòa bình lập lại, tôi trở về Hà Nội công tác. Lúc đó, có
người báo cáo tôi đi vào vùng địch trong thời gian tác nghiệp.
Nhà báo thì
đương nhiên phải đi vào vùng của địch! Không đi thì làm sao mà hiểu được.
Có một câu
nói mà Lê Quý Đôn đã dạy như thế này: Trong bụng không có ba vạn quyển sách,
trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được. Tôi
nghĩ người làm báo cũng như thế. Họ phải đọc nhiều, đi nhiều, biết nhiều.
Và theo tôi,
biết 10 thì chỉ viết 1 thôi.
PV: Theo
ông, người làm báo hiện đại cần những yếu tố gì?
Nhà báo Đậu
Ngọc Đản: Phải nhanh nhạy. Bởi thời nay, nhu cầu trước hết của công
chúng là phải được tiếp nhận thông tin nhanh nhất một cách có thể.
Nhưng điều tạo
nên sự khác biệt lớn nhất giữa người làm báo chuyên nghiệp và những người cung
cấp thông tin bình thường (họ vốn đưa tin rất nhanh trên mạng xã hội!) là góc
nhìn.
Cũng là vấn đề
ấy, nhà báo sẽ có góc nhìn khác với một người bình thường.
Bên cạnh đó,
người phóng viên cũng phải tận dụng lợi thế công nghệ, sử dụng thành thạo nhiều
máy móc. Hình ảnh là tư liệu mà khi thiếu, anh viết có hay mấy thì hay, nội
dung cũng không thể trọn vẹn.
Thêm nữa, người
làm báo hiện đại phải có tinh thần phản biện, tránh sự một chiều. Trong bối cảnh
đặc biệt, họ càng không được phép để hình ảnh trước nắt che lấp bản chất của sự
việc đi. Phải luôn đặt câu hỏi: Đằng sau đó là thứ gì?
Không để
ngòi bút cám dỗ bởi vật chất cũng là chiến đấu
PV: Vậy
giữa phóng viên chiến trường với phóng viên thời bình có gì khác nhau, thưa
ông?
Nhà báo Đậu
Ngọc Đản: Tưởng khác mà hóa ra lại không khác gì cả. Thực chất đã là
phóng viên thì thời nào cũng như nhau.
Nhiều người
nghĩ rằng là phóng viên chiến trường là phải có ý chí chiến đấu, lúc nào cũng sẵn
sàng để chiến đấu. Những phóng viên mảng khác, ngành khác có tinh thần ấy
không? Có chứ!
Không để ngòi
bút cám dỗ bởi vật chất cũng là chiến đấu, cũng là hy sinh chứ. Ngày xưa, sự hy
sinh của phóng viên có thể trực quan hơn. Nhưng sự hy sinh của người làm báo
bây giờ lại sâu sắc hơn.
Thực tế đòi hỏi
anh phải có tinh thần chiến đấu cao hơn nữa là đằng khác.
Bởi ngày xưa
họ có môi trường để rèn luyện ý chí chiến đấu. Họ nhìn thấy bạn mình hy sinh, lẽ
nào họ lại lùi bước?
Bây giờ, một
môi trường để rèn luyện “sức chiến đấu” như thế không còn nhiều nữa.
PV: Cảm
ơn về ông về cuộc trò chuyện này!
0 nhận xét: