25/6/22

Vai trò đội ngũ giảng viên trong đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

             Để phát huy vai trò đội ngũ giáo viên Khoa học Xã hội Nhân văn (KHXHNV) các nhà trường quân đội trong đấu tranh bảo vệ Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, cần thường xuyên bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực cho đội ngũ giảng viên.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung phát triển năm 2011) khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(1). Sự khẳng định trên là hoàn toàn đúng đắn, có cơ sở khoa học đã được lịch sử ghi nhận và chứng minh trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết cách mạng, khoa học, bất cứ đảng chính trị nào cũng đều lựa chọn một hệ tư tưởng nhất định làm cơ sở tập hợp lực lượng, thống nhất hành động. Nếu không có hệ tư tưởng, lý luận dẫn đường, đảng chính trị chỉ là một tập hợp ngẫu nhiên, rời rạc, thiếu thống nhất và không có sức mạnh. Ngay từ năm 1927, quá trình vận động thành lập Đảng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(2). Các chính đảng theo khuynh hướng tư sản bao giờ cũng chọn hệ tư tưởng tư sản, còn các chính đảng mác-xít thì lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng của mình.

Sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô và Đông Âu không đồng nghĩa với sự sụp đổ chủ nghĩa Mác – Lênin, bởi nó không có nguyên nhân từ bản thân học thuyết này. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp của sự sụp đổ bắt nguồn từ chủ nghĩa giáo điều và xét lại trong đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức của đảng cầm quyền, cùng sự phản bội của một số người lãnh đạo cao nhất ở đó đối với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Do vậy, đây là sự sụp đổ của một mô hình CNXH cụ thể, không đồng nghĩa với “sự cáo chung học thuyết Mác – Lênin”. Sự sụp đổ đó chứng tỏ: Đảng nào xa rời những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, thì đảng đó không còn là đảng mác-xít lê-nin-nít chân chính, công cuộc xây dựng CNXH ở đó nhất định thất bại. Từ sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, chúng ta có thể nhận rõ hơn những khuyết tật của mô hình CNXH “xô-viết” và nhiều bài học quan trọng về đấu tranh để giữ vững chính quyền cách mạng, nhất là về sự kiên định với chủ nghĩa Mác – Lênin.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh rõ: Đây là ngọn đèn soi sáng con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Điểm lại lịch sử cách mạng nước ta từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có thể thấy rất rõ điều này. Chỉ đến khi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh tiếp cận được chủ nghĩa Mác – Lênin và truyền bá tư tưởng đó vào Việt Nam, lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, thì bước ngoặt căn bản trong phong trào yêu nước của dân tộc ta mới được xác lập; đánh dấu sự kết thúc thời kỳ khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước của dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam tiến lên. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(3). Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Lãnh tụ Hồ Chí Minh, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, nhân dân ta đã giành lại độc lập, tự do cho dân tộc; thống nhất non sông và ngày nay cả nước đang trên con đường xây dựng CNXH.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch xưa nay vẫn luôn phủ định, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, và cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sai lầm khi lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm cơ sở lý luận cho con đường phát triển của xã hội Việt Nam, nhất là trong điều kiện hiện nay. Chúng rêu rao rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin đã sụp đổ hoàn toàn cùng với sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa; đó là thứ lý luận lỗi thời, đang ngăn trở con đường đi lên của dân tộc Việt Nam. Với kiểu lý lẽ đó, họ đòi Đảng ta phải từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin với tư cách là nền tảng tư tưởng, có như vậy con đường phát triển của cách mạng Việt Nam mới đi đúng theo quỹ đạo của thế giới. Thế nhưng, họ đã lầm. Họ càng phủ nhận thì chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh càng được tôn vinh, tỏa sáng, khẳng định giá trị. Xét cả về mặt lý luận và thực tế cho thấy, chủ nghĩa Mác – Lênin là lý luận chính trị cơ bản, mang tính định hướng con đường giải phóng cho nhân dân Việt Nam; khoa học về những quy luật chung nhất của sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy, về cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống lại mọi sự bất công, nô dịch của đế quốc, phong kiến để xây dựng một xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn 36 thực hiện đường lối đổi mới “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”(4).

Đội ngũ giảng viên KHXHNV các nhà trường quân đội là một bộ phận cán bộ của Đảng trong quân đội, là lực lượng nòng cốt có vai trò quan trọng trong giáo dục, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, kiến thức khoa học xã hội và nhân văn, kiến thức khoa học quân sự, giúp người học hình thành thế giới quan khoa học, phương pháp luận Mác-xít, bồi dưỡng tư duy, năng lực thực hành. Đồng thời, họ cũng là lực lượng xung kích, tiên phong trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, góp phần bảo vệ trận địa chính trị, tư tưởng của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. Hơn nữa trong giai đoạn hiện nay hoạt động đấu tranh tư tưởng lý luận còn có những hạn chế nhất định: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu;…việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao”(5). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhận định: “Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”(6), đặc biệt chúng tìm mọi cách xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ những vấn đề trên cho thấy đội ngũ giảng viên KHXHNV các nhà trường quân đội có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng.

Để phát huy vai trò đội ngũ giáo viên KHXHNV các nhà trường quân đội trong đấu tranh bảo vệ Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Một là, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực cho đội ngũ giảng viên KHXHNV trong đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng.

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng. Bản lĩnh chính của đội ngũ giảng viên KHXHNV các nhà trường quân đội được thể hiện ở sự kiên định, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Muốn có bản lĩnh chính trị vững vàng trước hết đội ngũ giảng viên phải có tri thức, hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng để xây dựng niềm tin khoa học. Về nội dung, giáo dục, bồi dưỡng giảng viên tr­ước hết là bồi d­ưỡng chính trị, tư tư­ởng, quan điểm lập trường, bản lĩnh chính trị của ngư­ời cán bộ, giảng viên trên cơ sở tăng cư­ờng giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đư­ờng lối, chủ tr­ương, chính sách của Đảng và Nhà n­ước. Học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là học cách tư duy biện chứng, nắm vững quy luật phát triển, vận động của hiện tượng, sự vật diễn ra hằng ngày để nhận định, đánh giá, xử lý đúng, phấn đấu vì lý tưởng cách mạng của Đảng.

Để thực hiện có hiệu quả nội dung bồi dưỡng, giáo dục cần sử dụng tổng hợp các hình thức, biện pháp giáo dục phong phú, linh hoạt, tiến hành thường xuyên, phù hợp với từng đối tượng. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng và các hình thức hội thảo khoa học, trao đổi, rút kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, về những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách đặt ra để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. Phát huy vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, quản lý của tổ bộ môn, khoa  giáo viên và các cơ quan chức năng kết hợp với tính chủ động, tích cực của từng cá nhân giảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn hằng năm, kết hợp tiến hành các buổi thông báo thời sự chính trị thường xuyên và đột xuất. Sử dụng và phát huy những cán bộ, giảng viên nhiều kinh nghiệm và năng lực tốt trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đấu tranh đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng. Chú trọng bồi dưỡng giảng viên mới, giảng viên trẻ; tạo điều kiện và động viên họ tích cực học hỏi, tham gia cuộc đấu tranh tư tưởng, đồng thời mạnh dạn giao việc và từng bước đặt ra yêu cầu cao để tạo cho họ động lực phấn đấu vươn lên. Xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên gia đầu ngành chất lượng cao, có đạo đức và uy tín nghề nghiệp, coi đó là lực lượng nòng cốt trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng.

Hai là, xây dựng môi trường chính trị, văn hoá dân chủtạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò của đội ngũgiảng viên KHXHNV trong đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác– Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Môi trường chính trị, văn hoá dân chủ thuận lợi sẽ tác động trực tiếp đến việc phát huy trí tuệ, năng lực của đội ngũ giảng viên trong đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng. Hiện nay, mặt trái cơ chế thị trường; sự xuống cấp của đạo đức, lối sống; tình trạng tham ô, tham nhũng, thói cửa quyền… đã len lỏi vào các nhà trường quân đội, làm vẩn đục bầu không khí vốn cơ bản là tốt của nhà trường quân đội. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới đội ngũ giảng viên trong việc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. Do đó, cần xây dựng môi trường chính trị, văn hoá dân chủ, chú trọng cung cấp thông tin đúng, đủ, kịp thời và có định hướng, nhất là thông tin phản diện, làm cơ sở dữ liệu cho giảng viên xem xét, đánh giá, kết luận, chỉ đạo hoạt động thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; xây dựng môi trường chính trị, văn hóa dân chủ, kỷ luật và thường xuyên, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những yếu tố làm hoen ố bầu không khí ở khoa giáo viên và nhà trường quân đội; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt – học tốt”, kết hợp tốt giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Tăng cường hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong toàn trường, đặc biệt là khoa giáo viên tạo điều kiện để phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trong đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; quan tâm điều kiện làm việc và chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đội ngũ giảng viên nhằm tích cực hóa trách nhiệm cá nhân, tạo động lực phát triển phẩm chất, năng lực đội ngũ giảng viên khoa học xã hội nhân văn, qua đó nâng cao hiệu quả đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, người chỉ huy, đặc biệt là Đảng ủy, Ban giám hiệu, cơ quan chính trị để phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội nhân văn trong đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác– Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong những năm qua, Đảng ta luôn chú trọng đổi mới công tác tư tưởng, lý luận, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong đó có nội dung đổi mới công tác tổ chức tiến hành đấu tranh tư tưởng, lý luận nhằm uốn nắn những tư tưởng lệch lạc, những quan điểm mơ hồ, những biểu hiện dao động về tư tưởng, suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, tích cực, chủ động đấu tranh phê phán và bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch, phản động. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xác định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(7). Tuy vậy, ngoài yếu tố tích cực tiến bộ, công tác tổ chức tiến hành đấu tranh tư tưởng, lý luận ở các nhà trường quân đội hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, Đảng ta nhận định: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức”(8). Tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng còn hạn chế; thiếu sắc bén trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình. Do đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, người chỉ huy, đặc biệt là Đảng ủy, Ban giám hiệu, cơ quan chính trị để các nhà trường quân đội cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức tiến hành đấu tranh tư tưởng, lý luận để phát huy vai trò của nhà trường, khoa giáo viên trong hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận, qua đó phát triển năng lực đấu tranh hệ tư tưởng của giảng viên khoa học xã hội nhân văn. Đặc biệt, phải đổi mới, nâng cao chất lượng, thâm nhập thực tế của cán bộ, chiến sỹ trong quân đội nói chung và cán bộ giảng dạy nhà trường nói riêng đây là môi trường tốt nhất để họ củng cố, nâng cao chất lượng và năng lực đấu tranh tư tưởng. Không thâm nhập thực tế sinh động, không hiểu thực tế, không kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, sẽ rất khó đấu tranh thắng lợi với các tư tưởng sai trái, phản động. Vì vậy, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đó là “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(9).

Bên cạnh đó cần đổi mới công tác tổ chức tiến hành đấu tranh tư tưởng, lý luận ở các nhà trường quân đội cần thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu, khoa giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học; kịp thời phát hiện vấn đề, đặt ra mục tiêu, yêu cầu và tổ chức sử dụng lực lượng tiến hành đấu tranh tư tưởng, lý luận; thông qua chương trình, kế hoạch, nội dung đào tạo, nghiên cứu khoa học và sinh hoạt chính trị để đưa giảng viên khoa học xã hội tham gia đấu tranh tư tưởng, lý luận; phối hợp và phát huy vai trò của các lực lượng trong nhà trường với các nhà khoa học, cơ quan trong và ngoài quân đội nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

0 nhận xét: