Chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam – Kế sách giữ nước đặc sắc, hiệu quả
Quan điểm và
chủ trương nhất quán của Đảng ta là thực hiện chính sách quốc phòng “bốn
không”, đó là “Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để
chống nước kia; không cho nước này đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt
Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực trong
quan hệ quốc tế”. Cùng với thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”, chúng
ta đồng thời thực hiện chủ trương “bốn tránh”: (1) Tránh xung đột về quân sự;
(2) Tránh bị cô lập về kinh tế; (3) Tránh bị cô lập về ngoại giao; (4) Tránh bị
lệ thuộc về chính trị.
Thực hiện chủ
trương “bốn không” và “bốn tránh” là cần thiết đối với Việt Nam trong quan hệ
quốc tế, giúp chúng ta giữ vững độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội
nhập quốc tế, ứng xử và giải quyết hài hòa các mối quan hệ, hợp tác quốc tế hiện
nay vì lợi ích quốc gia – dân tộc, tránh căng thẳng, đối đầu, xung đột vũ
trang, tránh lệ thuộc về chính trị; thực hiện được chủ trương, đường lối đối
ngoại vì hòa bình, vì sự ổn định và phát triển, thực hiện tiến bộ xã hội. Điều
đó phản ánh vị thế, tư duy và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, hàm chứa những
tư tưởng lớn, độ sâu sắc và biện chứng của đường lối đối ngoại về quốc phòng
trong kế sách giữ nước độc đáo, hợp lòng dân với sự ứng phó mềm dẻo, linh hoạt,
phù hợp với định hướng phát triển theo xu thế thời đại và khát vọng hòa bình của
nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Đây là hệ
quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong lãnh đạo, chỉ đạo đường
lối đối ngoại về quốc phòng nhằm giải quyết ổn thỏa mối quan hệ “được mình, được
việc, được quan hệ”, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực
và trên thế giới. Nhờ đó, chúng ta an tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững
chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập
quốc tế đầy biến động, phức tạp hiện nay.
Phủ nhận
chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam – thực chất của quan điểm sai
trái
Từ sau Đại hội
XIII của Đảng, đặc biệt là từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina nổ ra đến
nay, không ít người đã lấy nó làm cái cớ, dựa vào “chuyện của người ta” để bàn
“việc nhà mình”, cho rằng, chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam là
“sai ầm”, “không thức thời”, “không phù hợp với thời đại toàn cầu hóa và hội nhập
quốc tế”. Theo họ, Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”, thực
chất là không muốn tham gia liên minh quân sự. Đây là một chủ trương “cứng nhắc”
vì làm như thế, Việt Nam “sẽ bị cô lập”, “thiệt đơn thiệt kép”; “một mình một
chợ”, “một mình một bàn cờ, tự chơi, tự thắng”, sẽ mất hết bạn bè, không còn ai
chơi với Việt Nam. Họ sẽ “ồ ạt tẩy chay Việt Nam” trên trường quốc tế, và như
thế, “Đảng Cộng sản Việt Nam “có tội với nhân dân”, “đánh mất cơ hội hòa nhập,
hòa đồng”, “tự trói buộc chân tay mình”, “tự gạt mình ra khỏi các quan hệ quốc
tế”, “tách mình ra khỏi cộng đồng quốc tế”, v.v..
Một số người
còn cho rằng, nếu Đảng, Nhà nước Việt Nam không thay đổi chính sách quốc phòng
“bốn không”, không sớm tỉnh ngộ về “sự yếu kém”, “lạc hậu” của vũ khí, trang bị
quân sự thì chẳng những không có liên minh quân sự nào được xác lập mà còn “tuột
xích không phanh”, không thể giữ nước, bảo vệ thành quả đạt được trước sự xâm
lăng của mọi loại kẻ thù. Đảng sẽ mất “cả chì lẫn chài”, không thể giữ được chế
độ, theo đó, Đảng sẽ mất quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đây là “nguy cơ
nhãn tiền” làm cho Việt Nam “tự suy yếu”, không thể bảo vệ được lãnh thổ, quyền
chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Nguy cơ “mất chế độ”, bị đánh cắp lợi ích của
quốc gia – dân tộc là không thể tránh khỏi…
Với cách tiếp
cận trên và sự lập luận của họ, thoạt đầu mới nghe, không ít người lầm tưởng nó
là “sự đúng rồi”, rất mùi mẫn và rất thiết thực nhưng xem kỹ, chiêm nghiệm cuộc
sống, nhiều người đã ngộ ra nó chính là âm mưu, thủ đoạn thâm độc, là
chiêu trò “chọc gậy bánh xe” của những người bất mãn, cơ hội chính trị nhằm chống
phá đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ của Đảng ta. Tuy
nhiên, sự thật không thể xuyên tạc, một bộ phận người dân do “nhẹ dạ cả tin” và
thiếu thông tin đã bị lừa gạt. Có người đã dao động, ngả nghiêng trước các tin
đồn giả, dư luận xấu, nhưng qua một số lần bị lừa gạt, họ đã tỉnh ngộ, không để
mất niềm tin. Chính những người ấy đã lên tiếng phản đối, vạch trần tội lỗi của
những kẻ xấu và họ đứng ra đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ Đảng, Nhà nước
và chế độ.
Các chiêu
trò gian trá, sự chống phá bị lật mặt, các thủ đoạn bị phơi bày
Ai cũng đều
biết, muốn bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của
Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc, chúng ta phải nêu cao tinh thần độc
lập, tự chủ, tự lực tự cường; không thể phó thác vận mệnh quốc gia – dân tộc
cho “người khác”, cậy nhờ “các thế lực bên ngoài” dù đó là đồng minh, dù cho có
liên minh. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cũng
như trong lịch sử cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo, chúng ta chưa bao giờ
liên minh quân sự với cường quốc.
Thực tế chỉ
ra rằng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quóc Mỹ xâm lược, Liên
Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, các nước bạn bè quốc tế đã giúp đỡ
chúng ta về vật chất và tinh thần nhưng chúng ta không ỷ lại vào họ, không tham
gia khối liên minh quân sự nào, dù là liên minh với Liên Xô hay Đông Âu. Do lịch
sử mối quan hệ truyền thống và yêu cầu nhiệm vụ chống kẻ thù chung là thực dân
Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược ba nước Đông Dương, chúng ta chủ động xây dựng và
tham gia khối liên minh Việt Nam – Lào – Campuchia (1951). Đây là liên minh đặc
biệt, mang tính tự vệ, chính nghĩa nhằm đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc
lập dân tộc, hòa bình cho nhân dân ba nước Đông Dương. Nó trở thành biểu tượng
của tình đoàn kết chiến đấu, một phương thức bảo vệ Tổ quốc vào thời điểm đặc
biệt do lịch sử quy định.
Khảo cứu kinh
nghiệm lịch sử dân tộc, chúng ta không thấy có quan điểm lý luận, học thuyết
quân sự nào bàn về liên minh quân sự để chống lại kẻ thù khác. Thắng lợi của
nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cơ bản và chủ yếu là
do chúng ta nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ; tự lực tự cường, tự lực cánh
sinh, “tự cứu lấy mình”. Việt Nam không liên minh quân sự với cường quốc nào.
Điều đó cho thấy những giả tưởng, ảo tưởng về tham gia “liên minh thần thánh” của
một số người chỉ là “ý muốn chủ quan”, một sự huyễn hoặc. Tất cả điều đó không
có chỗ đứng trong đời sống xã hội ta.
Ai đó muốn Việt
Nam – một nước nhỏ liên minh quân sự với một cường quốc (nước lớn) hoặc với
NATO để bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc, chúng ta – một nước nhỏ sẽ là gì
trong liên minh ấy? Thực tế chỉ ra rằng, trong quan hệ giữa các quốc gia – dân
tộc, không có thế lực nào, tập đoàn nào lại “làm công không” cho các thế lực, tập
đoàn khác; họ đều có mục đích và biết rõ: đạt được cái này thì sẽ mất cái khác
nhưng phải chấp nhận; trong đó biết rõ sự phụ thuộc vào người khác là điều
không thể tránh khỏi. Đó là “luật chơi” không thể nào khác trong quan hệ giữa
các giai cấp, nhà nước xưa và nay. Điều đó cũng có nghĩa là trong mọi điều kiện,
hoàn cảnh, nhân dân Việt Nam muốn bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc, tránh khỏi
sự phụ thuộc vào nước khác, nhất thiết chúng ta phải đề cao tinh thần độc lập,
tự chủ; tự lực tự cường; không bao giờ được ảo tưởng vào lòng tốt của “các nhà
tư bản” và sự giúp đỡ của nước ngoài.
Với tư duy lý
luận sắc bén và tầm nhìn chiến lược, Đảng ta và Bác Hồ luôn nhắc nhở cán bộ,
chiến sĩ và nhân dân ta phải đề cao tinh thần: độc lập, tự chủ; tự lực tự cường”,
“tự lực cánh sinh”, “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”, “dựa vào sức mình là
chính” để “tự cứu lấy mình”, trên cơ sở kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh
của thời đại; tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Việt Nam không chọn bên,
không nghiêng hẳn về một bên nào, không đi theo một cường quốc nào; luôn độc lập,
tự chủ, tỉnh táo và sáng suốt lựa chọn lẽ phải, chính nghĩa để phát huy sức mạnh
nội sinh là khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nguồn sức mạnh vô địch để
bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
Kiên định
chủ trương, đường lối và chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta
Ai đó cho rằng
Việt Nam phải tham gia liên minh quân sự vì sức mạnh quốc phòng của ta yếu, lạc
hậu là không chính xác, hãy xem lại thực lực của Việt Nam như thế nào mà chúng
ta đã dám đánh, quyết đánh và đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ là thực dân Pháp và
đế quốc Mỹ xâm lược. Mặt khác, những người này nên xem lại lịch sử dân tộc Việt
Nam và xem bảng xếp hạng Chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu của trang web Global
Firepower đánh giá xếp loại thì Việt Nam nằm trong tốp 25 nước có sức mạnh quân
sự lớn nhất thế giới. Năm 2020, Việt Nam ở vị trí 20/137 nước; năm 2021, ở vị
trí 24/139 nước. Việt Nam luôn luôn đứng ở vị trí thứ hai (sau Inđônêsia) trong
khu vực Đông Nam Á. Điều này đúng với sự khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy
tín quốc tế như ngày nay”. Ai đó cho rằng sức mạnh quân sự Việt Nam hiện nay là
“quá yếu”, “lạc hậu” chỉ là cái cớ yêu cầu Đảng, Nhà nước ta tham gia liên minh
quân sự với cường quốc, Đó là điều phi lý, không thể chấp nhận.
Để bảo vệ
vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần chăm lo cho sức mạnh
của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của
thời đại. Trong đó, sức mạnh bên trong, sức mạnh nội sinh của đất nước, của chế
độ và của nền kinh tế và tiềm lực quốc gia là nhân tố quyết định. Vì vậy, chủ
trương không tham gia liên minh quân sự của Đảng ta là đúng đắn, phù hợp với điều
kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.
Hiện nay, Việt
Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước cùng với 13 nước đối tác toàn diện.
Việt Nam đã chính thức thiết lập quan hệ đối ngoại quốc phòng với hơn 80 quốc
gia và vùng lãnh thổ; đặt văn phòng tùy viên quân sự tại Liên hợp quốc và 37 quốc
gia khác. Có 49 quốc gia đặt văn phòng tùy viên quân sự tại Việt Nam[1].
Sự thật ấy bác bỏ quan điểm sai trái cho rằng Việt Nam “bị cô lập”, “tự trói buộc
chân tay mình”.
Thực tế khẳng
định rằng Việt Nam luôn thể hiện là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên
tích cực; có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác
và phát triển, thực hiện tiến bộ xã hội. Đây là thái độ, quan điểm và việc làm
thiết thực để bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, giữ nước từ khi nước chưa
nguy. Ai đó còn yêu cầu phải cắt bỏ “bốn không” thì nên thực hiện “một
điều không” là đừng nói nữa. Các người đã sai rồi; không ai tin các người
đâu!/.
0 nhận xét: