105 năm đã trôi qua, kể từ tháng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại – cuộc cách mạng đã làm cho mơ ước ngàn đời của quần chúng bị áp bức và bị bóc lột về cuộc sống tốt đẹp, về sự công bằng, về khả năng xây dựng xã hội xã hội nhân đạo, trở thành hiện thực. Cách mạng Tháng Mười Nga vì thế mãi mãi được ghi nhận là cuộc cách mạng giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đó chính là xung lực mang lại nội dung mới cho sự phát triển thế giới, làm tăng vai trò của các dân tộc trong đời sống quốc tế và đẩy mạnh mối giao lưu quốc tế trong đời sống các dân tộc.
Người ta đã
nói nhiều về cách mạng Tháng Mười Nga với biết bao lời trân trọng ngợi ca của
những người yêu chân lý, và cả không ít điều hằn học tức tối của những kẻ oán
thù ngay từ khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Nhất là hiện nay, khi bộ mặt
thế giới có những thay đổi hết sức phức tạp, thậm chí đã xảy ra nhiều điều nghịch
lý ngay cả với những thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga, thì có người đã rối
trí và đi tới nhận thức sai lạc. Hơn thế nữa, kẻ thù đủ loại đang lợi dụng sự
khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội và nhất là sự đổ vỡ chế độ xã hội chủ nghĩa ở
Đông Âu và Liên Xô để bôi nhọ hình ảnh của Cách mạng Tháng Mười Nga và công
kích vào cơ sở tư tưởng của cuộc cách mạng đó là chủ nghĩa Mác- Lênin.
Luận điệu của
họ thực ra chẳng có gì mới, chỉ có điều lần này họ nói thẳng thừng hơn. Họ cho
rằng Cách mạng Tháng Mười Nga là dích dắc của lịch sử, là cuộc bạo động phản
dân chủ, là cuộc cách mạng đã đẻ non, lỗi thời, hết tác dụng. Họ coi chủ nghĩa
Mác – Lênin là thứ tôn giáo không tưởng, và con đường xã hội chủ nghĩa được họ
ví như một khúc cong của lịch sử, là đoạn vòng vèo đầy đau khổ đi lên chủ nghĩa
tư bản.
Không phải ngẫu
nhiên mà ở các nước phương Tây và ngay tại nước Nga, chủ đề về Cách mạng Tháng
Mười Nga lại được đặt ra gay gắt như thế. Cũng không phải ngẫu nhiên mà nước ta
cũng đã xuất hiện ở đây đó một vài bài viết hoặc lời nói có những luận điểm sai
trái, thậm chí nhân đó công kích trắng trợn vào chế độ xã hội chủ nghĩa của
chúng ta.
Vậy nên cần
thiết phải làm rõ chân lý.
1. Cách mạng
Tháng Mười Nga không phải là dích dắc của lịch sử, mà là bước phát triển tất yếu,
xuất phát từ yêu cầu bức bách cần đổi mới cơ cấu và hình thức phát triển của thế
giới
Như mọi người
đều thấy, sự phát triển của lịch sử loài người được đo không chỉ bằng tháng,
năm, thế kỷ, thiên niên kỷ mà trước hết bằng những chuyển biến xã hội sâu sắc,
những thay đổi mang tính cách mạng trong xã hội. Mỗi một thời đại đều được nảy
sinh từ những cột mốc đấu tranh cách mạng. Do vậy, các cuộc cách mạng đều gắn
liền với thời đại, đều có tính tất yếu, hoàn toàn không phải là biến cố ngẫu
nhiên tùy hứng của lịch sử. Cách mạng Tháng Mười Nga lại càng như thế.
Nước Nga và Đảng
bôn sê víc vào mùa thu năm 1917 đứng trước thời điểm lịch sử. Sự tham gia của đế
quốc Nga vào cuộc chíến tranh thế giới lần thứ nhất tổn hại biết bao sinh mạng,
của cải. Thái độ của Chính phủ lâm thời lúc đó không muốn đáp ứng nguyện vọng của
quần chúng là ký hiệp ước hòa bình và giải quyết vấn đề chia ruộng đất của bọn
địa chủ cho nông dân, thảm họa kinh tế và sự hỗn loạn xã hội đã tăng lên đến mức
thấy rõ dấu hiệu sụp đổ. Khi ấy thượng tầng xã hội Nga bị rối loạn; khi ấy tầng
lớp những người lao động, thợ thuyền, binh lính không thể chịu nổi cuộc sống
quá ngột ngạt, nghiệt ngã như vậy nữa; khi ấy bộ tham mưu của Đảng và giai cấp
công nhân Nga đứng đầu là Lênin đã nắm bắt chiều hướng vận động của xã hội, chớp
thời cơ và phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng vô sản đã nổ ra
như tất yếu.
Cũng cần nhắc
lại một đặc điểm của lịch sử: các cuộc chiến tranh thường là nguồn gốc của những
cuộc cách mạng hoặc là ngòi nổ cho các cuộc cách mạng. Công xã Pari thực sự là
tiếng vọng của cuộc chiến tranh Pháp – Phổ; cuộc cách mạng Nga năm 1905 được
thúc đẩy bởi sự chém giết giữa binh lính nước Nga và Nhật Bản, và tương tự, cuộc
Chiến tranh thế giới thứ nhất giữa các nước đế quốc đã gây ra bão táp. Cách mạng
Tháng Mười Nga trở thành đỉnh cao của cơn bão táp ấy. Cách mạng Tháng Mười Nga
đã nổ ra thắng lợi. Đó là minh chứng hùng hồn cho sự thiên tài của Lênin trong
việc phát hiện sự phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản và từ đó tìm ra mắt
xích, tìm ra khâu yếu nhất của nó. Nó lại càng chứng tỏ luận điểm của Lênin về
khả năng thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một số nước, và thậm chí ở
một nước, là đúng đắn và sáng tạo.
2. Cách mạng
Tháng Mười Nga có bản chất và định hướng hòa bình dân chủ, là cuộc cách mạng sống
mãi cùng lịch sử
Hòa bình –
dân chủ- hạnh phúc, những tiếng ngọt ngào ấy bao giờ cũng được loài người trân
trọng ước ao và từ lâu con người luôn quan tâm sâu sắc đến những lý tưởng ấy. Lịch
sử chỉ dành cho số phận của loài người và của nhiều dân tộc những khoảng thời
gian hòa binh rất ngắn so với chiều dài của nó. Thế kỷ XX đã phải chịu đựng thảm
họa của hai cuộc chiến tranh thế giới. Nếu như không có Cách mạng Tháng Mười
Nga và không có chủ nghĩa xã hội hiện thực, cứ mặc cho chủ nghĩa đế quốc tự do
cướp bóc và tự do tranh ăn bằng súng đạn., thử hỏi thế giới sẽ ra sao?
Cách mạng
Tháng Mười Nga đã mở ra thời kỳ mới cho loài người là khả năng ngăn ngừa chiến
tranh thế giới và cùng tồn tại hòa bình. Đó mãi mãi là cống hiến vô giá mà lịch
sử nghi nhận.
Một điều khác
mà ai cũng nhớ: Việc bảo đảm hòa bình đã được đưa lên thành nhiệm vụ quan trọng
hàng đầu trong chính sách đổi mới ngoại của chính quyền xô viết thời đó. Hành động
lập pháp đầu tiên của chính quyền Xô Viết là sắc lệnh của Lênin về hòa bình.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người tư tưởng thiết lập một nền hòa
bình vững chắc cho toàn thế giới được thể hiện trong chính sách của một quốc
gia.
Cách mạng
Tháng Mười Nga cũng là một cuộc cách mạng đặt nền móng cho một nền dân chủ mới,
cao nhất -dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ đối với đông đảo các tầng lớp nhân
dân. Vậy ở đâu và ai là người vì dân chủ ? Không nói đâu xa, cứ xem ngay tại Liên
Xô trước đây và nước Nga hôm nay cũng không dễ tìm được lời giải đáp cho cẩu hỏi
ấy. Năm 1917 cuộc tiến công vào Cung điện Mùa Đông được tiến hành bởi hàng vạn
công nhân, nông dân, binh lính. Nhưng ai cũng biết đó là một cuộc cách mạng ít
đổ máu nhất so với mọi cuộc cách mạng trước đó.
Vậy nên, dù
ai có nói nghiêng, nói ngả thì cũng không thể đặt dấu chấm hết vào Cách mạng
Tháng Mười. Cho dù thực thể của Cách mạng Tháng Mười Nga là chủ nghĩa xã hội hiện
thực đang gặp những khó khăn to lớn, thậm chí đổ vỡ ở một số nơi, thì cuộc cách
mạng đó vẫn sống mãi trong lòng nhân dân nước Nga và các nước khác, vì ai cũng
rõ bản thân cuộc cách mạng đó đã phải nhận về toàn bộ gánh nặng lịch sử và những
gian nan vất vả của người đi trước mở đường. Thực tế, cuộc cách mạng đó vẫn
đang sống trong cuộc đấu tranh giai cấp những người làm công ở các nước tư bản
đòi quyền dân sinh, dân chủ và đòi có việc làm. Nó vẫn tiếp tục nuôi dưỡng tinh
thần dân tộc của nhân dân các nước đang xác lập chủ quyền dân tộc thực sự. Và đặc
biệt, tinh thần và lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn đang cổ vũ các nước
xã hội chủ nghĩa còn lại trong việc khắc phục những lệch lạc, tình tòi những
cách thức và bước đi hợp lý để xây dựng chủ nghĩa xã hội thực sự tốt đẹp, văn
minh.
3. Chủ
nghĩa Mác – Lênin không phải là tôn giáo và không phải là chủ nghĩa không tưởng,
mà là học thuyết khoa học bắt nguồn từ thực tiễn và cải tạo thực tiễn
Kinh nghiệm lịch
sử cho thấy, các tư tưởng xã hội chủ nghĩa có nguồn gốc sâu xa từ trong sự phát
triển vật chất và tinh thần của nhận loại. Chủ nghĩa Mác không nằm ngoài trào
lưu tư tưởng ấy, nên nó thuộc về xã hội, thuộc về con người. Mác và Ăngghen đã
từng nhấn mạnh: Những kết luận và lý thuyết của chủ nghĩa xã hội khoa học không
phải là những quan niệm trừu tượng như “công bằng”, “bác ái”, “hạnh phúc” theo
ngôn từ trống rỗng, mà đều xuất phát từ xu hướng phát triển của xã hội hiện thực.
Chủ nghĩa xã hội khoa học của Mác không xa lạ như những ước mơ tận mãi thiên đường.
Nó gần gũi đời thường, nó nhìn nhận tỉnh táo về những nhu cầu hiện thực và những
khả năng thực tế có thể đáp ứng được. Những khả năng đó nằm trong sự phân tích
và giải quyết những mâu thuẫn sâu sắc ngay chính trong những lòng xã hội tư bản
chủ nghĩa.
Việc các phần
tử chống cộng luôn tìm mọi cách để công kích chủ nghĩa Mác, gán cho nó đủ thứ tội
danh, càng thể hiện nó không phải là liều thuốc ru ngủ tinh thần đối với đông đảo
quần chúng. Tại sao ở phương Tây, người ta khuyến khích hoặc không ngăn chặn việc
xây nhà thờ, tự do giảng đạo ; người ta cung kính đón tiếp Giáo hoàng ? Bởi vì
tất cả các tôn giáo, giáo phái ở đây chẳng có gì nguy hại đối với chế độ tư bản.
Chủ nghĩa Mác không phải là một giáo lý, mà là vũ khí đấu tranh của quần chúng
nhân dân. Nếu đã coi đó như một tôn giáo, thậm chí là tôn giáo viển vông, thì
có gì kẻ thù của chủ nghĩa Mác lại lo sợ nó đến thế? Hốt hoảng đến thế ? và chống
phá nó điên cuồng đến thế?
Chủ nghĩa Mác
có sức thuyết phục, có tính hấp dẫn lớn và bị công kích quyết liệt, cũng là vì
đó là một hệ thống luận thuyết khoa học. Chủ nghĩa Mác vừa mang tính lý luận tư
tưởng, vừa có tỉnh thực hiện cao. Nó xuất hiện và ngày càng được hoàn thiện,
không nằm ngoài con đường phát triển chủ yếu của văn minh thế giới. Ngược lại,
nó đã được chắt lọc từ tất cả những gì tốt đẹp nhất, tiến bộ nhất mà khoa học tự
nhiên, khoa học xã hội và khoa học nhân văn tích lũy được.
Cách mạng
Tháng Mười Nga là một minh chứng điển hình về sự vật chất hóa, hiện thực hóa của
chủ nghĩa Mác. Việc kết hợp một cách nhuần nhuyễn lý luận mác xít với thực tiễn
của phong trào công nhân Nga lúc ấy làm cho sức đột phá của cuộc cách mạng vô sản
tăng lên và cũng làm cho học thuyết mác xít được hoàn thiện bằng những luận cứ
mới mẻ. Tiến trình phát triển của những sự kiện tiếp theo Cách mạng Tháng Mười
Nga mặc dù có biết bao biến cố phức tạp, nhưng hoàn toàn xác nhận sự thống nhất
không thể tách rời giữa tính khoa học và tính cách mạng của chủ nghĩa Mác, sự gắn
bó khăng khít giữa chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân và chủ nghĩa xã hội
hiện thực. Bởi vậy, Cách mạng Tháng Mười Nga còn có ý nghĩa trọng đại là làm
cho những tư tưởng xã hội chủ nghĩa mác xít thực sự trở thành khoa học, đánh dấu
việc chuyển những tư tưởng đó sang phạm trù những hiện tượng thực tiễn chủ
nghĩa xã hội trở thành một xã hội cụ thể.
4. Chủ
nghĩa xã hội không phải là khúc quanh của lịch sử, mà là một giai đoạn phát triển
rực rỡ của xã hội loài người
Trong bản hòa
tấu công kích chủ nghĩa xã hội hiện nay có cả luận điệu cho rằng, sự phát triển
của xã hội loài người là một con đường tự nhiên, cả đoàn người đang cùng đi lên
chủ nghĩa tư bản thì bỗng dưng có một bộ phận tách khỏi đám đông để đi theo đường
mới- chủ nghĩa xã hội. Do gặp nhiều gai góc cản trở không thể đi tiếp được nữa,
một số người da trắng khôn ngoan đã quyết định bỏ lối mới- lối đằng sau này, để
về với chủ nghĩa tư bản. Còn lại một số người da màu lại dại dột cứ tiếp tục
đi, nhưng lại đi vòng vo để cuối cùng cũng phải về con đường cũ.
Đây là một
cách ví von xấc xược và thô thiển.
Lịch sử loài
người hàng vạn năm trở lại đây cho thấy, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có một quá
trình hình thành và phát triển khác nhau, có cách thức, bước đi khác nhau trong
không gian và thời gian rất khác nhau. Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có chuyện
cả loài người có chung một bậc, một trình độ và cùng đồng đều tiến bước như thế.
Ngay việc coi
con đường xã hội chủ nghĩa là không thể có, cũng là một cách nhìn thiển cận.
Hơn bảy mươi năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô trước đây là một khoảng thời
gian rất ngắn so với quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản. Nhưng chỉ với
thời gian như vậy, nhân dân Xô viết đã làm nên bao chuyện phi thường. Đó là việc
quét sạch chủ nghĩa phát xít để cứu nền văn minh nhân loại, là bước tiến khổng
lồ trong việc xây dựng một xã hội mới công bằng, nhân đạo. Sự sụp đổ của chế độ
xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu có nhiều nguyên nhân, nhưng không thuộc bản
chất chế độ xã hội chủ nghĩa
Còn chủ nghĩa
tư bản mà có người cho đó là tương lai vĩnh cửu thì sao? Nó nói là tốt đẹp dân
chủ ư? Đừng quên rằng chủ nghĩa phát xít đã ra đời từ chế độ tư bản chủ nghĩa.
Cũng đừng quên rằng Việt Nam đã từng phải chịu đựng cuộc xâm lược của Pháp, Nhật
và Mỹ. Ai cũng biết rằng chế độ tư bản chủ nghĩa không bao gồm lối sống Mỹ, chế
độ đại nghị Pháp, điện tử Nhật Bản, mà nó còn bao gồm cả vùng ngoại vi mà người
ta thường gọi là “thế giới thứ ba” ở châu Phi và các nước Mỹ la tinh. Tại những
nơi ấy – những nơi đang hướng theo con đường tư bản chủ nghĩa – hiện đang có
hơn 500 triệu người bị đe dọa chết đói, có khoảng hơn 1,6 tỷ người đang sống
trong khốn khó cùng cực.
Đúng là chủ
nghĩa tư bản có được trình độ phát triển công nghệ chưa từng thấy, nhưng rất
thiếu khả năng và rất vô trách nhiệm trong việc giải quyết khắc phục những
nghèo đói, bất công. Tình hình thực tế ấy đã bác bỏ mọi sự nghi ngờ về tính cần
thiết phải thay đổi xã hội tư bản chủ nghĩa bằng một xã hội nhân đạo hơn. Điều
đó càng chứng tỏ lý tưởng của cách Mạng Tháng Mười về một xã hội bình đẳng,
công bằng, hòa bình và hữu nghị mãi mãi là chân lý của thời đại. Chân lý ấy tiếp
tục soi sáng con đường chúng ta đi hôm nay.
0 nhận xét: