28/2/23

Nỗ lực thúc đẩy quyền con người

          Sáng 27-2, tại Geneva, Thụy Sĩ, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự khai mạc và phát biểu tại Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ). Nội dung phiên họp đề cập đến những vấn đề thời sự, cấp thiết hiện nay và những ưu tiên của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới.

Phát biểu tại Phiên họp cấp cao, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang thông báo về quyết tâm, những nỗ lực, đồng thời đề cao những thành tựu của Việt Nam trong đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định phương châm của Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”. Từ đó, Trưởng đoàn Việt Nam kêu gọi các nước cần thông hiểu và tôn trọng những đặc thù riêng của nhau, cùng đoàn kết, đối thoại và hợp tác để giải quyết những vấn đề toàn cầu trên cơ sở đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Để bảo đảm sự thụ hưởng đầy đủ các quyền con người trên phạm vi toàn cầu, Hội đồng Nhân quyền LHQ cần đóng vai trò trung tâm trong thúc đẩy sự đối thoại một cách xây dựng, bình đẳng và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau và với cách tiếp cận tổng thể.

Nguyên khí quốc gia và cốt cách kẻ sĩ

             Tại cuộc gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cả nước tổ chức tại Hà Nội ngày 16-2-2023, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ là nguyên khí của quốc gia, là vốn quý của dân tộc.

Đảng, Nhà nước luôn mong muốn đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục tận hiến với quốc gia, dân tộc; giữ vững cốt cách, tinh thần như tùng, như bách…

Để nguyên khí không bị tổn hao

Từ xa xưa, giới trí thức, những người học cao hiểu rộng, có chí khí được nhân dân vinh danh là kẻ sĩ. Danh xưng kẻ sĩ, ngoài ý nghĩa đề cao đạo học và nhân tài, còn là sự gửi gắm, hy vọng, đặt ra yêu cầu cao về nhân cách, cốt cách người quân tử, dù cạm bẫy, cám dỗ thế nào cũng phải luôn giữ lòng ngay thẳng, tôn trọng, đấu tranh bảo vệ lẽ phải. Lịch sử dân tộc qua các thời kỳ đã chứng minh, hiền tài là nguyên khí quốc gia, là vốn quý của dân tộc. Sự tồn vong của chế độ; cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước phụ thuộc rất lớn vào vai trò của tầng lớp tinh hoa trong đời sống xã hội. Cụ Nguyễn Công Trứ (1778-1858) viết: “Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt/ Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên…” (Tước có 5 bậc, sĩ được dự vào bậc nhất/ Dân có 4 loại, sĩ đứng đầu…). Bất cứ triều đại nào muốn phát triển thịnh vượng cũng phải coi trọng chính sách xây dựng, trọng dụng hiền tài.

Bởi tầm quan trọng đặc biệt của hiền tài nên khi đất nước gặp họa xâm lăng, nô dịch, kẻ thù của dân tộc luôn tìm mọi cách tấn công, mua chuộc kẻ sĩ. Mục tiêu của các thế lực xâm lăng là làm cho nguyên khí quốc gia suy yếu để dễ bề thao túng, cai trị, biến đất nước ta thành thuộc địa, nhân dân thành nô lệ. Với tinh thần, cốt cách của tinh hoa người Việt, các bậc sĩ phu, hiền tài trong lịch sử dân tộc luôn đề cao tinh thần yêu nước, không bao giờ chịu khuất phục, cúi đầu trước âm mưu, thủ đoạn của ngoại bang. Các tấm gương kẻ sĩ với tinh thần, cốt cách như tùng, như bách, chí khí hiên ngang đã trở thành những biểu tượng đẹp, sống mãi cùng lịch sử dân tộc, tiếng thơm lưu danh vạn thuở.

Tuy nhiên, lịch sử dân tộc cũng ghi rõ không ít trường hợp người tài trở cờ, phản quốc cầu vinh, để lại vết nhơ, tiếng xấu đến muôn đời. Con đường phản quốc cầu vinh của những kẻ cơ hội mỗi thời một khác, mỗi người một kiểu, nhưng đều xuất phát từ lòng tham, đố kỵ, cơ hội. Họ đều là những người có tài nhưng kém đức, mang tinh thần, tham vọng của kẻ tiểu nhân, lung lay cốt cách…

Lịch sử luôn công bằng. Người có công được vinh danh, kẻ có tội bị trừng phạt. Trong các hình phạt đối với những kẻ phản quốc cầu vinh, sự nguyền rủa của người đời là hình phạt nặng nề nhất. “Trăm năm bia đá cũng mòn/ Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ…” là thế!

Thời đại ngày nay, đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã và đang mở ra những vận hội, thời cơ mới, tạo môi trường thuận lợi lý tưởng để nhân tài bộc lộ phẩm chất, tài năng, khẳng định giá trị bản thân và khát vọng, mục tiêu cống hiến. Xây dựng đất nước hùng cường, dân tộc phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, thái bình là khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Với vai trò, vị thế là tầng lớp tinh hoa của xã hội, giới trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ mang trọng trách, sứ mệnh cao cả với khát vọng của quốc gia, dân tộc… Để củng cố, chấn hưng, không ngừng phát triển nguyên khí quốc gia, giữ gìn vốn quý của dân tộc, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận quan trọng. Việc bổ sung, từng bước hoàn thiện chủ trương, chính sách, giải pháp khuyến khích, trọng dụng và bảo vệ hiền tài vừa để tạo môi trường, cơ hội thuận lợi cho hiền tài phát triển, vừa bảo đảm cho nguyên khí quốc gia không bị tổn hao trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch.

Đại hội XIII của Đảng xác định: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ… tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững… Như vậy, mục tiêu lao động và cống hiến của giới trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong thời đại ngày nay là sự hòa quyện, phản ánh chân thực và sinh động khát vọng dân tộc hùng cường. Mỗi cá nhân kẻ sĩ là một nhân tố quan trọng cấu thành nguyên khí quốc gia, vốn quý của dân tộc. Mọi tư tưởng, hành động của kẻ sĩ cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và trước hết, hướng đích đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường…

Giữ vững cốt cách như tùng, như bách

Điều mong muốn, gửi gắm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đối với giới trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong dịp đầu xuân mới Quý Mão 2023 không phải là một quan niệm mới, mà là sự nhắc lại, nhấn mạnh để làm sâu sắc thêm, cụ thể hơn quan điểm xuyên suốt của Đảng đối với hiền tài đất nước. Phải nhắc lại và nhấn mạnh thường xuyên vấn đề này để kẻ sĩ không lơ là, sao nhãng, bàng quan với khát vọng dân tộc; không dao động, ngả nghiêng trước những thủ đoạn lôi kéo, kích động, mua chuộc của các thế lực thù địch.

Trong số những đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài có nhiều người từng là trí thức của đất nước, một số người từng giữ cương vị quan trọng trong hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Họ đã được Đảng, Nhà nước đào tạo, được đất nước, nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc. Ấy vậy mà khi đã thành tài, “đủ lông đủ cánh”, được xã hội tôn vinh bằng những danh xưng “luật sư”, “nhà báo”, “chuyên gia”… thì vì tính đố kỵ, hẹp hòi, cơ hội… mà họ đã trở cờ, phản bội. Hằng ngày, hằng giờ, với thân phận của những kẻ lưu vong, họ tận dụng những tri thức đã được học, tận dụng tiện ích không gian mạng, thực hiện các chiến dịch truyền thông chĩa mũi dùi về quê hương, đất nước công kích, xuyên tạc với thái độ trịch thượng, hách dịch, lộng ngôn…

Xưa nay, những kẻ vô ơn với Tổ quốc, phản quốc cầu vinh chưa và không bao giờ có được cái kết tươi sáng-ngoài việc phải sống tha phương, ăn bám xứ người, ngay cả khi còn một chút tàn hơi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn phải nếm trải sự cô đơn, tủi nhục khủng khiếp. Bài học nhãn tiền là thế, nhưng không ít người vẫn cứ ảo tưởng sức mạnh bản thân, thui chột cốt cách, tinh thần, lao vào giành nhau miếng pho mát được các thế lực thù địch bày sẵn trong bẫy chuột.

Trong thế giới ảo của không gian mạng hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, trí thức, văn nghệ sĩ là thành phần chịu ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ. Các thế lực thù địch sử dụng trăm phương nghìn kế để dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc kẻ sĩ khiến không ít người bị dao động, ngả nghiêng. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ rõ biểu hiện này, đó là: Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng…

Những vấn đề Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra đã liên tục được Đảng ta chấn chỉnh, khắc phục bằng các giải pháp kiên trì, quyết liệt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, càng khi đất nước đạt được những thành tựu to lớn, thì các thế lực thù địch càng ráo riết, mở rộng hơn quy mô, cường độ chống phá. Kẻ sĩ tiếp tục vừa là mục tiêu, vừa là công cụ bị các thế lực thù địch triệt để khai thác, lợi dụng để chống phá Đảng, chống phá đất nước. Không ít người tiếp tục sập bẫy, bị điều tra, khởi tố vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo quy định của Bộ luật Hình sự. Phải đưa những đối tượng ấy ra trừng trị trước pháp luật là việc cực chẳng đã, bởi Đảng, Nhà nước ta luôn mong muốn những ai trót nhúng chàm thì hãy tự gột rửa. Khi tất cả giải pháp giúp cho việc “gột rửa” ấy không có tác dụng, cái chất “tùng”, “bách” trong tư tưởng, cốt cách của họ đã bị mất thì mới phải truy tố. Tính nghiêm minh và tính nhân văn của pháp luật là thế.

Bởi vậy, việc nhấn mạnh yêu cầu phải giữ vững cốt cách, tinh thần như tùng, như bách không chỉ là sự mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với trí thức, văn nghệ sĩ, mà còn là lời tự răn, ý thức tự rèn giũa của kẻ sĩ trong đời sống hôm nay.

Tại cuộc họp mặt nêu trên, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: “Chưa bao giờ nghệ sĩ được quyền sáng tạo, bày tỏ phản biện xã hội như hiện nay. Không gian sáng tạo tự do sẽ chắp cánh cho nhà văn bay lên”. Sự khẳng định đó góp phần bác bỏ, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cho rằng văn nghệ sĩ ở Việt Nam không có môi trường tự do sáng tạo, tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến…

Khi kẻ sĩ mang trong mình cốt cách như tùng, như bách thì chẳng có thế lực nào có thể lôi kéo, chẳng có thủ đoạn nào có thể khuất phục, chẳng có vũ khí nào có thể hạ gục…


 

27/2/23

Kiên định quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện quản lý không phải là sự thụt lùi lịch sử!

             Trong sửa đổi Luật Đất đai lần này, Đảng và Nhà nước ta vẫn kiên định quan điểm sở hữu toàn dân về đất đai do nhà nước đại diện quản lý. Đây là vấn đề có tính căn cốt thể hiện sự kiên định mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Điều này tất nhiên không làm thỏa mãn mục tiêu của các thế lực thù địch cho nên chúng đang cố sức rêu rao cho rằng trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, tiếp tục thực hiện công hữu về đất đai là bảo thủ, là sự thụt lùi của lịch sử.

Sự khác biệt căn bản giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội là ở chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất, trong đó có sở hữu về đất đai – tư liệu sản xuất quan trọng nhất. Chủ nghĩa tư bản dựa trên chế độ sở hữu tư nhân, còn chủ nghĩa xã hội dựa trên chế độ sở hữu toàn dân (gọi tắt là công hữu) về đất đai. Chính vì vậy, chế độ sở hữu tư liệu sản xuất nói chung và đất đai nói riêng đã trở thành đối tượng cơ bản, là điểm nóng nhất trong cuộc đấu tranh tư tưởng giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản diễn ra từ trước đến nay.

Thực tiễn thế giới hiện nay cho thấy, các nước thực hiện chế độ công hữu về đất đai chiếm số ít, trong khi các nước thực hiện chế độ tư hữu lại chiếm số đông, trong đó có rất nhiều nước đạt tới sự phát triển hùng cường. Vậy chân lý có thuộc về số đông hay không, tại sao Việt Nam và một số nước khác vẫn kiên trì theo đuổi chế độ công hữu về đất đai và coi đó là một nguyên tắc có tính sống còn?

Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết chỉ ra con đường, cách thức xây dựng một chế độ xã hội mới về chất trên trái đất này. Đó là một chế độ không có bóc lột, áp bức, bất công, mọi người đều tự do, bình đẳng, được phát huy hết khả năng của mình cho cộng đồng, xã hội… Xã hội lý tưởng đó là mơ ước ngàn đời của cả nhân loại, nhất là của những người lao động. Chính vì mục tiêu cao đẹp đó mà chủ nghĩa xã hội đã hấp dẫn, thu hút được hàng tỷ người trên thế giới theo đuổi, đấu tranh và đã xây dựng nên một hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa hiện thực, làm thay đổi bộ mặt thế giới trong thế kỷ XX.

Trên thế giới cũng đã có nhiều học thuyết hướng về giải phóng con người khỏi khổ đau, mong muốn đưa con người đến một thế giới tốt đẹp. Điểm khác biệt của chủ nghĩa Mác – Lênin với các học thuyết khác là ở chỗ nó là một phong trào hiện thực chứ không phải lý tưởng xa vời, ảo tưởng. Bởi muốn xây dựng được một xã hội công bằng, không có áp bức, bất công thì xã hội đó phải dựa trên một nền tảng căn bản là tư liệu sản xuất chủ yếu, trong đó có đất đai phải thuộc sở hữu chung của tất cả mọi người.

Vì sao vậy? Hãy liên tưởng, không khí trên hành tinh của chúng ta vừa là của chung, vừa rất dồi dào nên ai cũng được thở như nhau, không có chuyện tranh giành cướp bóc, cao thấp, sang hèn vì không khí. Nếu đất đai cũng là của chung sẽ không có người được ở rộng, người ở hẹp, người có đất tốt, người dùng đất xấu, người ở nơi thuận lợi, kẻ ở chỗ khó khăn. Khi đất đai là tư liệu sản xuất của chung thì mọi người cùng làm, cùng hưởng, sẽ không có kẻ ít người nhiều, kẻ giàu người nghèo, kẻ sướng, người khổ. Xuất phát từ lôgíc ấy cho nên khi cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công, chính quyền mới đều tuyên bố thực hiện chế độ công hữu về đất đai làm cơ sở kiến tạo một chế độ bảo đảm sự công bằng, bình đẳng triệt để cho tất cả mọi người.

Ngược lại, ở các quốc gia thực hiện chế độ sở hữu tư nhân về đất đai thì người có tiền, có quyền sẽ chiếm được nhiều đất, người yếu thế sẽ có ít, hoặc không có đất đai, phải đi làm thuê, làm mướn, bị chủ đất trả công bèo bọt, đối xử tệ bạc, từ đó sinh ra nghèo đói, bất bình đẳng, bất công. Trên thế giới có nhiều người sở hữu hàng nghìn hécta đất nhưng cũng có nhiều người không “một tấc đất cắm dùi”.

Từ khi Việt Nam thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chúng ta càng thấy rõ hơn những hệ lụy của việc quản lý, sử dụng đất đai chưa hiệu quả (dẫn đến việc nhiều người lầm tưởng rằng Việt Nam đang chuyển sang thực hiện chế độ tư hữu về đất đai). Thời bao cấp, mỗi thôn, xóm, khu tập thể thường có một sân bóng, một cái chợ trên đất công nên ai cũng có quyền đến đó chơi, kinh doanh buôn bán. Hiện nay, sân chơi ấy, cái chợ ấy được giao cho một tổ chức hoặc cá nhân thuê. Tuy không phải là tư nhân hóa nhưng trên thực tế mảnh đất ấy không còn là của chung nữa, ai có tiền mới được vào chơi, kinh doanh buôn bán. Bất công từ đó mà nảy sinh, người có tiền sẽ được hưởng lợi, người không có tiền, không có điều kiện sẽ không được hưởng những giá trị mà mảnh đất ấy mang lại. Vì vậy, tuy thực hiện chế độ công hữu về đất đai nhưng hiện nay đã có người được sử dụng hàng trăm hécta đất và cũng có rất nhiều nông dân không còn đất phải rời bỏ quê hương đi làm công nhân hoặc đi làm thuê, làm mướn ngay trên mảnh đất của mình.

Mấy ví dụ trên cho thấy chế độ công hữu về đất đai có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với bình đẳng xã hội và bảo đảm quyền lợi của người nghèo. Chế độ công hữu còn thuận lợi cho việc sử dụng đất đai vào xây dựng đường sá, công trình công cộng, an ninh quốc phòng… Đất đai là của chung sẽ dễ dàng quy hoạch, kế hoạch sử dụng tiết kiệm, hợp lý, tạo nên những cánh đồng rộng lớn để áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại, từ đó tạo ra năng suất, chất lượng cao, đủ sức cung cấp lương thực, thực phẩm cho tất cả mọi người.

Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai có tính ưu việt như vậy nhưng tại sao đa số các nước lại thực hiện chế độ tư hữu về đất đai? Nên nhớ rằng, chế độ tư hữu là sản phẩm tự nhiên của lịch sử, nảy sinh từ khi xã hội có giai cấp. Muốn biến đất đai từ của riêng thành của chung thì phải làm cách mạng. Mà cách mạng là một công việc rất khó khăn không phải ai và ở đâu cũng làm được. Cho dù các lực lượng chính trị tiến bộ muốn thay đổi chế độ chính trị hiện thời nhưng nếu họ không có mục tiêu xây dựng một chế độ mới bình đẳng cho tất cả mọi người, nhất là cho người lao động thì họ cũng không việc gì phải làm cách mạng chuyển đổi từ chế độ tư hữu thành chế độ công hữu về tư liệu sản xuất nói chung và đất đai nói riêng.

Đất đai là của chung do nhà nước đại diện quản lý thì nhà nước phải có đủ năng lực quản lý sao cho nó không biến thành của riêng vì con người luôn có tính chiếm hữu, rồi lại phải tổ chức sản xuất cho có năng suất, chất lượng cao để toàn dân có cuộc sống ngày càng đầy đủ, sung túc hơn. Chuyển từ tư hữu thành công hữu về đất đai đã khó nhưng quản lý và tổ chức sản xuất hiệu quả còn khó gấp vạn lần. Đa số các nước thực hiện chế độ công hữu về đất đai thường chưa có đủ tiền đề cần thiết, chưa có kinh nghiệm quản lý, thiếu công cụ pháp lý; khoa học, công nghệ và phương pháp tổ chức sản xuất lạc hậu khiến cho đất đai dễ bị xà xẻo, bỏ hoang, hoặc sản xuất không hiệu quả. Điều đó dễ làm cho người ta ngộ nhận tính ưu việt của chế độ sở hữu tư nhân về đất đai trong các nước tư bản chủ nghĩa.

Việt Nam thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai do nhà nước đại diện quản lý tuy đã đạt được nhiều thành công nhưng tình trạng thất thoát, lãng phí đất công, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai đang gây bất bình trong nhân dân, giảm lòng tin vào Đảng và chế độ. Tuy nhiên, vì mục tiêu xây dựng một xã hội bình đẳng chúng ta phải kiên trì thực hiện chế độ công hữu về đất đai. Vấn đề ở đây là phải làm sao phát huy tốt nhất tính ưu việt của chế độ công hữu về đất đai, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực quan trọng này. Chính vì vậy, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, trên cơ sở đó Quốc hội tiến hành sửa đổi Luật Đất đai nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quản lý và sử dụng đất đai vừa qua.

Như vậy, sở hữu toàn dân về đất đai do nhà nước đại diện quản lý không phải là ảo tưởng, ngược chiều lịch sử, trái lại là bước đi tiến bộ, vượt trước, mở đường để xây dựng một chế độ xã hội tốt đẹp hơn. Kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đòi hỏi chúng ta phải kiên trì và vận dụng sáng tạo chế độ công hữu về đất đai cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thời kỳ mới.

 

Luận điệu xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần vạch trần, phản bác

             Chủ trương đúng, quyết sách hay

Tham ô, tham nhũng, tiêu cực là “những căn bệnh nan y, nguy hiểm” không chỉ gây hại về kinh tế, mà còn làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm hư hỏng cán bộ, đảng viên; suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước; xói mòn lòng tin của nhân dân; làm cho trắng đen, thật giả, đúng sai, phải trái, tốt xấu và các chuẩn mực đạo đức, văn hóa, xã hội “bị đảo lộn”…

Đây là một trong bốn nguy cơ đe dọa sinh mệnh của Đảng, sự an nguy của chế độ, lợi ích quốc gia – dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “cuộc chiến đấu trong thời bình” vô cùng gay go, quyết liệt và phức tạp, là “cuộc đấu trí, đấu lý và sức mạnh” giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, cái tiến bộ và thoái bộ; giữa đạo đức cách mạng và kẻ địch “giấu mặt” – những thói hư, tật xấu, tệ tham ô, lãng phí, quan liêu…, những thế lực “ngầm” cản bước, ngăn đường chúng ta đi lên CNXH, phá hoại cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ năm 2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tiến hành ráo riết, quyết liệt, được nhân dân cả nước hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ vì cuộc chiến đấu này đã và đang phát triển đúng định hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Qua thực tiễn tổ chức lãnh đạo, chỉ đạocuộc chiến đấu này, nhất là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được bổ sung, hoàn thiện,đi vào nền nếp, có chiều sâu, đã gắn kết chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa “phòng” với“chống”; giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống các quan điểm sai trái trong lĩnh vực này, đem lại luồng sinh khí mới trong xã hội ta.

Những ý kiến khác chiều, quan điểm lệch lạc

Thế nhưng, do nhận thức, trình độ hiểu biết và quan niệm khác nhau, lại được các thế lực xấu “hậu thuẫn”, trên các trang mạng xã hội, tài liệu phản động vẫn còn có những ý kiến khác nhau về cuộc chiến đấu cam go, quyết liệt và phức tạp này. Ngoài các thông tin, ý kiến đánh giá tốt, cơ bản đồng tình, ủng hộ; đó đây, vẫn còn không ít ý kiến chưa đồng thuận, thậm chí trái chiều, bài xích, châm chính, xuyên tạc bản chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất đáng để chúng ta suy ngẫm, phải có biện pháp tăng cường xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân vào cuộc chiến đấu không nghỉ, không ngừng.

Gần đây, có ý kiến cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta là “cuộc đấu đá nội bộ”, là “cuộc thanh trừng”, loại trừ lẫn nhau giữa các “phe cánh”, “sự tranh giành quyền lực” giữa phe Đảng với các phe Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các “nhóm lợi ích” của phái miền Bắc, miền Trung và miền Nam” (!) Có ý kiến cho rằng “đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cái cớ để duy trì sự độc tôn, độc quyền, toàn trị của đảng cộng sản”, là “sự thắng thế của phe Đảng đối với phe Nhà nước”, v.v..

Ý kiến khác lại cho rằng “nếu Đảng quá tập trung vào đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm cho đội ngũ cán bộ “nhụt chí”, vì lo sợ “mất chức, mất quyền” nên “chùn chân, lùi bước”, không dám nghĩ, dám làm vì sợ trách nhiệm “sợ sai lầm trong quá khứ bị khui ra”, “lòi đôi tay nhúng chàm và cái đuôi tham nhũng trước đây”; vả lại, “làm nhiều thì khuyết điểm nhiều, lại không thể chia nhau lợi ích, nhận quà biếu xén” nên tạm “dừng tay, nghe ngóng, chờ thời”. Đây là nguyên nhân của sự trì trệ, “chậm giải ngân” trong thời gian qua; đã làm “chậm” sự phát triển của đất nước.

Một số ý kiến khác lại cho rằng giữa tham nhũng và tiêu cực không có liên hệ gì với nhau, vì “tham nhũng là tham nhũng”, “tiêu cực là tiêu cực”, mỗi loại có phạm vi, mức độ, đối tượng khác nhau; không thể cấy ghép hai thứ này vào với nhau “thành một phạm trù” để bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, tăng thêm quyền lực cho Tổng Bí thư, cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; làm như thế là phình to bộ máy, đưa “tay chân”, “cánh hẩu vào tổ chức này để tăng cường lực lượng, tạo uy thế so với các nhóm lợi ích đảng” và “bội chi ngân sách, tăng gánh nặng cho dân”.

Có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc bản chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với động cơ sai, dụng ý xấu; cho rằng tham nhũng, tham ô, nhũng nhiễu là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có. Đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, của “chế độ đảng cộng sản độc quyền, toàn trị”. Hơn nữa, “các quốc gia văn minh cũng tiến hành đấu tranh chống tham nhũng nhưng không đạt hiệu quả”.

Từ đó, họ cho rằng “tham nhũng là một phần tất yếu của cuộc sống”; “xã hội cần có nó để có dân chủ, các phe phái kiểm soát lẫn nhau, kiềm chế lẫn nhau”. Vì thế, không nhất thiết phải thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; không cần gán ghép “tham nhũng” với “tiêu cực”; không cần đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; không cần “chạy đôn chạy đáo” làm gì cho mệt sức, tốn công, tốn kém tiền thuế của dân; để công sức, tiền của làm việc khác, v.v..

 Xu thế tất yếu khách quan, không thể đảo ngược

Phải nói ngay rằng các ý kiến nêu trên là sai trái, tỏ rõ “thái độ coi thường Đảng, khinh nhờn pháp luật Nhà nước”, là sự phản ứng tiêu cực với cách nhìn phiến diện, một chiều, thiếu trách nhiệm, luôn “bàn lùi”, “phá ngang”, chẳng khác gì “những kẻ chọc gậy bánh xe”, “nhăm nhe phá đám”, là sự đồng lõa với các xấu, cái ác; cản trở tiến bộ xã hội; chống đối chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

 Những người này chỉ là số ít, phần lớn là những phần tử cơ hội, bất mãn, có thâm thù với chế độ; không thỏa mãn với sở thích, ý muốn của cá nhân nên đã theo đuôi bọn xấu; cố tình không hiểu hoặc không muốn thừa nhận quyết tâm chính trị của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là khi cuộc chiến đấu này do Đảng lãnh đạo đã trở thành phong trào, một xu thế không thể đảo ngược, phản ánh đúng “lòng dân, vận nước”; được đông đảo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân đồng tình, ủng hộ; được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

 Chúng ta cực lực phản đối các quan điểm sai trái, thái độ, hành vi, lời nói, phát ngôn thiếu trách nhiệm, luôn bài xích, kích động, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như phủ nhận sự cần thiết phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xuyên tạc vai trò, trách nhiệm của những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và người dân “đứng nơi đầu sóng, ngọn gió” và tự giác, tự nguyện tham gia cuộc chiến đấu này.

Người có lương tâm và liêm sỉ chắc chắn là không bao giờ chấp nhận, tha thứ cho những hành vi ăn cắp, ăn bớt, ăn chặn của công; lấy tiền tài, của cải, vật chất của tập thể để làm của riêng hoặc lợi dụng chức quyền đểo ép người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ, dưới nhiều hình thức… với động cơ không trong sáng; dùng những đồng tiền bất lương để tiêu xài, ăn chơi xa sỉ, làm giàu bất chính và cực lực phản đối các quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc bản chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng lãnh đạo.

Đặc biệt, sẽ là sai lầm nếu ai đó lợi dụng uy quyền, chức vụ đang nắm giữ để “rung chà cá nhảy”, “thả thính, quăng chài” nhằm vơ vét, làm giầu cho cá nhân, gia đình, ê kíp, lợi nhóm; sử dụng tiền, vàng có được để xây nhà lầu, “biệt thự, phủ chúa”, sắm xe hơi sang trọng, dùng đồ đắt tiền, cho con cháu đi du học nước ngoài với chi phí hàng trăm ngàn đô la mỗi năm, trong khi đất nước còn nghèo, dân còn khổ; đồng lương chỉ đủ sống… Chúng ta cần phải vạch mặt, chỉ tên những người tung tin xấu, độc; kiên quyết đưa “lũ sâu mọt” ra ánh sáng, phải nghiêm trị chúng theo đúng pháp luật Việt Nam…

Tham nhũng và tiêu cực dính chặt vào nhau, cùng tương tác, gây hại cho dân, cho nước. Tham nhũng và tiêu cực không phải là “hai lĩnh vực khác nhau” như một số người suy nghĩ “siêu hình”, viết bài, tung tin “bào chữa”, bênh vực cho hành vi sai trái ấy.So với “tham nhũng” thì “tiêu cực” có nghĩa rộng hơn, là những hành vi có liên quan đến tham nhũng; đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.Còn tham nhũng,đương nhiên là một loại hành vi tiêu cực nhưng do người có chức, có quyền thực hiện, là biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, vào hùa với nhau phá hoại công cuộc đổi mới đất nước.

Nguồn gốc sản sinh ra tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo  đức, lối  sống. Ở đây, tiêu cực là môi trường làm nảy  sinh tham nhũng và chính tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Nó giống như “một con đỉa hai vòi – một vòi là tham nhũng, vòi kia là tiêu cực”. Vì vậy, phòng, chống tiêu cực phải gắn chặt với phòng chống tham nhũng, phải chặt đứt cả hai vòi của con đỉa. Cần phải xác định cho rõ: phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là đặc biệt cần thiết vì nó là gốc của tham nhũng; không thể tách rời hai vấn đề trên. Vì lẽ đó, Đảng ta phải huy động sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, cả hệ thống chính trị để cùng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phản bác các quan điểm sai trái trong lĩnh vực này.

Đến nay, điều đáng mừng là “trên nóng dưới cũng nóng”, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân ngày càng được củng cố vững chắc bởi tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nhanh chóng đi vào hoạt động, đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ.

Sự thật nói lên tất cả; phẩm giá khẳng định niềm tin

Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai, không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai, hễ vướng vào tham nhũng và hành vi bao che cho nó cho dù nó có chạy trốn ở đâu cũng không thể thoát tội. Tính nhân văn, nhân đạo của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, là để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính nhằm thực hiện “bốn không”: “không thể” – “không dám” – “không muốn” – “không cần” tham nhũng, tiêu cực. Ai đó xuyên tạc bản chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “cuộc đấu đá nội bộ”, “thanh trừng lẫn nhau” là hết sức vô lý, không thể chấp nhận.

Có thể khẳng định các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hợp lòng dân, vận nước, đúng ý Đảng; là sự tự giác, tự tin cùng vào cuộc đấu tranh, thể hiện sự thống nhất cao về ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; biểu hiện đáng mừng nhất là trong công tác cán bộ; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, “thân quen”, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm” đã giảm hẳn; các luận điệu tuyên truyền sai trái về vấn đề này đã được người dân cảnh giác cao.

Luận điệu cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “cuộc đấu đá nội bộ”, “thanh trừng lẫn nhau” là vu cáo, xuyên tạc sự thật. Nếu như có hiện tượng ấy thì làm sao lòng dân, vận nước hưng thịnh, nhân dân ta có được sự đoàn kết, thống nhất như hôm nay; làm sao nước ta có được cơ ngơi, tiền đồ, tiềm lực, uy tín, vị thế quốc tế như bây giờ.

Hãy nhìn lại tất cả các vụ xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự của Nhà nước trong hơn 10 năm qua đều đã cho thấy rõ quyết tâm, nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta mạnh mẽ biết dường nào. Đảng ta đã nói là làm; nói được, làm được. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là tuyên ngôn mà trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế. Hãy xem xét kỹ các số liệu, tài liệu về kết quả 10 năm kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam (2013-2023) có thể khẳng định chân lý. Sự thật nói lên tất cả; phẩm giá khẳng định niềm tin; uy tín, danh dự người đảng viên là điều thiêng liêng nhất. Các luận điệu sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thất bại; không thể ngăn bước, cản đường chúng ta đi tới (!).

 

26/2/23

Bản chất của chiêu bài “nhân quyền cao hơn chủ quyền”

          Không có độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia thì không thể có nhân quyền một cách đầy đủ trọn vẹn

Nhân quyền và chủ quyền quốc gia dân tộc, tuy là hai vấn đề khác nhau nhưng lại là có liên quan chặt chẽ với nhau trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở mỗi quốc gia dân tộc. 

Vậy nhân quyền có thực sự cao hơn chủ quyền hay không? Và chúng ta cần nhìn nhận về vấn đề này như thế nào là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Dũng Chí, nguyên Viện trưởng Viện Quyền con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). 

PVThưa ông, luận thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền” được Mỹ và các quốc gia phương Tây khởi xướng từ sau chiến tranh lạnh. Đây là vấn đề tuy không mới nhưng nó vẫn đang gây nên nhiều tranh cãi, bàn luận. Vậy theo ông, chúng ta cần nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

PGS, TS Đặng Dũng Chí: Có thể nói, vấn đề “nhân quyền cao hơn chủ quyền” là luận điểm không mới. Vấn đề này xuất hiện rất sớm, kể từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Và đặc biệt, nó được rộ lên bắt đầu từ cuối năm 50 của thế kỷ 20, khi các chính trị gia Mỹ hiểu rằng, họ không thể giành chiến thắng trước các thế hệ lãnh đạo và người dân đã được thử thách qua chiến tranh, mà phải tấn công vào nhận thức của lớp trẻ, thông qua dân chủ, nhân quyền.

Có thể nói, cơ sở của luận điểm này, đó là tính phổ quát của nhân quyền, và một quy định rất quan trọng trong quy định nhân quyền quốc tế, đó là khuyến khích sự hợp tác của các quốc gia trong việc thúc đẩy nhân quyền. Bản chất của luận điểm này là tuyệt đối hóa vấn đề nhân quyền, coi nhân quyền là giá trị cao nhất, các giá trị khác phải nhường bước cho việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.

PVVậy, những người khởi xướng quan điểm này, không đơn thuần là để so sánh quyền con người với chủ quyền của một quốc gia, hẳn là có ý đồ, thưa ông?

PGS, TS Đặng Dũng Chí: Như đã nói ở trên, luận điểm này được nêu ra và luôn luôn được khuyến khích bởi mưu đồ chính trị rất rõ. Các nước luôn cổ vũ cho luận điểm này là nhằm thay đổi chế độ chính trị tại các nước xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn các nước độc lập dân tộc đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, ngăn chặn tiến trình của các nước độc lập mà không theo chỉ huy, chỉ đạo của phương Tây. Vấn đề nhân quyền, bản chất nó là vấn đề đạo đức, thế nhưng do bị chính trị hóa nên nó làm cho câu chuyện nhân quyền trở nên phức tạp.

PVNhư ông vừa phân tích, bản chất của luận điểm này là họ tuyệt đối hóa vấn đề nhân quyền, coi nhân quyền là một giá trị cao nhất. Nhưng rõ ràng khi một quốc gia dân tộc bị mất chủ quyền, thì quyền con người cũng sẽ không được bảo đảm?

PGS, TS Đặng Dũng Chí: Đúng như thế, lịch sử Việt Nam và các nước đã trải qua quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, đều hiểu sâu sắc rằng, không có độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia thì không thể có nhân quyền một cách đầy đủ trọn vẹn. Ngày nay, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia còn là việc các quốc gia không bị chi phối bởi các định chế kinh tế, tài chính toàn cầu và không bị cuốn vào cuộc chơi của các nước lớn. Thực tế, gần đây cho thấy, ở các nước Trung Đông, gần đây nhất là Syria, khi chủ quyền quốc gia không được giữ vững thì các quyền con người không những không được đảm bảo mà còn dẫn đến những thảm họa về nhân quyền. Chúng ta đã thấy những dòng người di tản đi khắp nơi trên thế giới. Đấy là câu chuyện cho thấy khi chủ quyền quốc gia không đảm bảo thì các quyền con người nó sẽ ra sao.

Phản ánh sai lệch nhân quyền ở Việt Nam là cách làm không đàng hoàng

PVHàng năm, một số quốc gia, tổ chức luôn có những báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, trong đó có nhiều thông tin phản ánh sai lệch thực tế vấn đề dân chủ, nhân quyền của chúng ta. Ông có thể cho biết, tại sao họ lại luôn cố ý áp đặt và có cái nhìn sai lệch đối với Việt Nam?

PGS, TS Đặng Dũng Chí: Kể từ khi các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các nước phương Tây giành được thế thượng phong trong tất cả các vấn đề toàn cầu, trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền. Chính vì thế họ khuyến khích, thúc đẩy luận điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền”. Họ luôn tố cáo Việt Nam không đảm bảo đầy đủ về nhân quyền. Đây là một động cơ chính trị rất rõ, nhằm gây mất ổn định chính trị xã hội ở Việt Nam và làm giảm uy tín của Việt Nam trong dư luận quốc tế. Mục đích cuối cùng của họ là thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam. Đó là chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang lựa chọn. Có thể nói, đây là một thái độ không đúng đắn, không đàng hoàng. Họ sử dụng cái gọi là tiêu chuẩn kép áp đặt với những nước đi theo xã hội chủ nghĩa như Việt Nam.

PVQuyền dân tộc tự quyết được thừa nhận là nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện nay. Và tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết, tự do quyết định thể chế chính trị của mình. Như vậy, việc lợi dụng nhân quyền để can thiệp vào chủ quyền quốc gia của nước khác là vi phạm luật pháp quốc tế, thưa ông?

PGS, TS Đặng Dũng Chí: Đúng như vậy, quyền tự quyết dân tộc, trong đó có chủ quyền quốc gia là một giá trị lớn, một giá trị cực kỳ thiêng liêng. Bởi nó là kết quả đấu tranh của các dân tộc khẳng định quyền của mình trong cộng đồng quốc tế và được luật pháp quốc tế thừa nhận một cách rộng rãi. Có thể nói rằng, quyền tự quyết dân tộc đã được xác lập một cách vững chắc trong luật quốc tế và chính Luật Nhân quyền quốc tế cũng ghi nhận rất rõ quyền tự quyết dân tộc, coi đó như một điều kiện không thế thiếu được của quyền con người. Tại tuyên bố Vien của Chương trình hành động năm 1993 đã khẳng định: Việc khước từ quyền tự quyết dân tộc là vi phạm quyền con người. Chính vì thế, việc sử dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc của các nước khác, trong đó có Việt Nam, đấy chính là vi phạm nhân quyền, đồng thời cũng là vi phạm luật pháp quốc tế.

PVVâng, xin cảm ơn ông./.

Trường Giang/Phát thanh Quân độ

 

Giải pháp chủ động đẩy lùi tình trạng xuất cảnh lao động trái phép

 

Tạo cơ hội việc làm cho công dân xuất lao động nước ngoài trở về địa phương - giải pháp chủ động đẩy lùi tình trạng xuất cảnh lao động trái phép

Cùng với các giải pháp tuyên truyền, vận động và tăng cường quản lý nhà nước, Công an tỉnh Thanh Hóa đang tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, từ đó góp phần đẩy lùi nạn xuất cảnh trái phép.

Công an Thanh Hóa đã hỗ trợ nhiều người từng đi xuất cảnh trái phép, hoặc có ý định xuất cảnh trái phép, tìm được công việc với thu nhập ổn định ngay tại quê nhà. Nhiều người được hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để đi xuất khẩu lao động.

Khi có việc làm và thu nhập ổn định, sẽ ít có ai muốn rời xa quê nhà, xa những người thân trong gia đình để phải đối diện với những rủi ro chưa thể lường trước khi mưu sinh bất hợp pháp ở xứ người.

Trung tá Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Công an tỉnh Thanh Hóa xác định giải quyết việc làm là giải pháp hiệu quả để đẩy lùi xuất cảnh trái phép nên đã chỉ đạo Công an các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tạo việc làm, hỗ trợ để những người từng xuất cảnh trái phép hoặc có ý định xuất cảnh trái phép có việc làm, thu nhập".

Qua nắm tình hình các địa phương của Công an tỉnh, sau Tết, trên địa bàn tỉnh có 69 doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 28 nghìn lao động. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng và đào tạo lao động chưa có tay nghề. Điều này cho thấy, cơ hội việc làm với thu nhập ổn định ngay tại Thanh Hóa là rất cao, nhưng do các nguyên nhân khác nhau nên nhiều người chưa tiếp cận được với những cơ hội này.

Do vậy, sự chủ động hướng dẫn, hỗ trợ của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong việc kết nối việc làm mang lại hiệu quả rất thiết thực. Từ cuối năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa phát hiện trường hợp công dân xuất cảnh trái phép đi làm việc ở nước ngoài.

 

24/2/23

Đừng để thông tin chính thống… đi sau

         Nếu không kịp thời cung cấp thông tin chính thống, chủ động định hướng dư luận thì sự nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng và đời sống xã hội sẽ mang đến nhiều hệ lụy khó lường.

Thế nhưng, làm gì để minh bạch thông tin chính thống? Làm gì để cung cấp thông tin chính thống một cách chủ động, kịp thời, hiệu quả?… là những câu hỏi khó, cần sớm có lời giải và quyết liệt thực hiện.

Sự “gà mờ” thông tin và hệ lụy

Gần đây, một số ý kiến cho rằng “lẽ nào lực lượng thù địch đã cài cắm vào nội bộ ta?”; vì sao bọn phản động lại nắm được một số thông tin “thâm cung, bí sử” khi người dân vẫn chưa biết, chưa tỏ. Kẻ thù đã tiến hành những thủ đoạn gì để “đi guốc” trong lòng tổ chức?… Hàng loạt hoài nghi như thế xem ra cũng có tính hợp lý theo một phương diện nào đó. Bởi lẽ, sau nhiều thông tin mà thế lực thù địch tung ra trước đó, thì lại xuất hiện trong đời sống chính trị đất nước.

Xin khẳng định ngay rằng: Thực chất đây là những thông tin với hàm ý xấu. Có nghĩa, trong hàng nghìn, hàng triệu thông tin nhiễu loạn trên không gian mạng thì cũng có một số thông tin đoán mò và đúng. Vấn đề đáng bàn là chính cán bộ, đảng viên, quần chúng chưa cập nhật đầy đủ thông tin, chưa nhận rõ hình hài chiêu trò mà kẻ thù ngụy tạo, rồi sinh ra sự tin tưởng mù quáng. Sự thật là, khi tung tin thất thiệt, các lực lượng chống phá chủ ý vứt bừa lên không gian mạng với vô số phương án, câu chuyện vô căn cứ; chúng cố tình nhào nặn, giả định theo nhiều chiều hoặc đối ngược, hòng trông đợi: Nếu thông tin này không đúng thì có thông tin khác mang dáng vẻ của sự thuyết phục, rồi từ đó cấy ghép thêm tin giả, chi tiết bịa đặt nhằm chèo lái, gây nhiễu loạn dư luận. Ví như, vấn đề nhân sự của một cơ quan nào đó, phương án quy hoạch rõ mười mươi là một vài nhân sự cụ thể. Rõ là như thế nên chúng bịa ra nhiều tin đồn khác nhau: Tin thì đồng chí A sẽ nhậm chức, tin khác lại cho rằng đồng chí B sẽ xoắn ghế, tin khác nữa là đồng chí C được nâng đỡ, đấu đá nên ắt thành công… Cuối cùng, thể nào cũng có một tin được cho là đúng, hòng mục đích mị dân, bôi nhọ, chia rẽ đoàn kết nội bộ tổ chức.

Trong khi, dưới góc độ khoa học tâm lý, người được tiếp nhận thông tin, khi cảm thấy có cái đúng thì thường ghi nhớ khá bền vững, tưởng rằng đó là thông tin thuyết phục, có tính xây dựng, rồi hồn nhiên cổ xúy, ủng hộ. Phần đông các đối tượng tiếp nhận thông tin không hề biết, hoặc quên đi hàng loạt thông tin sai lệch, bịa đặt, quy chụp do những kẻ hiềm khích chủ ý tạo dựng nên.

Nói như vậy để thấy, hệ lụy tiếp nhận thông tin theo kiểu không thể phân biệt thật-giả, đúng-sai là do chính cán bộ và quần chúng vô tình phạm phải. Nếu mỗi người thật sự có lập trường chính trị vững vàng, có niềm tin vào cái đúng tất yếu, thì đương nhiên mọi thông tin được cấy ghép dù tinh vi cũng sẽ bị miễn trừ bởi tính mục đích xấu xa của nó. Và rồi, sẽ không còn nữa hiện tượng a dua, likes, share, comment thể hiện chính kiến một cách “gà mờ”, dại dột…

Ví như, một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nảy sinh điểm nóng trên không gian mạng và hình thành đám đông quấy rối trật tự xã hội ở tỉnh Bình Thuận và một số địa phương trong năm 2018 là bởi người dân chưa có đầy đủ thông tin chính thống; chưa được định hướng từ sớm và rõ ràng về vị trí, ý nghĩa, tinh thần, nội dung và tính đúng đắn của Dự luật đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt và Dự luật An ninh mạng được Quốc hội bàn thảo vào thời điểm đó.Viện dẫn như vậy để khẳng định: Rõ ràng, nguyên nhân của hiện tượng “gà mờ” thông tin trước hết thuộc về phía chủ quan-đối tượng tiếp nhận. Thế nhưng, nguyên nhân khách quan là bởi việc cung cấp, định hướng thông tin chính thống của các cơ quan chức năng vẫn còn không ít vấn đề đáng bàn; nhất là việc chậm trễ trong cung cấp thông tin hoặc cố tình giấu giếm thông tin chính thống.

Thực tế đó vô hình trung đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, bóp méo sự thật, gây hoang mang trong cộng đồng. Kết quả khảo sát đối với đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn Bình Thuận cho thấy: Vì không được thông tin kịp thời về hai dự luật nên khi trong dư luận bắt đầu có những biểu hiện tâm lý tò mò, muốn tìm hiểu về các dự luật thì cán bộ và những người có thẩm quyền không biết cách giải thích, giải quyết một cách thỏa đáng, thuyết phục. Cộng thêm những phát ngôn thiếu nhãn quan chính trị, thiếu tinh thần xây dựng của một vài cá nhân cực đoan; sự kích động, chống phá… đã khởi tạo nên dư luận xã hội tiêu cực. Bài học sâu sắc này đã được các cơ quan Trung ương nghiêm túc rút kinh nghiệm và phổ biến rộng rãi đến các địa phương. Có nghĩa, khi đề ra chủ trương, chính sách lớn, những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến lợi ích người dân… thì công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng, khoa học; trong đó, nhất thiết phải xây dựng kế hoạch cho việc chủ động công khai thông tin minh bạch, chính thống về vấn đề được đề cập.

Như vậy, chính việc không cung cấp hoặc chưa cung cấp kịp thời thông tin chính thống đã dẫn đến tình trạng “gà mờ” thông tin ở một bộ phận cán bộ, quần chúng. Chẳng hạn, cách đây hơn 6 năm, Hà Nội triển khai việc đánh chuyển, di dời, chặt hạ hơn 1.300 cây xanh hai bên đường Phạm Văn Đồng phục vụ dự án mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long. Đây là chủ trương đúng, vì lợi ích chung, vậy mà chính sự thiếu thốn thông tin chính thống đã khiến một bộ phận cán bộ, quần chúng đặt điều, nghi hoặc, khiến cho dư luận một phen dậy sóng? Rồi còn nữa là hàng loạt vấn đề, sự việc dù lớn hay nhỏ, dù trong nước hay ngoài nước, nhưng do thiếu thông tin chính thống là một nguyên nhân gây nên nhiều biểu hiện tâm lý cộng đồng có tính chất cực đoan; ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội và phần nào bào mòn niềm tin của quần chúng. Cùng với đó là những tổn thất về mặt kinh tế, gây mất trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị; ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và đội ngũ cán bộ.

Dùng chính thống “khắc chế” nhiễu loạn

Tất nhiên, giữa biển thông tin nhiễu loạn trong điều kiện xã hội số như hiện nay, việc dẫn dắt, định hướng thông tin dư luận xã hội là vấn đề không hề đơn giản. Bởi thông tin đúng-sai, thật-giả có giới hạn rất mỏng manh, thậm chí là dễ trà trộn, khó đối chứng, kiểm định. Có thông tin đúng lại bị dư luận nghi hoặc, nhưng cũng có thông tin sai lại được cộng đồng tiếp nhận, bày tỏ sự ủng hộ, đồng thuận. Trong thời gian qua, báo chí cách mạng dù khẳng định tốt chức năng, nhiệm vụ, hoạt động tích cực, có nhiều sáng tạo, đổi mới trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, nhưng chưa thể bắt kịp với tốc độ lan truyền thông tin trên không gian mạng. Nói cách khác, thông tin báo chí dù đúng đắn, chính thống là một dòng chảy thông tin chủ lực nhưng trong tổng thể các trào lưu, xu hướng thông tin đa chiều, khổng lồ, rộng khắp, nhiều khi lại chưa thật sự hấp dẫn. Do vậy, phát huy vai trò báo chí là một phương thức-một kênh quan trọng tham gia vào việc cung cấp, định hướng thông tin, cần phải đạt được mục tiêu dẫn dắt, định hướng cho nhận thức và hành động của toàn xã hội.

Theo nhiều chuyên gia xã hội học, vấn đề cốt tử ở đây nằm ở phía cơ quan chức năng có trách nhiệm phát ngôn và định hướng dư luận. Nghĩa rằng, những vấn đề nhạy cảm, thiết yếu, liên quan đến quốc kế, dân sinh, lợi ích cộng đồng, vấn đề xã hội quan tâm… thì rất cần phải có những phát ngôn chủ động, kịp thời, đúng lúc, minh bạch cung cấp thông tin chính thống cho nhân dân. Cùng với đó, khi xuất hiện nhiều luồng thông tin khác nhau, nảy nở tin đồn, hình thành dư luận tiêu cực thì những phát ngôn chính thống sẽ có sức mạnh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhiễu loạn thông tin. Ví như, dư luận bàn về tình trạng sức khỏe của một cán bộ cấp cao đang lâm trọng bệnh, thì cơ quan thẩm quyền cần sớm công khai rõ ràng, đúng đắn về sự việc ấy. Một khi có thông tin đúng, kịp thời, công khai rộng rãi thì sự hoài nghi sẽ bị khắc chế, không để kéo dài phức tạp. Hay như những tin đồn về việc cán bộ này, quan chức nọ rơi vào tiêu cực, nhũng nhiễu dân… thì cơ quan chức năng sẽ dập tắt được tin đồn khi và chỉ khi chủ động, thẳng thắn công khai thông tin về cán bộ ấy một cách thuyết phục.

Thực tế cho thấy, sở dĩ ở nhiều thời điểm, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương việc phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống chưa được tiến hành kịp thời là bởi, những người phát ngôn ở các cơ quan công quyền hiện nay đều là kiêm nhiệm; chưa có bộ phận phát ngôn chuyên nghiệp. Thậm chí, trước nhiều thông tin, sự kiện, sự việc khác nhau, ai cũng có thể phát ngôn-cung cấp thông tin một cách tự phát. Có khi, việc phát ngôn còn nặng cảm tính, thiếu nhãn quan chính trị, thiếu độ chính xác hoặc bị mâu thuẫn với nhau… càng khiến thông tin rối ren, nhiễu loạn. Trong khi, kỹ năng của những người có trách nhiệm phát ngôn vẫn còn nhiều mặt hạn chế; khả năng và điều kiện thu thập, tổng hợp thông tin chưa đầy đủ, nắm bắt vấn đề chưa chắc chắn… dẫn đến thông tin dễ bị hiểu nhầm.

Hơn thế, một số tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phát ngôn, nhưng do nhiều nguyên nhân lại sinh ra biểu hiện “sợ chết vì cái miệng” nên chọn cách “im lặng là vàng”. Lại có nơi, vì một vài sai phạm nội bộ nên cố tình lấp liếm, giấu giếm khuyết điểm, không dám thẳng thừng phát ngôn, cung cấp thông tin chính xác đến với công chúng, dư luận… Sự im lặng không phải là phương cách hữu hiệu để xoa dịu dư luận mà ngược lại, điều đó còn nhen nhóm mầm mống cho sự nảy sinh tin đồn thất thiệt, suy diễn dẫn đến khó kiểm soát tâm trạng xã hội. Đến khi, ngọn lửa tiêu cực đã bùng cháy, dư luận rơi vào trạng thái bức xúc, thì giới chức năng mới hớt hải đi tháo gỡ, giải quyết theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Vấn đề đặt ra là phải trao quyền và gắn trách nhiệm đối với những người có trách nhiệm phát ngôn ở mỗi cơ quan. Phần việc này sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta xây dựng được một quy trình phát ngôn có hệ thống, hoạt động chuyên nghiệp, được bồi dưỡng về chuyên môn, có kỹ năng, kinh nghiệm xử lý, ứng phó trước các vấn đề, sự cố thông tin. Nên nhớ rằng: Thông tin chính thống đưa càng chậm, sự thật càng dễ bị xuyên tạc; thông tin chính thống càng lấp liếm, giấu giếm thì thông tin giả, thông tin bịa đặt càng có đất đua nhau nảy nở, làm vấy bẩn dư luận.

Vậy nên, việc trước mắt là phải thống nhất nhận thức ở mọi cấp, mọi ngành, nhất là những người đứng đầu, những người có thẩm quyền phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống. Dù thông tin được công khai có ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, sự nghiệp chính trị của một vài cá nhân thì nhất thiết phải sớm cung cấp một cách đầy đủ đến đời sống xã hội. Miễn là thông tin chính thống-miễn đó là đúng sự thật thì dù nội dung có cực đoan, tiêu cực hay xấu xí thì quần chúng cũng sẽ tiếp nhận bằng sự trân trọng, chia sẻ, cảm thông. Bằng không, “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra” và hậu quả, hệ lụy thì đã được phơi bày ra nhãn tiền. Đó là việc kẻ thù được dịp “đục nước béo cò”, lợi dụng chống phá sự nghiệp cách mạng. Đó là việc đời sống tinh thần xã hội gặp những bất an, rủi ro, nảy sinh tiêu cực. Đặc biệt là việc quần chúng sẽ dần mất niềm tin đối với tổ chức đảng, bộ máy cầm quyền và đội ngũ cán bộ… Những hệ quả ấy chắc chắn sẽ rất nguy hại và thật sự đau lòng. Vì vậy, chủ động cung cấp thông tin chính thống là việc cần thiết và cấp thiết.

 

Hà Nội phát động Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3

              Việc tổ chức Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 là việc làm cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt trong giai đoạn hiện nay đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung.

Sáng 23/2, Thành ủy Hà Nội tổ chức Lễ phát động Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 – năm 2023 trên địa bàn thành phố.

Tham dự Lễ phát động có các đồng chí: Lê Đức Cảnh, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo 35 thành phố Hà Nội…

Phát biểu phát động cuộc thi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định: Với vị trí là Thủ đô, Hà Nội nhận thức rất rõ về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhất là trong tình hình mới với nhiều diễn biến phức tạp. Là trung tâm đầu não chính trị của cả nước, Hà Nội đặc biệt coi trọng, quan tâm từ những vấn đề cơ bản, trọng tâm đến những vấn đề nổi cộm trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.

Việc tổ chức Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 là việc làm cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt trong giai đoạn hiện nay đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung. Từ đó, tạo ra sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động triển khai có hiệu quả Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị, ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” từ Trung ương đến cơ sở…

Với mong muốn những giá trị thu được từ cuộc thi không chỉ dừng lại hiệu quả tuyên truyền mà còn là tiền đề gợi mở những đóng góp quan trọng trong tổng kết thực tiễn, bổ sung ký luận để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô theo hướng bền vững. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đề nghị: Các cấp ủy đảng, các cơ quan, ban ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội từ thành phố đến cơ sở tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền triển khai hưởng ứng cuộc thi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân ở địa phương, đơn vị, ngành mình. Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền, thông tin rộng rãi về cuộc thi tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân; Tích cực cổ vũ, phản ánh tình hình, kết quả cuộc thi và kịp thời biểu dương những cá nhân, đơn vị triển khai thực hiện tốt…

Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 trên địa bàn TP Hà Nội được tổ chức từ tháng 2/2023 đến tháng 8/2023 với 2 vòng Sơ khảo và Chung khảo. Đối tượng dự thi là: Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô và cả người nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố.

Tác phẩm dự thi là tác phẩm chính luận bằng tiếng Việt (tiếng dân tộc hoặc tiếng nước ngoài được dịch ra tiếng Việt); là tác phẩm sáng tạo lần đầu, chưa được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội trước thời điểm phát động Cuộc thi.

Các tác phẩm dạng viết phải bảo đảm tỷ lệ không trùng lặp theo quy định. Không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm gửi tham gia dự thi. Tác giả/nhóm tác giả hoặc cơ quan liên quan không sử dụng tác phẩm tham gia cuộc thi này để tham gia các cuộc thi khác.

Mỗi tác giả/nhóm tác giả được gửi tối đa 2 tác phẩm dự thi gồm: 1 bài viết chính luận loại hình Tạp chí (Tạp chí in hoặc Tạp chí điện tử) và 1 bài viết chính luận loại hình Báo (Báo in hoặc Báo điện tử). Mỗi bài viết gửi dự thi gồm bản in (khổ A4) và file mềm (định dạng Microsoft Word).

Với tác phẩm dạng báo nói/báo hình/video clip, mỗi tác giả/nhóm tác giả được gửi tối đa 3 tác phẩm dự thi: 1 tác phẩm loại hình báo nói (phát thanh); 1 tác phẩm loại hình báo hình (truyền hình) và 01 tác phẩm loại hình video clip. Mỗi tác phẩm dự thi gồm file âm thanh/hình ảnh và bản in kịch bản văn học (khổ A4, định dạng Microsoft Word).

Chủ đề dự thi gồm 3 nhóm chính: Bảo vệ, vận dụng và phát triển chủ nghĩa chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Bảo vệ, lan tỏa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay; Nhận diện và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ; Thực tiễn, kinh nghiệm tổ chức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính khoa học, tính Đảng, tính chiến đấu, tính định hướng, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, có phát hiện mới; khuyến khích các tác phẩm bảo vệ những nguyên lý cơ bản, những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; đề xuất bổ sung, phát triển lý luận, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật; những sản phẩm “bút chiến”…

 

23/2/23

Đừng để thông tin chính thống… đi sau

         Nếu không kịp thời cung cấp thông tin chính thống, chủ động định hướng dư luận thì sự nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng và đời sống xã hội sẽ mang đến nhiều hệ lụy khó lường.

Thế nhưng, làm gì để minh bạch thông tin chính thống? Làm gì để cung cấp thông tin chính thống một cách chủ động, kịp thời, hiệu quả?… là những câu hỏi khó, cần sớm có lời giải và quyết liệt thực hiện.

Sự “gà mờ” thông tin và hệ lụy

Gần đây, một số ý kiến cho rằng “lẽ nào lực lượng thù địch đã cài cắm vào nội bộ ta?”; vì sao bọn phản động lại nắm được một số thông tin “thâm cung, bí sử” khi người dân vẫn chưa biết, chưa tỏ. Kẻ thù đã tiến hành những thủ đoạn gì để “đi guốc” trong lòng tổ chức?… Hàng loạt hoài nghi như thế xem ra cũng có tính hợp lý theo một phương diện nào đó. Bởi lẽ, sau nhiều thông tin mà thế lực thù địch tung ra trước đó, thì lại xuất hiện trong đời sống chính trị đất nước.

Xin khẳng định ngay rằng: Thực chất đây là những thông tin với hàm ý xấu. Có nghĩa, trong hàng nghìn, hàng triệu thông tin nhiễu loạn trên không gian mạng thì cũng có một số thông tin đoán mò và đúng. Vấn đề đáng bàn là chính cán bộ, đảng viên, quần chúng chưa cập nhật đầy đủ thông tin, chưa nhận rõ hình hài chiêu trò mà kẻ thù ngụy tạo, rồi sinh ra sự tin tưởng mù quáng. Sự thật là, khi tung tin thất thiệt, các lực lượng chống phá chủ ý vứt bừa lên không gian mạng với vô số phương án, câu chuyện vô căn cứ; chúng cố tình nhào nặn, giả định theo nhiều chiều hoặc đối ngược, hòng trông đợi: Nếu thông tin này không đúng thì có thông tin khác mang dáng vẻ của sự thuyết phục, rồi từ đó cấy ghép thêm tin giả, chi tiết bịa đặt nhằm chèo lái, gây nhiễu loạn dư luận. Ví như, vấn đề nhân sự của một cơ quan nào đó, phương án quy hoạch rõ mười mươi là một vài nhân sự cụ thể. Rõ là như thế nên chúng bịa ra nhiều tin đồn khác nhau: Tin thì đồng chí A sẽ nhậm chức, tin khác lại cho rằng đồng chí B sẽ xoắn ghế, tin khác nữa là đồng chí C được nâng đỡ, đấu đá nên ắt thành công… Cuối cùng, thể nào cũng có một tin được cho là đúng, hòng mục đích mị dân, bôi nhọ, chia rẽ đoàn kết nội bộ tổ chức.

Trong khi, dưới góc độ khoa học tâm lý, người được tiếp nhận thông tin, khi cảm thấy có cái đúng thì thường ghi nhớ khá bền vững, tưởng rằng đó là thông tin thuyết phục, có tính xây dựng, rồi hồn nhiên cổ xúy, ủng hộ. Phần đông các đối tượng tiếp nhận thông tin không hề biết, hoặc quên đi hàng loạt thông tin sai lệch, bịa đặt, quy chụp do những kẻ hiềm khích chủ ý tạo dựng nên.

Nói như vậy để thấy, hệ lụy tiếp nhận thông tin theo kiểu không thể phân biệt thật-giả, đúng-sai là do chính cán bộ và quần chúng vô tình phạm phải. Nếu mỗi người thật sự có lập trường chính trị vững vàng, có niềm tin vào cái đúng tất yếu, thì đương nhiên mọi thông tin được cấy ghép dù tinh vi cũng sẽ bị miễn trừ bởi tính mục đích xấu xa của nó. Và rồi, sẽ không còn nữa hiện tượng a dua, likes, share, comment thể hiện chính kiến một cách “gà mờ”, dại dột…

Ví như, một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nảy sinh điểm nóng trên không gian mạng và hình thành đám đông quấy rối trật tự xã hội ở tỉnh Bình Thuận và một số địa phương trong năm 2018 là bởi người dân chưa có đầy đủ thông tin chính thống; chưa được định hướng từ sớm và rõ ràng về vị trí, ý nghĩa, tinh thần, nội dung và tính đúng đắn của Dự luật đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt và Dự luật An ninh mạng được Quốc hội bàn thảo vào thời điểm đó.Viện dẫn như vậy để khẳng định: Rõ ràng, nguyên nhân của hiện tượng “gà mờ” thông tin trước hết thuộc về phía chủ quan-đối tượng tiếp nhận. Thế nhưng, nguyên nhân khách quan là bởi việc cung cấp, định hướng thông tin chính thống của các cơ quan chức năng vẫn còn không ít vấn đề đáng bàn; nhất là việc chậm trễ trong cung cấp thông tin hoặc cố tình giấu giếm thông tin chính thống.

Thực tế đó vô hình trung đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, bóp méo sự thật, gây hoang mang trong cộng đồng. Kết quả khảo sát đối với đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn Bình Thuận cho thấy: Vì không được thông tin kịp thời về hai dự luật nên khi trong dư luận bắt đầu có những biểu hiện tâm lý tò mò, muốn tìm hiểu về các dự luật thì cán bộ và những người có thẩm quyền không biết cách giải thích, giải quyết một cách thỏa đáng, thuyết phục. Cộng thêm những phát ngôn thiếu nhãn quan chính trị, thiếu tinh thần xây dựng của một vài cá nhân cực đoan; sự kích động, chống phá… đã khởi tạo nên dư luận xã hội tiêu cực. Bài học sâu sắc này đã được các cơ quan Trung ương nghiêm túc rút kinh nghiệm và phổ biến rộng rãi đến các địa phương. Có nghĩa, khi đề ra chủ trương, chính sách lớn, những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến lợi ích người dân… thì công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng, khoa học; trong đó, nhất thiết phải xây dựng kế hoạch cho việc chủ động công khai thông tin minh bạch, chính thống về vấn đề được đề cập.

Như vậy, chính việc không cung cấp hoặc chưa cung cấp kịp thời thông tin chính thống đã dẫn đến tình trạng “gà mờ” thông tin ở một bộ phận cán bộ, quần chúng. Chẳng hạn, cách đây hơn 6 năm, Hà Nội triển khai việc đánh chuyển, di dời, chặt hạ hơn 1.300 cây xanh hai bên đường Phạm Văn Đồng phục vụ dự án mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long. Đây là chủ trương đúng, vì lợi ích chung, vậy mà chính sự thiếu thốn thông tin chính thống đã khiến một bộ phận cán bộ, quần chúng đặt điều, nghi hoặc, khiến cho dư luận một phen dậy sóng? Rồi còn nữa là hàng loạt vấn đề, sự việc dù lớn hay nhỏ, dù trong nước hay ngoài nước, nhưng do thiếu thông tin chính thống là một nguyên nhân gây nên nhiều biểu hiện tâm lý cộng đồng có tính chất cực đoan; ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội và phần nào bào mòn niềm tin của quần chúng. Cùng với đó là những tổn thất về mặt kinh tế, gây mất trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị; ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và đội ngũ cán bộ.

Dùng chính thống “khắc chế” nhiễu loạn

Tất nhiên, giữa biển thông tin nhiễu loạn trong điều kiện xã hội số như hiện nay, việc dẫn dắt, định hướng thông tin dư luận xã hội là vấn đề không hề đơn giản. Bởi thông tin đúng-sai, thật-giả có giới hạn rất mỏng manh, thậm chí là dễ trà trộn, khó đối chứng, kiểm định. Có thông tin đúng lại bị dư luận nghi hoặc, nhưng cũng có thông tin sai lại được cộng đồng tiếp nhận, bày tỏ sự ủng hộ, đồng thuận. Trong thời gian qua, báo chí cách mạng dù khẳng định tốt chức năng, nhiệm vụ, hoạt động tích cực, có nhiều sáng tạo, đổi mới trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, nhưng chưa thể bắt kịp với tốc độ lan truyền thông tin trên không gian mạng. Nói cách khác, thông tin báo chí dù đúng đắn, chính thống là một dòng chảy thông tin chủ lực nhưng trong tổng thể các trào lưu, xu hướng thông tin đa chiều, khổng lồ, rộng khắp, nhiều khi lại chưa thật sự hấp dẫn. Do vậy, phát huy vai trò báo chí là một phương thức-một kênh quan trọng tham gia vào việc cung cấp, định hướng thông tin, cần phải đạt được mục tiêu dẫn dắt, định hướng cho nhận thức và hành động của toàn xã hội.

Theo nhiều chuyên gia xã hội học, vấn đề cốt tử ở đây nằm ở phía cơ quan chức năng có trách nhiệm phát ngôn và định hướng dư luận. Nghĩa rằng, những vấn đề nhạy cảm, thiết yếu, liên quan đến quốc kế, dân sinh, lợi ích cộng đồng, vấn đề xã hội quan tâm… thì rất cần phải có những phát ngôn chủ động, kịp thời, đúng lúc, minh bạch cung cấp thông tin chính thống cho nhân dân. Cùng với đó, khi xuất hiện nhiều luồng thông tin khác nhau, nảy nở tin đồn, hình thành dư luận tiêu cực thì những phát ngôn chính thống sẽ có sức mạnh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhiễu loạn thông tin. Ví như, dư luận bàn về tình trạng sức khỏe của một cán bộ cấp cao đang lâm trọng bệnh, thì cơ quan thẩm quyền cần sớm công khai rõ ràng, đúng đắn về sự việc ấy. Một khi có thông tin đúng, kịp thời, công khai rộng rãi thì sự hoài nghi sẽ bị khắc chế, không để kéo dài phức tạp. Hay như những tin đồn về việc cán bộ này, quan chức nọ rơi vào tiêu cực, nhũng nhiễu dân… thì cơ quan chức năng sẽ dập tắt được tin đồn khi và chỉ khi chủ động, thẳng thắn công khai thông tin về cán bộ ấy một cách thuyết phục.

Thực tế cho thấy, sở dĩ ở nhiều thời điểm, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương việc phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống chưa được tiến hành kịp thời là bởi, những người phát ngôn ở các cơ quan công quyền hiện nay đều là kiêm nhiệm; chưa có bộ phận phát ngôn chuyên nghiệp. Thậm chí, trước nhiều thông tin, sự kiện, sự việc khác nhau, ai cũng có thể phát ngôn-cung cấp thông tin một cách tự phát. Có khi, việc phát ngôn còn nặng cảm tính, thiếu nhãn quan chính trị, thiếu độ chính xác hoặc bị mâu thuẫn với nhau… càng khiến thông tin rối ren, nhiễu loạn. Trong khi, kỹ năng của những người có trách nhiệm phát ngôn vẫn còn nhiều mặt hạn chế; khả năng và điều kiện thu thập, tổng hợp thông tin chưa đầy đủ, nắm bắt vấn đề chưa chắc chắn… dẫn đến thông tin dễ bị hiểu nhầm.

Hơn thế, một số tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phát ngôn, nhưng do nhiều nguyên nhân lại sinh ra biểu hiện “sợ chết vì cái miệng” nên chọn cách “im lặng là vàng”. Lại có nơi, vì một vài sai phạm nội bộ nên cố tình lấp liếm, giấu giếm khuyết điểm, không dám thẳng thừng phát ngôn, cung cấp thông tin chính xác đến với công chúng, dư luận… Sự im lặng không phải là phương cách hữu hiệu để xoa dịu dư luận mà ngược lại, điều đó còn nhen nhóm mầm mống cho sự nảy sinh tin đồn thất thiệt, suy diễn dẫn đến khó kiểm soát tâm trạng xã hội. Đến khi, ngọn lửa tiêu cực đã bùng cháy, dư luận rơi vào trạng thái bức xúc, thì giới chức năng mới hớt hải đi tháo gỡ, giải quyết theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Vấn đề đặt ra là phải trao quyền và gắn trách nhiệm đối với những người có trách nhiệm phát ngôn ở mỗi cơ quan. Phần việc này sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta xây dựng được một quy trình phát ngôn có hệ thống, hoạt động chuyên nghiệp, được bồi dưỡng về chuyên môn, có kỹ năng, kinh nghiệm xử lý, ứng phó trước các vấn đề, sự cố thông tin. Nên nhớ rằng: Thông tin chính thống đưa càng chậm, sự thật càng dễ bị xuyên tạc; thông tin chính thống càng lấp liếm, giấu giếm thì thông tin giả, thông tin bịa đặt càng có đất đua nhau nảy nở, làm vấy bẩn dư luận.

Vậy nên, việc trước mắt là phải thống nhất nhận thức ở mọi cấp, mọi ngành, nhất là những người đứng đầu, những người có thẩm quyền phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống. Dù thông tin được công khai có ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, sự nghiệp chính trị của một vài cá nhân thì nhất thiết phải sớm cung cấp một cách đầy đủ đến đời sống xã hội. Miễn là thông tin chính thống-miễn đó là đúng sự thật thì dù nội dung có cực đoan, tiêu cực hay xấu xí thì quần chúng cũng sẽ tiếp nhận bằng sự trân trọng, chia sẻ, cảm thông. Bằng không, “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra” và hậu quả, hệ lụy thì đã được phơi bày ra nhãn tiền. Đó là việc kẻ thù được dịp “đục nước béo cò”, lợi dụng chống phá sự nghiệp cách mạng. Đó là việc đời sống tinh thần xã hội gặp những bất an, rủi ro, nảy sinh tiêu cực. Đặc biệt là việc quần chúng sẽ dần mất niềm tin đối với tổ chức đảng, bộ máy cầm quyền và đội ngũ cán bộ… Những hệ quả ấy chắc chắn sẽ rất nguy hại và thật sự đau lòng. Vì vậy, chủ động cung cấp thông tin chính thống là việc cần thiết và cấp thiết.

 

Giám sát nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

         Giám sát là việc làm cần thiết đối với mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội, đặc biệt là đối với chính đảng của giai cấp vô sản, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam, chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam. ĐỔI MỚI, CHỦ ĐỘNG, KỊP THỜI

Để lãnh đạo đúng, trước hết Đảng “phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng”. Tuy nhiên, lãnh đạo đúng để đi đến thành công còn cần “Phải tổ chức sự thi hành cho đúng…. ” và “Phải tổ chức sự kiểm soát…”(1). Quy trình lãnh đạo này nhằm biến lý luận thành thực tiễn, đường lối, chính sách, nghị quyết đi vào cuộc sống. Mặt khác, nói về kiểm soát, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “1. Có kiểm soát như thế mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu. 2. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan. 3. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”(2) và “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(3). Kiểm soát ở đây chính là kiểm tra và giám sát, một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng.

Trong giám sát có nhiều hình thức khác nhau, ngoài sự giám sát từ trên xuống và từ dưới lên, giám sát trực tiếp và gián tiếp còn có giám sát từ trong ra và từ ngoài vào. Giám sát từ trong ra là sự giám sát trong nội bộ Đảng, trong nội bộ tổ chức, là sự tự giám sát chính mình. Giám sát từ ngoài vào là kết hợp với vai trò quản lý của Nhà nước, sự tham gia giám sát của các đoàn thể chính trị và nhân dân.

Trong thực hiện giám sát từ ngoài vào, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh sự tham gia giám sát của nhân dân. Người khẳng định: “Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”(4) hay “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là: người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân”(5).

Theo Hồ Chí Minh, giám sát của nhân dân không chỉ giúp cho lãnh đạo nắm chắc chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; kịp thời ngăn ngừa những khuyết điểm, sai lầm và giúp đỡ họ sửa chữa mà còn khơi dậy được tính tích cực, sức mạnh to lớn của nhân dân, củng cố uy tín của Đảng trước quần chúng. Thực hiện công tác giám sát trong Đảng một cách nghiêm ngặt kết hợp với giám sát bên ngoài của nhân dân sẽ góp phần làm cho Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh. Người viết:

“- Một mặt trong có Đảng kiểm tra đôn đốc.

– Một mặt có anh em ngoài kiểm tra đôn đốc.

Như thế đảng viên và cán bộ ngoài Đảng cùng được giáo dục. Nếu đảng viên không gương mẫu, người ngoài Đảng có thể nói là không xứng đáng. Hoặc anh em ngoài gương mẫu thì có thể đề nghị Đảng công nhận là đảng viên”(6).

Ngay khi Cách mạng Tháng Tám vừa mới thành công, chính quyền vừa mới được thành lập, Hồ Chí Minh đã nhận thấy một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện lên mặt làm quan cách mạng, cậy có chức quyền nhũng nhiễu nhân dân. Người đã đề nghị nhân dân tích cực tham gia giám sát, giúp đỡ Đảng, Chính phủ. Người chỉ rõ: “Có người làm quan cách mạng, chợ đỏ chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân, phì gia … Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ”(7). Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, phần “Cách lãnh đạo”, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề ra cho dân thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”(8).

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về giám sát có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng không những trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc mà còn trong công tác xây dựng Đảng giai đoạn hiện nay. Vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về giám sát, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn nhận thức và phát huy vai trò to lớn của giám sát trong công tác xây dựng Đảng. Công tác giám sát đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; bảo vệ đường lối, quan điểm, các nguyên tắc của Đảng; thúc đẩy xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng… góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng.

Trong thời gian gần đây, công tác giám sát có nhiều đổi mới, chủ động và kịp thời hơn, bám sát yêu cầu thực tiễn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là ở cấp Trung ương. Qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”(9).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát vẫn còn tồn tại những khuyết điểm, hạn chế cần sớm được khắc phục nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đặc biệt, một số cơ sở, công tác giám sát chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, còn mang tính hình thức, chưa quyết liệt, còn có hiện tượng nể nang, né tránh, đùn đẩy, trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp trên… Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Việc kiểm tra, giám sát thực hiện một số nghị quyết của Đảng chưa thường xuyên. Công tác kiểm tra ở một số nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm…; còn nhiều tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm nhưng chưa được phát hiện kịp thời”(10).

ĐỀ CAO VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA NHÂN DÂN

Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân. Sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng chính là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự có hiệu quả thì không thể thiếu sự tham gia đóng góp của nhân dân. Thực tiễn những năm vừa qua đã chứng minh, có nhiều vụ việc tiêu cực xảy ra trong nội bộ Đảng là do quần chúng nhân dân phát hiện. Đặc biệt, năm 2023 được xác định là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, càng đòi hỏi sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác giám sát của Đảng nhất thiết phải dựa vào dân, phát huy cao nhất sự tham gia, đóng góp của nhân dân. Đảng phải tạo mọi điều kiện và có thiết chế để nhân dân thực hành quyền giám sát hoạt động của Đảng; nội dung giám sát phải toàn diện bao gồm mọi hành vi liên quan đến phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong và năng lực công tác của cán bộ, đảng viên…

Thấm nhuần hơn nữa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giám sát từ ngoài vào, đặc biệt là vai trò giám sát của nhân dân, cần tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần phải tuyên truyền, giáo dục nhân dân về vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của mình trong xây dựng Đảng thông qua hoạt động giám sát. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói về giám sát của nhân dân trong cuộc vận động chống tham ô, lãng phí, quan liêu của cán bộ, đảng viên: “Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tội tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”(11). Mặt khác, “dân chúng không nhất luật như nhau. Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiền tiến, có lớp chừng chừng, có lớp lạc hậu”(12), người cán bộ phải nâng cao trình độ giác ngộ, dân trí của nhân dân, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của một bộ phận quần chúng chậm tiến, lạc hậu để họ thực hiện tốt vai trò, quyền và trách nhiệm giám sát đối với Đảng. Cần tránh thái độ thờ ơ, lảng tránh hoặc qua quýt cho xong việc hoặc thái độ lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên đề công kích, phá hoại tổ chức Đảng, hạ thấp uy tín của đảng viên.

Thứ hai, trong thực hiện giám sát phải phát huy dân chủ trong nhân dân. Dân chủ thể hiện quyền của người dân và nghĩa vụ của người dân: Nhân dân là chủ và Nhân dân làm chủ. Quyền và nghĩa vụ đó được quy định trong Hiến pháp, pháp luật. Nhưng để quyền đó được thực thi trong thực tế, để người dân có thể thực hiện quyền đó một cách thường xuyên, cần có những quy định rõ ràng cụ thể, có cơ chế thực hiện.Theo Hồ Chí Minh, muốn dân chúng tham gia bày tỏ ý kiến, cán bộ phải quan tâm, phải khéo léo khơi gợi cho người dân nói lên tiếng nói của mình, từ đó, gom góp lại, sắp đặt lại cho có thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành. Như vậy, vừa nâng cao trình độ của dân chúng, mà cũng nâng cao kinh nghiệm chuyên môn của mình. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải chú trọng phát huy vai trò của nhân dân thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, nhất là qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm kịp thời phát hiện ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cần tạo cơ chế để người dân nói lên tiếng nói của mình trong giám sát Đảng mà không sợ bị trả thù, trù úm, đồng thời cũng cần đấu tranh chống các thủ đoạn lợi dụng diễn đàn dân chủ để tuyên truyền cho những tư tưởng, mục đích cá nhân, gây hại cho Đảng và cho xã hội

Thứ ba, phát huy vai trò tích cực của dư luận xã hội. Dư luận xã hội là “luật bất thành văn” có tác động trong điều chỉnh các quan hệ xã hội, giáo dục, giám sát, tư vấn, phản biện và giải tỏa tâm lý xã hội. Dư luận xã hội chính là một kênh thông tin thể hiện sự quan sát, đánh giá của nhân dân đối với Đảng và cán bộ, đảng viên, góp phần vào việc xây dựng, củng cố Đảng; phòng chống nguy cơ suy thoái trong cán bộ, đảng viên. Sự nhìn nhận, đánh giá của dư luận xã hội góp phần giám sát các hoạt động của các tổ chức đảng và Nhà nước, các cán bộ của Đảng và Nhà nước, buộc họ phải làm việc phù hợp với lợi ích chung của xã hội, các quy định của Đảng và nhà nước. Trước các hiện tượng tiêu cực, các hành vi phạm và “lệch chuẩn” của cán bộ, đảng viên, thái độ phản ứng của dư luận xã hội tạo ra sức ép lớn đến suy nghĩ, hành động của mỗi người và có tác động nhất định trong việc thay đổi nhận thức, hành vi của họ.

Trong điều kiện hiện nay, cần định hướng cho dư luận xã hội về sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, cần chú ý đấu tranh, loại bỏ những dư luận có tác động tiêu cực, bảo thủ, kìm hãm hành vi tích cực và sự sáng tạo, nhất là dư luận tiêu cực xuất phát từ mục tiêu tự bào chữa của những phần tử cơ hội, tham nhũng, tiêu cực tạo nên hoặc thủ đoạn của các thế lực trong tạo dư luận xấu đề gây kích động trong nhân dân.

Thứ tư, Đảng và cán bộ, đảng viên phải thực sự tôn trọng nhân dân, phải nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình, thường xuyên lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, nghiêm túc sửa chữa, khắc phục khuyết điểm trước nhân dân. Hồ Chí Minh cho rằng, người lãnh đạo, quản lý phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình. Dựa vào quyền lực để lãnh đạo và quản lý nhất thời có thể đạt được mục đích nhưng về lâu dài có thể làm cho nhân dân e ngại, lo sợ, dẫn đến xa lánh và khinh ghét, không giành được sự tin tưởng, yêu mến, kính phục của họ. Hơn nữa, nhân dân là những người trí tuệ, thông minh, tài giỏi… Dân chúng “nhiều tai, nhiều mắt, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy”. Làm theo cách quần chúng, việc gì cũng phải hỏi ý kiến dân chúng, dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng để lãnh đạo là đúng đắn. Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn trở thành chi bộ “bốn tốt”, trước hết đảng viên phải gương mẫu, làm đúng chính sách, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe ý kiến của quần chúng thì mới được dân tin, dân phục, dân yêu”(13).

Có thể nói, phát huy vai trò giám sát của nhân dân chính là thực hiện tư tưởng “nước lấy dân làm gốc”, nhằm tổ chức, động viên nhân dân tham gia giám sát tổ chức đảng, đảng viên góp phần đưa công tác giám sát đi vào chiều sâu và thực chất và đạt hiệu quả cao./.

 

Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng

Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng

             Một trong những âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá nước ta của các thế lực thù địch, phản động là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng coi đây là “đột phá khẩu”, là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để xóa bỏ thành quả cách mạng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hướng lái Việt Nam đi theo con đường khác theo ý đồ của chúng.


Để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, các thế lực thù địch thời gian qua tập trung đưa ra nhiều lý lẽ, luận điệu khác nhau để tấn công, chống phá thành quả cách mạng nước ta. Đặc biệt, chúng rêu rao, xuyên tạc, bịa đặt thông tin để phủ nhận vai trò và hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhận định những âm mưu thâm độc này của các thế lực phản động, thù địch, TS.Nguyễn Minh Phương, Trưởng Bộ môn Việt Nam học, Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ: Có rất nhiều thông tin sai lệch, bịa đặt, bôi nhọ, nói xấu và phủ nhận vai trò của Đảng ta trên các trang mạng xã hội, mặc dù ngành chức năng của ta vẫn liên tục “phản pháo”, đưa ra những bằng chứng để khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong, nhân tố lãnh đạo, quyết định đưa cách mạng Việt Nam thành công qua 02 cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng của Nhân dân ta. Và ngày nay, Đảng tiếp tục lãnh đạo, chèo lái đưa đất nước tiến lên sánh vai ngang hàng với các nước trên thế giới.

“Với chiến thuật “Mưa dầm thấm lâu”, “thay đổi thường xuyên, liên tục”, phủ nhận vai trò, công lao to lớn của Đảng đối với đường lối cách mạng và quá trình đấu tranh giành lại độc lập, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ngày càng hùng mạnh, các thế lực phản động, thù địch muốn “lái” dư luận, nhất là thế hệ trẻ theo hướng nhạt dần, xa dần lý tưởng mà Đảng và các bậc tiền bối lãnh đạo của Đảng đã dày công vun xới, gieo mầm từ trước tới nay”- TS.Nguyễn Minh Phương khẳng định đồng thời cho biết thêm: Chúng cắt ghép, dàn dựng công phu, đưa ra nhiều thông tin, sự kiện, sự việc thiếu khách quan, không đúng sự thật để đánh lừa dư luận.

Cũng theo TS.Nguyễn Minh Phương, từ những điều không có thật hoặc chỉ một phần nhỏ sự thật, chúng cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Và một khi người đọc thiếu kiểm chứng, sẽ dần tin theo chúng hoặc có suy nghĩ, suy diễn lệch lạc, khác với bản chất sự thật, sự việc. Điển hình một ví dụ về vấn đề phủ nhận, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng là chúng cho rằng không thể làm trái quy luật bỏ qua chế độ tư bản được mà phải “phát triển Chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng”; Chủ nghĩa xã hội chính là bước quá độ từ nghèo nàn, lạc hậu tiến tới Chủ nghĩa tư bản, những mơ ước của Chủ nghĩa xã hội thì chính Chủ nghĩa tư bản đã thực hiện rồi… “Chúng công kích, tuyên truyền, phủ nhận nền tảng tư tưởng, nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng hiện nay; đề cao mô hình, thể chế nhà nước tư bản chủ nghĩa, tam quyền phân lập, tô hồng, ca ngợi sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học- công nghệ của Chủ nghĩa tư bản; đề cao các giá trị của phương Tây về tự do, dân chủ, nhân quyền, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa; đòi Đảng và Nhân dân ta xoá bỏ, không đi theo Chủ nghĩa Mác- Lênin, cứ lý thuyết nào đúng thì theo”- TS. Nguyễn Minh Phương cho biết.

Nhận định về âm mưu chống phá Đảng ta của các thế lực thù địch, PGS.TS Trần Thọ Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Cơ quan Thường trực tạp chí Cộng sản tại miền Trung- Tây Nguyên cho rằng: Trong thời gian qua, các phần thù địch, phản động, cơ hội chính trị còn liên kết, phát động các chiến dịch truyền thông trên các trang mạng xã hội. Trong đó, chúng xây dựng nên nhiều bài viết, nhiều video clip công kích, phủ nhận thành tựu đổi mới của đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Chúng cũng viện dẫn hết sức phiến diện, bôi đen thực tiễn sống động nhiều thành tựu phát triển của đất nước hiện nay khi cho rằng, nhiều đảng viên, lãnh đạo cấp cao của Đảng suy thoái, tham nhũng, tiêu cực phải ngồi tù là tất yếu bởi đường lối lãnh đạo độc đoán, độc quyền của Đảng. “Một đảng lãnh đạo là sai lầm; tham nhũng, tiêu cực sẽ không tránh khỏi bởi một đảng lãnh đạo, không có đảng đối lập để kiểm soát….”, từ đó quy chụp bản chất của chế độ đang ngày càng hiện rõ. Đồng thời thông qua những quy chụp này, chúng cho truyền bá tư tưởng chính trị đối lập, tác động đến quá trình ban hành chủ trương, chính sách của Đảng nhằm lồng ghép vào đó các quan điểm sai trái, làm lệch hướng phát triển đất nước ta. Chúng cũng sử dụng hệ thống “chân rết” kích động, chia rẽ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân toàn dân nhằm kích hoạt “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” ở Việt Nam.

Chia sẻ nhận định của mình về những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch chống phá, hạ thấp uy tín và phủ nhận vai trò của Đảng ta, Ths.Phạm Văn Hoà, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực 3 chỉ ra 04 “chiêu thức” mà chúng thường xuyên thực hiện. Thứ nhất là chúng phủ nhận vai trò của Đảng bằng cách xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng. Cho rằng nền tảng tư tưởng, tổ chức và hoạt động của Đảng ta theo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã lỗi thời, không phù hợp trong thế kỷ XXI. Muốn lãnh đạo đất nước đi lên thì phải thay đổi nền tảng lý luận khác, nếu không thì Đảng “không thể đảm đương được trách nhiệm lãnh đạo dẫn dắt dân tộc Việt Nam trong thời đại mới”.

“Chiêu trò” thứ hai là phủ nhận bằng cách xuyên tạc, phủ nhận những thành quả lịch sử vẻ vang của dân tộc do Đảng ta lãnh đạo. Cho rằng “Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cú ăn may lịch sử” do điều kiện thuận lợi từ bên ngoài; thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cuộc “nội chiến”, “nồi da nấu thịt” đến một lúc sẽ tự giải quyết!; quy chụp những hạn chế trong công cuộc đổi mới đất nước là do “chế độ một Đảng lãnh đạo”, nếu không “tiếm quyền” thì Việt Nam sẽ đứng trong hàng ngũ các nước phát triển từ lâu!

Thứ ba là phủ nhận bằng cách rêu rao, quy chụp sự suy thoái của một bộ phận cán bộ đảng viên, tệ quan liêu tham nhũng trong Đảng. Chúng lợi dụng công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta, cho rằng “cán bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng tham nhũng… và không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái thành công!”.

Thứ tư là phủ nhận bằng cách đòi thay đổi lực lượng nòng cốt, đội quân tiên phong của Đảng là gia cấp công nhân. Cho rằng, giai cấp công nhân đã hết vai trò lịch sử, hiện nay không đủ khả năng để lãnh đạo đất nước. “Đảng chỉ giỏi lãnh đạo trong chiến tranh, còn xây dựng kinh tế thì nên trao quyền cho lực lượng chính trị khác!”.

“Những quan điểm, luận điệu này dù chỉ là “bổn cũ soạn lại” nhưng đã bộc lộ dã tâm, mưu đồ đen tối, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và tiến tới lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa do Nhân dân ta xây dựng”- Ths.Phạm Văn Hoà nhận định.

Trước những luận điệu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng từ các thế lực phản động, thù địch, chúng ta đấu tranh bác bỏ bằng những luận cứ thật sự khoa học, để làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của chúng. Đồng thời, để không phụ lòng của Nhân dân đã trao trọn, gửi gắm niềm tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ths. Phạm Văn Hoà dẫn ra một số luận cứTrước hết, xuất phát từ luận điểm khách quan, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo của chính đảng vô sản trong tiến trình cách mạng. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng, giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến, hiện đại và cách mạng nhất, song chỉ có thể lãnh đạo cách mạng thắng lợi khi lập ra chính đảng để lãnh đạo, dẫn dắt phong trào cách mạng đấu tranh thoát khỏi áp bức, bóc lột và nô lệ để xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn. V.I Lênin, tiếp tục khẳng định “chỉ có Đảng Cộng sản mới có thể lãnh đạo được giai cấp vô sản… và lãnh đạo được đất nước. Đó là điều không phải nghi ngờ gì nữa”. Thấm nhuần nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.

Cùng với luận cứ trên, Ths.Phạm Văn Hoà chỉ rõ: Bản chất, mục tiêu, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là vì lợi ích của giai cấp công nhân, của Nhân dân và dân tộc Việt Nam. Bản chất của Đảng ta là tổ chức ưu tú của giai cấp công nhân, của Nhân dân và dân tộc Việt Nam. Mục tiêu lý tưởng và đường lối của Đảng luôn thống nhất với mục tiêu, lý tưởng của nhân dân và dân tộc Việt Nam. “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam là chính Đảng duy nhất lãnh đạo đất nước giành độc lập dân tộc, Nhân dân ấm no hạnh phúc.

“Một vấn đề nữa mà theo tôi, đấu tranh chống lại các quan điểm, luận điệu thâm độc của kẻ thù, chúng ta cũng phải dựa trên cơ sở nền tảng là năng lực, uy tín và đạo đức của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Đảng ta có đầy đủ phẩm chất chính trị, trí tuệ và năng lực lãnh đạo đất nước. Đảng ta có quan hệ gắn bó mật thiết với Nhân dân, từ nhân dân mà ra, phục vụ lợi ích cho nhân dân cho nên được nhân dân thừa nhận, ủy nhiệm vai trò dẫn dắt cách mạng và lãnh đạo đất nước. Cạnh đó, chúng ta cũng phải dựa trên thực tiễn cách mạng đã chỉ ra, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất cầm quyền lãnh đạo là một tất yếu lịch sử. Đầu thế kỷ XX, nhiều tổ chức Hội, Đảng ra đời nhưng không gánh vác được nhiệm vụ lịch sử giao phó, mà chỉ duy nhất Đảng Cộng sản do Hồ Chí Minh sáng lập là thành công. Đưa đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, để hôm nay “đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”- Ths.Phạm Văn Hoà nêu rõ.

Cũng theo Ths. Phạm Văn Hoà: Kinh nghiệm lịch sử và thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới chỉ ra không phải cứ nhiều đảng, đa nguyên thì đất nước mới phát triển, ổn định. Bài học nhãn tiền của Liên Xô và Đông Âu dẫn đến sụp đổ là buông lỏng, thỏa hiệp và xóa bỏ vai trò lãnh đạo của một Đảng duy nhất cầm quyền. Từ đó, các thế lực phản động nổi lên chống phá, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chính quyền và thay đổi chế độ xã hội.

Như vậy, cả lý luận và thực tiễn cho thấy, những quan điểm đòi phủ nhận vai trò duy nhất lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là sai trái, phản động và hết sức nguy hiểm. Việc đấu tranh bảo vệ vai trò duy nhất lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta là chính đáng, chính nghĩa và phù hợp với nguyện vọng, sự tin tưởng của Nhân dân./.

Bài, ảnh: Đình Tăng