21/7/22

Cần loại bỏ tư duy “cuốc vào” trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

 


Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ có tính rường cột trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Muốn xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng, vừa phù hợp với thực tiễn, vừa theo kịp xu hướng phát triển của thực tiễn đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo, dự thảo văn bản đó phải có trách nhiệm cao, có kiến thức chuyên môn sâu về lĩnh vực mình được giao soạn thảo.

Đặc biệt là các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào quy trình soạn thảo phải luôn công tâm, minh bạch, tuyệt đối không được đan cài lợi ích của ngành mình, tổ chức mình vào trong văn bản quy phạm pháp luật thì mới làm cho văn bản quy phạm pháp luật đạt được tính cách mạng và khoa học.

Thực tiễn cho thấy, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của mỗi quốc gia. Quốc gia nào có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, chính xác, khoa học, toàn diện thì quốc gia đó sẽ có nhiều thuận lợi trong quản lý xã hội, điều chỉnh hành vi của con người, tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển.

Đối với nước ta, là nước đang trong quá trình phát triển, còn nhiều lĩnh vực mới, vấn đề, hiện tượng mới nảy sinh cần phải được điều chỉnh bằng luật pháp, do đó công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật càng phải được tiến hành khẩn trương, nhưng phải chặt chẽ, khoa học. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm đúng với thẩm quyền, hình thức, quy trình, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong những năm gần đây, công tác ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo sát sao tới mức quyết liệt để nhằm tháo gỡ những vướng mắc, làm giảm, tiến tới chấm dứt việc nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật.

Các bộ, ban, ngành Trung ương, các UBND, sở, ban, ngành các địa phương được giao nhiệm vụ soạn thảo dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản luật, dưới luật cũng đã có những cố gắng, bảo đảm cho các văn bản pháp luật sau khi dự thảo có nội dung, hình thức sát với yêu cầu thực tiễn, đúng với quy định của luật, sát với sự chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 255 văn bản quy phạm pháp luật. Các địa phương ban hành hơn 1.500 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, hơn 1.300 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện và 478 văn bản quy phạm pháp luật cấp xã. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua và ban hành đã phát huy được tác dụng trong quản lý xã hội, điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân.   

Tuy nhiên trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật cũng còn một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thấm nhuần tư tưởng công minh, chính trực, tính phổ thông, do đó đã xuất hiện các dự thảo văn bản luật, dưới luật mang hơi hướng lợi ích cục bộ theo kiểu “cuốc giật vào lòng” đối với một số tổ chức, cá nhân, nhất là đối với các cơ quan, bộ, ngành được giao trực tiếp đảm nhiệm dự thảo văn bản luật; hoặc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật với các điều khoản nội dung không rõ ràng, gây ra sự lúng túng trong áp dụng, vận dụng.

Thực tế này đã diễn ra, bằng chứng là có khá nhiều văn bản luật khi trình ra Quốc hội đã bị các đại biểu bỏ phiếu không tán thành, buộc cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan phải chuẩn bị lại. Những văn bản quy phạm pháp luật này thường có nội dung trùng lặp, chồng chéo giữa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này với cơ quan khác, giữa ngành, lực lượng này với ngành, lực lượng khác đã được luật hóa; hoặc là chồng chéo về mặt nội dung giữa các văn bản luật.

Cũng có những tổ chức, cá nhân khi được giao soạn thảo dự thảo văn bản luật đã cố tình làm cho quyền của ngành mình, cơ quan mình “phình ra” trong một số điều, khoản, mục của luật, hoặc văn bản dưới luật. Nếu như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ giám sát, góp ý vào văn bản luật vì những lý do nào đó mà bỏ qua, thì sau khi văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành sẽ gây cản trở trong quá trình thực thi pháp luật và gây phiền nhiễu đối với các đối tượng được điều chỉnh trong luật.

Hệ lụy thứ nhất của việc soạn thảo và ban hành những văn bản pháp luật “có sạn” là sẽ tạo ra một hệ thống văn bản pháp luật không phù hợp với thực tiễn, hoặc là có luật cũng như không, dẫn đến hiện tượng mất công bằng trong xã hội. Xuất phát từ sự “có thể co giãn” của văn bản luật mà cơ quan nắm quyền thực thi pháp luật có thể vận dụng tùy tiện, có lợi cho người này, tổ chức này, hoặc ngược lại, lâu dần dẫn đến mất niềm tin của nhân dân vào luật pháp và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai là văn bản luật nếu có những “lỗ hổng” sẽ đẻ ra sự nhũng nhiễu, cửa quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi pháp luật và cũng là chỗ để một số đối tượng lợi dụng “lách luật” hòng trục lợi hoặc làm những điều phi pháp.

Thứ ba là việc chuẩn bị các văn bản quy phạm pháp luật thiếu chuẩn mực, lợi ích cục bộ sẽ làm mất đi tính khoa học của văn bản luật, thể hiện tư duy lạc hậu, trình độ, nhận thức hạn chế của cơ quan, tổ chức, cá nhân đảm nhiệm soạn thảo, xa hơn là các văn bản này sẽ làm chậm tiến độ ban hành văn bản pháp luật, làm cho một số hành vi, lĩnh vực nảy sinh trong thực tiễn chậm được luật hóa, dẫn đến kéo lùi sự phát triển của xã hội.

Khắc phục các văn bản quy phạm pháp luật có “lỗ hổng”; khắc phục tư duy “cuốc giật vào lòng”, mưu mô lợi ích cục bộ trong việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là việc cấp thiết phải thực hiện rốt ráo và triệt để. Trước hết, các cơ quan chức năng phải thường xuyên rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm cho các văn bản này có sự thống nhất về nội dung, không chồng chéo về lĩnh vực, vấn đề cần điều chỉnh trong văn bản luật. Khi phát hiện các “lỗ hổng”, các dấu hiệu trục lợi của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong văn bản luật thì kiên quyết kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, kể cả văn bản luật mới có hiệu lực thi hành.

Về vấn đề này, trong hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng: “Cần phải đẩy mạnh kiểm tra, rà soát văn bản vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm. Các cơ quan chức năng phải đôn đốc, bảo đảm kết luận kiểm tra được thực hiện kịp thời, đúng pháp luật; chú trọng xử lý kết quả rà soát các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn…”.

Việc đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp về soạn thảo dự thảo văn bản luật là việc cấp thiết nên cần phải được tiến hành chặt chẽ. Đội ngũ chuyên gia này có thể là các luật sư, hoặc các cán bộ tư pháp có kinh nghiệm, có trình độ cao về các chuyên ngành, lĩnh vực và am hiểu sâu sắc về luật pháp.

Về mặt vĩ mô thì cần phải nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách của Quốc hội, bảo đảm cho mỗi đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực sự là một chuyên gia của đất nước về một lĩnh vực nào đó và họ chính là những người thẩm định, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các văn bản quy phạm pháp luật một cách chính xác, khoa học.

Đối với các loại văn bản dưới luật, thì trước khi soạn thảo cần phải rà soát, xây dựng đội ngũ soạn thảo dự thảo sao cho minh bạch và phải thực sự vì công việc, “dĩ công vi thượng”. Tuyệt đối không vì có tình cảm với người này, người kia mà đưa họ vào ban soạn thảo, như vậy dễ dẫn đến những lệch lạc trong khâu soạn thảo.

Việc thông qua các văn bản này phải được thẩm định kỹ càng thông qua các hội đồng được lập ra bởi những người có trách nhiệm, bảo đảm thực hiện đúng quy trình, không làm ngang, làm tắt. Hiện nay có khá nhiều cơ quan, đơn vị không tổ chức các cuộc họp hội đồng thông qua các văn bản quy phạm pháp luật nên đã “xin ý kiến” bằng văn bản đối với từng cá nhân. Vì thế việc góp ý đôi khi cũng không chặt chẽ, dẫn đến việc góp ý chất lượng không cao làm ảnh hưởng đến chất lượng văn bản.  

Văn bản quy phạm pháp luật chuẩn mực, khoa học, cách mạng sẽ là cơ sở để xây dựng một xã hội phát triển, tiến bộ. Ở đó, các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật đều có quyền lợi, nghĩa vụ như nhau.

Văn bản quy phạm pháp luật càng toàn diện, chặt chẽ, minh bạch thì càng hạn chế được sự nhũng nhiễu, ngăn chặn hiện tượng tiêu cực của những người thực thi công vụ, đồng thời thể hiện được tính ưu việt của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy, mỗi người khi được giao nhiệm vụ cần phải nêu cao tinh thần “dĩ công vi thượng”, loại bỏ hoàn toàn tư duy, lợi ích cục bộ, thực hiện nhiệm vụ soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật một cách công minh, chính trực, vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước. Tất cả thành viên trong bộ phận tham gia soạn thảo đều nêu cao tinh thần ấy thì chắc chắn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta sẽ đạt được tính khoa học, phát triển và thực sự có lợi cho quốc gia, dân tộc.

 

0 nhận xét: