20/11/22

Ngày Nhà giáo Việt Nam: Trân trọng những “tấm lòng vàng”, trách chê ai “khiếm nhã”

            Vinh quang nhà giáo và sự nghiệp “trồng người”

20-11 là ngày lễ Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, thường gọi là ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là ngày “tôn sư trọng đạo” – một trong những ngày lễ kỷ niệm quan trọng, đầy tính nhân văn của đất nước, được tổ chức hằng năm vào ngày 20-11 để tri ân các thầy cô giáo và những người hoạt động trong ngành giáo dục, đào tạo với ý nghĩa “nhớ về mái trường, tri ân thầy cô”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”; “không thầy đó mày làm nên”, v.v..

Đúng vậy! Cứ vào dịp 20 tháng 11, các bài hát ca ngợi công đức của các thầy, cô giáo và nghề “trồng người” cao quý ngân vang trên khắp mọi miền đất nước, nhất là trên các giảng đường, sân trường, các buổi lễ kỷ niệm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 do cơ sở đào tạo tổ chức. Hoạt động này đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về tình người, tình đời, trọn vẹn tình nghĩa thầy trò; ấm áp tuổi thơ và mái trường thân yêu, đúng là: “Có một nghề chẳng được lương cao. Mà vẫn được gọi là nghề cao quý nhất. Có một nghề không trồng cây vào đất. Mà vẫn cho đời những trái tươi ngon. Có một nghề “đẻ” được rất nhiều con. Là nghề giáo được mọi người kính trọng. Nghề xây tương lai, chắp cánh niềm hy vọng. Nghề giáo nhọc nhằn nhưng hạnh phúc biết bao!”.

Đáng trách sự thiếu thiện chí đối với thầy, cô và nhà trường

Những năm gần đây, tại một số cơ sở giáo dục, đào tạo đã xảy ra hiện tượng “lệch chuẩn” lẽ ra không nên có, đó là: Một số ít học sinh, sinh viên có thái độ, hành vi khiếm nhã, thậm chí hành hung thầy, cô giáo. Các thông tin “tai tiếng” này đã nhanh chóng được phát tán trên mạng xã hội nhằm xuyên tạc sự thật, bôi đen bản chất nền giáo dục Việt Nam, hạ thấp uy tín, danh dự của đội ngũ nhà giáo. Đây là biểu hiện thiếu lành mạnh, không thể chấp nhận: học sinh “cá biệt” đã bất chấp đạo lý, xúc phạm nhân phẩm nhà giáo, coi thường kỷ luật học đường, thậm chí có hành vi mang tính côn đồ, “trái luân thường đạo lý”, khiến thầy, cô giáo bị tổn thương tâm lý và danh dự. Đây là điều đáng trách vì sự vô cảm, thiếu ý thức, trách nhiệm, thiếu thiện chí đối với thầy, cô và nhà trường – nơi chắp cánh ước mơ, đưa mọi người vào đời, lập thân, lập nghiệp.

 Hùa theo hành vi lệch lạc ấy, một số người bất mãn với chế độ đã lợi dụng vụ việc này chắp nối thông tin, thêu dệt sự kiện, từ “chuyện bé đã xé ra to”, biến “con muỗi thành con voi” để thỏa mãn sở thích cá nhân. Họ đã kết nối, viết tin, bài, đưa hình ảnh xuyên tạc sự thật học đường, bôi đen thành quả nền giáo dục Việt Nam; thậm chí đã cắt dán, lắp ghép, chế tạo các tin bài “nóng”, đưa tít “giật gân”, nội dung hoàn toàn “phi thực tế” để tung lên mạng xã hội nhằm thu hút sự tò mò của “cư dân mạng” và tạo bão dư luận. Qua đó, hướng sự chống phá vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, gây tâm lý bi quan, hoang mang về nền giáo dục nước nhà. Tuy không phải là hiện tượng phổ biến nhưng việc làm sai trái này rất phản cảm, gây bức xúc dư luận xã hội, làm ô nhiễm bầu không khí giáo dục cách mạng; làm tổn thương danh dự nhà giáo.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, phê phán, quở trách các em học sinh, sinh viên lười học, ngại rèn luyện, tu dưỡng, chậm tiến, vi phạm kỷ luật là cần thiết nhưng một bộ phận thầy, cô cũng phải nghiêm khắc nhìn lại chính mình để “tự soi tự sửa”, tự giáo dục, nhất là những thầy, cô có thái độ, hành vi xúc phạm học sinh, phụ huynh hoặc dính vào tham nhũng, tiêu cực, bị dư luận xã hội lên án, phản đối, cơ quan pháp luật phải điều tra, phanh phui sự việc. Chính điều đó đã và đang tác động không nhỏ đến xã hội, làm giảm niềm tin học đường của các bậc phụ huynh và người dân, tạo ra những vụ “ném đá giấu tay” trên mạng xã hội mà lẽ ra không nên có.

Điều đó đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo nền giáo dục và một bộ phận thầy, cô, nhắc nhở họ không nên lặp lại sai sót đáng tiếc ấy để kẻ xấu lợi dụng bôi đen, xuyên tạc mục tiêu, bản chất nền giáo dục nước nhà.

Sự ầm ỹ trên mạng xã hội đã lôi cuốn một số phụ huynh và người dân “hiếu kỳ”, không cần biết đúng sai, phải trái như thế nào, cứ thấy thông tin và dự luận về nhà giáo, nhà trường là những người này “trợn mắt”, người kia “xù lông”, mất bình tĩnh, lập tức buông lời, phát ngôn gây sốc, tiếp tục “nhân bản”, tán phát các thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội để “mua vui”. Sự hiếu kỳ đã kích thích “cư dân mạng” với sự hả hê thông qua số lần “like”, “comments”… Việc làm tùy hứng này vô tình đã “vẽ đường cho hưu chạy”, bị những kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, bôi đen bản chất nền giáo dục XHCN và thành quả giáo dục, đào tạo hơn 35 năm đổi mới, hạ thấp danh dự, uy tín của đội ngũ nhà giáo Việt Nam.

 Không dừng lại ở đấy, một số phần tử bất mãn, cơ hội chính tri đã vu khống, quy kết những sai lầm về đường lối, chính sách giáo dục Việt Nam của Đảng, Nhà nước; cáo buộc Đảng, Nhà nước ta đã cản trở sự phục hưng nền giáo dục nước nhà vì ban hành nhiều chính sách “bảo thủ”, “thiếu triết lý giáo dục Việt Nam”. Từ đó, họ nhìn đội ngũ nhà giáo và hệ thống giáo dục quốc dân chỉ toàn “màu đen”, “chậm tiến”, “lạc hậu”, là “những người làm thuê nên thiếu chuyên nghiệp”… Hơn thế, một số người đã đội lốt “dân chủ”, tự xưng “nhà giáo trong sạch” phán xét rằng: “Đội ngũ nhà giáo Việt Nam không xứng đáng được gọi là thầy” vì “đạo làm thầy không còn nữa”, do đã “tuột dốc không phanh”, bị “viên đạn bọc đường đánh gục”…

Vin vào cái cớ Đảng, Nhà nước ta đã kỷ luật một số cán bộ ngành giáo dục vì vi phạm pháp luật đến mức phải xét xử, kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính, kể cả nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam…; có người ác ý đã “vơ đũa cả nắm”, cố tình xuyên tạc mục tiêu, mô hình, nội dung, chương trình và bản chất nền giáo dục cách mạng. Họ rêu rao rằng, “Môi trường giáo dục Việt Nam đã xuống cấp nghiêm trọng”, “đạo đức, lối sống nhà giáo Việt Nam suy đồi, thoái hóa, biến chất”, “đạo lý tôn sư trọng đạo của dân tộc đã bị kinh tế thị trường xé nát”, “Việt Nam không có triết lý giáo dục nên dẫn con trẻ đi lầm đường, lạc lối”, “lò ấp tiến sĩ đã nổ tung”, “nền giáo dục ngu dân do chế độc đảng, độc quyền, toàn trị gây nên”, “Đảng đang kéo lùi lịch sử dân tộc”, v.v..

Chúng ta không phủ nhận thực tế đáng buồn ấy trong môi trường giáo dục Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng cá biệt, “con sâu làm rầu nồi canh”. Nó không phải là hiện tượng phổ biến, chất lượng nền giáo dục Việt Nam vẫn nằm trong sự kiểm soát và đi đúng định hướng của Đảng, Nhà nước ta.

Là công dân Việt Nam, ai cũng biết rõ những người viết về giáo dục, về đội ngũ nhà giáo bằng tâm thế vô ơn, thái độ miệt thị, lời lẽ thiếu văn hóa, phản giáo dục như vậy thì đương nhiên, người viết đã bộc lộ bản chất phản động, “giả nhân giả nghĩa”, tự cho mình “từ khe đất mọc lên”, bản thân và con cháu của họ không cần đi học. Điều vô lý ấy chẳng nên chút nào; thật đáng trách…

Với những người “vô ơn”, “ăn cháo đập bát”, chuyên “tát nước theo mưa”, chỉ chờ cơ hội như kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam là phổi phồng hạn chế, khuyết điểm, làm lu mờ, phủ nhận sạch trơn thành quả to lớn của nền giáo dục nước nhà; phủ nhận công sức, sự tâm huyết và cống hiến to lớn của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Làm những điều sai trái ấy thì lương tâm, danh dự, nhân phẩm của những người này “không đáng một đồng xu”; chắc chắn nó không được các bậc phụ huynh và người dân Việt Nam chấp nhận. Với bản chất giả dối, xuyên tạc sự thật, âm mưu và thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước và nền giáo dục Việt Nam của những kẻ bất mãn không thể làm lung lay, phai mờ bản chất, mục tiêu, thành quả, truyền thống “tôn sự trọng đạo” của nền giáo dục đầy tính nhân văn Việt Nam..

Sẵn sàng tiếp thu những ý kiến đóng góp công tâm, khách quan của những người có tâm, có tầm, có tuệ vì sự nghiệp “trồng người”

Chúng ta đều rõ rằng, sai trái, khuyết điểm không ai muốn, trong giáo dục, đào tạo càng không thể chấp nhận vì nó liên quan trực tiếp đến nhân cách, nhân phẩm con người. Tuy nhiên, chúng ta cũng hoan nghênh và sẵn sàng tiếp thu những ý kiến đóng góp công tâm, khách quan, có thiện chí xây dựng của những người có tâm, có tầm, có đức với mong muốn phục hưng nền giáo dục nước nhà. Chúng ta luôn luôn chờ đón những ý kiến phản biện có lý, có tình.

Đảng, Nhà nước không bao giờ dung túng, bao che cho ai hoặc bất cứ cơ sở giáo dục nào nếu họ mắc những sai lầm, khuyết điểm trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo thì họ phải chịu trách nhiệm trước dư luận, pháp luật và xã hội. Đồng thời, khẳng định tập thể và cá nhân nhà giáo có thành tích xuất sắc thì được khen thưởng xứng đáng.

Đối với những biểu hiện lệch chuẩn trong giáo dục, đào tạo; chúng ta đã và đang có nhiều biện pháp khắc phục: từ nhắc nhở, uốn nắn, phê phán mọi biểu hiện sai trái, lệch lạc, đến xử phạt những vụ việc vi phạm “luân thường đạo lý” của một số ít thầy, cô và một số học sinh, sinh viên, học viên. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng, không để các hiện tượng sai trái, tiêu cực trong học sinh, sinh viên lan tràn trong môi trường học đường và trong xã hội. Qua đó, có biện pháp khả thi để không tái diễn các hành vi lệch chuẩn dưới bất cứ hình thức nào; giữ cho môi trường sư phạm trong sạch, lành mạnh, “trường ra trường, lớp ra lớp”, “thầy ra thầy, trò ra trò”.

Vì vậy, việc nhắc nhở, áp dụng các biện pháp giáo dục “mạnh tay”, kể cả tiến hành kỷ luật và xử phạt một số học sinh, sinh viên, nhà giáo vi phạm kỷ luật học đường là cần thiết, phải làm với ý nghĩa là “chặt vài cành sâu mọt để cứu cây” nhưng cao hơn và biện pháp tốt nhất là lấy tấm lòng nhân từ, sự bao dung, để giúp đỡ các em và thầy, cô tiến bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sửa chữa khuyết điểm, đem lại cho mọi người cơ hội phấn đấu vươn lên, trưởng thành hơn sau lần vấp ngã. Đó là việc làm nhân văn, nhân đạo vì “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của nhà trường XHCN.

Nhớ lời Bác Hồ căn dặn: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề sáng tạo”. 40 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nước nhà đã phát huy tốt vai trò, bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang; đoàn kết, sáng tạo, tự lực tự cường, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bão lũ và những khó khăn đời thường, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã chủ động khắc phục khó khăn, thi đua lập thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý giáo dục, tất cả vì học sinh thân yêu. Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, biểu dương, khen ngợi những thành tích của các nhà trường, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Những hình ảnh cảm động về những tấm gương nhà giáo trên báo chí đã kiên cường bám trụ, bám lớp, bám trường; tích cực, chủ động đổi mới phương pháp giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, tôn vinh và tri ân sâu sắc.

Thành tựu, kết quả giáo dục, đào tạo đạt được trong hơn 35 năm đổi mới đất nước có sự đóng góp đáng trân trọng, rất đỗi tự hào của nền giáo dục cách mạng. Ai đó cố tình bóp méo sự thật, xuyên tạc đường lối cải cách, đổi mới giáo dục Việt Nam đã bộc lộ “tim đen” chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, chống nhân dân. Điều đó là rất đáng trách, không thể chấp nhận.

Son sắc một niềm tin và tâm huyết với nghề: tất cả vì học sinh thân yêu

Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người và những đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nhà trường và đội ngũ nhà giáo đang gánh vác trên vai trọng trách to lớn, nặng nề.

Đó là tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa quan điểm, đường lối đổi mới giáo dục của Đảng; bổ sung và hoàn thiện mục tiêu, mô hình, nội dung, chương trình giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp với từng đối tượng, từng cấp học; chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, phương pháp tác phong, kỹ năng, phương pháp dạy và học, công nghệ thông tin và ngoại ngữ; vận dụng tốt quan điểm lý luận gắn chặt với thực tiễn; lý thuyết đi đôi với thực hành, làm cho giáo dục và đào tạo thật sự là quá trình chủ động, tích cực truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống, tay nghề và phát huymạnh mẽ cách làm hay, mô hình tốt trong dạy và học để nhân rộng trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Với bản chất, truyền thống tốt đẹp và mô phạm, đội ngũ nhà giáo và nhà trường các cấp đã và đang nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức quyết tiến lên phía trước; tiếp tục nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm nhà giáo được xã hội ủy thác; tận tâm, tận lực “dạy chữ, dạy nghề, dạy người”; luôn là tấm gương sáng, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, nhân cách, lối sống để học sinh, sinh viên học tập, noi theo đúng nghĩa là “một tấm gương sống còn hơn trăm bài diễn văn”, tất cả vì học viên thân yêu, vì mái trường XHCN; có những cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp “trồng người” cao quý, được xã hội tôn vinh./.

 

0 nhận xét: