18/2/23

MÔN HỌC LỊCH SỬ ĐANG ĐƯỢC ĐẶT LẠI ĐÚNG VỊ TRÍ

         Ngày 18/2 vừa qua, trong buổi chia sẻ về chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã chia sẻ sơ bộ dự thảo phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025. Theo đó, cùng với toán, văn và ngoại ngữ, lịch sử trở thành 1 trong 4 môn thi tốt nghiệp THPT.

Như vậy, sau những sửa đổi về chương trình THPT mới năm 2022 khi đưa môn lịch sử trở thành môn học bắt buộc thì Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp tục đưa môn học này trở thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc. Điều này đang được dư luận rất quan tâm và hoàn toàn ủng hộ khi trước đó, trong chương trình THPT mới, môn học lịch sử được xếp vào môn học tự chọn. Điều này gây ra phản ứng của dư luận và sau đó, Quốc hội đã ra nghị quyết và Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đã phải điều chỉnh lại chương trình này.

Sự lo lắng cho môn học lịch sử của dư luận là tín hiệu đáng mừng. Bởi tất cả các bậc phụ huynh đều lo lắng khi những đứa trẻ đều mù tịt về lịch sử nước nhà và khi mất gốc như vậy, những đứa trẻ đó còn đâu niềm tự hào về đất nước, về dân tộc mình nữa. Đã có thời kỳ, lịch sử được coi là môn phụ, được chính Bộ Giáo dục và đào tạo đưa thành môn học tự chọn. Nhưng chính dư luận đã giúp cho môn lịch sử trở lại vị trí xứng đáng của nó trong các môn học ở bậc học THPT.

Như chia sẻ của một em học sinh rằng các em không ngại học sử mà chính cách dạy lịch sử chưa hấp dẫn các em. Do vậy, cùng với mong muốn về việc đặt lại, coi trọng lại môn lịch sử thì Bộ Giáo dục và đào tạo, các nhà trường cùng các thầy cô giáo nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử. Nếu được như vậy thì chất lượng và ý nghĩa khi môn lịch sử trở thành môn học bắt buộc, môn thi bắt buộc mới đạt được mục tiêu mà chúng ta đề ra. Mong rằng những thay đổi trong tư duy quản lý liên quan môn lịch sử này sẽ giúp thế hệ trẻ ngày nay thêm yêu, thêm tự hào về quê hương đất nước.

 

0 nhận xét: